Điểm tin Văn bản mới số 36.2020

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề

03

Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Trường tiểu học

path Giáo viên tiểu học không còn bị cấm dùng di động khi đang dạy

04

Công văn 2772/GDĐT-KHTC của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về việc hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác năm học 2020-2021 của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

path Học phí trường công tại TP. HCM năm học 2020 - 2021

05

Công văn 3453/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông

path Bộ GDĐT: Tuyệt đối không ép học sinh mua sách tham khảo

06

Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non

path Từ 01/11 thêm nhiều trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa

07

Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học

path Giáo viên tiểu học được chấm 0 điểm bài kiểm tra từ 20/10/2020

08

Công văn 3465/BGDĐT-QLCL của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam

path Thêm trường đại học được tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc

Điểm tin văn bản

Y tế-Sức khỏe
Sớm trình Chính phủ việc giải ngân gói hỗ trợ Covid-19 giai đoạn 2

Đây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Thông báo số 326/TB-VPCP ngày 13/9/2020 trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ liên quan phải sớm trình Chính phủ việc giải ngân giai đoạn 02 gói an sinh xã hội nhất là cho người lao động mất việc, mất thu nhập.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình mới để giữ an toàn cho bản thân và xã hội.

Các đơn vị, doanh nghiệp, tập thể và từng cá nhân đều phải tích cực xác lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, vừa phòng, chống dịch.

Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh, nghiêm cấm áp dụng các biện pháp có tính chất “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đi lại, hạn chế giao thương; chỉ xét nghiệm người có biểu hiện ho, sốt mà không yêu cầu xét nghiệm SAR-CoV2 với người đến từ địa phương đã hết dịch trong công cộng.

Ngoài ra, tại Thông báo này, Thủ tướng còn yêu cầu phải có quy định riêng về phòng, chống dịch trong suốt quá trình nhập cảnh, đi lại, làm việc tại Việt Nam của khách quốc tế nhập cảnh. Khi xuất hiện ca mắc bệnh phải thần tốc truy vết các trường hợp có nguy cơ, khoanh vùng và cách ly thật gọn, dập dịch triệt để.

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Hà Nội: Giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã từ 17/9

Mới đây, Hà Nội đã quy định số lượng và một số nội dung về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội tại Quyết định 19/2020/QĐ-UBND.

Số lượng cán bộ, công chức phường được quy định như sau:

- Phường loại 1: Bố trí tối đa 23 người;

- Phường loại 2: Bố trí tối đa 21 người;

- Phường loại 3: Bố trí tối đa 19 người.

Các xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội đã bố trí Trưởng Công an là công an chính quy, nên số lượng cán bộ, công chức tại các xã, thị trấn được bố trí như sau:

- Xã, thị trấn loại 1: Bố trí tối đa 22 người;

- Xã, thị trấn loại 2: Bố trí tối đa 20 người;

- Xã, thị trấn loại 3: Bố trí tối đa 18 người.

(Trước đây, số lượng cán bộ, công chức theo phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau: loại 1: tối đa 25 người; loại 2 tối đa 23 người; loại 3 tối đa 21 người).

Quyết định có hiệu lực từ 17/9/2020.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Giáo viên tiểu học không còn bị cấm dùng di động khi đang dạy

Điều lệ mới của trường Tiểu học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 04/9/2020 tại Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ 20/10/2020.

Theo Điều 31 Điều lệ trường Tiểu học mới, hành vi ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên thực hiện theo quy định của ngành giáo dục và của pháp luật, trong đó cần chú ý:

- Không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức;

- Không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh;

- Không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất;

- Không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén nội dung giáo dục;

- Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

So với Điều lệ trường Tiểu học tại Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT, Điều lệ mới đã bỏ nội dung cấm giáo viên sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp.

Thông tư cũng nhấn mạnh, giáo viên, nhân viên có hành vi vi phạm quy định tại Điều lệ này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Giáo viên, nhân viên có thành tích sẽ được khen thưởng, được phong tặng danh hiệu thi đua và các danh hiệu cao quý khác theo quy định.

Học phí trường công tại TP. HCM năm học 2020 - 2021

Cuối tháng 08, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn 2772/GDĐT-KHTC hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác năm học 2020 - 2021 của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn.

