Điểm tin Văn bản mới số 41.2020

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Đã có Nghị định mới xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Nghị định này nêu rõ, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì bị xử phạt về từng hành vị trừ các trường hợp:

- Cùng một thời điểm người nộp thuế khai sai một hoặc nhiều chỉ tiêu trên các hồ sơ thuế của cùng một sắc thuế thì hành vi khai sai chỉ bị xử phạt về một hành vi khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế có khung phạt tiền cao nhất và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần;

- Cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần…

Trong đó, có thể kể đến một số vi phạm hành chính về hóa đơn, về thuế và mức phạt nổi bật như:

- Khai sai, khai không đầy đủ các chỉ tiêu liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế trong hồ sơ thuế: Phạt tiền từ 05 - 08 triệu đồng;

- Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp: Phạt tiền từ 08 - 15 triệu đồng;

- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn: Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Lao động-Tiền lương
Người lao động tố cáo được bảo vệ việc làm từ ngày 01/12/2020

Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn bảo vệ việc làm người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động ngày 15/10/2020.

Điều 7 Thông tư này nêu rõ, người sử dụng lao động không được phân biệt đối xử về việc làm với người được bảo vệ. Đồng thời, cũng không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người này.

Trong đó, người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động, thân nhân của người tố cáo bao gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động.

Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng phải kịp thời, đầy đủ thực hiện các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Bên cạnh đó, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phải giám sát người sử dụng lao động trong việc chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định biện pháp bảo vệ.

Nếu người sử dụng lao động không chấp hành thì Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện hợp pháp khác của người lao động tại cơ sở phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động và báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.

Thay đổi mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp từ 15/10/2020

Quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp mới được Chính phủ ban hành tại Nghị định 122/2020.

Tại Điều khoản thi hành Nghị định này quy định như sau:

Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định này thay thế cho các Phụ lục từ I-1 đến I-5 và Phụ lục II-11 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp./.

Như vậy, từ ngày 15/10/2020 - ngày Nghị định 122 được ban hành và có hiệu lực thi hành, các Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh được thực hiện theo mẫu mới.

Quý khách hàng có thể xem thêm 5 mẫu Giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp theo Nghị định 122

Y tế-Sức khỏe
Đến năm 2030, 100% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ

Đây là mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 về việc phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.

Cụ thể, đến năm 2025, 70% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm; 95% người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe và đạt 100% vào năm 2030.

Đồng thời, Thủ tướng cũng đặt mục tiêu đến 2030, 90% người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ…

Đặc biệt, 100% người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ đưa ra một số giải pháp và nhiệm vụ nổi bật như:

- Nâng cao năng lực cho các bệnh viện trừ bệnh viện chuyên khoa nhi thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới;

- Xây dựng, triển khai các mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày; xã, phường, thị trấn thân thiện với người cao tuổi; Trung tâm dưỡng lão theo hình thức phù hợp; ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua mạng xã hội, internet…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 13/10/2020.

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Công đoàn TP. HCM tặng quà Tết cho giáo viên khó khăn vì Covid-19

Công đoàn ngành Giáo dục TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch số 213/KH-CĐGD về việc tổ chức chăm lo Tết 2021 cho cán bộ, nhà giáo và người lao động thành phố.

Theo đó, về kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết 2021 cho Đoàn viên công đoàn, cán bộ, nhà giáo và người lao động, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, công đoàn cơ sở phối hợp lãnh đạo cơ quan, người sử dụng lao động tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà Tết cho nhà giáo hoàn cảnh khó khăn hoặc do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, mức chăm lo căn cứ vào nguồn tài chính công đoàn của đơn vị, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, đối tượng được chăm lo phải được công khai tại cơ quan, đơn vị, thấp nhất là 500.000 đồng/trường hợp.

Ngoài ra, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được xác định bằng các tiêu chí:

- Bị bệnh nan y, hiểm nghèo, bị tai nạn lao động mà gia đình có thu nhập thấp;

- Có vợ hoặc chồng hoặc con mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại cơ sở y tế hoặc điều trị ngoại trú;

- Nữ đoàn viên công đoàn, nhà giáo, người lao động đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập;

- Nữ đoàn viên công đoàn, nhà giáo, người lao động có chồng, con đang làm nhiệm vụ ở hải đảo, không được về quê ăn Tết;

- Có hoàn cảnh khó khăn (vợ hoặc chồng) đang làm việc tại đơn vị không thưởng Tết hoặc có gia đình ở quê trực tiếp bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt không về quê đón Tết...

