Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn số 3037 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 10/9/2021.
Cụ thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất biên chế giai đoạn 2022 - 2026 và hằng năm như sau:
- Đối với biên chế công chức: Đề xuất tổng biên chế từng năm chia theo từng nhóm và vị trí việc làm, bảo đảm tổng biên chế năm sau giảm so với năm trước. Đến cuối giai đoạn 2022 - 2026 giảm tương đối so với năm 2021, bảo đảm giảm tỷ lệ người phục vụ.
- Đối với biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước: Đề xuất tổng biên chế từng năm chia theo từng nhóm và vị trí việc làm, bảo đảm tổng biên chế năm sau giảm so với năm trước. Cả giai đoạn 2022 - 2026 giảm 10% so với năm 2021.
Trong đó biên chế tại vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và chức danh nghề nghiệp chuyển môn dùng chung chiếm tỷ lệ tối thiểu 65% biên chế của đơn vị.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các Cục và Văn phòng Bộ tổng hợp biên chế của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc vào báo cáo chung của đơn vị gửi về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương.
Nếu có thắc mắc về các chính sách dành cho cán bộ, công chức, mời bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 16/9/2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 30674/SLĐTBXH-LĐ về việc rà soát, lập danh sách xét duyệt người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do Covid-19 đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhanh chóng tổ chức rà soát, lập danh sách xét duyệt người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn để thực hiện chính sách hỗ trợ đợt 3.
Đối tượng được hỗ trợ bao gồm:
(1) Thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn.
(2) Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp người lao động đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).
(3) Người phụ thuộc của đối tượng (2) gồm: cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn tại thời điểm khảo sát và lập danh sách (bao gồm cả trường hợp người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).
(4) Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Lưu ý: không hỗ trợ đối với các trường hợp sau: người đang hưởng lương hưu, người đang tham gia bảo hiểm xã hội và diện doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021
Nếu có thắc mắc về các chính sách hỗ trợ Covid-19, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.
Hôm nay (19/9/2021), Bộ Y tế đã có Công điện 1436/CĐ-BYT về việc quán triệt công tác xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.
Công điện nêu rõ, trên cơ sở kết quả thực hiện, quyết định việc nới lỏng giãn cách xã hội theo nguyên tắc thực hiện có lộ trình và hạ dần cấp độ nguy cơ từng bước, chắc chắn. Tại các địa bàn nguy cơ (vùng vàng) và bình thường mới (vùng xanh), thực hiện việc xét nghiệm với các nhóm nguy cơ, các địa điểm nguy cơ, để kịp thời điều chỉnh phù hợp các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó, khẩn trương tổ chức triển khai các chỉ đạo, kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công điện số 1409/CĐ-BYT và phổ biến đến tất cả các quận, huyện, xã, phường, thị trấn.
Theo đó, tập trung thực hiện tại các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và thường xuyên kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm, kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, vướng mắc còn tồn tại.
Cụ thể, theo nội dung Công điện số 1409, khi thực hiện giãn cách phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể như: Thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố,... với mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày).
Nếu muốn tìm hiểu thêm các thông tin, quy định liên quan đến Covid-19, bạn đọc có thể liên hệ: 1900.6192.
UBND TP. HCM đã có Công văn 3074/BCĐ-VX ngày 15/9/2021 về việc tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ nay đến ngày 30/9/2021.
Theo đó, từ nay đến hết ngày 30/9/2021, Thành phố sẽ triển khai xét nghiệm thần tốc để tiếp tục bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời dựa trên kết quả đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14/9/2021.
Tại các vùng đỏ, vùng cam, Thành phố sẽ tập trung lực lượng lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 03 lần trong 07 ngày theo hộ gia đình với phương pháp:
- Test nhanh mẫu gộp: 02-03 người/test/hộ gia đình; hoặc
- Xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình, toàn bộ thành viên trong 01 hộ gia đình/01 mẫu gộp.
Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 05 cho vùng vàng.
Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vắc xin, người tiếp xúc với nhiều người khác; nếu hộ có từ 05 nhân khẩu trở lên phải lấy 02 mẫu đại diện hộ gia đình.
Việc lấy mẫu sẽ có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố, ấp..., có thể lấy mẫu tại hộ gia đình, tại một vị trí thuận lợi tiến hành mời lần lượt từng hộ dân ra lấy mẫu, kết thúc lấy mẫu hộ gia đình này thì mời hộ gia đình khác.
Trường hợp để người dân tự lấy mẫu thì phải có hướng dẫn hoặc đính kèm hướng dẫn. Nếu người dân tự lấy mẫu và thực hiện test nhanh thì địa phương sau đó phải thu nhận lại khay test nhanh để đánh giá kêt quả. Tránh trường họp chỉ thu khay kết quả dương, không thu khay kết quả âm.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông báo 242/TB-VPCP do Văn phòng Chính phủ ban hành ngày 13/9/2021 về kết luận tại cuộc họp về giải pháp công nghệ phục vụ phòng chống Covid-19.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.
