Điểm tin Văn bản mới số 38.2021

Điểm tin văn bản

Đất đai-Nhà ở
Giảm 30% tiền thuê đất 2021 cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc giảm tiền thuê đất năm 2021 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể, theo Quyết định này:

Đối tượng được giảm tiền thuê đất

Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.

Mức giảm tiền thuê đất

- Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021, không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có). Trong đó:

+ Mức giảm tiền thuê đất này được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2021;

+ Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ giảm tiền thuê đất

- Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2021;

- Bản sao quyết định cho thuê đất hoặc hợp đồng cho thuê đất của cơ quan Nhà nước.

Trình tự, thủ tục giảm tiền thuê đất   

Bước 01: Nộp hồ sơ đề nghị

- Người thuê đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất cho cơ quan thuế, Ban Quản lý Khu kinh tế, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và cơ quan khác theo quy định.

- Thời hạn nộp: Từ ngày 25/9/2021 – 31/12/2021.

Bước 02: Giải quyết hồ sơ

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xác định số tiền thuê đất được giảm và ban hành Quyết định giảm tiền thuê đất.

Lưu ý:

- Trường hợp người thuê đất đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định giảm tiền thuê đất nhưng sau đó bị phát hiện người thuê không thuộc trường hợp được giảm theo quy định thì phải hoàn trả ngân sách nhà nước số tiền đã được giảm và tiền chậm nộp tính trên số tiền được giảm.

- Trường hợp người thuê đất đã nộp tiền thuê đất của năm 2021 mà sau đó được quyết định giảm tiền thuê đất thì được trừ số tiền đã nộp thừa vào tiền thuê đất của kỳ sau hoặc năm tiếp theo.

Nếu không còn kỳ phải nộp tiền thuê đất tiếp theo thì được bù trừ và hoàn trả số tiền nộp thừa.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25/9/2021.

Thuế-Phí-Lệ phí
Tổng cục Hải quan công bố hành vi gian lận hoàn thuế GTGT

Ngày 21/9/2021, Tổng cục Hải quan đã có Công văn 4539/TCHQ-TXNK về thực hiện quản lý việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Trong đó, thông qua điều tra chống buôn lậu gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số hành vi gian lận hoàn thuế GTGT, gồm:

- Lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp đơn giản, quy định về giải thể doanh nghiệp và quản lý hồ sơ không chặt chẽ để thành lập nhiều công ty cho những người thân trong gia đình, thuê người hoặc sử dụng CMND/CCCD của người không quen biết đứng tên đại diện pháp luật tham gia hoàn thuế GTGT, hoạt động một thời gian ngắn thì giải thể…

- Lợi dụng việc in ấn, phát hành hóa đơn GTGT: Hóa đơn mua bán nội địa (hóa đơn GTGT) doanh nghiệp tự in và sử dụng, kết hợp với việc doanh nghiệp giải thể dễ dàng để tạo ra một nguồn hóa đơn dồi dào, hợp thức hóa cho nguồn gốc của các lô hàng xuất khẩu.

- Lợi dụng chính sách ưu đãi về thủ tục hải quan (kiểm tra thực tế theo mức độ rủi ro) để gian lận thương mại khi xuất khẩu hàng hóa như:

+ Xuất khống hàng hóa; xuất ít hơn so với khai báo; xuất không đúng chủng loại so với khai báo (khai báo một loại, xuất một loại); xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa với trị giá cao bất thường;

+ Khai báo hàng có trị giá cao, xuất hàng có trị giá thấp; Khai báo sai tên hàng, mã số hàng hóa để lập khống hồ sơ mở tờ khai xuất khẩu, xác nhận thực xuất, sau đó doanh nghiệp làm việc với doanh nghiệp thành lập công ty để hoàn thuế GTGT;

+ Lập khống hóa đơn, chứng từ, xuất khẩu hàng hóa ít nhưng khai nhiều để tăng số thuế GTGT được hoàn; quay vòng hàng hóa để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

- Khai tăng trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu của dự án đầu tư để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đầu vào.

