Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 16/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Cụ thể, Nghị định 65/2022 đã bổ sung quy định về các trường hợp mua lại trái phiếu trước hạn bao gồm:
- Mua lại trước hạn trái phiếu theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành với người sở hữu.
- Bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:
Doanh nghiệp phát hành vi phạm quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được những người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại trở lên chấp thuận.
Doanh nghiệp vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại trở lên chấp thuận.
- Các trường hợp vi phạm phương án phát hành trái phiếu khác quy định tại Điều 13 Nghị định này: Vi phạm về thông tin doanh nghiệp, điều kiện, điều khoản chào bán trái phiếu, các chỉ tiêu trái phiếu...
Lưu ý: Quy định bắt buộc mua lại trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư không áp dụng với trường hợp trái phiếu bị thu hồi theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Nghị định 65/2022 có hiệu lực từ ngày 16/9/2022.
Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp
Ngày 15/9/2022, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 273/QĐ-TANDTC về việc triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao quyết định triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia từ ngày 01/10/2022 đến hết 31/10/2022 tại các Tòa án có tên sau đây:
- Tòa án nhân dân quận Long Biên, Thành phố Hà Nội;
- Tòa án nhân dân quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội;
- Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội;
- Tòa án nhân dân quận Gia Lâm, Thành phố Hà Nội;
- Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Chánh án các Tòa được chọn triển khai thí điểm chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Tổng hợp Tòa án tối cao tổ chức triển khai dịch vụ tại đơn vị.
Đồng thời, chỉ đạo cán bộ, công chức thực hiện nghiêm việc thí điểm dịch vụ thu, tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về các lợi ích khi sử dụng dịch vụ thu, tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.Vui lòng xem bản dịch tiếng Anh tại đây.
Ngày 27/8/2022, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 4887/BHXH-CNTT về việc cập nhật bổ sung số Căn cước công dân(CCCD)/mã định danh cá nhân của người tham gia trong Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội (BHXH) quản lý và cài đặt, sử dụng ứng dụng VSSID.
Hướng tới mục tiêu từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp giấy tờ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng CCCD, BHXH Thành phố đề nghị các đơn vị sử dụng lao động, đơn vị quản lý người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn thực hiện một số nội dung sau:
- Nhận danh sách tham gia BHXH, BHYT từ cơ quan BHXH chậm nhất ngày 10/9/2022 gồm:
Mẫu 01: Danh sách người đã được cơ quan BHXH đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư và sử dụng CCCD khi đi khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT.
Mẫu 02: Danh sách người chưa khớp với CSDL quốc gia về dân cư và người tham gia chưa có số định danh cá nhân/CCCD.
- Sau khi tiếp nhận 02 danh sách, đơn vị thực hiện:
- Đối với danh sách Mẫu 01:
- Đối với danh sách Mẫu 02:
In Mẫu 02 và yêu cầu người tham gia kê khai thông tin vào cột 10 đến cột 13, sau đó ký xác nhận ở cột 14 và gửi về cơ quan BHXH trước ngày 30/9/2022.
Sau khi xác nhận thông tin, đơn vị lập mẫu D02-LT/mẫu D03-TS kèm mẫu TK1 và bản photo định danh cá nhân/CCCD gửi đến cơ quan BHXH theo phiếu giao nhận hồ sơ số 608 qua hình thức giao dịch điện tử hoặc dịch vụ bưu chính công ích trước 30/9/2022.
- Đối với cả 02 danh sách:
Trường hợp người tham gia chưa đăng ký VSSID thì thực hiện theo Phụ lục 01 (đính kèm).
Trường hợp người tham gia đã đăng ký VSSID thì hướng dẫn đăng nhập vào cổng Dịch vụ công của BHXH, kiểm tra thông tin tài khoản, nếu thiếu địa chỉ email thì cập nhật bổ sung cho cơ quan BHXH theo Phụ lục 02 để hoàn thiện thông tin tài khoản VSSID.
Ngày 12/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 62/2022/NĐ-CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có sử điều chỉnh giảm từ 23 đơn vị xuống còn 21 đơn vị.
Trong đó 02 đơn vị là Báo Lao động và Xã hội và Tạp chí Gia đình và Trẻ em được thay bằng Báo dân trí; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội cũng không còn nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ.
Ngoài ra một số đơn vị khác cũng được thay đổi tên gọi phù hợp hơn. Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định tại Nghị định 62 như sau:
1. Vụ Bảo hiểm xã hội.
2. Vụ Bình đẳng giới.
3. Vụ Pháp chế.
4. Vụ Hợp tác quốc tế.
5. Vụ Tổ chức cán bộ.
6. Vụ Kế hoạch - Tài chính.
7. Văn phòng.
8. Thanh tra.
9. Cục Quan hệ lao động và Tiền lương.
10. Cục Việc làm.
11. Cục Quản lý lao động ngoài nước.
12. Cục An toàn lao động.
13. Cục Người có công.
14. Cục Bảo trợ xã hội.
15. Cục Trẻ em.
16. Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.
17. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
18. Viện Khoa học Lao động và Xã hội.
19. Trung tâm Công nghệ Thông tin.
20. Báo Dân trí.
21. Tạp chí Lao động và Xã hội.
Các đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước bao gồm:
Vụ Bảo hiểm xã hội; Vụ Bình đẳng giới; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính.
Văn phòng; Thanh tra.
Cục Việc làm; Cục Quản lý Lao động ngoài nước; Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Cục An toàn lao động; Cục Trẻ em; Cục Người có công; Cục Bảo trợ xã hội; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ: Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Báo Dân trí; Tạp chí Lao động và Xã hội; Trung tâm Công nghệ Thông tin.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 12/9/2022.Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
ngày 12/9/2022, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết 24/NQ-HĐND về việc điều chỉnh tổng biên chế viên chức Thành phố Hà Nội năm 2022 và giao bổ sung viên chức giáo viên năm học 2022 - 2023.
Theo đó, Hội đồng nhân dân Thành phố điều chỉnh tổng biên chế viên chức năm 2022 là 116.420 viên chức.
Trong đó, giao bổ sung 2.361 biên chế giáo viên năm học 2022 - 2023, bao gồm:
- Giáo viên trung học phổ thông: 452 biên chế;
- Giáo viên trung học cơ sở: 1.309 biên chế;
- Giáo viên tiểu học: 600 biên chế.
Ủy ban nhân dân Thành phố có nhiệm vụ tổ chức triển khai giao bổ sung biên chế giáo viên theo đúng Nghị quyết, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch; quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên được giao.
Đồng thời, chỉ đạo việc tuyển dụng giáo viên theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm và cơ cấu môn học theo từng bậc học; có giải pháp nâng cao mức tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục công lập.
Biên chế được giao bổ sung thực hiện từ tháng 9/2022.
Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 11/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 121/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022.
Theo đó, nhằm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06), Chính phủ giao các cơ quan, ban ngành thực hiện một số nội dung đáng chú như:- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ rà soát các văn bản thuộc phạm vi quản lý, xác định vấn đề vướng mắc phải sửa đổi và kiến nghị phương án, lộ trình sửa đổi đáp ứng lộ trình đề ra của Đề án 06, Luật Cư trú và bỏ Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, gửi kết quả cho Bộ Công an trước ngày 20/9/2022.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp thống giải pháp sửa đổi văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trường hợp cần thiết, đề xuất xây dựng một Nghị định sửa nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết các vấn đề về bỏ Sổ hộ khẩu từ ngày 01/01/2023; hoàn thành trong tháng 12/2022.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ các quy định yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu để sử dụng Căn cước, định danh điện tử, dữ liệu dân cư khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân.
Bảo đảm điều kiện về an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, hoàn thành trong tháng 10/2022.- Các Bộ, cơ quan ngành: Y tế, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội khẩn trương phối hợp với Bộ Công an tích hợp, kết nối các phần mềm triển khai thí điểm.
Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 11/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 805/CĐ-TTg về tăng cường công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Để tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các công việc sau đây:
- Về tăng cường công tác xây dựng pháp luật:
Yêu cầu xây dựng các dự án luật theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội; thực hiện nghiêm túc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội...
Các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và các cơ quan liên quan, tham vấn rộng rãi ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động của chính sách...
Yêu cầu chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, bao gồm: Dự án Luật đất đai (sửa đổi), dự án Luật đấu thầu (sửa đổi); dự án Luật giá (sửa đổi); Dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi); Dự án Luật phòng thủ dân sự; Dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); Dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và các dự án Luật khác (nếu có).
Nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, bao gồm: Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 đều là các dự án Luật quan trọng, có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, tác động lớn, được dư luận và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải hoàn thiện các dự án Luật, bảo đảm gửi hồ sơ dự án Luật đúng quy định.Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 12/9/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Công văn 2975/UBND-KSTTHC về việc phối hợp triển khai thi hành Luật Cư trú năm 2020.
Theo Công văn, để việc triển khai Luật Cư trú thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi, giảm phiền hà cho công dân, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn để công dân biết về giá trị sử dụng của Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các thông tin sử dụng thay để chứng minh về cư trú. Cụ thể:
- Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú có giá trị sử dụng đến hết 31/12/2022.
- Khi công dân đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú thu Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp.Đồng thời điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện các giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.
- Các phương thức, cách thức sử dụng thông tin công dân thay thế Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để để chứng minh cư trú bao gồm:
Dùng Căn cước công dân gắn chíp;
Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện giao dịch dân sự, thủ tục hành chính;
Sử dụng ứng dụng VNEID để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự;
Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú;
Sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Thông báo số định danh cá nhân.
Nếu gặp vướng mắc liên quan đến bài viết, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.