Điểm tin Văn bản mới số 39.2021

Điểm tin văn bản

Lao động-Tiền lương
Từ 04/10, NLĐ có thể đi lại giữa TP. HCM và 4 tỉnh lân cận

Ngày 01/10/2021, UBND TP. HCM đã có Công văn khẩn 3252/UBND-ĐT về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động di chuyển, khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn.

UBND TP. HCM đã gửi phương án tổ chức cho người lao động di chuyển giữa TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh để lấy ý kiến. Nếu phương án này được thống nhất, từ ngày 04/10/2021, người lao động sẽ được đi lại giữa TP. HCM và 04 tỉnh lân cận trên theo hướng dẫn.

Theo phương án được gửi lấy ý kiến 04 tỉnh, đối tượng vận chuyển là: Công nhân, chuyên gia do các doanh nghiệp tổ chức đưa đón từ các tỉnh đến trụ sở sản xuất đóng trên địa bàn Thành phố và ngược lại.

Công nhân, chuyên gia khi di chuyển phải đáp ứng điều kiện:

-  Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 06 tháng hoặc đã tiêm vắc xin Covid-19 ít nhất 01 mũi sau 14 ngày; 

- Có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, định kỳ 07 ngày/lần.

Đối với tiêu chí an toàn trong hoạt động vận tải, phương án nêu:

- Lái xe, người phục vụ là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 06 tháng hoặc đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ít nhất 01 mũi sau 14 ngày;

- Có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần). 

Ngoài ra, xe vận chuyển còn tuân thủ một số tiêu chí phòng dịch thuộc lĩnh vực vận tải như: Trang bị dung dịch khử khuẩn, mức độ thông thoáng phương tiện, bảng khuyến cáo phòng chống dịch...

Trường hợp sử dụng xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy), người ngồi trên xe cần đáp ứng điều kiện:

- Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 06 tháng hoặc đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 ít nhất 01 mũi sau 14 ngày; 

- Có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính định kỳ 7 ngày/lần.

Người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).

Trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ: Là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 06 tháng, đã tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ít nhất 01 mũi sau 14 ngày.

Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp. 

Đã có Quyết định hướng dẫn nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 116

Ngày 01/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Theo đó, trình tự thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 như sau:

Đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp

- Cơ quan BHXH lập danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ gửi người sử dụng lao động để người lao động xác nhận thông tin nhận hỗ trợ.

Chậm nhất đến hết ngày 20/10/2021, cơ quan bảo hiểm xã hội phải gửi xong danh sách đến tất cả người sử dụng lao động và công khai thông tin người thuộc đối tượng hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của cơ quan BHXH cấp tỉnh.

- Người sử dụng lao động công khai, đối chiếu danh sách do cơ quan bảo hiểm gửi đến. Sau đó, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện danh sách kèm theo hồ sơ theo quy định, gửi cơ quan BHXH.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người lao động đúng, đủ thông tin và trong 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách người lao động điều chỉnh thông tin do người sử dụng lao động gửi đến, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động.

Đối với người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

- Người lao động đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện nơi người lao động có nhu cầu nhận hỗ trợ theo Mẫu số 04. Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ của người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động, thời gian hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021. 

Phương thức thực hiện thông qua một trong các hình thức sau:

- Thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

- Thông qua Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam hoặc các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN.

- Thông qua dịch vụ bưu chính.

- Thông qua ứng dụng VssID.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Nếu có thắc mắc về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116, bạn đọc liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

Tài chính-Ngân hàng
Xổ số miền Nam dự kiến phát hành lại từ ngày 22/10/2021

Ngày 01/10/2021, Ban thường trực Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đã có Công văn 46/CV-KVMN về báo cáo xin chủ trương của Chủ sở hữu về hoạt động kinh doanh xổ số trở lại.

Theo đó, để từng bước phục hồi lại hoạt động kinh doanh xổ số trong khu vực miền Nam, các công ty thành viên đã thống nhất dự kiến bắt đầu hoạt động trở lại từ ngày 22/10/2021.

Các công ty thành viên sẽ tiến hành báo cáo chủ sở hữu về việc xin phép hoạt động kinh doanh xổ số trở lại vào ngày 22/10 như dự kiến. Tuỳ vào tình hình dịch bệnh tại các địa phương, chủ sở hữu sẽ quyết định phương thức kinh doanh xổ số cụ thể, phù hợp.

Nhằm bảo vệ sức khoẻ và tạo sự an tâm đối với khách hàng, Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đề nghị các công ty thành viên đề xuất chủ sở hữu xem xét tiêm vắc xin Covid-19 cho hệ thống các đại lý và người bán vé số dạo trước khi hoạt động kinh doanh xổ số trở lại. 

