Điểm tin văn bản mới số 35.2019

Điểm tin văn bản

Lao động-Tiền lương
Từ 8/11, người lao động được vay tới 100 triệu từ Quỹ việc làm

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có việc làm và tạo việc làm, ngày 23/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 74 năm 2019 thay đổi mức vay và thời hạn vay theo hướng có lợi hơn.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP như sau:

Về mức vay

- Người lao động được vay tối đa 100 triệu đồng.

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

(Các mức vay này đều gấp 02 lần mức vay hiện tại).

Về thời hạn vay vốn

Thời hạn vay tối đa 120 tháng (hiện nay thời hạn vay tối đa chỉ 60 tháng). Thời hạn cụ thể sẽ do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay.

Về hồ sơ vay vốn

- Đối với người lao động:

+ Giấy đề nghị vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cư trú hợp pháp; + Bản sao giấy chứng nhận đối tượng ưu tiên (nếu có).

- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh:

+ Dự án vay vốn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nơi thực hiện dự án;

+ Bản sao một trong các giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; hợp đồng hợp tác; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

+ Giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng ưu tiên (nếu có).

Nghị định có hiệu lực từ ngày 08/11/2019.

Tài chính-Ngân hàng
Sẽ tổ chức thi chứng chỉ tư vấn bảo hiểm hàng tháng

Để thống nhất với Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, bổ sung mới được thông qua, ngày 16/9/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65 quy định về nội dung đào tạo, thi, cấp và công nhận chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm.

Theo đó, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm gồm chứng chỉ: Tư vấn bảo hiểm; Đánh giá rủi ro bảo hiểm; Giám định tổn thất bảo hiểm và Hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Việc tổ chức thi các chứng chỉ này được diễn ra hàng tháng, theo hình thức tập trung và do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm thực hiện.

 

Trong đó, hồ sơ đăng ký dự thi gồm: Thông tin cá nhân của thí sinh; Tên kỳ thi cấp chứng chỉ; Loại chứng chỉ đăng ký thi; Ngày, địa điểm thi và các thông tin khác có liên quan đến kỳ thi.

Nội dung đào tạo chứng chỉ được ra dưới dạng trắc nghiệm, gồm 02 phần là kiến thức chung và kiến thức chuyên môn. Trong đó, phần kiến thức chung chiếm 40%, phần kiến thức chuyên môn chiếm 60% tổng số lượng câu hỏi mỗi đề thi.

Căn cứ vào kết quả thi, nếu thí sinh đạt từ 70% tổng số điểm của bài thi trở lên thì được coi là đỗ và kết quả sẽ được đăng công khai trên Trang thông tin điện tử của Trung tâm trong thời hạn 05 ngày…

Thông tư số 65/2019 có hiệu lực từ 01/11/2019.

Y tế-Sức khỏe
Người bệnh BHYT được trả lại tiền thuốc tự mua ngoài

Để ngăn chặn việc trục lợi quỹ BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan phải thực hiện theo Công văn số 3328/BHXH-GĐB.

Theo đó, ngày 09/9/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 10 yêu cầu các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phải nghiêm túc và quán triệt thực hiện các nội dung sau để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT):

- Trả lại cho người bệnh BHYT các khoản thu không đúng quy định thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT, chi phí thuốc, vật tư y tế không cung ứng đủ để người bệnh phải tự mua;

- Đề nghị công khai, minh bạch danh mục và giá dịch vụ y tế gồm cả phần thu thêm của người bệnh;

- Tăng cường giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT, kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp gian lận; Kiểm tra và báo cáo các trường hợp đề nghị thanh toán dịch vụ kỹ thuật bất thường;

- Chủ động thông báo, phối hợp với Sở Y tế thanh tra, kiểm tra khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đặc biệt là sau khi phát hiện có dấu hiệu lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống, cấp thuốc không đủ cho người bệnh…

Công văn này được ban hành ngày 11/9/2019.

 
Mỗi người dân sẽ có duy nhất một mã số định danh y tế

Để tránh trùng lặp và giúp đồng bộ hồ sơ y tế, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 4376 về quy chế xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế.

Theo đó, mã định danh y tế (viết tắt là ID) là nhóm dữ liệu được sử dụng để nhận biết 01 cá nhân tham gia dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Mỗi người dân sẽ có một ID duy nhất và tồn tại suốt đời. Mã này được sinh tự động từ hệ thống mã định danh của Bộ Y tế, gồm các đặc tính cơ bản:

- Luôn sẵn sàng để có thể sử dụng ở bất cứ đâu;

- Có khả năng liên kết các hồ sơ y tế trên các hệ thống khác;

- Có khả năng định danh duy nhất cho 01 cá nhân…

Một ID sẽ gồm dãy các ký tự, được chia thành 03 phần:

XXXXXXXXXX . xxxxxxxxxx

Trong đó:

- 10 ký tự đầu là số bảo hiểm xã hội;

- Ở giữa hai dãy số là dấu “.” dùng để xử lý các công nghệ không có định hướng;

- Dãy ký tự sau cùng được sử dụng để đảm bảo định danh hợp lệ, dựa trên những thông tin cơ bản như số bảo hiểm xã hội, họ và tên, năm sinh, giới tính, nơi sinh... Dãy số này sẽ được làm mờ đi và chỉ được dùng để kiểm tra tính hợp lệ trên hệ thống cấp mã định danh y tế…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24/9/2019.

Giao thông
Hướng dẫn mới nhất về giấy tờ tùy thân khi bay nội địa

Để đơn giản cho hành khách trong quá trình làm thủ tục khi bay các chuyến bay nội địa, ngày 13/9/2019, Cục hàng không Việt Nam ban hành Công văn số 3982/CHK-ANHK quy định cụ thể các loại giấy tờ tùy thân cần đem theo.

