Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 11/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa.
Một trong những nội dung đáng chú ý là chính sách hỗ trợ địa phương sản xuất lúa được quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Theo đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa như sau:
(1) Hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa;
(2) Hỗ trợ 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa;
(3) Hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa tại vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ tại điểm (1) và (2) nêu trên được xác định theo số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, riêng đối với kinh phí phân bổ cho năm 2025 là số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố của năm 2023.
Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ theo quy định tại điểm (3) nêu trên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố của năm liền kề trước năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.
Nghị định 112/2024/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Công văn 5047/BXD-QLN về việc triển khai thi hành Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 đã được Bộ Xây dựng ban hành.
Theo nội dung trong Công văn 5047/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì từ ngày 29/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng 2024, theo đó, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024.
Hiện nay, các văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng đã được ban hành để có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương vẫn còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền mà Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã giao.
Do vậy Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương ban hành các văn bản theo thẩm quyền để đảm bảo việc tổ chức thực hiện việc thi hành Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu quả, cụ thể như sau:
- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản quy định một số nội dung đã được Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 giao.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, các cơ quan chức năng của địa phương (Sở Xây dựng, các Sở ngành liên quan):
- Rà soát, công bố công khai các thủ tục hành chính trên Cổng thông tin dịch vụ công của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của địa phương, niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
- Rà soát các văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trình Ủy ban nhân dân hoặc Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành cho phù hợp với các quy định của Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 của cơ quan có thẩm quyền.
Công văn 5047/BXD-QLN được ban hành ngày 28/8/2024.
Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 5400/BYT-DP về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ và ngập lụt.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung như sau:
- Rà soát, bổ sung và chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh trong các tình huống thiên tai trên địa bàn phù hợp với thực tiễn của địa phương;
- Rà soát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ, nhất là vùng ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét;
- Chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh khi xảy ra các tình huống về thiên tai;
- Củng cố và duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch hỗ trợ tuyến dưới trong giám sát, xử lý dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong điều kiện mưa lũ và ngập lụt.
Bên cạnh đó, tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là cần đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn....
Ngoài ra cần đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng; Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn có giấy phép lưu hành còn hiệu lực, còn hạn sử dụng để xử lý nước trong trường hợp khẩn cấp và hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trong mưa lũ và ngập lụt;
Đồng thời thực hiện vệ sinh môi trường sau mưa lũ và ngập lụt, theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật tránh phát sinh các dịch bệnh truyền nhiễm. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ.
Công văn 5400/BYT-DP được ban hành ngày 12/9/2024.
Được nêu tại Thông tư 66/2024/TT-BTC quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán, ban hành ngày 06/9/2024.
Theo đó, tại Điều 3 Thông tư 66/2024/TT-BTC quy định các chức danh và mã số chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán
- Kế toán viên chính (hạng II): Mã số: V. 06.030
- Kế toán viên (hạng III): Mã số: V. 06.031
- Kế toán viên trung cấp (hạng IV): Mã số: V. 06.032
Tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư quy định về Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp ((hạng IV); Kế toán viên (hạng III) và Kế toán viên chính (hạng II), gồm các tiêu chuẩn sau:
(1) Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
(2) Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
(3) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Điều 7 Thông tư cũng quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính như sau:
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
- Có vị trí việc làm còn thiếu theo cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có nhu cầu và cử viên chức tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
- Đối với viên chức được cử tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
- Đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư 66/2024/TT-BTC.
- Đang giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó, phải có tối thiểu đủ 01 năm liên tục giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
- Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản, nhiệm vụ khoa học từ cấp cơ sở trở lên, được cấp có thẩm quyền nghiệm thu ban hành, gồm: Văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học…
Thông tư 66/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 21/10/2024.
Được nêu cụ thể tại Thông tư 09/2024/TT-BTP của Bộ Tư pháp ban hành ngày 06/9/2024.
* Điều 2 quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng I:
- Đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng II và đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại Điều 4 Thông tư 05/2022/TT-BTP).
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 05/2022/TT-BTP.
- Tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).