Nếu bạn đọc có vướng mắc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Lao động-Tiền lương
Nghị quyết mới: Hỗ trợ người lao động đến 3,3 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Nghị quyết nêu rõ, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động thuộc các trường hợp:

- Tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên).

- Đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 - hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định (không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng).

Mức hỗ trợ căn cứ theo thời gian đóng BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

- Thời gian đóng dưới 12 tháng: Hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người.

- Thời gian đóng từ đủ 12 tháng - dưới 60 tháng: Hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người.

- Thời gian từ đủ 60 tháng - dưới 84 tháng: Hỗ trợ 2,4 triệu đồng/người.

- Thời gian đóng từ đủ 84 tháng - dưới 108 tháng: Hỗ trợ 2,65 triệu đồng/người.

- Thời gian đóng từ đủ 108 tháng - dưới 132 tháng: Hỗ trợ 2,9 triệu đồng/người.

- Thời gian đóng từ đủ 132 tháng trở lên: Hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.

Thời gian thực hiện hỗ trợ: Từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Nếu còn thắc mắc có thể liên hệ tổng đài 1900.6192 của LuatVietnam để giải đáp. 

Y tế-Sức khỏe
Bộ Y tế đồng ý rút ngắn khoảng cách 2 mũi vắc xin AstraZeneca

Đây là nội dung được nêu tại Công văn 7820/BYT-DP ngày 20/9/2021 của Bộ Y tế về khoảng cách tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19.

Theo đó, giải đáp về đề xuất rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã đồng ý để các tỉnh, thành phố được quyết định việc rút ngắn khoảng cách 2 mũi vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19.

Tuy nhiên, thời gian tối thiểu giữa hai mũi vắc xin phải đảm bảo tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phù hợp với tình hình dịch bệnh, đáp ứng được công tác phòng chống dịch.

Nhà sản xuất vắc xin AstraZeneca hướng dẫn sử dụng vắc xin như sau:

- Sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vắc xin đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 06 tuần đạt 55,1%, sau từ 06 - 08 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.

- Mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 04 - 12 tuần sau mũi 1.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vắc xin này từ 08 - 12 tuần. 

Nếu có thắc mắc về bài viết, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đề xuất khôi phục hoạt động xe khách khi nới lỏng giãn cách

Đây là nội dung tại Công văn 9842/BGTVT-VT ngày 21/9/2021 của Bộ Giao thông Vận tải về việc xin ý kiến dự thảo Kế hoạch Tổ chức hoạt động vận tải hành khách khi nới lỏng phòng chống Covid-19.

Theo đó, để khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách và tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng dự thảo Kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 05 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, về nguyên tắc chung, tại các nơi đang thực hiện Chỉ thị 16 sẽ không tổ chức hoạt động vận tải hành khách, tuy nhiên, sân bay, nhà ga đường sắt vẫn được hoạt động và tiếp nhận khách đi/đến các địa phương không áp dụng Chỉ thị 16.

Các nơi đang thực hiện Chỉ thị 15 và 19 được tổ chức vận tải hành khách theo mức độ hạn chế xe kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải. Các địa phương đang thực hiện mức độ bình thường mới sẽ tổ chức vận tải hành khách hoạt động bình thường theo 2 phương án.

- Phương án 1, khách đi trên xe (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 15, 19) phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và các quy định đối với người tham gia giao thông về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. - Phương án 2, khách khi đi trên xe (đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 15, 19) đáp ứng các yêu cầu về thực hiện nghiêm 5K và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

+ Người đã tiêm đủ liều vắc xin, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày;

+ Người khỏi bệnh Covid-19, người có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ;

+ Xe chở khách phải thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch theo quy định.

Nếu có thắc mắc về các chính sách phòng, chống Covid-19, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

TP. HCM sẽ mở cửa cho người tiêm đủ vắc xin Covid-19 đến du lịch

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 3322/QĐ-BCĐ ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 đối với hoạt động du lịch.