Theo đó, ngoài việc thực hiện theo phụ lục XIV Thông tư số 13/2019 của Bộ Giao thông Vận tải thì các giấy tờ tùy thân còn có thể là:

Đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài:

- Trẻ em không có hộ chiếu riêng: Chấp nhận hộ chiếu của cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ có chứa các thông tin: họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ.

- Thẻ thường trú do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

- Thẻ tạm trú do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

- Giấy phép lái xe của Việt Nam.

- Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam.

Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam chưa đủ 14 tuổi:

- Trẻ em không có hộ chiếu riêng: Thực hiện như trẻ em mang quốc tịch nước ngoài.

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực, bản sao từ sổ gốc của giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh.

Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên:

- Giấy chứng minh Công an nhân dân; Giấy chứng nhận cấp cho hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn; công nhân, nhân viên; nhân viên tạm tuyển đang phục vụ trong Công an nhân dân.

- Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân; Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp; Thẻ Hạ sĩ quan, binh sĩ; Thẻ Hạ sĩ quan dự bị…

- Thẻ Nhà báo.

- Giấy phép lái xe ô tô, mô tô.

- Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam.

- Giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận.

Hành chính
Hà Nội: Từ nay đến 2021, sáp nhập nhiều xã, phường

Thực hiện đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, cũng như để phù hợp với thực tiễn, từ nay đến năm 2021, TP. Hà Nội sẽ thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo Kế hoạch số 212/KH-UBND.

Theo Kế hoạch, sẽ thực hiện sắp xếp đối với 08 đơn vị hành chính cấp xã (04 phường, 04 xã) không đủ 50% cả hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cụ thể:

Các phường, xã không đủ tiêu chí phải sắp xếp lại

- Các phường: Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ thuộc quận Hai Bà Trưng.

- Các xã: Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà thuộc huyện Phúc Thọ.

- Xã Thụy Phú thuộc huyện Phú Xuyên.

Các xã liên quan sẽ sáp nhập với các xã không đủ tiêu chí

- Các xã: Sen Chiểu, Xuân Phú, Vân Nam thuộc huyện Phúc Thọ.

- Xã Văn Nhân thuộc huyện Phú Xuyên.

Phương án sắp xếp

- Quận Hai Bà Trưng:

+ Sáp nhập phường Nguyễn Du với phường Bùi Thị Xuân và một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Ngô Thì Nhậm (mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214).

+ Sáp nhập phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của phường Ngô Thì Nhậm (trừ mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214) với phường Phạm Đình Hổ.

- Huyện Phúc Thọ:

+ Sáp nhập xã Phương Độ với xã Sen Chiểu.

+ Sáp nhập xã Cẩm Đình với xã Xuân Phú.

+ Sáp nhập xã Vân Hà với xã Vân Nam.

-Huyện Phú Xuyên:

Sáp nhập xã Thụy Phú với xã Văn Nhân.

Kế hoạch này được ban hành ngày 20/9/2019.

Công nghiệp
Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 mới đây.

Bộ Chính trị xác định cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cả cơ hội và thách thức; Do đó, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp... Mục tiêu đến năm 2025, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; Năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm...

Theo đó, để nâng cấp chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân bằng cách tận dụng có hiệu quả các cơ hội do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại, Nghị quyết này đã đưa ra một số chủ trương, chính sách như sau:

- Quy hoạch và khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai các dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí thấp;

- Khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam;

- Hình thành mạng học tập mở của người Việt Nam, thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân;

- Thúc đẩy việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng;

- Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia…

Cơ cấu tổ chức
Điều kiện để trở thành Tổ trưởng tổ dân phố tại Hà Nội

Điều kiện để được bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn thành phố vừa được Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành tại Quyết định 16/2019 ngày 19/9/2019.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; do cử tri hoặc cử tri đại diện các hộ gia đình trực tiếp bầu ra theo nhiệm kỳ và được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận.

Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện để được bầu làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn các thôn, tổ dân phố ở TP. Hà Nội gồm:

- Là người có hộ khẩu thường trú hoặc cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố;

- Từ đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe; nhiệt tình, trung thực và có tinh thần trách nhiệm trong công tác;

- Tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên. Với các xã miền núi thì tiêu chuẩn về trình độ văn hóa có thể thấp hơn;

- Có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt;

- Bản thân và gia đình gương mẫu về đạo đức, lối sống, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được nhân dân tín nhiệm;

- Có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng và công việc cấp trên giao;

Trong đó, nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là 2,5 năm tính từ khi có quyết định công nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/9/2019.

Vi phạm hành chính
Tiết lộ bí mật kinh doanh có thể bị phạt tới 300 triệu đồng

Đây tiếp tục là một trong những hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 75/2019 được Chính phủ ban hành ngày 26/9/2019 vừa qua.

Theo đó, bất cứ doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nào có hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin sẽ bị phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng.

Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin.

Trường hợp hành vi do cá nhân thực hiện thì mức phạt đối với cá nhân bằng ½ mức phạt đối với tổ chức, đồng nghĩa với việc cá nhân sẽ bị phạt tối đa 150 triệu đồng.

Có thể thấy, khi Nghị định này chính thức có hiệu lực (01/12/2019) thì mức xử phạt đối với những hành vi nêu trên đều cao gấp 10 lần so với trước đây.

Bởi theo Điều 29 Nghị định 71/2014/NĐ-CP (đang được áp dụng hiện nay và hết hiệu lực từ ngày 01/12/2019) thì mức phạt đối với tổ chức có hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh chỉ từ 10 - 30 triệu đồng.

Bên cạnh việc phạt tiền, tổ chức, cá nhân còn bị tịch thu tang vật, phương tiện cũng như khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.