Điểm tin Văn bản mới số 34.2022

Điểm tin văn bản

Đất đai-Nhà ở
Ngăn chặn việc phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư

Ngày 29/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo Chỉ thị 13, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong việc giữ vững ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. 

Nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập và tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm đáng chú ý như:

- Không siết chặt tín dụng bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý nhà nước; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật...

- Ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được đầu tư; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thị trường.

- Đánh giá cụ thể, chính xác tình hình và cung - cầu để phát triển thị trường bất động sản song song với phát huy vai trò quản lý của nhà nước, can thiệp, kiểm soát khi cần thiết, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá...  

- Xây dựng hệ thống thông tin về thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

- Thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến của thị trường bất động sản; hàng quý có báo cáo Thủ tướng về tình hình bất động sản trên phạm vi cả nước...

- Kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán: Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản...

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Thuế-Phí-Lệ phí
Hà Nội tạm thời chưa thu học phí năm học 2022 - 2023

Ngày 26/8/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn 2534/SGDĐT-KHTC hướng dẫn tạm thời chưa thực hiện thu học phí năm học 2022 - 2023.

Theo Công văn, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn trong năm học 2022 - 2023 tại kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề) Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. 

Trong thời gian chờ Hội đồng nhân dân Thanh phố ban hành Nghị quyết. Sở Giáo dục đề nghị Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chi đạo các cơ sở giáo dục công lập (trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao) tạm thời chưa thu học phí cho đến khi có hướng dẫn mới. 

Dự kiến, kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội khóa XVI sẽ diễn ra vào ngày 12/9/2022.

Ngoài Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau cũng đang tạm thời chưa thu học phí đầu năm.

Một số địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã có thông báo miễn học phí năm học 2022 - 2023 cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trên địa bàn.

Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề học phí, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Quy trình quản lý đăng ký hóa đơn điện tử tạo từ máy tính tiền

Ngày 23/8/2022, Tổng cục Thuế đã có Quyết định số 1391/QĐ-TCT về việc ban hành Quy trình quản lý hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.

Cụ thể, quy trình quản lý đăng ký hóa đơn điện tử tạo từ máy tính tiền được thực hiện như sau:

Bước 1:

Trong thời gian 15 phút kể từ khi nhận được Tờ khai của người nộp thuế, Cổng điện tử tự động đối chiếu thông tin trên Tờ khai, bao gồm:

- Mã số thuế phải có trạng thái 00, 04 đối với doanh nghiệp, tổ chứ hoặc trạng thái 00 đối với hộ kinh doanh.

- Cơ quan thuế quản lý trên tờ khai đúng với cơ quan quản lý thuế trên phân hệ đăng ký thuế của Hệ thống TMS.

- Các chỉ tiêu đúng Chuẩn dữ liệu.

- Chữ ký số của người nộp thuế theo đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Tình trạng hoạt động; hiệu lực của Hợp đồng nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử của tổ chức truyền nhận.

Căn cứ kết quả đối chiếu, Cổng điện tử tự động tạo thông báo tiếp nhận/không tiếp nhận tờ khai đăng ký/thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử.

Bước 2:

Trong 01 ngày làm việc kể từ ngày Cổng điện tử gửi thông báo tiếp nhận, trường hợp người nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thì Hệ thống tự động đối chiếu các nội dung thông tin bao gồm:

- Người nộp thuế không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử.

- Người nộp thuế đăng ký phương thức chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử phù hợp với hình thức hóa đơn đã lựa chọn.

- Người nộp thuế đăng ký loại hóa đơn sử dụng là “Hóa đơn giá trị gia tăng” thì phương pháp tính thuế đăng ký trên phân hệ đăng ký thuế phải là phương pháp khấu trừ.

- Người nộp thuế là hộ kinh doanh thì phải có các thông tin về: phương pháp tính thuế giá trị gia tăng là phương pháp trực tiếp trên doanh thu; chữ ký số phù hợp thông tin trên phân hệ đăng ký thuế.

- Người nộp thuế có ngành nghề kinh doanh thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Bước 3:

Căn cứ kết quả đối chiếu bước 1, bước 2, công chức tiếp nhận thông tin đăng ký và dữ liệu hóa đơn điện tử xác nhận chấp nhận hoặc từ chối và nhập lý do từ chối.

