Điểm tin Văn bản mới số 38.2022

Điểm tin văn bản

Doanh nghiệp
Hà Nội hỗ trợ 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

Ngày 23/9/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 3457/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025".

Cụ thể, kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Khoảng 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập được hỗ trợ sử dụng tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá, kiến thức về chuyển đổi số; nền tảng chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số.

Kế hoạch đề ra 06 nhiệm vụ cùng giải pháp để thực hiện, bao gồm:

- Xây dựng công cụ, tài liệu, phần mềm, cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số;

- Truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp;

- Phát triển nguồn nhân lực về chuyển đổi số;

- Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mức độ;

- Kết nối và hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số;

- Thúc đẩy hệ sinh thái chuyển đổi số của thành phố.

Ngoài hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, Thành phố hỗ trợ các gói chuyển đổi số như sau:

- Đối với gói "Bắt đầu chuyển đổi số":

  • Hỗ trợ tối đa 50% hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm cho doanh nghiệp nhỏ, không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm cho doanh nghiệp vừa;
  • Hỗ trợ tối đa 50% chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ, không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.

- Đối với gói "Tăng tốc chuyển đổi số": Doanh nghiệp được hỗ trợ về an toàn dữ liệu, quản lý hệ thống khách hàng và kênh bán hàng, báo cáo, phân tích kinh doanh thông minh...

- Đối với gói "Chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu": Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp. 

Thuế-Phí-Lệ phí
8 khoản phí, lệ phí vận tải được giảm từ ngày 01/10/2022

Ngày 29/9/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 59/2022/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ khó khăn cho hoạt động kinh doanh vận tải.

Cụ thể, từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022, Bộ Giao thông Vận tải giảm một số loại phí, lệ phí như sau:

- Giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền đối với hoạt động hàng hải nội địa quy định tại khoản 1 Điều 12 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 261/2016/TT-BTC.

- Giảm 20% phí bảo đảm hàng hải đối với hoạt động hàng hải nội địa quy định tại khoản 1 Điều 13 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm Thông tư 261/2016/TT-BTC.

- Giảm 20% lệ phí ra, vào cảng biển đối với hoạt động hàng hải nội địa quy định tại Điều 16 Chương III Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 261/2016/TT-BTC.

- Giảm 20% phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép hoạt động hàng không dân dụng; giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay quy định tại Mục VI Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 193/2016/TT-BTC.

- Giảm 20% phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay quy định tại Mục VIII Phần A Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư 193/2016/TT-BTC.

- Giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quy định tại Điều 3 Thông tư 295/2016/TT-BTC.

- Giảm 50% lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa quy định tại điểm 2 khoản 1 Điều 4 Thông tư 248/2016/TT-BTC.

- Giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 4 Thông tư 248/2016/TT-BTC.

Kể từ ngày 01/01/2023 trở đi, các khoản phí, lệ phí nêu trên trở mức thu cũ áp dụng trước ngày 01/10/2022.

Thông tư 59/2022/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.Vui lòng xem bản dịch tiếng Anh tại đây.

Lao động-Tiền lương
Bãi bỏ hàng loạt Thông tư về lao động, tiền lương, bảo hiểm từ 15/11/2022

Ngày 30/9/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 18/2022/TT-BLĐTBXH về việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, liên tịch ban hành.

Cụ thể, Thông tư 18 bãi bỏ toàn bộ các văn bản sau:

- Lĩnh vực lao động và tiền lương

  • Thông tư 28/2005/TT-LĐTBXH hướng dẫn chế độ tiền lương và phụ cấp lương với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng 05 công trình thủy điện.

  • Thông tư 12/2007/TT-LĐTBXH hướng dẫn chế độ tiền lương và phụ cấp lương với công nhân, nhân viên, viên chức xây dựng công trình thủy điện.

  • Thông tư 37/2009/TT-LĐTBXH hướng dẫn chế độ ăn giữa ca với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Sơn La.

  • Thông tư 03/2011/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chế độ tiền lương và phụ cấp lương với công nhân, viên chức xây dựng công trình thủy điện Lai Châu, Đồng Nai 5.

  • Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xây dựng thang bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- Lĩnh vực Việc làm

  • Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số điều của Nghị định 03/2014/NĐ-CP.

  • Thông tư 07/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết thi hành Nghị định số 196/2013/NĐ-CP

  • Thông tư 16/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định 75/2014/NĐ-CP.

  • Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số điều của Nghị định 11/2016/NĐ-CP.

  • Thông tư 44/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách đào tạo nghề, việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

- Lĩnh vực bảo hiểm xã hội

  • Thông tư 58/2015/TT-BLĐTBXH về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

  • Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP.

  • Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

  • Thông tư 18/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 8 điều 1 Nghị định 76/2017/NĐ-CP.

