Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Cụ thể, Nghị định 65/2022 đã bổ sung quy định về các trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn bao gồm:
- Mua lại trước hạn trái phiếu theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành với người sở hữu.
- Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:
Doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được những người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại trở lên chấp thuận.
Doanh nghiệp vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại trở lên chấp thuận.
- Các trường hợp vi phạm phương án phát hành trái phiếu khác quy định tại Điều 13 Nghị định này: Vi phạm về thông tin doanh nghiệp, điều kiện, điều khoản chào bán trái phiếu, các chỉ tiêu trái phiếu...
Lưu ý: Quy định bắt buộc mua lại trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư không áp dụng với trường hợp trái phiếu bị thu hồi theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Nghị định 65/2022 có hiệu lực từ ngày 16/9/2022.
Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp
Ngày 22/9/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 19/2022/QĐ-TTg về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2024.
Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện chi phí quản lý và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.Trong đó, theo khoản 1 Điều 5, tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm sau đây sẽ được tính bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
Đồng thời, mức lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
Như vậy, so với mức lương của cán bộ, công chức, viên chức ngành khác cùng loại, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo hiểm xã hội cao hơn đến 80%. Tuy nhiên, phần tăng thêm này không được tính vào lương đóng các loại bảo hiểm và kinh phí công đoàn.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 16/9/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, đơn vị sự nghiệp công được phân loại theo mức tự chủ tài chính tại Điều 9 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, gồm:
- Đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1);
- Đơn vị bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2);
- Đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3);
- Đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 4).
Đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng phương án tự chủ tài chính và đề xuất phân loại mức độ tự chủ tài chính của đơn vị; lập dự toán thu, chi năm đầu theo khoản 1 Điều 35 Nghị định 60/2021/NĐ-CP; báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (đơn vị dự toán cấp I).
Căn cứ phương án tự chủ tài chính do chính đơn vị đề xuất, cơ quan cấp trên tổng hợp, thẩm tra phương án phân loại tự chủ tài chính và dự toán thu, chi của các đơn vị trực thuộc, sau đó gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét.
Ngoài ra, Thông tư 56/2022/TT-BTC còn giải thích các khoản thu chi tính trên cơ sở dự toán thu, chi tại năm kế hoạch xây dựng phương án tự chủ tài chính, khả năng chi trả của các đối tượng thụ hưởng và tác động khách quan từ thiên tai, dịch bệnh, biến động kinh tế - xã hội bất thường khác...
Thông tư này có hiệu lực từ 01/11/2022.
Nếu có thắc mắc liên quan, bạn đọc gọi đến tổng đài 1900.6192 để được giải đáp.Ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo đó, Chính phủ đã rút ngắn thời hạn công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu từ 10 ngày xuống còn 05 ngày. Cụ thể, khoản 1 Điều 20 về công bố thông tin kết quả chào bán trái phiếu được sửa đổi như sau:
1. Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, Nghị định 65 còn bổ sung khỏa 1a Điều 20 về trường hợp doanh nghiệp chào bán trái phiếu không thành công hoặc hủy đợt chào bán trái phiếu, chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc phân phối trái phiếu, doanh nghiệp phải công bố thông tin và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch Chứng khoán.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng sửa đổi một số mốc thời gian liên quan đến việc phân phối trái phiếu thành nhiều đợt tại khoản 2 Điều 10:
- Thời gian phân phối trái phiếu cũng được giảm từ 90 ngày xuống còn 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu.
- Tổng thời gian phân phối trái phiếu thành nhiều đợt giảm từ 12 tháng xuống còn 06 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên.
Nghị định 65/2022 có hiệu lực từ 16/9/2022.
Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp
Đây là nội dung đáng chú ý được hướng dẫn tại Công văn 5032/BYT-TCCB ngày 15/9/2022 của Bộ Y tế về thực hiện một số nội dung Thông tư 03/2022/TT-BYT.
Cụ thể, Bộ Y tế hướng dẫn về việc đánh giá kỹ năng sử dụng tin học cơ bản và ngoại ngữ trong việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức như sau:
- Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức:
"Trường hợp người trúng tuyển có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển thì được thay thế chứng chỉ ngoại ngữ, tin học".
Theo đó, viên chức có bằng chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học thì không phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
- Thông tư số 03/2022/TT-BYT quy định tiêu chuẩn đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ như sau:
“Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm”.
Như vậy việc bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức ngành y tế không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng vẫn phải có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Việc xác định kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu của từng vị trí việc làm được thực hiện thông qua các kỳ tuyển dụng hoặc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (có nội dung thi về ngoại ngữ, tin học).
