Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Bên cạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tại Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sửa đổi, bổ sung việc miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, khoản 3 Điều 1 Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đã sửa đổi Điều 5 Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng đáp ứng đồng thời các điều kiện như sau:
- Áp dụng với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng nhưng không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ việc mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
- Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán phải nằm trong khoảng thời gian từ 23/01/2021 - 30/6/2022.
- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu, thu nhập của khách hàng bị giảm.
Đặc biệt, tại Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước đã kéo dài việc miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng đến ngày 30/6/2022 thay vì 31/12/2021 như quy định trước đó tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-NHNN.
Đồng thời, biểu mẫu về báo cáo kết quả tháo gỡ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ban hành kèm Thông tư 03/2021 cũng được thay thế bằng phụ lục ban hành kèm Thông tư này.
Thông tư 14/2021 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 07/9/2021.
Nếu bạn đọc có thắc mắc về nội dung của văn bản có thể liên hệ 1900.6192 để LuatVietnam hỗ trợ nhanh nhất.
Ngày 10/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 6324/VPCP-KGVX gửi UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương về việc bảo đảm an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch.
Để tiếp tục duy trì, bảo đảm an sinh xã hội và an toàn phòng chống dịch Covid-19 cho người dân trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội, TPHCM, Bình Dương khẩn trương rà soát, khắc phục ngay các tồn tại ở một số xã, phường, thị trấn về hỗ trợ y tế, lương thực, thực phẩm cho người dân.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát việc bảo đảm trang bị phòng hộ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, tình nguyện viên, Tổ Covid-19 cộng đồng…
Đặc biệt giao UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu xem xét tổ chức cho người ở khu vực đông dân cư không bảo đảm yêu cầu giãn cách, cách ly được đăng ký về quê theo nguyện vọng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, khoa học, đồng bộ giữa các địa phương, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Nếu gặp vướng mắc về phòng, chống dịch Covid-19, bạn đọc liên hệ tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ ngay.
Ngày 09/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Theo đó, Chính phủ đặt ra nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như sau:
Một là: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc rà soát, sửa đổi quy định về bảo hiểm y tế theo hướng cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa có thu phí theo thủ tục rút gọn trong tháng 9/2021.
Đây cũng là thời hạn Chính phủ yêu cầu xây dựng nền tảng công nghệ số để tích hợp việc tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế, cấp luồng xanh, chứng chỉ xanh… nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp…
Hai là: Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Cụ thể:
- Hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất luồng xanh trên toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi. Đặc biệt, không quy định thêm điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa.
- Cho phép doanh nghiệp nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hóa…
Ba là: Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
- Ban hành chính sách giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, hoàn thành trong tháng 9/2021.
- Đề xuất miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021, hoàn thành trong tháng 9/2021.
- Triển khai chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành; chính sách thuế ưu đãi với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phòng, chống dịch sau khi được Chính phủ thông qua…
Bốn là: Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
- Trong tháng 9/2021, nới lỏng điều kiện cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
- Cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp diễn biến dịch Covid-19…
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hà Nội đã có Công văn hỏa tốc số 5157/SLĐTBXH-VLATLĐ gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc thống kê người lao động, người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng trở về quê.
Theo đó, thực hiện Công văn số 3009/UBND-KGVX ngày 10/9/2021 của UBND Thành phố về việc đảm bảo an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch trên địa bàn, trong đó, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố:
- Tổng hợp nhu cầu trở về quê của lao động ngoại tỉnh theo đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã.
- Chủ động liên hệ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, Thành phố có liên quan, chủ trì phối hợp với Công an Thành phố xây dựng phương án hỗ trợ khi có đủ điều kiện, báo cáo UBND Thành phố.
Do vậy, để tổng hợp nhu cầu về quê của người lao động, người dân ngoại tỉnh báo cáo UBND Thành phố trước ngày 15/9/2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo rà soát thống kê tổng hợp danh sách theo mẫu kèm theo.
Văn bản tổng hợp gửi về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội địa chỉ: Số 75 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội, Email: [email protected] (gửi cả bản giấy, bản mềm file Excel) trước ngày 14/9/2021 để kịp thời tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
Công văn này được ban hành ngày 11/9/2021.
Nếu gặp vướng mắc liên quan đến việc đăng ký về quê tại Hà Nội, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 11/9/2021, Bộ Y tế đã có Quyết định 4377/QĐ-BYT ban hành Sổ tay hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Trạm Y tế lưu động.
Tại Sổ tay hướng dẫn, Bộ Y tế đưa ra các dấu hiệu trở nặng của người nhiễm Covid-19 (F0) cần được chuyển ngay đến bệnh viện như sau:
1. Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: Thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
- Nhịp thở tăng:
+ Người lớn: ≥ 21 lần/phút;
+ Trẻ 1 đến <5 tuổi: ≥ 40 lần/phút;
+ Trẻ 5 đến < 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút
Lưu ý, đếm đủ trong 01 phút khi trẻ nằm yên không khóc.
2. SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo).
- Khi phát hiện bất thường, đo lại lần 02 sau 30 giây - 01 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
- Tẩy sơn móng tay (nếu có) trước khi đo.
3. Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
4. Huyết áp thấp
- Huyết áp tối đa < 90 mmHg;
- Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).
5. Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
6. Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
7. Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
8. Không thể uống; trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.
9. Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...
10. Bất kỳ tình trạng nào mà F0 cảm thấy lo lắng, bất ổn.
Bộ Y tế cũng lưu ý F0 cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp như:
- Nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ; tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày;
- Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước;
- Không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng: Ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả…
- Tránh xem, đọc hoặc nghe những tin tức tiêu cực về dịch Covid-19 trên các mạng xã hội.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 11/9/2021.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra Thông báo số 337/TB-BGTVT về Kết luận tại cuộc họp trực tuyến giao ban trong công tác vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, Bộ GTVT nhấn mạnh cần đặc biệt ưu tiên vận chuyển đối với các loại hàng sau đây:
- Hàng hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Bắc; không để xảy ra tình trạng ùn tắc, khó khăn trong vận chuyển hàng nông sản.
- Các loại hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân tại các địa phương thực hiện giãn các xã hội như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ...
- Hàng hóa cho hoạt động xuất, nhập khẩu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ùn tắc đối với các loại hàng hóa này, nhất là tại khu vực cảng biển luôn được thông suốt 24/24h.
- Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, sản phẩm ngành y tế và các loại hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT giao Vụ Vận tải phối hợp với Cục Y tế GTVT tham mưu Bộ có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền một số nội dung:
- Cấp vắc xin để tiêm cho đội ngũ lái xe, các nhân sự tham gia triển khai xây dựng các công trình, dự án ngành GTVT.
- Đề xuất các loại hình vận tải cho phép những người đã tiêm 02 mũi vắc xin, người đã tiêm 01 mũi vắc xin được tham gia.
- Phương án sử dụng người là F0 đã khỏi bệnh, người được tiêm 02 mũi vắc xin tham gia hoạt động vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch. Thông báo này được đưa ra ngày 01/9/2021. Nếu còn thắc mắc vấn đề khác liên quan đến Covid-19, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4355/QĐ-BYT ngày 10/9/2021 về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Theo Hướng dẫn mới này, khi khám sàng lọc trước khi tiêm chủng, bên cạnh việc hỏi tiền sử bệnh người đến tiêm, các cơ sở sẽ tiến hành đánh giá lâm sàng bằng cách: Đo thân nhiệt, đo huyết áp và đo mạch, đếm nhịp thở.
Đáng chú ý, việc đo huyết áp chỉ áp dụng đối với người có tiền sử tăng huyết áp/huyết áp thấp và có bệnh nền liên quan bệnh lý tim mạch, trên 65 tuổi. Trước đó, ở Hướng dẫn cũ, Bộ Y tế yêu cầu đo huyết áp với tất cả người đến tiêm.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế lưu ý, các đối tượng sau phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng khi tiêm, gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác;
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính;
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi;
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu;
- Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần;
- Và người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống.
Ngoài ra, đối với tiền sử tiêm vắc xin phòng Covid-19, cần khai thác chính xác loại vắc xin đã tiêm và thời gian tiêm vắc xin.
Về tiền sử dị ứng, cần hỏi người tiêm chủng đã từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử dị ứng nặng bao gồm cả phản vệ; tiền sử dị ứng với vắc xin và bất cứ thành phần nào của vắc xin.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/9/2021.
Nếu có thắc mắc về tiêm vắc xin phòng Covid-19, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Nội dung này được nhắc đến trong Thông báo số 237/TB-VPCP ngày 09/9/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống Covid-19.
Cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian giãn cách xã hội phải kiểm soát được dịch, kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và tâm lý, tình cảm, đời sống nhân dân.
Đồng thời, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch; kịp thời có các hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.
Cùng với đó, tại Kết luận, Thủ tướng đưa ra 05 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện triệt để tại các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội gồm:
- Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở đó”, nhất là việc phải thực hiện cách ly;
- Đảm bảo an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc;
- Đảm bảo mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn;
-Khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời;
- Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn;
- Tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch hiệu quả. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Bộ Y tế đã có Công văn 7548/BYT-DP về việc tiêm mũi 02 vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng đã tiêm mũi 01 vắc xin Moderna.
Cụ thể, Công văn nêu rõ, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin Covid-19 mũi 01 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 02 thì có thể sử dụng vắc xin khác để tiêm mũi 02, theo đó: Nếu đã tiêm mũi 01 vắc xin do Moderna sản xuất thì mũi 02 có thể tiêm vắc xin Pfizer và ngược lại.
Để đảm bảo người dân được tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tham mưu, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc tiêm vắc xin mũi 02 vắc xin Pfizer cho những người đã tiêm mũi 01 vắc xin Moderna đủ thời gian mà không có vắc xin Moderna để tiêm mũi 02.
Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chấp thuận, Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm và thông tin đầy đủ cho các đối tượng trước khi tiến hành tiêm chủng về hiệu quả, tính an toàn của vắc xin để tạo sự đồng thuận cao. Công văn được ban hành ngày 10/9/2021. Nếu có thắc mắc về tiêm vắc xin phòng Covid-19, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.