Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Để tạo điều kiện cho công tác triển khai, tuyên truyền, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 4409 giới thiệu những điểm mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Theo đó, 18 nội dung mới về giao dịch điện tử tại Thông tư 66/2019 được Tổng cục Thuế nêu trong Phụ lục gồm:
- Nhiều nội dung trước đây chưa được quy định thì nay Thông tư 66 đã bổ sung như: Sửa đổi chứng từ điện tử, chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy và ngược lại; Có thể lựa chọn nơi nộp hồ sơ giấy khi Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế bị lỗi…
- Quy định rõ ràng, chi tiết hơn một số nội dung như: Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử; Thời gian cụ thể nộp từng hồ sơ thuế điện tử; Người nộp thuế chỉ được thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế sau khi được thông báo chấp nhận cấp tài khoản giao dịch điện tử…
- Giảm thời hạn cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ và trả thông báo không chấp nhận cho người nộp thuế khi hồ sơ có sai sót từ 03 ngày xuống còn 02 ngày để người nộp thuế kịp thời nộp hồ sơ khác;
- Về biểu mẫu: Sửa đổi 05 biểu mẫu, bãi bỏ 02 biểu mẫu ban hành kèm Thông tư 110/2015/TT-BTC và bổ sung thêm 03 biểu mẫu mới…
Thời gian qua có nhiều ý kiến phản ánh về vướng mắc trong quá trình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, ngày 30/10/2019, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6403 kịp thời hướng dẫn giải quyết tình trạng này.
Theo đó, Công văn tổng hợp và hướng dẫn thực hiện 07 vướng mắc gồm:
- Các Khoa điều trị nội trú đều nằm ngoài khuôn viên Bệnh viện đa khoa huyện hoặc Trung tâm y tế huyện khiến cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) không có cơ sở để thanh toán chi phí điều trị nội trú;
- Cơ quan BHXH chưa có cơ sở để ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT năm 2019 cho Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 do bệnh viện này được cấp Giấy phép hoạt động với hình thức Khoa khám bệnh đa khoa là chưa đúng quy định;
- Bệnh viện Trường đại học Y khoa - Đại học Thái nguyên và Bệnh viện đại học Y Thái Bình không đảm bảo 50% bác sĩ cơ hữu khám chữa bệnh tại các bệnh viện trực thuộc Trường Đại học Y;
- Cơ quan BHXH không có đủ cơ sở để xác định bác sĩ đa khoa hành nghề với phạm vi chuyên môn nào là đúng quy định;
- Y tá hoặc trợ lý y khoa của Khoa Thận nhân tạo phải có chứng chỉ đào tạo 06 tháng về kỹ thuật lọc máu nhưng thực tế chỉ được cấp chứng chỉ đào tạo 03 tháng. Đồng thời các bệnh viện hiện nay cũng chỉ thực hiện nội dung, chương trình đào tạo 03 tháng về quy trình chạy thận nhân tạo…
Ngày 26/10/2019, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 9747/VPCP-CN yêu cầu rà soát, xử lý việc cấp văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận trái quy định pháp luật.
Do trong thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện tình trạng tổ chức, cá nhân đăng tin, giới thiệu về việc cung cấp, trao đổi, mua bán văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận ngoại ngữ, tin học, giấy khám sức khỏe… và làm thuê luận văn, luận án tốt nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.
Do đó, để xóa bỏ hoạt động này, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu:
- Rà soát, chấn chỉnh việc đào tạo, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận và có biện pháp xử lý nghiêm với tổ chức, cá nhân vi phạm;
- Rà soát trên các trang mạng xã hội nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có hành vi giới thiệu, mua bán, trao đổi các loại giấy tờ nêu trên, kể cả làm thuê luận văn, luận án tốt nghiệp...
Kết quả thực hiện, các Bộ, ngành có liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2019.
Để giảm tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố do việc sử dụng than, bếp than tổ ong, ngày 30/10/2019, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15.
Theo đó, trong nhiều năm qua, việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh đã tạo ra chất thải, khí thải gây tác động xấu đến môi trường không khí, không đảm bảo an toàn phòng, cháy chữa cháy...
Do đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, thành phố đưa ra một số giải pháp theo lộ trình:
- Đến ngày 31/12/2019: Thông báo đến mọi tầng lớp dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm, bản, làng sẽ loại bỏ toàn bộ việc dùng than tổ ong làm nhiên liệu sinh hoạt, kinh doanh trên địa bàn thành phố;
- Từ ngày 30/10/2019 đến 31/12/2020: Hỗ trợ để chuyển từ sử dụng than, bếp than tổ ong sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng;
- Từ 01/01/2021: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với các hành vi gây ô nhiễm do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu;
- Sau ngày 01/01/2021: Công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của thành phố các địa phương, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh thực hiện tốt việc không dùng bếp than tổ ong cũng như các trường hợp vi phạm;
Ngoài ra, các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn còn thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của cá nhân, tổ chức khi phát hiện tình trạng sử dụng than tổ ong…
Chỉ thị này được ban hành ngày 30/10/2019.
Nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy, ngày 25/10/2019, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND.