Bước 4: Ban hành thông báo gửi người nộp thuế

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Lao động-Tiền lương
Biên tập viên, phóng viên được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Ngày 26/8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên và đạo diễn truyền hình.

Trước đây, viên chức là biên dịch viên, biên tập viên, phóng viên và đạo diễn truyền hình được yêu cầu phải có trình độ đào tạo tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT và có chứng chỉ ngoại ngữ từ bậc 2 đến bậc 4 theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên theo quy định mới tại Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT, viên chức biên dịch viên, biên tập viên, phóng viên và đạo diễn truyền hình đã được bãi bỏ yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Nhìn chung, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các chức danh viên này chỉ yêu cầu:

- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành phù hợp. Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học khác ngành thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp;

- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành;

- Viên chức hạng II, hạng I: Có bằng tốt nghiệp lý luận chính trị hoặc bằng lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Còn lại, các quy định về mã số và xếp lương của viên chức biên dịch viên, biên tập viên, phóng viên và đạo diễn truyền hình không có sự thay đổi.

Thông tư này có hiệu lực từ 10/10/2022.

Nếu gặp vướng mắc liên quan đến lĩnh vực cán bộ - công chức, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Ưu tiên tuyển giáo viên cho các môn học mới trong năm học 2022-2023

Ngày 29/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4185/ BGDĐT-VP về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023.

Theo đó, để chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, Bộ Giáo dục đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động đầu năm đáng chú ý như:

- Tổ chức triển khai việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương, trong đó ưu tiên biên chế cho các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao.

- Rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, sửa chữa, nâng cấp trường, lớp học. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Về việc đón học sinh đầu cấp và tổ chức Lễ Khai giảng:

  • Tổ chức đón học sinh đầu cấp học; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về truyền thống nhà trường; phổ biến nội quy của nhà trường; giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học...
  • Các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định về thời gian tựu trường và tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2022 - 2023 thống nhất vào sáng ngày 05/9/2022. Tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng.

  • Cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nề nếp ngay sau Lễ Khai giảng; việc tổ chức các hoạt động đầu năm cần phù hợp với lứa tuổi, điều kiện của nhà trường và thực tế của địa phương...

- Triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh trường học, trong đó lưu ý chủ động phòng, chống và ứng phó với thiên tai, dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác...

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Tư pháp-Hộ tịch
Dự thảo Luật Đất đai tập trung sửa đổi 10 vấn đề

Ngày 30/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2022.

Theo đó, dự án Luật sửa đổi Luật Đất đai tập trung hoàn thiện về 10 vấn đề như sau: 

- Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất (tại Điều 63, 64, 65): Rà soát, hoàn thiện điều kiện đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi khi thực hiện. 

- Về trường hợp Nhà nước thu hồi đất (tại Điều 67, Điều 68): Cần cụ thể hoá các tiêu chí, điều kiện, tránh tình trạng lạm dụng để thu hồi đất.

- Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp (tại Điều 146): Thống nhất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Tuy nhiên cần đánh giá kỹ tác động, xác định hạn mức bảo đảm phù hợp với thực tiễn. 

- Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (tại Điều 214): Đây là nội dung lớn, nhạy cảm nên cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này; quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm cho nông dân có đất để sản xuất và bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia. 

- Về thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất hạn chế khả năng lao động (tại Điều 94): Cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết cụ thể. 

- Về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng khu công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện chính sách về đất đai (tại Điều 168): Giao địa phương xác định phương thức hỗ trợ phù hợp với thực tế, đồng thời cần nghiên cứu quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy trình phù hợp, tránh cơ chế “xin-cho”. 

- Về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm” (tại Điều 198, Điều 212): Cần quy định chặt chẽ điều kiện, tránh trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lời. 

- Về cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại (tại Điều 66): Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp tiếp tục đánh giá thêm tác động để hoàn thiện nội dung này.

Trường hợp dự án khu đô thị, nhà ở thương mại vừa thu hồi đất, vừa nhận chuyển nhượng (tại khoản 1 Điều 66) thì cần quy định cụ thể khi nào thu hồi đất, khi nào nhận chuyển nhượng. Đồng thời giải quyết đồng bộ các vướng mắc liên quan đến chế độ sử dụng đất đối với văn phòng, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng... 

