Điểm tin Văn bản mới số 39.2020

Điểm tin văn bản

Lao động-Tiền lương
Năm 2021, cả nước có 249.650 biên chế công chức

Ngày 03/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1499/QĐ-TTg về việc phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của cơ quan hành chính Nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2021.

Tổng biên chế công chức năm 2021 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 249.650 biên chế (giảm so với năm 2020 là 3.867 biên chế). Cụ thể như sau:

- Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước là 247.344 biên chế:

+ Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập (106.836 biên chế);

+ Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (140.508 biên chế);

- Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 1.068 biên chế;

- Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế;

- Biên chế công chức dự phòng là 552 biên chế.

Y tế-Sức khỏe
Vẫn còn tồn tại 3 nguồn lây bệnh Covid-19 tại TP. Hà Nội

Kết luận của Phó Chủ tịch TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19 được Ủy ban nhân dân Thành phố nêu tại Thông báo số 26/TB-BCĐ ngày 02/10/2020.

Theo đó, mặc dù Việt Nam và TP. Hà Nội đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn còn 03 nguồn lây bệnh gồm:

- Bệnh nhân mắc Covid-19 đã được chữa khỏi vẫn có nguy cơ tái nhiễm;

- Người nhập cảnh vào Việt Nam, Hà Nội khi hết thời gian cách ly, ra ngoài cộng đồng vẫn có khả năng lây bệnh;

- Người nhập cảnh trái phép từ nước ngoài vào thành phố, người nhập cảnh không thực hiện nghiêm túc cách ly y tế theo quy định.

Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Tuyên truyền, vận động, kiểm tra thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, địa điểm công cộng và phương tiện giao thông công cộng;

- Hạn chế tập trung đông người, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, hạn chế tổ chức các sự kiện đông người;

- Thường xuyên kiểm tra đột xuất, định kỳ công tác phòng, chống dịch bệnh, quy trình khám chữa bệnh trong thời kỳ dịch bệnh tại các bệnh viện để bảo đảm tốt công tác phòng, chống dịch trong bệnh viện…

Song song với việc phòng, chống Covid-19, các Sở ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng và các dịch bệnh khác…

Bệnh nhân cài đặt Bluezone được ưu tiên khám, chữa bệnh

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 21/CT-BYT nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế yêu cầu tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết (Bluezone), ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; có hình thức phân luồng ưu tiên đối người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa.

Đồng thời, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh, người đi lại giữa các khoa, phòng để phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường.

Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Giáo viên không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh lớp 1

Để tăng cường thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học, ngày 05/10/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3977/BGDĐT-GDTH.

Năm học 2020-2021, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã được triển khai thực hiện với lớp 01. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số giáo viên, cha mẹ học sinh, chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 01 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện một số nội dung sau đây:

- Xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 01 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, không gây quá tải; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh;

- Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 01;

- Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên về chuyên môn;

- Tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình…

Bộ Nội vụ hướng dẫn ký hợp đồng lao động với giáo viên

Ngày 26/9/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn 5075/BNV-TCBC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ.

Về việc ký hợp đồng lao động, Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết như sau:

- Đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập xác định rõ thời điểm của số giáo viên sẽ nghỉ thai sản, nghỉ thôi việc (nếu có), nghỉ hưu mà chưa kịp tuyển dụng để thực hiện ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên để kịp thời thay thế cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ thôi việc (nếu có), nghỉ hưu và giáo viên dạy buổi thứ 02 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 02 buổi trong ngày);

- Các đơn vị sự nghiệp sử dụng từ dự toán chi của đơn vị sự nghiệp, nguồn thu từ hoạt động của đơn vị (phí được để lại theo quy định, thu dịch vụ,...) để chi trả chế độ cho số lao động hợp đồng này và thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật sau khi cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức của Bộ, ngành, địa phương đã tuyển dụng thay thế đối với số giáo viên nêu trên;

- Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức thực hiện tuyển dụng viên chức để bổ sung cho số giáo viên, viên chức y tế còn thiếu so với số lượng người làm việc được giao và để thay thế cho số giáo viên, nghỉ thôi việc, nghỉ hưu theo chế độ, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Chính phủ: Xử lý nghiêm việc ép học sinh mua sách tham khảo

Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Thông báo số 346/TB-VPCP ngày 26/9/2020 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực.

Tại Thông báo này, Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản quy định chặt chẽ việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo, xử lý nghiêm các hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp ép buộc học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng phải chỉ đạo các khâu liên quan để khuyến khích giữ gìn, sử dụng lại sách giáo khoa nhằm tiết kiệm cho xã hội.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thúc đẩy phát triển học liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối, tạo kênh phân phối để sách giáo khoa đến tận tay học sinh, nhằm đảm bảo không thiếu sách, tiết kiệm và chống sách lậu.

Ngoài ra, về việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, đây là khâu đột phá trong đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, đã được Chính phủ xác định lộ trình hoàn thành cơ bản vào năm 2020.

Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021 và định hướng những năm tới đây để học sinh, nhà trường chủ động trong dạy và học.

Giao thông
Không cần có chính sách bồi thường trong Điều lệ hãng hàng không

Nội dung này vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 28/9/2020 tại Thông tư 21/2020/TT-BGTVT, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Về nghĩa vụ của Người vận chuyển (hãng hàng không) quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2015/TT-BGTVT đã được Thông tư 21/2020/TT-BGTVT sửa đổi, theo đó, bãi bỏ quy định sau:

Quy định trong Điều lệ vận chuyển về chính sách bồi thường, mức bồi thường không thấp hơn quy định của Thông tư này.

Như vậy, kể từ ngày 15/11/2020 - ngày Thông tư 21 có hiệu lực, các hãng hàng không sẽ không còn phải quy định chính sách bồi thường ngay trong Điều lệ vận chuyển của mình.

Ngoài ra, Thông tư 21 cũng “nới” thời gian báo cáo của hãng hàng không về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại của các chuyến bay.

Cụ thể, trong vòng 72 giờ (trước đây là 24 giờ) kể từ thời điểm chuyến bay dự kiến cất cánh theo lịch bay căn cứ (trường hợp chuyến bay bị hủy) hoặc cất cánh thực tế (trường hợp chuyến bay có hành khách bị từ chối vận chuyển hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài) hoặc đột xuất theo yêu cầu của Cảng vụ hàng không, hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo đến Cảng vụ hàng không việc bồi thường ứng trước không hoàn lại của các chuyến bay…

Chính sách
Chính phủ: Xây dựng hướng dẫn về tiền lương trong hợp tác xã

Nội dung đáng chú ý này vừa được Chính phủ nêu tại Nghị quyết 134/NQ-CP về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Theo đó, để hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và pháp luật có liên quan, tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn về chế độ tiền lương trong hợp tác xã.

Song song với đó là xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012 trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã.

Đồng thời, xây dựng chương trình đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cũng bố trí đơn vị, công chức chuyên trách đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý về kinh tế tập thể, hợp tác xã, tránh tình trạng không có đơn vị hoặc cán bộ chuyên trách theo dõi về vấn đề này.

Không dừng ở đó, Chính phủ còn yêu cầu tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; quan tâm, phát triển các tổ chức, cơ sở Đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã...

Nghị quyết ban hành và có hiệu lực từ ngày 25/9/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.