Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 26/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, ban hành kèm theo Nghị định này một số chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và có thể kể đến:
- Hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Trong đó, mức tối đa được quy định như sau:
- Doanh nghiệp nhỏ: Không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm;
- Doanh nghiệp vừa: Không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm.
- Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ như:
- Doanh nghiệp siêu nhỏ: Không quá 20 triệu đồng/năm;
- Doanh nghiệp nhỏ: Không quá 50 triệu đồng/năm;
- Doanh nghiệp vừa: Không quá 100 triệu đồng/năm…
Ngoài ra, vẫn hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong nước nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/doanh nghiệp.
Trong khi đó, theo quy định cũ tại điểm c khoản 1 Điều 21 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP thì Chính phủ không quy định mức tối đa của trường hợp này.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.
Nếu còn thắc mắc các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192.
Đây là nội dung chính tại Thông tư số 13/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành ngày 23/8/2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2013/TT-NHNN về Biểu phí dịch vụ thanh toán qua NHNN.
Theo đó, tại Điều 1 Thông tư 13 bổ sung Điều 1a Thông tư số 26/2013/TT-NHNN như sau:
Điều 1a: Giảm 50% mức phí thanh toán tại điểm 1.1, 1.2 Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Như vậy, từ ngày 01/9/2021 - hết ngày 30/6/2022, NHNN giảm 50 % mức phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, gồm:
- Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị cao, trong đó với Lệnh thanh toán mà:
+ Thời điểm Hệ thống nhận giao dịch trước 15h30 trong ngày: Mức phí tối thiểu là 1.000 đồng/món; tối đa là 25.000 đồng/món;
+ Thời điểm Hệ thống nhận giao dịch trong khoảng thời gian từ 15h30 đến khi Hệ thống ngừng nhận Lệnh thanh toán trong ngày: Mức phí tối thiểu là 2.000 đồng/món; tối đa là 50.000 đồng/món.
- Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp: Mức phí 1.000 đồng/món.
Trước đó, để hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ khác như: Giảm giá tiền điện đợt 04; giảm tiền nước sinh hoạt cho một số địa phương: Hà Nội, TP. HCM,… Đồng thời, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ khác, nhất là đối với doanh nghiệp trong dịch Covid-19. Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có Công văn 2844/LĐTBXH-PC ngày 25/8/2021 hướng dẫn một số vướng mắc trong việc thực hiện chính sách.
Theo đó, với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ" nhưng một số người lao động không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu "3 tại chỗ" của doanh nghiệp thì những trường hợp này, hai bên người lao động và doanh nghiệp thống nhất để xác định theo một trong các cách sau:
- Doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc và trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định. Khi đó, người lao động được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo Quyết định 23;
- Thống nhất với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương;
- Các trường hợp khác như: Thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định của địa phương, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất thuộc các trường hợp sau đây thì được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống Covid-19 và được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, gồm:
- Doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện "3 tại chỗ" và phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian thực hiện quy định đó của địa phương;
- Doanh nghiệp nằm trong khu cách ly y tế nên khó khăn về cung ứng nguyên liệu, xuất hàng. Nếu còn thắc mắc về các chính sách hỗ trợ do Covid-19, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Trong đó, Điều 15 Nghị định 81/2021 đã bổ sung thêm trường hợp học sinh, sinh viên được miễn học phí so với Nghị định 86/2015, gồm:
- Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
- Trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại khoản 5 Điều này được miễn học phí từ năm học 2024 - 2025 (được hưởng từ ngày 01 tháng 9 năm 2024).
- Học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí từ năm học 2022 - 2023 (được hưởng từ ngày 01/9/2022).
- Học sinh trung học cơ sở không thuộc đối tượng tại khoản 8 Điều này được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (được hưởng từ ngày 01/9/2025).
- Người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ.
- Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định 81 cũng sửa đổi về điều kiện, đối tượng được hưởng chính sách miễn học phí như sau:
- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên khuyết tật. (Không còn quy định điều kiện thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo như trước đây).
- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng và người từ 16 tuổi - 22 tuổi đang học phổ thông, giáo dục đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như: Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định;… (Không còn áp dụng với trường hợp học sinh đang học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng như trước đây).
- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo. (So với trước đây, bổ sung trường hợp ở với ông bà thuộc diện hộ nghèo cũng được miễn học phí).
- Trẻ em mầm non và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông là con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ. (Thêm đối tượng học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông).
Với các đối tượng học sinh, sinh viên còn lại vẫn tiếp tục được miễn học phí như trước đây, cụ thể:
- Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Người có công với cách mạng; thân nhân của người có công với cách mạng.
- Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
- Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên).
- Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học.
- Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
- Sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành: Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
- Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người (các dân tộc có dân số dưới 10.000 như: Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt,…).
- Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.
- Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
- Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nếu còn thắc mắc, đọc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
Ngày 27/8/2021, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 199/KH-UBND về xét nghiệm diện rộng có trọng điểm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo đó, Kế hoạch nêu rõ, ngoài việc xét nghiệm thường quy theo dịch tễ, căn cứ vào kết quả xét nghiệm của đợt cao điểm từ 27/8/2021 - 04/9/2021 UBND TP. Hà Nội xây dựng hai kịch bản xét nghiệm như sau:
Kịch bản 1: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại quận, huyện, thị xã đã có nguy cơ cao từ trước, với các ca mắc tăng cao, phải thực hiện phong tỏa
Tỷ lệ dương tính nguyên phát dưới 1% trên tổng số mẫu xét nghiệm (tương đương 2.000 ca bệnh) trong đó có xuất hiện các chuỗi lây nhiễm với số mắc bệnh lớn, tập trung tại một số khu vực nguy cơ cao với dự kiến số mẫu lấy là 800.000 mẫu.
Trong đó, khu vực nguy cơ cao gồm Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín và các quận, huyện còn lại là khu vực nguy cơ.
Kịch bản này sẽ thực hiện xét nghiệm trong 07 ngày, lấy theo hình thức cuốn chiếu theo hộ gia đình, theo khu vực nhà trọ, công sở, nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Kịch bản 2: Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các quận nội thành và một số khu vực của các huyện ngoại thành với các ca mắc lớn, phải phong tỏa, giới nghiêm toàn Thành phố
Nếu kết quả xét nghiệm đợt 27/8-04/9/2021 có tỷ lệ dương tính nguyên phát lớn hơn 1% tổng số mẫu xét nghiệm (tương đương trên 2.000 ca bệnh).
Trong đó, việc xét nghiệm cho thấy việc lây lan đã không dừng ở một nhóm người nhất định, có xu hướng lây lan rộng rãi dẫn đến giãn cách một vài điểm không còn hiệu quả, phải tiếp tục giãn cách toàn Thành phố để đảm bảo phòng, chống dịch.
Dự kiến, kịch bản này sẽ lấy 1,5 triệu mẫu cũng thời gian 07 ngày theo hình thức cuốn chiếu theo hộ gia đình, nhà trọ, công sở, nhà máy, khu công nghiệp… với người hay di chuyển nhiều, người làm nhiệm vụ tại các chuỗi cung ứng, người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác.
Nếu còn thắc mắc các vấn đề liên quan đến phòng, chống Covid-19… vui lòng liên hệ tại tổng đài 1900.6192.
Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 4109/QĐ-BYT ngày 26/8/2021.
Theo đó, tại Điều 1 của Quyết định này, các nhóm thuốc trong danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho F0 tại nhà gồm:
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol cho trẻ em là dạng gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg; cho người lớn là viên nén 250mg hoặc 500mg.
- Thuốc cân bằng điện giải: Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
- Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng: Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.
- Thuốc sát khuẩn hầu họng: Natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối) hoặc thuốc sát khuẩn hầu họng khác.
- Thuốc kháng vi rút: Thuốc này hiện chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trong tình huống khẩn cấp hoặc lưu hành chính thức.
- Thuốc chống viêm corticosteroid: Chọn một trong các thuốc sau: Dexamethason 0,5mg (viên nén) hoặc Methylprednisolon 16mg (viên nén) hoặc Prednisolon 5mg (viên nén)
- Thuốc chống đông máu: Chọn một trong hai thuốc sau: Rivaroxaban 10mg (viên) hoặc Apixaban 2,5mg (viên).
Lưu ý: Thuốc chống viêm và thuốc chống đông máu phải được bác sỹ kê đơn theo nguyên tắc chỉ định điều trị kết hợp khi người bệnh có bất kỳ một trong các dấu hiệu sớm của suy hô hấp mà chưa kịp chuyển đến cơ sở điều trị người mắc Covid-19 mức độ vừa, nặng, nguy kịch và không thuộc trường hợp chống chỉ định của thuốc…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 26/8/2021.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 02/9 tại Công điện 1108/CĐ-TTg ngày 31/8/2021.
Thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 02/9 năm nay kéo dài 04 ngày dễ làm gia tăng các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Rút kinh nghiệm từ kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, Thủ tướng yêu cầu thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, có hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống dịch sau đây:
Với các tỉnh không giãn cách xã hội
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, làm dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát như dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua. Để làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu:
- Kiên quyết dừng tổ chức lễ hội, tập trung đông người không cần thiết tại các khu vực công cộng, cơ sở vui chơi giải trí, địa điểm du lịch, tâm linh.
- Các lực lượng tham gia chống dịch phải tổ chức ứng trực 24/24 để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh trước diễn biến dịch bệnh phức tạp.
Với các tỉnh đang giãn cách xã hội
- Các địa phương đang thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng thì thực hiện nghiêm, triệt để, dứt khoát việc giãn cách xã hội theo tinh thần “ai ở đâu ở đó”; tuyệt đối không để tập trung đông người.
- Không để người dân di chuyển, ra đường nhiều trong kịp nghỉ lễ 02/9 này.
- Các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch phải bị xử lý nghiêm.