Theo đó, về tiêu chí đánh giá an toàn đối với du khách lưu trú, Thành phố yêu cầu:

- Khách lưu trú từ 18 tuổi trở lên: phải đảm bảo tiêm đầy đủ các mũi tiêm ngừa Covid-19 với loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 (có xác nhận của cơ sở y tế hoặc có xác nhận đủ kháng thể theo quy định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà).

- Khách lưu trú dưới 18 tuổi: phải có giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính SARS- CoV-2 trong vòng 48 giờ trước khi tham gia chương trình du lịch.

Đối với người lao động làm việc lại các cơ sở lưu trú du lịch như khách sạn, nhà nghỉ… thì 100% nhân viên tại các bộ phận tiếp xúc khách lưu trú và người ngoài phải tiêm đầy đủ các mũi tiêm ngừa Covid-19 và đã qua 14 ngày tính từ mũi tiêm cuối hoặc đã hồi phục sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 (có xác nhận của cơ sở y tế hoặc có xác nhận đủ kháng thể theo quy định trong trường hợp cá nhân tự điều trị tại nhà).

100% người lao động làm việc tại các bộ phận còn lại của cơ sở đã tiêm 1 mũi ngừa Covid-19 và đã qua 14 ngày, có kết quả xét nghiệm định kỳ âm tính (có xác nhận theo hướng dẫn của Sở Y tế và được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để cấp và gia hạn thẻ).

Ngoài ra, Bộ tiêu chí này cũng quy định, toàn bộ người lao động, khách đến liên hệ và khách lưu trú phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc, tiếp xúc. Đồng thời, phải được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào cơ sở lưu trú làm việc hoặc sử dụng dịch vụ.

Quyết định này được ban hành ngày 15/9/2021.

Nếu có thắc mắc về các chính sách liên quan đến phòng, chống Covid-19, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Bộ Y tế hướng dẫn phòng bệnh Covid-19 bằng y học cổ truyền

Bộ Y tế đã có Quyết định 4539/QĐ-BYT ngày 25/9/2021 về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược học cổ truyền để phòng, chống dịch Covid-19”.

Theo Y học cổ truyền, tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp giai đoạn đầu tập trung chủ yếu ở vùng mũi, họng. Do đó, sử dụng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phương pháp phòng bệnh khác giúp hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh, cụ thể:

Không dùng thuốc

- Tập thở:

+ Thở bụng: Theo nhịp điệu “êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài”;

+ Thở ngực: Theo nhịp điệu “êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài” và “hít vào ngực nở, bụng lép, thở ra ngực lép, bụng hơi phồng”.

- Tự xoa bóp toàn thân (tập hàng ngày 10-15 phút/lần x 02-03 lần/ngày vào sáng, chiều, tối): Ngồi xếp bằng, hoa sen, trên ghế; lưng thẳng; mặt nhìn thẳng; xát nóng hai lòng bàn tay với nhau và dùng 02 tay xoa bóp cho cơ thể, làm từ trên xuống dưới theo hướng dẫn.

Dùng thuốc

- Thuốc dùng ngoài:

+ Xông phòng ở, nơi làm việc các loại thuốc, tinh dầu có tác dụng phương hương hóa thấp theo 02 phương pháp:

Phương pháp 01: Nguyên liệu gồm hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quê, gừng, tía tô, kinh giới, bưởi,... dùng đun sôi sau đó mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian phòng.

Phương pháp 02: Sử dụng tinh dầu sả, chanh, bạc hà, hoắc hương, tràm, quế,... được cấp phép lưu hành.

Lưu ý: Không xông trực tiếp vào người; không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh,...

+ Sát khuẩn/vệ sinh tại chỗ vùng mũi, họng.

- Thuốc dùng trong

Lựa chọn một số dược liệu, thuốc cổ truyền nhằm bồi bổ chính khí, nâng cao thể trạng: Hoài sơn, Trần bì, Cam thảo, Ý dĩ nhân, Thái tử sâm,...

