Điểm tin Văn bản mới số 37.2019

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Hướng dẫn khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý

Liên quan đến thuế giá trị gia tăng của một số doanh nghiệp, tại Công văn số 4004/TCT-CS ban hành ngày 03/10/2019, Tổng cục Thuế đã có những giải đáp về vấn đề này.

Theo đó, việc khai thuế theo quý sẽ được áp dụng đối với người nộp thuế GTGT có tổng doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề dưới 50 tỷ đồng.

Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh thì khai thuế GTGT theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế theo tháng hay theo quý.

Ngoài ra, Công văn còn đề cập tới việc hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

Cụ thể, cơ sở kinh doanh trong tháng (kê khai theo tháng), quý (kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, gồm cả trường hợp nhập khẩu sau đó xuất khẩu, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý.

Nếu trong tháng, quý, số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.

Trường hợp cơ sở kinh doanh trong tháng, quý vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa thì phải hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào sử dụng cho việc xuất khẩu.

Nếu không hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu của các kỳ khai thuế tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.

Y tế-Sức khỏe
Quy định mới về thủ tục cấp Giấy chứng sinh cho trẻ

Thông tư 27/2019/TT-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 27/9/2019 nhằm sửa đổi Thông tư 17/2012/TT-BYT liên quan đến việc cấp và sử dụng Giấy chứng sinh.

Theo Thông tư mới, trường hợp trẻ được sinh ra ngoài cơ sở khám, chữa bệnh nhưng được cán bộ y tế hoặc cô đỡ thôn bản đỡ đẻ thì cha, mẹ hoặc người nuôi dưỡng của trẻ phải điền vào Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng sinh (theo mẫu) và nộp cho Trạm y tế tuyến xã nơi trẻ sinh ra để xin cấp Giấy chứng sinh cho trẻ (Trước đây, điền vào Đơn đề nghị cấp Giấy chứng sinh theo mẫu).

Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng sinh, Trạm y tế tuyến xã phải làm thủ tục cấp Giấy chứng sinh cho trẻ.

Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không được quá 05 ngày làm việc.

Thông tư ngày có hiệu lực từ ngày 01/12/2019.  
Cán bộ-Công chức-Viên chức
Công chức nhận gần 15 triệu đồng khi đến công tác ở miền núi, hải đảo

Khi đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cán bộ, công chức, viên chức sẽ nhận được nhiều chế độ ưu đãi. Một trong số đó là trợ cấp lần đầu khi đến nhận công tác.

Đây là nội dung được nêu tại Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng đặc biệt khó khăn do Chính phủ ban hành ngày 8/10/2019, áp dụng từ ngày 01/12/2019.

Cụ thể, khi nhận công tác lần đầu tại vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn (huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1, các thôn, bản, làng đặc biệt khó khăn…) cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trợ cấp 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác (Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng, tương đương mức trợ cấp là 14,9 triệu đồng).

Trước đây, cán bộ, công chức, viên chức phải đáp ứng điều kiện có tối thiểu 03 năm công tác với nữ và 05 năm công tác với nam tại vùng đặc biệt khó khăn mới được hưởng khoản trợ cấp lần đầu này.

Nếu có gia đình cùng đến công tác tại đây, ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:

- Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi;

- Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.

Các khoản trợ cấp nêu trên do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí công tác chi trả ngay khi đối tượng nhận công tác và chỉ thực hiện một lần trong suốt thời gian thực tế làm việc tại đây.

Chính thức có lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2020

Văn phòng Chính phủ ra Công văn số 9087/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2020 của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên cả nước.

Xét theo Tờ trình số 54/TTr-LĐTBXH ngày 18/9/2019, Thủ tướng đã đồng ý với lịch nghỉ Tết Nguyên đán (nghỉ 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm) do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất. Cụ thể:

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ liên tục 07 ngày, từ ngày 23/01/2020 đến hết ngày 29/01/2020 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày 05 tháng Giêng năm Canh Tý).

Trong đó, ngày 28 và ngày 29/01/2020 nghỉ bù cho ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định hàng tuần vào thứ Bảy và Chủ nhật sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý để đảm bảo giải quyết công việc liên tục, hiệu quả.

 

Trước đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đưa ra 02 phương án nghỉ Tết (nghỉ 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm hoặc nghỉ 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm) xin ý kiến của nhiều Bộ và ban ngành, trong đó có: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nội Vụ…

Và với phương án mới được công bố thì người dân hoàn toàn có thể chủ động trong việc đi lại và mua sắm dịp cuối năm.