Song song với đó cũng phải tổ chức đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội để người dân tự giác, yên tâm tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong thời gian nghỉ lễ.
Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ với LuatVietnam tại tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 23/8/2021, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 109/2021/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư này là về chế độ nghỉ chờ hưu của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Cụ thể, khoản 4 Điều 1 Thông tư 109 nêu rõ:
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có đủ điều kiện nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng không nghỉ chuẩn bị hưu (hưởng lương hưu ngay) hoặc nghỉ không đủ thời gian quy định, thì khi nghỉ hưu được hưởng khoản tiền chênh lệch giữa tiền lương của tháng cuối cùng trước khi hưởng lương hưu với tiền lương hưu tháng đầu tiên đối với số tháng không nghỉ chuẩn bị hưu.
Căn cứ quy định này, quân nhân chuyên nghiệp sẽ được hưởng khoản tiền chênh lệch giữa tiền lương của tháng cuối cùng trước khi hưởng lương hưu và tháng đầu tiên của tháng không nghỉ chờ hưu nếu thuộc một trong hai trường hợp dưới đây:
- Có đủ điều kiện nghỉ hưu nhưng không nghỉ chuẩn bị hưu (hưởng lương hưu ngay).
- Nghỉ không đủ thời gian theo quy định.
Ngoài ra, trước đây, khoản 1 Điều 9 Thông tư 113/2016 quy định, căn cứ để tính nghỉ chờ hưu của quân nhân là số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, đến khoản 4 Điều 1 Thông tư 109 mới này, Bộ Quốc phòng chỉ dựa vào số năm công tác để tính thời gian nghỉ chờ hưu là 09 tháng hoặc 12 tháng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/10/2021.
Nếu còn thắc mắc về chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp thắc mắc.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Quyết định 1570/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2021 ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, đơn vị vận tải có nhu cầu sử dụng Giấy nhận diện cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thì thực hiện kê khai thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin kê khai. Việc kê khai thông tin thực hiện như sau:
- Truy cập vào và thực hiện theo các bước trên phần mềm tại địa chỉ www.drvn.gov.vn hoặc ứng dụng Luồng xanh;
- Thực hiện kê khai lại hoặc giao người trên phương tiện kê khai lại khi có thay đổi thông tin so với kê khai ban đầu;
- In Giấy nhận diện và dán tại vị trí dễ nhận biết trên phương tiện đã kê khai (cầm theo 01 bản dự phòng trường hợp Giấy nhận diện dán trên xe bị hư hỏng).
Ngoài ra, theo Hướng dẫn này, người trên phương tiện trước khi thực hiện vận chuyển cần lưu ý:
- Có bản chính Giấy xét nghiệm còn hiệu lực, Giấy phép lái xe (đối với người điều khiển phương tiện), Căn cước công dân hoặc Chứng minh thư còn hiệu lực (đối với người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hoá đi theo xe) và khai báo y tế theo quy định;
- Lái xe nhận nhiệm vụ và tiếp nhận thông tin về chuyến đi gồm: Số người đi theo xe, thời gian thực hiện, hành trình vận chuyển, địa điểm giao nhận hàng hoá, địa điểm nghỉ ngơi, địa điểm dự kiến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên hành trình, tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện;
- Mang theo quần áo bảo hộ, khẩu trang, kính, mũ, găng tay, bao giầy;
- Với xe có Giấy nhận diện: Sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị chuyên dụng để quét mã QR trên phương tiện, cập nhật thông tin của Giấy xét nghiệm còn hiệu lực theo hướng dẫn trên phần mềm. Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan đến Giấy nhận diện phương tiện, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Kết luận tại cuộc họp trực tuyến giao ban về vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được Bộ Giao thông Vận tải nêu tại Thông báo 324/TB-BGTVT ngày 26/8/2021.
Theo đó, Thông báo này ghi nhận và đánh giá cao Ủy ban nhân dân các tỉnh đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 đồng thời bảo đảm lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ giải quyết khó khăn và ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh với lái xe, người bốc dỡ hàng hóa tại một số tỉnh, thành phố còn hạn chế, dẫn đến ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động chở hàng hóa nhất là hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và bất cập này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh, thành phố lúc này phải coi tất cả hàng hóa đều là thiết yếu (trừ hàng cấm).
Hiện nay, tất cả các tuyến đường vận tải như quốc lộ, đường thủy nội địa, hàng hải… đều là luồng xanh, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Do đó, các địa phương không được lập trạm kiểm tra, trung chuyển hàng hóa gây ùn tắc giao thông, cản trở việc chở hàng trên các tuyến quốc lộ.
Đặc biệt, không thực hiện thủ tục, cấp tờ vận chuyển hàng hóa thủ công; chỉ tập trung tiền kiểm, hậu kiểm đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19; không để tình trạng ùn tắc giao thông, gây bức xúc cho người dân tại các chốt kiểm tra dịch bệnh Covid-19…
Nếu còn thắc mắc vấn đề khác liên quan đến Covid-19, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.