Các kỳ xét tuyển hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ đánh giá kỹ năng ngoại ngữ, tin học qua các bài thi trắc nghiệm hoặc thông qua các văn bằng, chứng chỉ của viên chức.
Theo quy định này, viên chức cũng có thể nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học phù hợp trong các kỳ tuyển dụng hoặc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp để thay cho bài thi trắc nghiệm đánh giá kỹ năng ngoại ngữ, tin học.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 21/9/2022, Cục Y tế dự phòng ban hành Công văn 1059/DP-DT về việc tăng cường phòng, chống bệnh do vi rút Adeno.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9/2022 đã phát hiện ra 412 trường hợp mắc bệnh do vi rút adeno, trong đó 76% (tức 324 trường hợp) có chỉ định nhập viện, 06 trường hợp tử vong. Số ca mắc có xu hướng tăng từ tháng 8/2022 đến nay.
Để chủ động phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm bệnh, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Các địa phương chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo.Hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh; không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh do vi rút adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm như:
(1) Thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường;
(2) Vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch;
(3) Che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi;
(4) Không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 22/9/2022 Bộ Y tế đã có Công văn 5196/BYT-TT-KT về việc tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn về Thông điệp "2K (Khử khuẩn, khẩu trang) + Vắc xin + Thuốc + Điểu trị + Công nghệ + Ý thức người dân" và các biện pháp khác để phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới như sau:- Khẩu trang: Khuyến khích đeo khi đến nơi công cộng. Bắt buộc đeo đối với:
- Người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh Covid-19;
- Các đối tượng (trừ trẻ dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4;
- Áp dụng cụ thể với một số địa điểm, đối tượng theo Quyết định 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022 của Bộ Y tế. (Hướng dẫn chi tiết theo Quyết định 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022).
- Khử khuẩn: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường tại nơi ở, nơi làm việc, học tập.
- Vắc xin: Tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Ngoài ra, vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp vềThuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác:
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của các cơ quan y tế.
- Tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường hậu Covid-19.
- Sử dụng ứng dụng công nghệ nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.
- Ý thức người dân: Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và không phát tán thông tin xấu - độc, đồng thời tham gia, tuân thủ quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.
- Các biện pháp khác: Thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế/cơ quan có thẩm quyền tại trung ương, địa phương.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 23/9/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 4735/BGDĐT-GDĐH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đối với giáo dục đại học.
Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học, Bộ Giáo dục các yêu cầu các cơ sở đào tạo quan tâm thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ cơ bản trong năm học 2022 - 2023.
Trong đó, nổi bật là các yêu cầu liên quan đến công tác tuyển sinh đại học trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, Bộ Giáo dục yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023; xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh từ năm 2025.
Về việc hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, Bộ Giáo dục lưu ý các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng quy chế hiện hành; tránh đưa ra phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.
Đồng thời, các cơ sở đào tạo có nhiệm vụ xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi bắt đầu có thí sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi cần phải phù hợp với yêu cầu, nội dung và cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Riêng với các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên, cần chủ động làm việc với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố để triển khai hiệu quả Nghị định 71/2020/NĐ-CP về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên và Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Đây là nội dung được nêu tại Kế hoạch 32/KH-VP ngày 29/8/2022 của Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc triển khai kênh tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trên ứng dụng Zalo
Việc xây dựng kênh tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và tạo thêm kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Từ đó gửi những phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết.
Thông qua ứng dụng Zalo, người dân, doanh nghiệp có thể gửi phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính hoặc phản ánh, kiến nghị về hành vi, thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn Thành phố.
Kênh thông tin tiếp nhận phản ánh trên Zalo được thực hiện đơn giản, thuận tiện và có các tính năng thân thiện với người dùng để người dân, doanh nghiệp dễ dàng truy cập, thao tác, gửi phản ánh, kiến nghị.
Thành phố xây dựng biểu mẫu theo form mẫu tiếp nhận phản ánh, kiến nghị người dân, doanh nghiệp về quy định hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trên cơ sở biểu mẫu đã được xây dựng, tổ chức số hóa, tích hợp lên ứng dụng Zalo.
Cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ công chức khi tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị qua ứng dụng Zalo đảm bảo nhanh chóng điều chuyển thông tin đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết phản ánh kiến nghị.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp để tiếp cận, sử dụng, thực hiện việc phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trên ứng dụng Zalo.
Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.