  • Thông tư 32/2017/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

  • Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

​Thông tư 18/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2022.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được tư vấn, giải đáp.Vui lòng xem bản dịch tiếng Anh tại đây.

Tài chính-Ngân hàng
Kiểm tra việc tăng, giảm vốn điều lệ công ty cổ phần từ tháng 9 - 11/2022

Ngày 16/9/2022, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 1914/QĐ-BTC ban hành phương án kiểm tra thực hiện Thông tư 19/2003/TT-BTC về điều chỉnh tăng, giảm vốn điều lệ và quản lý cổ phiếu quỹ trong công ty cổ phần.

Cụ thể, đối tượng thực hiện kiểm tra bao gồm các công ty cổ phần (các công ty đại chúng và công ty không phải đại chúng). Nội dung kiểm tra như sau:

- Kiểm tra việc điều chỉnh tăng vốn điều lệ:

  • Các trường hợp thực hiện điều chỉnh tăng vốn điều lệ.

  • Điều kiện thực hiện kết chuyển thặng dư vốn để bổ sung vốn điều lệ.

  • Xác định số lượng cổ phần dự kiến phát hành thêm trong trường hợp điều chỉnh tăng vốn điều lệ thông qua thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu/kết chuyển nguồn thặng dư vốn để bổ sung vốn điều lệ.

  • Việc sử dụng các khoản chênh lệch giá khi tự đánh giá lại tài sản để tăng vốn điều lệ (khi có chủ trương của nhà nước).  

- Kiểm tra việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ:

  • Các trường hợp thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ.

  • Việc thanh toán tiền cho các cổ đông.

- Kiểm tra quản lý cổ phiếu quỹ tại công ty cổ phần:

  • Các trường hợp công ty mua lại cổ phần.

  • Điều kiện mua lại cổ phần.

  • Xử lý cổ phiếu quỹ đã mua vào nhưng sau 03 năm doanh nghiệp không sử dụng và vốn của các cổ đông nhỏ hơn vốn điều lệ.

  • Việc mua, bán cổ phiếu quỹ với công ty cổ phần đã đăng ký niêm yết.

  • Các trường hợp công ty không được phép mua lại cổ phần.

  • Các đối tượng không được phép mua lại cổ phần.

  • Quản lý, hạch toán cổ phiếu quỹ.

- Kiểm tra về xử lý, hạch toán chênh lệch tăng do mua, bán cổ phiếu quỹ và chênh lệch do giá phát hành thêm cổ phiếu mới lớn hơn so với mệnh giá; các trường hợp giá bán cổ phiếu quỹ nhỏ hơn giá mua vào, giá bán cổ phiếu mới phát hành thêm thấp hơn mệnh giá.

Trong tháng 9, 10, 11/2022, Cục Tài chính doanh nghiệp sẽ gửi Công văn yêu cầu các đơn vị tự kiểm tra, tổng hợp báo cáo và lấy ý kiến các đơn vị liên quan.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp. 
Y tế-Sức khỏe
Bộ Y tế ra văn bản khẩn tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ

Ngày 03/10/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn khẩn số 5470/BYT-DP gửi đến Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ.

Theo Bộ Y tế, từ tháng 5/2022 đến nay dịch bệnh Đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số vùng lãnh thổ, quốc gia ghi nhận ca bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên thế giới và cả ở Việt Nam; để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ:

- Chỉ đạo các Sở, ban, ngành... việc tăng cường công tác phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế: Giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh; phòng ngừa lây nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống dịch tại địa phương: Đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế.

- Khi ghi nhận trường hợp bệnh: Khẩn trương thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với Đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

- Tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

- Đẩy mạnh truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng về dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nghiêm túc thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được tư vấn, giải đáp. 
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Giao thông
Giá cả, lạm phát có xu hướng tăng, Bộ Tài chính ra Công điện điều hành giá

Ngày 28/9/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Công điện 05/CĐ-BTC về việc tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Theo Công điện, trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, lạm phát ở một số nước vẫn có xu hướng gia tăng, giá xăng dầu thế giới diễn biến bất thường, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ nguồn nhập khẩu, giá một số mặt hàng trong nước có hiện tượng tăng cao...

Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục tăng cường để góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đặt ra. Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị thực hiệp các biện pháp quản lý, điều hành giá như sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, điều hành giá; 

- Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm nếu có vi phạm. 

- Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá, đặc biệt là diễn biến về giá của các vật tư quan trọng, mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp. 

- Sở Tài chính có nhiệm vụ tăng cường thực hiện công tác nắm bắt thị trường giá cả, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả báo cáo giá thị trường trên địa bàn theo đúng quy định.

Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường quản lý, điều hành, bình ổn giá, căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương để thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn. 

- Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước theo chủ động đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Đồng thòi, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế,  hoàn thuế, chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả...

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.