Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Để quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP.
Nghị định này quy định tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng được giảm thuế là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng.
Để được giảm thuế, doanh nghiệp tự xác định số thuế TNDN được giảm khi tạm nộp hàng quý và khi kê khai thuế TNDN phải nộp trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020. Khi lập hồ sơ khai thuế, doanh nghiệp kê khai số thuế TNDN được giảm trên các mẫu tờ khai.
Khi thực hiện quyết toán thuế TNDN, trường hợp doanh nghiệp nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp quý thì doanh nghiệp nộp bổ sung số tiền thuế còn thiếu và tính tiền chậm nộp. Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế nhiều hơn so với số thuế phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 thì xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền phát hiện doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm thuế hoặc số thuế phải nộp lớn hơn số thuế đã nộp thì doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế.Trường hợp doanh nghiệp khai bổ sung hồ sơ khai thuế TNDN của kỳ tính thuế năm 2020 hoặc thực hiện quyết định sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền làm tăng số thuế TNDN phải nộp thì số thuế tăng thêm được giảm 30% theo quy định của Nghị định này.
Trường hợp doanh nghiệp khai bổ sung hồ sơ khai thuế TNDN của kỳ tính thuế năm 2020 hoặc thực hiện quyết định sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền làm giảm số thuế TNDN phải nộp thì xử lý số tiền thuế nộp thừa (nếu có) theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn số 5081/BNV-CCVC ngày 26/9/2020 về việc thực hiện quy định liên quan đến tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019.
Theo BLLĐ năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng (với lao động nam) và đủ 55 tuổi 04 tháng (với lao động nữ). Sau đó, mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam và 04 tháng với lao động nữ.
Trong khi đó, công chức, viên chức được thông báo nghỉ hưu trước 06 tháng và nhận quyết định nghỉ hưu trước 03 tháng tính đến thời điểm công chức, viên chức nghỉ hưu.
Để thống nhất các quy định liên quan đến tuổi nghỉ hưu áp dụng với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ hướng dẫn như sau:
- Trường hợp có thời điểm nghỉ hưu sau ngày 01/01/2021: Xem xét ra thông báo, quyết định nghỉ hưu trên cơ sở tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức theo BLLĐ năm 2019. Nếu đã ra thông báo nghỉ hưu thì không phải thông báo lại; riêng quyết định nghỉ hưu thì thực hiện theo BLLĐ 2019;
- Trường hợp có thời điểm nghỉ hưu trước ngày 01/01/2021 mà bị lùi thời điểm nghỉ hưu: Không thuộc đối tượng áp dụng tuổi nghỉ hưu theo quy định của BLLĐ 2019. Thời điểm ra thông báo và quyết định nghỉ hưu thực hiện theo quy định hiện hành.
Ngày 24/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện hỏa tốc số 1300/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại Công điện này, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, cả nước đã tăng cường triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, nhất là từ người nhập cảnh không chấp hành cách ly, giám sát y tế nghiêm, từ người nhập cảnh trái phép, nguồn bệnh từ các đợt dịch trước nhưng chưa được phát hiện, từ hàng hóa nhập khẩu…
Do đó, để duy trì thành quả phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu:
- Thực hiện nghiêm đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc;
- Đặc biệt chú ý phòng chống dịch tại đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư, trường học, chợ, siêu thị… tuyệt đối không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan trong các cơ sở y tế;
- Xét nghiệm ngay các đối tượng có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền;
- Việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế phải bảo đảm an toàn. Tất cả người nhập cảnh phải khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly, giám sát y tế phù hợp và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định…
Kế hoạch xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn dịch Covid-19 được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/9/2020 vừa qua.
Nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 để thực hiện giám sát, cách ly, điều trị, Bộ Y tế đã phân các đối tượng thành 03 nhóm xét nghiệm ưu tiêu.
Trong đó, nhóm phải thực hiện xét nghiệm trong mọi trường hợp gồm 06 đối tượng sau:
- Người tiếp xúc gần với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định;
- Ca bệnh xác định Covid-19 đang trong quá trình điều trị;
- Các trường hợp đến khám bệnh hoặc nhập viện với triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nặng hoặc viêm phổi nặng nghi do nhiễm vi rút hoặc hội chứng cúm (có sốt và ít nhất 01 biểu hiện/triệu chứng về bệnh liên quan đến hô hấp);
- Nhân viên y tế, người chăm sóc, nhân viên phục vụ không có triệu chứng và tiếp xúc gần với ca bệnh xác định trong vòng 14 ngày mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp như không tuân thủ vệ sinh tay, không sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân thích hợp;
- Những người mới được nhập cảnh, cách ly tập trung và trước khi rời khu cách ly tập trung 01 ngày;
- Người ở trong ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 21/9/2020.
Kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa được ban hành tại Thông báo số 25/TB-BCĐ ngày 23/9/2020.
Hiện nay, dịch bệnh tại nước ta đã được kiểm soát. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, Thông báo này nêu rõ, vẫn phải tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ tại quán bar, karaoke, vũ trường. Trường hợp nào không đáp ứng yêu cầu thì cho dừng hoạt động đến khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.
Ngoài ra, một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới được nêu tại Thông báo này gồm:
- Tiếp tục tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;
- Tăng cường tuyên truyền thông điệp 5K và Sổ tay phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng đặc biệt là việc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài tại nơi công cộng và các phương tiện giao thông công cộng;
- Hạn chế các lễ hội, mít tinh, sự kiện đông người, chỉ thực hiện khi cấp ủy, chính quyền cho phép. Khi thực hiện phải tuân thủ đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, hạn chế số lượng người tham gia và giữ khoảng cách an toàn;
- Thực hiện hiệu quả các hoạt động, sự kiện liên quan Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố, các hoạt động tại phố đi bộ gắn với bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh…
Bộ Nội vụ vừa ban hành Kế hoạch số 4991/KH-BNV ngày 23/9/2020 về việc tổ chức thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức năm 2020.
Cụ thể, thời gian dự kiến tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là cuối tháng 11/2020. Trong đó, lịch thi cụ thể sẽ do Hội đồng thi sắp xếp và thông báo.
Kế hoạch quy định đối tượng dự thi, điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký dự thi, nội dung, hình thức, thời gian thi và việc miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp chuyên viên chính, giảng viên chính (hạng II) và thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính.
Trong đó, người trúng tuyển kỳ thi thăng hạng viên chức phải dự thi đủ các bài thi của các môn thi trừ những môn được miễn thi theo quy định, có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên, các bài thi được chấm theo thang điểm 100.
Với đối tượng công chức, người trúng tuyển phải có kết quả điểm thi môn chuyên môn nghiệp vụ tại vòng 02 đạt từ 50 điểm trở lên lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu.
Trong trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm thi bằng nhau ở chỉ tiêu nâng ngạch cuối cùng thì ưu tiêu lấy người trúng tuyển theo thứ tự: Là nữ; là người dân tộc thiểu số; người dự tuyển là người nhiều tuổi hơn, người dự tuyển có thời gian công tác nhiều hơn…
Ngày 25/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Theo Nghị định này, căn cứ vào điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được xem xét tiếp nhận vào làm viên chức với các trường hợp có ít nhất 05 năm công tác ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định gồm:
- Người đang là cán bộ, công chức cấp xã;
- Người đang ký hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo quy định của pháp luật;
- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
- Người đang làm việc tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết;
- Người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.So với Nghị định 29/2012/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 161/2018/NĐ-CP), Nghị định 115 đã bổ sung thêm trường hợp người đang làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là đối tượng được xem xét tiếp nhận làm viên chức.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 29/9/2020.
Ngày 04/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3407/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2020.
Tại Công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả các công việc về điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành mầm non phải kết thúc trước 17h00 ngày 30/9/2020.
Theo đó, thí sinh thực hiện các công việc sau đây để điều chỉnh nguyện vọng:
- Sử dụng máy tính có nối mạng ở các trường Trung học phổ thông để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến. Trong đó, thí sinh phải tự thực hiện, tuyệt đối bảo mật mật khẩu;
- Sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến. Thí sinh phải thực hiện hết quy trình điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến sau đó thoát khỏi chức năng điều chỉnh trực tuyến và đăng nhập lại để kiểm tra lại kết quả đã điều chỉnh;
- Nếu có sai sót về khu vực, đối tượng cần điều chỉnh thì bắt buộc phải sử dụng Phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và nộp tại điểm tiếp nhận hồ sơ để cán bộ tiếp nhận nhập lên Hệ thống. Sau đó, thí sinh sẽ được thông báo để kiểm tra thông tin trên Hệ thống.
Đặc biệt: Nếu nội dung điều chỉnh không chuẩn xác thì phần mềm tuyển sinh sẽ không chấp nhận và nguyện vọng này sẽ bị loại bỏ...
Riêng thí sinh có yêu cầu phúc khảo thì việc điều chỉnh thực hiện sau khi có điểm phúc khảo.
Nội dung đáng chú ý này được Chính phủ ban hành tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm.
Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường nhưng không quá 10 tháng/năm học. Riêng trường hợp học theo tín chỉ thì tổng kinh phí hỗ trợ cả khóa học không vượt quá mức hỗ trợ quy định của khóa học theo năm học.
Đồng thời, về việc bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, Điều 6 Nghị định này nêu rõ, sinh viên sư phạm phải bồi hoàn là người:
- Đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp;
- Đã hưởng chính sách và công tác trong ngành giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác;
- Được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu cho khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.