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Ý kiến của Chính phủ về sách giáo khoa lớp 1 mới

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về sách giáo khoa mới đã được tổng hợp tại Thông báo 362/TB-VPCP do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 14/10/2020.

Theo Phó Thủ tướng, giáo dục là quốc sách hàng đầu và liên quan tới mọi gia đình nên trong quá trình đổi mới luôn có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện cần được trân trọng, nghiên cứu tiếp thu, phản ảnh với tinh thần thực sự cầu thị, khoa học.

Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên sử dụng sách giáo khoa lớp 1 mới. Vừa qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều có nhiều điểm không phù hợp. Tuy nhiên, các ý kiến này chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phản hồi kịp thời.

Vì thế, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường chỉ đạo nghiên cứu các ý kiến góp ý, có quyết định kịp thời, phù hợp theo đúng thẩm quyền tại Điều 32 Luật Giáo dục 2019 để bảo đảm chất lượng của sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu bảo đảm mục tiêu giáo dục.

Đồng thời, cần rà soát ngay các quy định liên quan tới chương trình, sách giáo khoa; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để huy động, phát huy đội ngũ giáo viên, nhà khoa học, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến với sách giáo khoa mới…

Mức lương giảng viên cao đẳng sư phạm đến 11,92 triệu đồng/tháng

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 01/10/2020 quy định cách xếp lương với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập.

Theo đó, giảng viên giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm gồm 03 chức danh: Giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I); Giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II) và Giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III) và được xếp lương cụ thể như sau:

Đơn vị: Triệu đồng/tháng

Nhóm ngạch

Bậc 1

Bậc 2

Bậc 3

Bậc 4

Bậc 5

Bậc 6

Bậc 7

Bậc 8

Bậc 9

Giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I)

Hệ số lương

6.2

6.56

6.92

7.28

7.64

8.00

 

 

 

Lương

9.238

9.7744

10.3108

10.8472

11.3836

11.92

 

 

 

Giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II)

Hệ số lương

4.40

4.74

5.08

5.42

5.76

6.10

6.44

6.78

 

Lương

6.556

7.0626

7.5692

8.0758

8.5824

9.089

9.5956

10.1022

 

Giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III)

Hệ số lương

2.34

2.67

3.00

3.33

3.66

3.99

4.32

4.65

4.98

Lương

3.4866

3.9783

4.47

4.9617

5.4534

5.9451

6.4368

6.9285

7.4202

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/11/2020.

Tài nguyên-Môi trường
Thủ tướng đồng ý hỗ trợ mỗi tỉnh miền Trung gặp lũ 100 tỷ đồng

Đây là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực về tình hình mưa lũ và xử lý khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền Trung nêu trong Thông báo số 363/TB-VPCP.

Tại cuộc họp ngày 19/10/2020, sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất như sau:

- Trước mắt tạm cấp từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và an sinh xã hội. Các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, phân bổ, sử dụng số kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đối tượng;

- Xuất gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ 05 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo để cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ. Đặc biệt, yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo xuất cấp ngay;

- Hỗ trợ lương khô cho các địa phương có kiến nghị hỗ trợ;

- Xuất phương tiện, trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn để kịp thời hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn;

- Kịp thời hỗ trợ các địa phương về thuốc chữa bệnh, hóa chất khử trùng, khử khuẩn, xử lý môi trường, vắc xin, giống cây trồng để khôi phục sản xuất.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, ổn định đời sống nhân dân với tinh thần là không để dân đói, không được để dân rét, không để dân không có chỗ ở…

Thông báo này được ban hành ngày 19/10/2020.

Hành chính
Chi phí ủng hộ dịch Covid-19 được trừ khi xác định thuế TNDN

Đây là nội dung được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 149/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09/2020, ban hành ngày 10/10/2020.

Về việc coi các khoản đóng góp, ủng hộ trong hoạt động chống dịch Covid-19 là chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 175/TTr-BTC, cho phép coi các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội nội dung này.

Về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, Chính phủ thống nhất thông qua sự cần thiết, mục tiêu, định hướng và nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.