Trước mắt, chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid).
Khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các Bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu.
Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.
Nếu có thắc mắc về các chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
UBND TP. Hà Nội đã có Báo cáo số 245/BC-UBND ngày 17/9/2021 về kết quả triển khai thực hiện Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, UBND TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế quan tâm phân bổ vắc xin cho Thành phố để đến 01/11/2021, hoàn thành tiêm phủ mũi 02, phân bổ để tiêm cho những trường hợp trong độ tuổi từ 05 - 18 tuổi khi có vắc xin.
Ngoài ra, tại Báo cáo này, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung khác như:
- Đề nghị cho phép Thành phố tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát ra, vào cửa ngõ Thành phố sau khi hết thời gian thực hiện biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16, dự kiến đến ngày 01/11/2021 để phù hợp với lộ trình bao phủ mũi 02 vắc xin.
- Chỉ đạo Bộ Y tế sớm ban hành Hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo phòng, chống dịch tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16; chỉ đạo cập nhật các trường hợp đã tiêm lên hệ thống quản lý sức khỏe.
- Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị kiểm soát chặt chẽ phương tiện chở người, đặt biệt là các hãng Hàng không, đường bộ nhằm hạn chế nguồn xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài.
Nếu gặp vướng mắc về phòng, chống dịch Covid-19, bạn đọc liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ ngay.
Đây là một trong những nội dung quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại ban hành kèm Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, người lao động, người sử dụng lao động, đối tác, khách hàng của các đơn vị kinh doanh thương mại, cung ứng hàng hóa (siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm, chợ truyền thống, chợ đầu mối); doanh nghiệp/cơ sở sản xuất… được cấp Thẻ xanh Covid khi có đủ các điều kiện sau:
(1) Xét nghiệm Covid-19 âm tính (test nhanh hoặc RT-PCR) đối với những ngành nghề phải làm xét nghiệm theo quy định.
(2) Tiêm vắc xin hoặc từng mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh:
+ Tiêm ít nhất 01 liều đối với loại vắc-xin tiêm 2 lần, 02 tuần sau khi tiêm; đối với vắc-xin tiêm 01 liều, 02 tuần sau khi tiêm. Người tiêm 01 liều (đối với loại vắc-xin tiêm 2 lần) thì phạm vi hoạt động và tiếp xúc sẽ bị giới hạn hơn so với người tiêm đủ 02 liều và được xếp vào nhóm người có Thẻ Xanh Covid giới hạn phạm vi hoạt động.
+ Người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh, có giấy xuất viện hoặc giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã, thị trấn.
(3) Không có tiếp xúc gần với F0 trong vòng 14 ngày.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 02 loại Thẻ xanh Covid-19 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là:- Thẻ Xanh Covid: được tham gia các hoạt động sản xuất và sinh hoạt xã hội theo mức độ kiểm soát dịch của thành phố.
- Thẻ Xanh Covid giới hạn phạm vi hoạt động: được tham gia các hoạt động hạn chế hơn tuỳ thuộc vào điều kiện môi trường làm việc, mức độ rủi ro lây nhiễm và mức độ quan trọng của hoạt động tham gia.Quyết định này ban hành ngày 15/9/2021.
Nếu có thắc mắc về các chính sách phòng, chống Covid-19, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
Tối ngày 20/9/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Tại Chỉ thị, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 dựa trên nguyên tắc:
- Không áp dụng quy định phân vùng;
- Không kiểm soát giấy đi đường đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn Thành phố;
- Không phát sinh thêm thủ tục hành chính đối với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác phòng chống dịch và quản lý, giám sát di biến động trên địa bàn Thành phố.
Trong quá trình triển khai, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn phục hồi sản xuất, kinh doanh dịch vụ đảm bảo thực hiện nghiêm 5K, “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn phòng dịch”.
Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức hậu kiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, yêu cầu đóng cửa các cơ sở, tổ chức không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định.
Bên cạnh đó, vẫn cần tiếp tục duy trì việc phong tỏa hẹp, quản lý chặt tại các điểm phong tỏa trên địa bàn Thành phố.
Nếu có thắc mắc về phòng, chống Covid-19, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn 5159/SLĐTBXH-BTXH về việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) các cấp để hỗ trợ đối tượng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, người lao động bị dừng việc, mất việc làm đang gặp khó khăn, kể cả trường hợp không có hộ khẩu Hà Nội, chưa đăng ký tạm trú có thể làm đơn gửi Ban công tác Mặt trận hoặc Trưởng thôn, Tổ dân phố nơi đang cư trú, tạm trú để đề nghị Ủy ban MTTQ Thành phố quyết định hỗ trợ.