Sau gần 3 tháng phải tạm dừng do dịch bệnh, tính đến ngày 22/10, mỗi công ty thành viên xổ số kiến thiến khu vực miền Nam đã tạm dừng phát hành 15 kỳ xổ số.

Văn bản này được gửi tới các công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam. Ban thường trực Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đề nghị các công ty thành viên sớm báo cáo và xin ý kiến chủ sở hữu về các nội dung trên.

Nếu có vướng mắc về bài viết, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Y tế-Sức khỏe
Chỉ thị mới về phục hồi sản xuất tại các khu công nghiệp

Ngày 03/10/2021, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg về phục hồi sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống Covid-19.

Theo đó, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- Các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể (có thể hình thành nhiều tổ công tác) để triển khai kế hoạch, thông qua phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động phối hợp với Bộ Y tế để phân bổ kịp thời vắc xin tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp; xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết để phục vụ đời sống người lao động; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý và thống nhất phương án di chuyển của người lao động giữa các địa phương…

- Bộ Y tế khẩn trương ban hành các quy định cụ thể về giãn cách, xét nghiệm trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quy định về điều kiện sản xuất và cách thức xử lý khi phát hiện người lao động nhiễm Covid-19.

Tổ chức phân bổ kịp thời vắc xin cho các địa phương để tiêm phòng cho người lao động tại các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận kịp thời nguồn cung cấp kit xét nghiệm để các doanh nghiệp chủ động về vật tư y tế trong kiểm soát phòng, chống dịch.

- Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của các tập thể, cá nhân không thực hiện đúng quy định của Chính phủ.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.

- Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, lao động nước ngoài được nhập cảnh và thực hiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Nếu có thắc mắc về các chính sách liên quan đến phòng, chống Covid-19, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Hướng dẫn xét nghiệm, cách ly khi đi lại các vùng nguy cơ dịch

Đây là nội dung chính tại Công văn 8318/BYT-DP về xét nghiệm, cách ly phòng chống Covid-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ do Bộ Y tế ban hành ngày 03/10/2021.

Theo đó, việc giám sát, xét nghiệm, cách ly theo dõi đối với những trường hợp người dân di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác như sau:

(1) Đối với người đi từ khu vực nguy cơ rất cao, khu vực nguy cơ cao đến vùng nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn:

- Với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh hoặc có giấy ra viện không quá 06 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương:

+ Trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72h kể từ thời điểm lấy mẫu.

+ Khi đến nơi thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 07 ngày, thực hiện Thông điệp 5K và xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 02 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 07.

- Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19:

+ Trước khi di chuyển thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn trong vòng 72h kể từ thời điểm lấy mẫu.

+ Sở Y tế nơi tiếp nhận dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn xem xét việc cho người dân từ nơi khác về tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

+ Thực hiện Thông điệp 5K và làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn định kỳ 02 - 03 ngày/lần hoặc tổ chức xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) mẫu đơn hoặc mẫu gộp 05 - 07 ngày/lần cho người dân đến khi đủ 14 ngày.

(2) Người đi từ khu vực nguy cơ đến khu vực nguy cơ tương đương hoặc khu vực bình thường mới:

- Với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh hoặc có giấy ra viện không quá 06 tháng tính đến thời điểm đến/về địa phương:

Thực hiện Thông điệp 5K và hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương và thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.

- Với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19: thực hiện Thông điệp 5K, cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 07 ngày kể từ ngày đến/về địa phương và tiếp tục hạn chế tiếp xúc, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày tiếp theo.

Thực hiện xét nghiệm vật chất di truyền (ARN) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn 02 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 07 trong thời gian cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú.

Thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.

(3) Người đi từ khu vực nguy cơ thấp đến khu vực nguy cơ cao hơn: Sở Y tế trên địa bàn tiếp nhận người đến dựa trên đánh giá dịch tễ và tình hình dịch trên địa bàn để hướng dẫn theo dõi, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Không bắt buộc xét nghiệm định kỳ NLĐ đã tiêm đủ mũi vắc xin

Bộ Y tế đã có Công văn 8228/BYT-MT ngày 30/9/2021 hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện xét nghiệm như sau:

- Xét nghiệm sàng lọc: Tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.

- Xét nghiệm định kỳ:

Tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ rất cao:

+ Với người lao động có nguy cơ cao (lãnh đạo công ty, lễ tân,...): Hằng tuần, xét nghiệm ít nhất 20% người lao động.

+ Với người cung cấp dịch vụ trực tiếp cơ cơ sở sản xuất, kinh doanh: Xét nghiệm toàn bộ cho người lao động.

