Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Cục Thuế TP. Hà Nội vừa ra Công văn 86125/CT-TTHT trả lời vướng mắc liên quan đến việc đóng dấu trên hóa đơn.
Cụ thể, Công văn nêu rõ, trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến ngày 31/10/2020, trường hợp cơ quan thuế chưa thông báo Công ty chuyển đổi để sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP và theo hướng dẫn tại Thông tư 68/2019/TT-BTC thì công ty vẫn áp dụng hóa đơn theo quy định Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 04/2014/NĐ-CP.
Theo đó, trường hợp Thủ trưởng đơn vị ủy quyền cho cấp dưới (Phó tổng giám đốc, Trưởng phòng thị trường, Cửa hàng trưởng…) ký thừa quyền tại tiêu thức “Thủ trưởng đơn vị” trên hóa đơn thì: Khi lập hóa đơn, người được ủy quyền ký thừa ủy quyền tại tiêu thức “Thủ trưởng đơn vị”, ghi rõ họ tên và đóng dấu của đơn vị theo ủy quyền.
Ngày 08/10/2020, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 3856/UBND-VX yêu cầu cơ quan, đơn vị và người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới.
Đáng chú ý, tại Công văn này, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng nhằm không để xảy ra “làn sóng dịch bệnh thứ 03” trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch cũng như xử lý các trường hợp vi phạm.
Một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh được nêu tại văn bản này gồm:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn;
- Hạn chế tụ tập đông người nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc;
- Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly…
Đặc biệt, các cơ quan này phải đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt “Thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”.
Tại Điều 6 Nghị định 120/2020/NĐ-CP về thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ đã quy định cụ thể số lượng cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị; các đơn vị khác được thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị; các đơn vị khác được bố trí không quá 03 người.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên:
+ Số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị;
+ Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan thuộc Chính phủ; Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có từ 20 người làm việc là viên chức trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó; có trên 20 người làm việc là viên chức được bố trí không quá 03 cấp phó;
+ Còn lại, được bố trí không quá 02 cấp phó.
Về khung số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
- Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: số lượng cấp phó thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng;
- Đối với phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Có từ 07 đến 09 người làm việc là viên chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng; có từ 10 người làm việc là viên chức trở lên được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng.
Ngày 05/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 8305/VPCP-NC gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về việc xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.
Theo Văn phòng Chính phủ, bản tin kinh tế - xã hội ngày 24/9/2020 trích dẫn phản ánh của VTV như sau:
"Trên mạng xã hội tràn lan những video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền. Đáng ngại là những video nhảm nhí này thu hút hàng triệu người, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống, thậm chí cả nhân cách của trẻ em, phần nào kéo văn hóa nghe - xem của xã hội đi xuống. Thế nhưng vì nhiều lý do, những nội dung này vẫn xuất hiện tràn lan khó kiểm soát".
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Công an chỉ đạo, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý.
Nghị định 119/2020/NĐ-CP do Chính phủ mới ban hành quy định khá chi tiết về các mức phạt liên quan đến vi phạm về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san.
Cụ thể, Điều 8 của Nghị định quy định phạt từ 05 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Minh họa, đặt tiêu đề tin bài không phù hợp nội dung thông tin làm người đọc hiểu sai nội dung thông tin;
- Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng;
- Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
Trước đây, tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP, mức phạt đối với các hành vi nêu trên chỉ từ 01 - 03 triệu đồng.
Nghị định cũng tăng mức phạt từ 05 - 10 triệu đồng (theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP) lên từ 10 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Đăng, phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam;
- Đăng, phát thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan;
Riêng các hành vi tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân nhưng không được sự đồng ý của cá nhân đó; Đăng, phát thông tin xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín của cá nhân trước đây chỉ bị phạt từ 01 - 03 triệu đồng, thì Nghị định 119 quy định mức phạt lên đến 10 - 30 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định này, phạt từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Miêu tả tỉ mỉ hành vi tội ác, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh;
- Đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng;
- Đăng phát thông tin về thân nhân, các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh các thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nghị định 119/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 07/10/2020, có hiệu lực từ ngày 01/12/2020.
Đây là nội dung được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 149/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 09/2020, ban hành ngày 10/10/2020.
Về việc coi các khoản đóng góp, ủng hộ trong hoạt động chống dịch Covid-19 là chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ thống nhất đề nghị của Bộ Tài chính tại Tờ trình số 175/TTr-BTC, cho phép coi các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội nội dung này.