Theo đó, năm học 2020 - 2021 mức học phí của các trường công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như sau:
Đơn vị tính: Đồng/học sinh/tháng

Cấp học

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhà trẻ

200.000

120.000

Mẫu giáo

160.000

100.000

Tiểu học

0

0

Trung học cơ sở

60.000

30.000

Bổ túc trung học cơ sở

60.000

30.000

Trung học phổ thông

120.000

100.000

Bổ túc trung học phổ thông

120.000

100.000

Trong đó, nhóm 01 là học sinh tại các trường từ Quận 1 đến Quận 12 và Quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân.

Nhóm 02 là học sinh các trường huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ.

Mức học phí này không thay đổi so với năm học 2019 - 2020.

Đối với các khoản thu thỏa thuận, thu hộ - chi hộ như vệ sinh phí, tổ chức phục vụ bán trú… Sở phân cấp các quận huyện xem xét và quyết định căn cứ trên tình hình thực tế địa phương.

Bộ GDĐT: Tuyệt đối không ép học sinh mua sách tham khảo

Để tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3453/BGDĐT-GDTH.

Đối với tài liệu tham khảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực  tế và không bắt buộc; các trường phải cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh và phụ huynh biết và lựa chọn.

Đối với sách giáo khoa, các trường thực hiện trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020 - 2021.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo phải tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông trong việc trang bị sách giáo khoa và tài kiệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Từ 01/11 thêm nhiều trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non ngày 08/9/2020.

Theo đó, so với quy định hiện nay tại Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ, từ 01/11 - khi Nghị định 105 chính thức có hiệu lực, bổ sung thêm nhiều đối tượng trẻ em mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa gồm:

- Có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn(quy định mới được bổ sung), xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo;

- Không có người nuôi dưỡng (giữ nguyên như quy định hiện nay);

- Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (giữ nguyên như quy định hiện nay);

- Trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh… (mới được bổ sung);

- Trẻ em khuyết tật học hòa nhập (mới được bổ sung).

Về mức hỗ trợ tiền ăn trưa, Nghị định cũng quy định cụ thể số tiền là 160.000 đồng/trẻ/tháng theo số tháng học thực tế, không quá 09 tháng/năm học (hiện nay là 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng tính theo số tháng học thực tế nhưng không quá 09 tháng/năm học).

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/11/2020.

 

Giáo viên tiểu học được chấm 0 điểm bài kiểm tra từ 20/10/2020

Chấm điểm bài kiểm tra của học sinh cũng là một nội dung đáng chú ý tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ 20/10/2020.

Đánh giá định kỳ được thực hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét và được quy định cụ thể như sau (điểm d khoản 1 Điều 7):

Bài kiếm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

(Quy định trước đây: Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân…).

Quy định này được áp dụng đối với học sinh tiểu học học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể:

- Từ năm học 2020 - 2021 với học sinh lớp 1;

- Từ năm học 2021 - 2022 với học sinh lớp 2;

- Từ năm học 2022 - 2023 với học sinh lớp 3;

- Từ năm học 2023 - 2024 với học sinh lớp 4;

- Từ năm học 2024 - 2025 với học sinh lớp 5.

Như vậy, so với quy định cũ, từ 20/10/2020, học sinh lớp 1 sẽ được nhận điểm 0 nếu làm bài quá kém.
Thêm trường đại học được tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc

Ngày 08/9/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 3465 nêu ý kiến về việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam.

Tại Công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý với đề xuất của Trường Đại học Quy Nhơn về việc tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam.

Theo đó, trường Đại học Quy Nhơn được cấp phát, quản lý chứng chỉ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời phải bảo đảm người sử dụng chứng chỉ có thể tra cứu thông tin về chứng chỉ trên trang thông tin điện tử chính thức của trường.

Như vậy, kết hợp cùng Thông báo số 691/TB-QLCL ngày 08/5/2020, tính đến thời điểm hiện nay, có 15 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 06 bậc dùng cho Việt Nam:

- Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;

- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế;

- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội;

- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng;

- Trường Đại học Thái Nguyên;

- Trường Đại học Cần Thơ;

- Trường Đại học Hà Nội;

- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;

- Trường Đại học Vinh;

- Học viện An ninh nhân dân;

- Trường Đại học Sài Gòn;

- Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh;

- Trường Đại học Trà Vinh;

- Trường Đại học Văn Lang.