Tại các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và có nguy cơ:

+ Với người lao động có nguy cơ cao (lãnh đạo công ty, lễ tân,...): Xét nghiệm 02 tuần/lần, ít nhất cho 5-10% người lao động.

+ Với người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh: Xét nghiệm 02 tuần/lần cho toàn bộ người lao động.

Đặc biệt, không bắt buộc xét nghiệm định kỳ với người đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 06 tháng.

Lưu ý: Cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên thì phải được hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh hoặc Trung tâm Y tế cấp huyện.

Với lái xe vận chuyển hàng hóa di chuyển từ khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ nguy cơ dịch bệnh thấp hơn thì việc xét nghiệm phải do cơ sở y tế thực hiện. Thời gian xét nghiệm theo đúng quy định tại Công văn số 5753/BYT-MT.

Nếu có thắc mắc các vấn đề liên quan đến xét nghiệm Covid-19, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Giao thông
TP. HCM: Xe bus, xe taxi, xe khách hoạt động trở lại từ 05/10

Ngày 01/10/2021, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã có Công văn 10399/SGTVT-KT hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01/10/2021.

Theo đó, đối với vận tải hành khách bằng đường bộ, Sở GTVT hướng dẫn như sau:

- Vận tải bằng xe buýt: Từ 05/10/2021, tổ chức một số tuyến xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động tuỳ theo tình hình, nhu cầu thực tế từng khu vực, theo quyết định công bố của Sở GTVT.

- Vận tải bằng xe taxi: Mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa 20% số xe quản lý

- Vận chuyển bằng xe du lịch: Mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa 30% số xe quản lý.

- Vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng:

+ Với xe hợp đồng dưới 09 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách: Đăng ký hoạt động tối đa 10% số xe quản lý.

+ Với xe không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách hoạt động trong các trường hợp:

(1) Hoạt động phục vụ các chương trình du lịch được Sở Du lịch, UBND các quận huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức;

(2) Theo kế hoạch vận chuyển của ngành y tế;

(3) Xe vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Đáng lưu ý, dịch vụ kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe mô tô, xe máy vẫn tiếp tục tạm dừng.

Nếu còn thắc mắc về các chính sách liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp. 

Chính sách
Người lao động được hỗ trợ mở thẻ ATM để nhận tiền từ Quỹ BHTN

Đây là nội dung được đề cập đến trong Công văn 3068/BHXH-CSXH ngày 01/10/2021 triển khai thực hiện Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Công văn nêu rõ, trong việc chi trả hỗ trợ cho người lao động, trường hợp người lao động chưa có số tài khoản cá nhân, đơn vị sử dụng lao động phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ người lao động mở tài khoản.

Theo đó, đối với người lao động nhận qua tài khoản cá nhân, Phòng/Bộ phận Kế hoạch - Tài chính phối hợp với ngân hàng đối chiếu thông tin, số hiệu tài khoản, nếu đúng thực hiện chuyển tiền vào tài khoản cho người lao động ngay trong ngày nhận được danh sách, chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo.

Mức hỗ trợ cụ thể đối với người lao động đủ điều kiện như sau:

Thời gian đóng BHTN dưới 12 tháng: Hỗ trợ 1,8 đồng/người.

Thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng - dưới 60 tháng: Hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người.

Thời gian đóng BHTN từ đủ 60 tháng - dưới 84 tháng: Hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người.

Thời gian đóng BHTN từ đủ 84 tháng - dưới 108 tháng: Hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người.

Thời gian đóng BHTN từ đủ 108 tháng - dưới 132 tháng: Hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người.

Thời gian đóng BHTN từ đủ 132 tháng trở lên: Hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.

Nếu cần hỗ trợ thêm về các vấn đề liên quan đến hỗ trợ theo Nghị quyết 116, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Cơ cấu tổ chức
Lương trợ lý Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tương đương Thứ trưởng

Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 30-QĐ/TW về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, chế độ với chức danh trợ lý, thư ký.

Theo Điều 11 của Quy định 30, chính sách, chế độ đối với trợ lý, thư ký như sau:

- Đối với trợ lý:

+ Trợ lý của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư: Hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương Thứ trưởng.

+ Trợ lý của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội: Hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương Tổng Cục trưởng.

- Đối với thư ký:  

+ Thư ký của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội: Hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương Vụ trưởng của Bộ, ngành Trung ương.

- Thư ký của Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng và tương đương; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương: Hưởng lương và chính sách, chế độ tương đương Phó Vụ trưởng hoặc Phó ban cấp ủy tỉnh và tương đương của cơ quan, đơn vị cùng cấp.

Trường hợp trước khi đảm nhận chức danh trợ lý, thư ký đã hưởng lương và chính sách, chế độ cao hơn thì được giữ nguyên.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.