Về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, Chính phủ thống nhất thông qua sự cần thiết, mục tiêu, định hướng và nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng.
Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.
Ngày 02/10/2020, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định 276/QĐ-CA về việc công bố 02 án lệ giải quyết vụ án dân sự.
02 án lệ này gồm:
- Án lệ số 38/2020/AL: Sau khi tài sản là quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đã được phân chia bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì có người khác khởi kiện đòi quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đó. Trường hợp này, Tòa án không thụ lý vụ án mới. Người có yêu cầu đòi quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định.
- Án lệ số 39/2020/AL: Người thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (bên bán) cam kết sau khi mua hóa giá nhà của Nhà nước sẽ chuyển nhượng quyền sở hữu nhà cho bên mua. Bên bán đã nhận tiền và giao nhà cho bên mua nhưng sau đó Nhà nước không hóa giá và không công nhận quyền sở hữu nhà. Trường hợp này phải xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà là giao dịch dân sự có điều kiện nhưng vô hiệu do điều kiện của hợp đồng không thể xảy ra.
Các Tòa án có trách nhiệm áp dụng án lệ trong xét xử từ ngày 15/11/2020.
Ngày 07/10/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 8393/VPCP-NC về việc sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp điện tử trong Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD.
Cụ thể, xét Báo cáo số 854/BC-BCA-BTTTT ngày 16/9/2020 về việc sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
- Giao Bộ Công an hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của mình vào chíp điện tử trong thẻ CCCD để sử dụng thẻ CCCD đa mục đích, tiết kiệm, hiệu quả;
- Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động triển khai tích hợp ứng dụng, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD trong các lĩnh vực công tác. Đồng thời xây dựng các ứng dụng nền tảng để đưa vào chíp trước khi cấp CCCD cho công dân.
Trước đó, tại Quyết định số 1368/QĐ-TTg ngày 03/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD thống nhất trên toàn quốc với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.696 tỷ đồng từ năm 2020 đến năm 2022.
Đây là dự án hướng tới việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về CCCD, nhằm xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.
Mới đây, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Công văn 4809/UBND-SNV về việc thực hiện Nghị định 107/2020/NĐ-CP và Nghị định 108/2020/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn.
Tại Công văn này, Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện các quy định sau:
- Đối với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:
+ Tạm dừng việc bổ nhiệm mới cấp phó trưởng phòng thuộc Sở, thuộc Chi cục và tương đương; cấp phó phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã cho đến khi Ủy ban nhân dân Thành phố hoàn thành việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã;
+ Trong trường hợp cấp bách, cần thiết phải bổ nhiệm mới cấp phó nêu trên, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải xây dựng phương án cụ thể để đảm bảo số lượng cấp phó không vượt quá quy định tại Nghị định 107/2020/NĐ-CP, Nghị định 108/2020/NĐ-CP.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện thị xã:
Đề nghị thực hiện việc bổ nhiệm mới cấp phó của người đứng đầu theo tinh thần của Nghị định 107/2020/NĐ-CP và Nghị định 108/2020/NĐ-CP đã nêu ở trên, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ quy định cụ thể số lượng cấp phó của người đứng đầu các đơn vị khi phê duyệt lại Đề án vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định 106/2020/NĐ-CP.
- Đối với trường hợp thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã đã có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu:
Nếu cơ quan, đơn vị có nhu cầu kiện toàn cán bộ lãnh đạo phải thực hiện nghiêm theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Quyết định 205-QĐ/TW: “Kể từ khi có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyến công tác, phải báo cáo bằng văn bản và phải được cấp trên trực tiếp đồng ý trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp"; báo cáo, xin ý kiến của Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Nội vụ) trước khi thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1004 thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh.
Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Đây là cơ quan tương đương Sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND cấp tỉnh; có chức năng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và HĐND…
Cơ quan này có Chánh Văn phòng và không quá 03 Phó Chánh Văn phòng. Các Phó Chánh Văn phòng giúp Chánh Văn phòng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công.
Biên chế công chức của Văn phòng này nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do HĐND cấp tỉnh quyết định.
Chế độ làm việc của Văn phòng được thực hiện theo chế độ thủ trưởng kết hợp với chế độ chuyên viên. Chánh Văn phòng là người đứng đầu, điều hành công việc chung của Văn phòng, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Văn phòng.
Đặc biệt, quy chế làm việc của Văn phòng sẽ do Chánh Văn phòng ban hành.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.