- Về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài (tại Điều 6, Điều 206): Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm rõ và hoàn thiện nội dung này. 

- Về giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản (tại Điều 211): Đa số Thành viên Chính phủ thống nhất với dự thảo Luật, nhằm tránh tạo thêm trung gian, phát sinh chi phí...

- Về hoàn thiện bộ máy, cơ chế hoạt động, tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất (tại Điều 105): Cần làm rõ chức năng của Tổ chức phát triển quỹ đất, Ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Cân nhắc thống nhất hai tổ chức trên vào một.

- Về ý kiến của Thành viên Chính phủ và một số nội dung quan trọng như: Nguyên tắc áp dụng, tiêu chí, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất... tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự án Luật sửa đổi Luật Đất đai sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại 03 kỳ họp.

Nếu gặp vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192  để được hỗ trợ.
Tài khoản định danh điện tử có thể sử dụng thay Căn cước công dân

Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử.

Cụ thể, theo Điều 13 Nghị định 59, cá nhân, tổ chức sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập và sử dụng các tính năng, tiện ích trên ứng dụng VNelD và trang thông tin định danh điện tử.

- Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 1 của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh các thông tin về nhân thân như: Số định danh; Họ tên; Ngày tháng năm sinh; Giới tính.

Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng Căn cước công dân trong các giao dịch, thủ tục yêu cầu xuất trình Căn cước công dân.

Đồng thời, có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình các giấy tờ đó.

Khi sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.

Như vậy, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có thể được sử dụng thay Căn cước công dân và một số loại giấy tờ đã được tích hợp, điều này giúp người dân và cả cơ quan Nhà nước thuận tiện hơn trong việc thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.

Nghị định 59/2022 có hiệu lực từ ngày 20/10/2022.

Theo Đề án phát triển định danh và xác thực điện tử ban hành kèm Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022, trong năm 2022 - các cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết 100% yêu cầu tạo lập danh tính điện tử cho công dân.

Đồng thời, xác thực 100% thông tin thiết yếu như: Thông tin tiêm chủng, Diấy phép lái xe, đăng ký xe... để dần thay thế các giấy tờ của công dân trong một số các giao dịch.

Trong giai đoạn 2023 - 2025, hướng tới xây dựng hệ sinh thái vụ công, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… trên nền tảng VNeID.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp. 

Vi phạm hành chính
Sử dụng điện thoại trong phiên tòa bị phạt đến 500.000 đồng

Đây là một trong những nội dung quy định tại Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Cụ thể, Điều 23 Pháp lệnh 02 quy định về mức phạt đối với các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng đối với hành vi:
  • Sử dụng điện thoại, tạo tạp âm hoặc có hành vi khác gây mất trật tự tại phiên tòa;

  • Không đứng dậy khi Hội đồng xét xử đi vào phòng xử án, khi Hội đồng xét xử tuyên án;

  • Bị cáo không đứng dậy khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng/quyết định truy tố mà không được chủ tọa phiên tòa cho phép;

  • Hút thuốc hoặc ăn uống trong phòng xử án;

  • Mặc trang phục không nghiêm túc, đội mũ, đeo kính màu trong phòng xử án mà không có lý do chính đáng và không được sự đồng ý của chủ tọa...  

- Phạt tiền từ 500.000 - 01 triệu đồng đối với hành vi:

  • Không chấp hành kiểm tra an ninh;

  • Hỏi, trình bày ý kiến khi chưa được chủ tọa đồng ý;

  • Gây rối tại phòng xử án;

  • Không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở;

  • Có thái độ không tôn trọng Hội đồng xét xử...

- Phạt tiền từ 01 - 07 triệu đồng đối với hành vi:

  • Lôi kéo, kích động người khác gây mất trật tự, gây rối phòng xử án;

  • Mang đồ cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu hoặc đồ vật khác vào phòng xử án làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa...

- Phạt tiền từ 07 - 15 triệu đồng đối với hành vi:

  • Đổ, ném chất thải, chất bẩn, đất, đá, cát... vào phòng xử án;
  • Mang vũ khí, chất nổ, chất độc... vào phòng xử án, trừ vật chứng của vụ án và công cụ hỗ trợ được người có thẩm quyền mang theo để bảo vệ phiên tòa;

  • Ghi âm, ghi hình Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa...

Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192   để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.