Hành chính
Giảm 1 Phó phòng của cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 25/11

Ngày 14/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2014/NĐ-CP về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, mỗi phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định bình quân 02 Phó Trưởng phòng thay vì tối đa 03 người như quy định cũ.

Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp.

Ngoài ra, Nghị định này còn quy định, ở cấp huyện, phòng Dân tộc chỉ được thành lập nếu đáp ứng các tiêu chí sau:

- Có tối thiểu 5000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;

- Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư, biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 25/11/2020.

Chính phủ ban hành Nghị định mới về vị trí việc làm và số lượng viên chức

Ngày 10/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Theo Nghị định này, có 02 căn cứ xác định vị trí việc làm và 03 căn cứ xác định số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể:

Căn cứ xác định vị trí việc làm, gồm:

- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Căn cứ xác định số người làm việc, gồm:

- Vị trí việc làm và khối lượng công việc thực tế tại từng vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập;

- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;

- Thực trạng quản lý, sử dụng số lượng người làm việc được giao của đơn vị.

Nghị định cũng quy định, chậm nhất đến hết ngày 30/6/2021, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Chậm nhất sau 03 tháng kể từ ngày Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn, các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Nghị định 106 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.

Công nghiệp
Trình tự “cắt điện” nếu bên mua không thanh toán tiền điện

Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Thông tư 22/TT-BCT về việc quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện, có hiệu lực từ ngày 30/10/2020.

Bên mua điện không thực hiện thanh toán tiền điện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực là một trong những trường hợp bị ngừng cấp điện.

Trình tự ngừng cấp điện trong trường hợp này như sau:

- Trường hợp không có thỏa thuận lùi ngày thanh toán tiền điện và bên mua điện đã được bên bán điện thông báo về việc thanh toán tiền điện 02 lần thì sau 15 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện;

- Trường hợp bên mua điện có đề nghị thoả thuận và được bên bán điện đồng ý lùi ngày thanh toán tiền điện, nếu quá thời hạn thoả thuận lùi ngày thanh toán tiền điện mà bên mua điện vẫn chưa thanh toán đủ tiền điện và cả tiền lãi của khoản tiền điện chậm trả (nếu có), bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện;

Khi thực hiện ngừng cấp điện, bên bán điện phải thông báo cho bên mua điện trước thời điểm ngừng cấp điện ít nhất 24 giờ và không phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra.

Phải nộp đến 339.000 đồng/lần khi cắt, cấp điện trở lại

Ngày 09/9/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 23/2020/TT-BCT quy định về phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại.

Cụ thể, mức chi phí ngừng và cấp điện trở lại cơ sở (M) là mức chi phí cho một lần ngừng, cấp điện trở lại tại khu vực đồng bằng, có khoảng cách từ trụ sở đơn vị trực tiếp thực hiện đến địa điểm thực hiện từ 05 km trở xuống theo công thức:

M = Chi phí nhân công + Chi phí đi lại

Trong đó:

- Chi phí nhân công: Tính theo các yếu tố gồm mức lương cơ sở của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho 01 ngày công, hệ số lương bậc thợ, hệ số phụ cấp lưu động và số công cho một lần đóng cắt theo các cấp điện áp;

- Chi phí đi lại: Là chi phí đi lại để thực hiện cho một lần ngừng, cấp điện trở lại.

Đặc biệt, Thông tư này quy định cụ thể mức chi phí này như sau:

- Tại điểm có cấp điện áp từ 0,38 kV trở xuống: M = 98.000 đồng;

- Tại điểm có cấp điện áp trên 0,38 kV đến 35 kV: M = 231.000 đồng;

- Tại điểm có cấp điện áp trên 35 kV: M = 339.000 đồng.

Đáng chú ý: Phương pháp xác định và mức chi phí ngừng, cấp điện trở lại do các tổ chức, cá nhân liên quan phải trả cho bên bán điện để thực hiện ngừng, cấp điện trở lại trong trường hợp:

- Ngừng, giảm cấp điện không khẩn cấp: Ngừng cấp điện theo yêu cầu để đảm bảo an toàn phục vụ thi công công trình; theo yêu cầu của bên mua điện;

- Ngừng cấp điện do tổ chức, cá nhân vi phạm bị bên bán điện ngừng cấp điện.

Thông tư này có hiệu lực từ 30/10/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.