* Điều 3 Thông tư 09/2024/TT-BTP quy định tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng II:
- Đang giữ chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng III và đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 05/2022/TT-BTP.
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 05/2022/TT-BTP.
- Tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP).
Về giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý, Điều 4 Thông tư này quy định gồm:
- Sơ yếu lý lịch viên chức theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 38 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP);
- Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức hoặc của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi theo quy định tại điểm c khoản 38 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP) theo Mẫu số 01-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư này;
- Văn bản xác nhận vụ việc tham gia tố tụng thành công theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 hoặc điểm d khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2022/TT-BTP;
-Bản sao quyết định tuyển dụng, quyết định bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý;
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu:
+ Trường hợp xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng I thực hiện theo quy định tại Điều 4 và điểm e khoản 2 Điều 5 Thông tư 05/2022/TT-BTP;
+ Trường hợp xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng II thực hiện theo quy định tại Điều 4 và điểm e khoản 2 Điều 6 Thông tư 05/2022/TT-BTP;
- Bản sao quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền (nếu có).
Thông tư 09/2024/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ 01/11/2024.
Đây là một trong những nội dung được nêu tại Công điện 92/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Theo đó, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại văn bản số 11261-CV/VPTW ngày 09/9/2024, tiếp theo chỉ đạo tại các buổi làm việc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số địa phương những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách giãn hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,... đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật; kịp thời phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất cấp thẩm quyền xuất cấp gạo cho các hộ có nguy cơ thiếu đói theo đúng quy định và thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương rà soát những hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ lương thực cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân, nhất là các hộ ở vùng bị cô lập.
Công điện 92/CĐ-TTg được ban hành ngày 10/9/2024.
Đây là một trong những nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2024.
Theo nội dung Nghị quyết 128/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và hệ thống ngân hàng.
Sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế và khắc phục hậu quả bão, lũ.
Ngoài ra, cân kịp thời tháo gỡ vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; nghiên cứu nâng quy mô chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng 50 - 60 nghìn tỷ đồng.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030.
Gói tín dụng này được được 04 Ngân hàng Thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, và Vietcombank) tham gia thực hiện, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng.
Sau đó, có thêm 04 Ngân hàng Thương mại Cổ phần cũng đăng ký tham gia gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, gồm: TPBank, VPBank, MB và Techcombank, với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng. Nâng tổng số Ngân hàng Thương mại tham gia lên 8 ngân hàng với 140.000 tỷ đồng.
Được nêu tại Công văn 4251/BLÐTBXH-CTE, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 12/9/2024.
Theo đó, hiện nay vì nhiều tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ đang tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra, tại Công văn 4251/BLÐTBXH-CTE, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố một số nội dung bổ sung trong chỉ đạo các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức Tết Trung thu năm 2024, như sau:
- Quan tâm, chăm lo tổ chức các hoạt động Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu một cách phù hợp trên cơ sở bảo đảm an toàn, tiết kiệm, thực chất, không phô trương, hình thức, đặc biệt ở những nơi bị ảnh hưởng của bão số 3 và lũ lụt, thiên tai sau bão.
Tuyệt đối không tổ chức sự kiện tập trung đông trẻ em và đông người, không an toàn tại nơi tổ chức sự kiện và trên đường di chuyển do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt; thay vào đó có thể tổ chức trực tuyến, trên truyền hình và gửi quà đến các cháu (nếu có điều kiện).
- Chương trình, hoạt động, sự kiện, lễ hội Trung thu cần rút gọn, giảm các tiết mục văn nghệ. Nội dung trọng tâm: đọc Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu năm 2024.
Bên cạnh đó, ưu tiên tặng quà Trung thu đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ.
Ngoài ra, nhân dịp các hoạt động Trung thu năm 2024, tăng cường giáo dục tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách” cho trẻ em; thông tin, cập nhật tình hình ảnh hưởng của bão, lũ lụt tại các địa phương, vận động sự chia sẻ, quyên góp, ủng hộ của trẻ em, gia đình và cộng đồng để trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lụt được sớm trở lại trường học và ổn định cuộc sống.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.