Hành chính
Cấp CMND, Thẻ Căn cước công dân tại Bộ phận Một cửa

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định 1291/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương...

Các TTHC này sẽ được đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, cấp xã (hay còn gọi là Bộ phận một cửa).

Danh mục này gồm 36 TTHC thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, tiêu biểu là:

- Cấp, cấp lại, đổi Chứng minh nhân dân 9 số; cấp lại thẻ Căn cước công dân; xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân: Thực hiện tại cấp tỉnh, huyện;

- Giải quyết thủ tục làm con dấu và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu: Thực hiện tại cấp tỉnh;

- Đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; Đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị; Đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung: Thực hiện tại cấp xã;

- Cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện: Thực hiện tại cấp tỉnh, huyện…

Ngoài 36 TTHC trong Danh mục này, căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thống nhất với Bộ, cơ quan ngang Bộ để đưa ra tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa các cấp những TTHC thuộc thẩm quyền, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp…

Chính sách
Chỉ đạo mới nhất của Chính phủ về sắp xếp cán bộ, công chức xã

Tại Nghị quyết số 89/NQ-CP ban hành ngày 11/10/2019, Chính phủ đã có những chỉ đạo mới liên quan đến cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nắm bắt đầy đủ tình hình bố trí, sắp xếp số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Đồng thời, đề xuất giải pháp phù hợp với chủ trương của Đảng, triển khai hiệu quả công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 cũng như việc tuyển dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với những đối tượng này theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, liên quan đến việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường của TP. Hà Nội, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục.

Bên cạnh công tác cán bộ, nhiều nhiệm vụ khác cũng được Chính phủ đặc biệt chú trọng như:

- Công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV;

- Phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020;

- Phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh theo mùa;

- Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…

Kế toán-Kiểm toán
Đã có Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn về hóa đơn điện tử

Bộ Tài chính đã vừa có Thông tư số 68 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Thông tư này quy định cụ thể về các nội dung có trên hóa đơn điện tử, bao gồm: Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán; Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu người mua có mã số thuế); Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền; Thời điểm lập hóa đơn điện tử…

Đáng chú ý, trong một số trường hợp, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua; Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua…

Thông tư này cũng cho phép doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay logo để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán. Ban hành kèm theo Thông tư này là mẫu hiển thị của một số loại hóa đơn để tham khảo.

Thông tư 68/2019/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 30/9/2019, có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.

Dân sự
Chính phủ ban hành Nghị định mới về tổ hợp tác

Ngày 10/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2019/NĐ-CP về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác.

Theo đó, tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, góp tài sản, công sức, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tổ hợp tác còn được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc:

- Hoạt động trên cơ sở hợp đồng hợp tác. Trong đó, hợp đồng hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận; được lập thành văn bản, có chữ  ký của 100% các thành viên trong tổ hợp tác;

- Cá nhân, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập và rút khỏi tổ hợp tác khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn 50% tổng số thành viên hoặc theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác;

- Thành viên tổ hợp tác có quyền dân chủ, bình đẳng trong việc quyết định tổ chức và hoạt động của tổ. Quyết định theo đa số trừ trường hợp trong hợp đồng hợp tác, Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan quy định khác…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/11/2019.

Hình sự
Đã có Nghị quyết hướng dẫn xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ em

Để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, ngày 01/10/2019 vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP.

Theo đó, Nghị quyết đã định nghĩa một cách cụ thể một số từ ngữ thường gặp mà chưa rõ ràng, thống nhất trong hoạt động xét xử hiện nay như:

- Bộ phận sinh dục: Bao gồm bộ phận sinh dục nam (dương vật) và bộ phận sinh dục nữ (âm hộ, âm đạo).

- Bộ phận nhạy cảm: Bao gồm bìu, mu, hậu môn, háng, đùi, mông, vú.

- Bộ phận khác trên cơ thể: Là bất kỳ bộ phận nào mà không phải là bộ phận sinh dục và bộ phận nhạy cảm (tay, chân, miệng, lưỡi, cổ, bụng…).

- Giao cấu: Là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện, không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa.

- Dâm ô: Là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm 01 trong các hành vi sau đây:

  • Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
  • Dùng bộ phận khác trên cơ thể (tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
  • Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
  • Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
  • Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi).

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 05/11/2019.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.