Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Đây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 13/9/2020 trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ liên quan phải sớm trình Chính phủ việc giải ngân giai đoạn 02 gói an sinh xã hội nhất là cho người lao động mất việc, mất thu nhập.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình mới để giữ an toàn cho bản thân và xã hội.
Các đơn vị, doanh nghiệp, tập thể và từng cá nhân đều phải tích cực xác lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, vừa phòng, chống dịch.
Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh, nghiêm cấm áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương; chỉ xét nghiệm người có biểu hiện ho, sốt mà không yêu cầu xét nghiệm SAR-CoV2 với người đến từ địa phương đã hết dịch trong công cộng.
Ngoài ra, tại Thông báo này, Thủ tướng còn yêu cầu phải có quy định riêng về phòng, chống dịch trong suốt quá trình nhập cảnh, đi lại, làm việc tại Việt Nam của khách quốc tế nhập cảnh. Khi xuất hiện ca mắc bệnh phải thần tốc truy vết các trường hợp có nguy cơ, khoanh vùng và cách ly thật gọn, dập dịch triệt để.
Sổ tay "Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cộng đồng trong trạng thái bình thường mới" vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 08/9/2020 tại Quyết định 3888/QĐ-BYT.
Theo Sổ tay này, mỗi cá nhân sống trong hộ gia đình phải:
- Thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân gồm:
+ Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.
+ Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
+ Hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; hạn chế tụ tập đông người.
+ Không khạc, nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
- Vệ sinh nhà cửa, lau bề mặt, nền nhà, vật dụng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đặc biệt đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, công tắc điện... vệ sinh ít nhất 01 lần/ngày.
- Thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày và đổ đúng nơi quy định.
- Đảm bảo thông thoáng không khí trong nhà; thường xuyên mở cửa ra vào và cửa sổ.
- Liên hệ các cơ sở y tế để khai báo và được tư vấn, cập nhật tình hình sức khỏe qua ứng dụng khai báo y tế khi hộ gia đình có người già, người cao tuổi, người có bệnh nền, bệnh mãn tính có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
- Thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh.
- Kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, thông báo kịp thời với cơ sở y tế các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
- Chủ động khai báo tạm trú, tạm vắng đối với khách đến lưu trú….
Ngày 18/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/9/2020.
Các hình thức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Hạ bậc lương;
- Buộc thôi việc.
Các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gồm:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Giáng chức;
- Cách chức;
- Buộc thôi việc.
Như vậy, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không còn bị hạ bậc lương theo quy định tại Nghị định này.Đồng thời, Nghị định này cũng bổ sung thêm nhiều trường hợp chưa xem xét kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức gồm:
- Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép;
- Đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền (trước đây chỉ quy định chung: Đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền);
- Là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (vợ chết…) (quy định mới về nam giới đang nuôi con);
- Đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/9/2020.
Ngày 15/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 110/2020/NĐ-CP về chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.
Từ 01/11/2020, khi Nghị định này có hiệu lực, mức tiền thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế tăng mạnh so với trước đây. Cụ thể, học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia được thưởng theo mức sau:
- Giải Nhất: 04 triệu đồng (trước đây 01 triệu đồng);
- Giải Nhì: 02 triệu đồng (trước đây 700.000 đồng);
- Giải Ba: 01 triệu đồng (trước đây là 400.000 đồng).
Ngoài ra, học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế, thi kỹ năng nghề thế giới được thưởng theo mức sau:
- Huy chương Vàng hoặc giải nhất: 55 triệu đồng;
- Huy chương Bạc hoặc giải nhì: 35 triệu đồng;
- Huy chương Đồng hoặc giải ba: 25 triệu đồng;
- Khuyến khích: 10 triệu đồng.
Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi Olympic châu Á các môn học, kỳ thi kỹ năng nghề châu Á được thưởng theo mức sau:
- Huy chương Vàng: 35 triệu đồng;
- Huy chương Bạc: 25 triệu đồng;
- Huy chương Đồng: 10 triệu đồng;
- Khuyến khích: 08 triệu đồng.
Học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải trong kỳ thi kỹ năng nghề Đông Nam Á được thưởng theo mức sau:
- Huy chương Vàng: 25 triệu đồng;
- Huy chương Bạc: 10 triệu đồng;
- Huy chương Đồng: 08 triệu đồng;
- Khuyến khích: 05 triệu đồng.
Đội, nhóm học sinh, sinh viên, học viên đoạt giải được thưởng mức tiền gấp 02 lần đối với cá nhân.
Học sinh, sinh viên, học viên là người dân tộc thiểu số hoặc là người khuyết tật đoạt giải được hưởng 1,5 lần mức thưởng.
Trường hợp học sinh, sinh viên, học viên là người dân tộc thiểu số và là người khuyết tật đoạt giải được hưởng 02 lần mức thưởng.
Ngày 15/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở (THCS), trường trung học phổ thông (THPT) và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Điều 37 Điều lệ này quy định rõ các hành vi học sinh không được làm như sau:
- Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép (trước đây, bị cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học);
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác;
- Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh;
- Mua bán, sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ;
- Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng;
- Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân;
- Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.
Tương tự, trước đây giáo viên THCS, THPT không được sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp thì nay quy định này cũng đã bị bãi bỏ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/11/2020.
Như vậy, từ ngày 01/11, học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp.
Để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2020/NĐ-CP.
Theo Nghị định 107, cơ cấu tổ chức của Sở gồm có:
- Phòng chuyên môn, nghiệp vụ;
- Thanh tra (nếu có);
- Văn phòng (nếu có);
- Chi cục và tổ chức tương đương (nếu có);
- Đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có).
Trước đây, tại Nghị định 24, chỉ có Thanh tra, Chi cục và Đơn vị sự nghiệp công lập là không bắt buộc, còn Văn phòng và Phòng chuyên môn nghiệp vụ là 02 phòng các Sở bắt buộc phải có thì nay mỗi Sở chỉ bắt buộc phải có các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ.
Như vậy, từ ngày 25/11/2020, khi Nghị định 107 có hiệu lực, các Sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể thành lập hoặc không thành lập Văn phòng.
Trường hợp không thành lập Văn phòng thuộc Sở thì giao một phòng chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng.
Cũng theo Nghị định này, bình quân mỗi Sở có 03 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng Sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng Sở cho phù hợp.
Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài số lượng Phó Giám đốc theo quy định và tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 129/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020.
Cụ thể, Chính phủ thống nhất thông qua nội dung dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Đồng thời, mở rộng đối tượng áp dụng cho sinh viên học liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ hai theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ nhất đạt loại giỏi.
Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định này.
Theo dự thảo Nghị định, học sinh, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề với năm học hiện tại do Nhà nước công bố.
Độc giả có thể tham khảo thêm toàn văn Dự thảo Nghị định về chính sách hỗ trợ tiền học phí, sinh hoạt phí sinh viên sư phạm.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.