Theo đó, TP. Hà Nội yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn phải thực hiện cắt giảm sử dụng túi ni lông, nhựa dùng một lần, đặc biệt là tại các cuộc họp, hội nghị, cụ thể:
- Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại nơi làm việc;
- Không sử dụng nước uống đóng chai nhựa có thể tích từ 330 ml - 500ml trong công sở và khi tổ chức cuộc họp, hội nghị, hội thảo; phải chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn hơn 20 lít hoặc sử dụng các vật liệu khác thân thiện với môi trường;
- Đẩy mạnh thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần;
- Khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế từ chất thải túi ni lông khó phân hủy đặc biệt trong đầu tư xây dựng các công trình công cộng;
- Đến ngày 31/12/2020, giảm tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa trên địa bàn thành phố…
Trước tình trạng các trang thông tin điện tử hoạt động như cơ quan báo chí gây nhầm lẫn cho độc giả, ngày 29/10/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông ra Công văn 3835 chấn chỉnh hoạt động của các trang này.
Theo đó, từ ngày 01/11/2019, sẽ tạm dừng cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp với đối tượng là doanh nghiệp và các cơ quan báo chí để rà soát, chấn chỉnh cũng như xử lý sai phạm.
Đồng thời, những trang đang hoạt động sử dụng tên trang, tên miền có từ ngữ dễ gây nhầm lẫn là cơ quan báo chí như Báo, Tạp chí, Tin, Tin tức, News, Times, Online, Daily… thì phải thay đổi ngay.
Bên cạnh đó, mỗi trang thông tin điện tử tổng hợp đều phải thể hiện đường dẫn truy cập tin, bài gốc (link) ngay dưới tin, bài mà trang đăng lại từ các báo.
Đặc biệt, các trang phải có thỏa thuận bằng văn bản với cơ quan báo chí (không chấp nhận thỏa thuận bằng miệng) về việc cho phép trang thông tin điện tử tổng hợp được dẫn lại tin bài.
Văn bản thỏa thuận trích dẫn nguồn tin phải được nộp về cơ quan cấp phép trước ngày 15/11/2019. Sau thời gian này, nếu trang nào tổng hợp tin bài từ nguồn tin không có thỏa thuận bằng văn bản sẽ bị xử lý nghiêm.
Ngoài ra, sẽ không xem xét cấp phép đối với những trang thông tin điện tử tổng hợp có tên miền thuộc địa phương khác, không cho phép trang của địa phương tổng hợp tin về địa phương khác.
Cùng với đó là xử lý triệt để mọi hành vi lợi dụng trang thông tin điện tử tổng hợp để hoạt động như báo điện tử, tạp chí điện tử, cung cấp thông tin có xu hướng giật gân, câu khách, vi phạm bản quyền và các quy định về sở hữu trí tuệ.
Đây là nội dung mới được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 48/2019/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 15/10/2019 về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (CCCD).
Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11 năm 2016. Trong đó phải kể đến một số điểm nổi bật như:
- Với Chứng minh nhân dân (CMND) bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì thu, hủy CMND đó và hoàn thiện hồ sơ theo quy định (trước đây không đề cập đến);
- Thu và cắt góc CMND, hoàn thiện hồ sơ và trả lại cho công dân trong trường hợp công dân đăng ký nhận thẻ CCCD qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu;
- Nhập thông tin về loại cấp thẻ CCCD, thông tin nhân thân của công dân trực tiếp từ Tờ khai hoặc qua thiết bị thu nhận thông tin (công dân đăng ký trực tuyến), tả và nhập thông tin về đặc điểm nhận dạng…
Đặc biệt: Hiện nay nếu công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD sẽ được đồng thời điều chỉnh thông tin trong sổ hộ khẩu nếu:
- Thực hiện cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD tại cơ quan quản lý CCCD cấp huyện;
- Công an cấp huyện có thẩm quyền điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu;
- Công dân xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2019.
Những ngày qua đã xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, trật tự. Trước tình hình đó, ngày 28/10/2019, Văn phòng Chính phủ ra Công văn 9806/VPCP-NC ngăn chặn, xử lý các hoạt động này.
Đáng chú ý, bên cạnh hình thức kinh doanh đa cấp, chuyển nhượng đất, thời gian gần đây còn gia tăng hình thức lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông như tin nhắn trúng thưởng; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo…
Để ngăn chặn những hành vi này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.
Bên cạnh đó, cơ quan công an phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thiết lập đường dây nóng tại các địa phương để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân khi bị các đối tượng lừa đảo.
Đồng thời, rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh lừa đảo, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện quy định của pháp luật; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để cũng như xử lý nghiêm những hoạt động lừa đảo này.
Những năm qua đã có không ít trường hợp lợi dụng, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Để hạn chế tình trạng này cũng như nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, ngày 26/10/2019, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị 98/CT-BQP.
Theo Chỉ thị này, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn đó những hạn chế như chất lượng công dân nhập ngũ của một số địa phương chưa cao; tỷ lệ trốn tránh nghĩa vụ vẫn còn nhiều; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ mới chưa tốt, còn để xảy ra vụ việc nghiêm trọng…
Chính vì vậy, thời gian tới, công tác tuyển quân sẽ chú trọng tuyển chọn, gọi nhập ngũ những công dân tốt nghiệp cao đẳng, đại học và con em đồng bào dân tộc ít người, không để “xã trắng” trong tuyển quân.
Mỗi địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo phải nắm chắc số lượng, chất lượng nguồn công dân sẵn sàng nhập ngũ, làm cơ sở để phân bố chỉ tiêu tuyển quân hàng năm, gắn với địa bàn dự bị động viên và tạo nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Trong suốt thời gian tuyển quân, các đơn vị quân đội phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về nghĩa vụ quân sự; khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào là chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; động viên công dân trong độ tuổi tự giác lên đường nhập ngũ…
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.