Trường hợp tổng hợp danh sách sau ngày 14/9/2021, đề nghị Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã hỗ trợ từ Quỹ “Phòng chống dịch Covid-19” hoặc từ nguồn hợp pháp khác.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn còn có thể đề xuất Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã hỗ trợ kịp thời tiền mặt, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để đảm bảo không có ai bị thiếu ăn mà không được giúp đỡ.
Công văn này được ban hành ngày 12/9/2021.
Trước đó, Sở LĐTBXH đã có Công văn hỏa tốc số 5157/SLĐTBXH-VLATLĐ gửi Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc thống kê người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê.
Sở LĐTBXH báo cáo tổng hợp nhu cầu về quê của người lao động, người dân ngoại tỉnh về UBND Thành phố trước ngày 15/9/2021.Nếu gặp vướng mắc về các chính sách hỗ trợ phòng, chống Covid-19, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
Nội dung này được nhắc đến trong Nghị quyết 107/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cơ quan, địa phương liên quan xây dựng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, cung cấp, tiếp nhận, xử lý dịch vụ công hỗ trợ giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong tháng 10/2021.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đôn đốc triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn thời gian nhằm tạo điều kiện tiếp cận chính sách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời tiếp tục kiến nghị chính sách mới hỗ trợ người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngoài ra, tại Nghị quyết, Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành phố chú trọng thực hiện các nội dung sau:
- Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp thực tế của địa phương, thích ứng an toàn với dịch bệnh;
- Đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất, ngay tại xã, phường, thị trấn, ưu tiên hàng đầu việc điều trị giảm tử vong;
- Khuyến khích, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất;
- Nghiêm cấm ban hành các quy định không phù hợp, không đúng thẩm quyền gây cản trở, ách tắc giao thông, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu... Nghị quyết được ban hành ngày 11/9/2021.
Nếu còn vấn đề chưa rõ, bạn đọc vui lòng gọi tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Phụ lục hướng dẫn kiểm tra các chốt nội ô ban hành kèm Thông báo 3660/TB-CATP-PV01 do Công an Thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 15/9/2021.
Theo đó, kể từ ngày 16/9/2021, những đối tượng sau đây không cần Giấy đi đường khi lưu thông tại Thành phố Hồ Chí Minh:
- Người đi tiêm vắc xin có tin nhắn hoặc giấy mời, kèm Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, người dân từ nhà ra UBND cấp xã hoặc cơ quan y tế để xin giấy xác nhận;
- Đại diện cơ quan, doanh nghiệp đi nộp, nhận, đổi Giấy đi đường tại các Sở, Ngành, PC08, UBND và Công an cấp huyện, UBND và Công an cấp xã;
- Người đi làm Căn cước công dân có mang theo hồ sơ xin cấp Giấy đi đường hoặc có cơ sở chứng minh nội dung hẹn nhận, đổi, cấp Giấy đi đường;
- Người có vé máy bay di chuyển ra sân bay;
- Lực lượng y tế: có thẻ y tế, thẻ sinh viên ngành Y hoặc Giấy đi đường do Thủ trưởng đơn vị cấp, Nhân viên nhà thuốc có giấy tờ chứng minh chuyên môn dược và chứng minh về nơi làm việc;
- Người đi xét nghiệm Covid-19 có giấy tờ chứng minh;
- Các cá nhân, phương tiện chở oxy, thuốc men, vật tư thiết bị y tế, phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 có các giấy tờ chứng minh;
- Nhân viên vận chuyển gas cho phép lưu thông trong phường hoặc phường liền kề;
- Nhân viên vệ sinh môi trường;
- Người có quan hệ với bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện;
- Thành viên tổ bay các hàng không (phi công, tiếp viên..);
- Các phi công thực hiện chuyến bay huấn luyện, kiểm tra định kỳ tại 03 trung tâm huấn luyện bay;- Nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không đang thực hiện làm việc “3 tại chỗ” tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được phép di chuyển thay ca;
- Người thân đi chăm sóc cha mẹ già đang ở một mình, bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà một mình, có giấy xác nhận của UBND xã phường hoặc cơ quan y tế;
- Luật sư tham gia tố tụng được lưu thông khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tố tụng;
- Cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành tài chính ngân hàng, chứng khoán được lưu thông đổi ca làm việc hàng tuần;
- Công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngừng hoạt động, người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông;
- Nhân viên bưu cục, giáo viên vận chuyển sách đến nhà;
- Giảng viên, giáo viên các trường học đến trường hoặc điểm dạy học trực tuyến được lưu thông phù hợp với lịch dạy học trực tuyến.
Nếu có thắc mắc về các chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.