Lưu ý: Người có bệnh lý nền cần tuân theo tư vấn và chỉ định của thầy thuốc. Với những người có thể trạng béo, bệu thì phải dùng kiện tỳ trừ thấp.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động tiển khai ứng dụng y dược học cổ truyền trong phòng, chống dịch Covid-19.

Nếu có thắc mắc về phòng, chống Covid-19, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Sẽ công nhận “hộ chiếu vắc xin” giữa Việt Nam với các quốc gia

Ngày 25/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 6891/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “Hộ chiếu vắc xin”.

Công văn nêu rõ, trên thế giới hiện có nhiều quốc gia áp dụng “Hộ chiếu vắc xin” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Việc công nhận “Hộ chiếu vắc xin” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia trong ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vắc xin”.

Trước đó, ngày 06/8/2021, Cục Lãnh sự đã ban hành Công văn 2974/LS-PL hướng dẫn việc kiểm tra và công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng và Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 của nước ngoài.

Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí và cơ chế công nhận, cho phép sử dụng trực tiếp Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vắc xin của nước ngoài tại Việt Nam để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Năm 2022, biên chế công chức cả nước tăng hơn 7.000 người

Ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1575/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Theo đó, tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước năm 2022 là 256.685 người, tăng 7.035 người so với năm 2021.

Tổng biên chế công chức năm 2022 bao gồm các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, Cơ quan Đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng. Cụ thể:

- Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 247.722 biên chế, trong đó:

+ Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập: 106.890 biên chế.  

+ Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện: 140.832 biên chế.

- Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài: 1.068 biên chế.  

- Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước: 686 biên chế.

- Biên chế công chức để chuyển công chức phường tại các phường không tổ chức Hội đồng nhân dân thành công chức quận ở Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng: 7.035 biên chế.

- Biên chế công chức dự phòng: 174 biên chế.

Nếu gặp vướng mắc về lĩnh vực cán bộ - công chức, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

Hướng dẫn tính tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử

Ban Tổ chức Trung ương đã có Hướng dẫn 06-HD/BTCTW để hướng dẫn một số nội dung về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Hướng dẫn nêu rõ, thống nhất lấy tuổi nghỉ hưu thực tế của cán bộ theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP để làm căn cứ xác định điều kiện về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Trong đó:

- Thời điểm tính: Là thời điểm cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ có thẩm quyền nhận được tờ trình và hồ sơ nhân sự theo quy định.

Các cơ quan này gồm: Ban Tổ chức Trung ương đối với trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, vụ tổ chức cán bộ,... đối với trường hợp không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

- Cách tính: Lấy tuổi nghỉ hưu thực tế của cán bộ trừ đi tuổi của cán bộ tại thời điểm được đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lần đầu vào vị trí lãnh đạo, quản lý còn đủ 05 năm (60 tháng) trở lên thì đủ điều kiện về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (chức vụ có thời hạn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử là 05 năm).

Ví dụ:

Nam, sinh tháng 02/1965, tuổi nghỉ hưu là 61 tuổi 06 tháng. Thời điểm tháng 8/2021, tuổi của cán bộ là 56 tuổi 06 tháng (61 tuổi 06 tháng - 56 tuổi 06 tháng = 05 năm). Như vậy, đến thời điểm tháng 8/2021 đủ tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử lần đầu.

Nữ, sinh tháng 8/1969, tuổi nghỉ hưu là 57 tuổi. Thời điểm tháng 8/2021 tuổi của cán bộ là 52 tuổi. Như vậy, đến thời điểm tháng 8/2021 đủ tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lần đầu.

Với cán bộ trong lực lượng vũ trang thì tuổi bổ nhiệm thực hiện theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.

Hướng dẫn được ban hành ngày 26/7/2021 và được thực hiện từ 01/8/2021.

Nếu có thắc mắc, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.