Điểm tin văn bản mới số 34.2019

Điểm tin văn bản

Doanh nghiệp
Chi phí được trừ khi hộ kinh doanh đổi thành doanh nghiệp

Đây là nội dung chính của Công văn số 3612/TCT- DNNCN được Tổng cục Thuế ban hành ngày 12/9/2019 về việc xác định giá trị tài sản khi hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Công văn này hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản cố định, công cụ lao động, hàng hóa tồn kho của hộ kinh doanh khi đổi thành doanh nghiệp để được hạch toán và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Cụ thể như sau:

Đối với tài sản cố định, công cụ lao động, hàng hóa tồn kho của hộ kinh doanh có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định: Tiếp tục đăng ký trở thành vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp mới thành lập.

Đối với tài sản cố định, công cụ lao động, hàng hóa tồn kho của hộ kinh doanh không có hoặc không đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định: Hộ kinh doanh thực hiện đánh giá lại tài sản.

Doanh nghiệp mới thành lập từ hộ kinh doanh căn cứ vào kết quả thẩm định của cơ quan thẩm định giá để làm cơ sở ghi sổ kế toán và được tính vào chi phí được trừ (khấu hao tài sản cố định, phân bổ công cụ lao động theo quy định) khi xác định thu nhập chịu thuế.

Thuế-Phí-Lệ phí
Hướng dẫn xác định ngày lập hóa đơn điện tử

Ngày 09/9/2019, Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 3556/TCT-CS về việc thực hiện hóa đơn điện tử đang được áp dụng hiện nay.

Theo đó, ngày lập hóa đơn là ngày người bán và người mua làm thủ tục ghi nhận hàng hóa, dịch vụ đã được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Với các trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thì ngày lập hóa đơn là ngày bàn giao hàng hóa.

Cụ thể hơn:

Đối với hàng hóa thì ngày lập hóa đơn là thời điểm người bán chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa. Nếu tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

Trường hợp cơ sở kinh doanh lập hóa đơn không đúng thời điểm hoặc có hành vi sử dụng hóa đơn trái pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Công văn cũng nêu rõ các điều kiện về thể thức để một hóa đơn điện tử được công nhận là hợp pháp. Đó là khi hóa đơn có đủ các nội dung:

- Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự hóa đơn;

- Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;

- Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;

- Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ;

- Chữ ký điện tử theo quy định của người bán; ngày, tháng, năm lập và gửi hóa đơn. Chữ ký điện tử của người mua trong trường hợp người mua là đơn vị kế toán;

- Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt.

Tiền đóng bảo hiểm được giảm trừ khi tính thuế TNCN

Ngày 10/9/2019, Cục thuế TP. Hà Nội ban hành Công văn số 70837/CT-TTHT hướng dẫn xác định thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) liên quan đến các khoản đóng bảo hiểm của người lao động.

Theo nội dung Công văn này:

- Sẽ giảm trừ thu nhập chịu thuế với:

+ Các khoản đóng bảo hiểm, bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Chứng từ chứng minh đối với các khoản bảo hiểm được trừ là bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp khi nộp thay.

Lưu ý:Khoản bảo hiểm y tế tự nguyện do người lao động tự mua không được trừ vào thu nhập chịu thuế TNCN.

+ Các khoản đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện

Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 01 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm).

Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện cấp.

- Không tính vào thu nhập chịu thuế với:

+ Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.

+ Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn…

Lao động-Tiền lương
Hướng dẫn mới nhất về đối thoại tại nơi làm việc

Ngoài nội dung về quy trình tổ chức hội nghị người lao động, Hướng dẫn số 1360 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành ngày 28/8/2019 còn bổ sung thêm về nội dung đối thoại tại nơi làm việc.

 

Theo đó, để xây dựng nội dung đối thoại tại nơi làm việc một cách bình đẳng, thiện chí và hợp tác giữa các bên, công đoàn cơ sở cần đề xuất thêm vào quy chế:

Đối thoại định kỳ:

- Ưu tiên các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như tiền lương, tiền thưởng; thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; chất lượng bữa ăn giữa ca; tình hình thực hiện chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

- Số lượng và thành phần tham gia sẽ do công đoàn cơ sở và người lao động lựa chọn nhưng đảm bảo ít nhất mỗi bên có 03 thành viên;

- Người tham gia đối thoại phải là người có hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên, hiểu về luật lao động, công đoàn, chế độ, chính sách, có khả năng thuyết phục và được người lao động tín nhiệm…

Đối thoại đột xuất

- Quy trình, thủ tục và thời gian nhanh, gọn, khẩn trương hơn đối thoại định kỳ; tránh việc bên yêu cầu đối thoại phải chờ đợi, tạo bức xúc trong quá trình giải quyết;

- Thời hạn trả lời đối thoại tối đa không quá 24 giờ kể từ khi gửi yêu cầu đối thoại…

Hướng dẫn này có hiệu lực từ ngày 10/9/2019.

Xuất nhập khẩu
Thêm trường hợp giấy tờ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị từ chối

Đây là một trong những điểm mới được bổ sung tại Thông tư số 62/2019 do Bộ Tài chính ban hành ngày 05/9/2019 về xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo đó, ngoài các trường hợp bị từ chối nêu tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ bị từ chối trong các trường hợp sau:

- Người khai hải quan không khai số tham chiếu, ngày cấp hoặc chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan mà không khai chậm nộp trên tờ khai hải quan nhập khẩu;

- Người khai hải quan khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng khai bổ sung và nộp chứng từ quá thời hạn;

Ngoài ra, Thông tư còn bổ sung việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương:

- Phải có đủ thông tin tối thiểu như người xuất khẩu hoặc người sản xuất; Tên, địa chỉ (gồm quốc gia), số điện thoại và địa chỉ email của người chứng nhận…

- Khi từ chối áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, cơ quan hải quan thông báo lý do bằng văn bản cho người nhập khẩu biết…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 21/10/2019.

Y tế-Sức khỏe
57 phụ gia phẩm màu được phép dùng trong thực phẩm

Ngày 30/8/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 24/2019 quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

Cụ thể các loại phụ gia phẩm màu được phép sử dụng trong thực phẩm bao gồm:

STT

Tên phụ gia

Tiếng Việt

Tiếng Anh

1

Curcumin

Curcumin

2

Turmeric

Turmeric

3

Riboflavin, tổng hợp

Riboflavin, synthetic

4

Natri Riboflavin 5'-phosphat

Riboflavin 5' phosphate sodium

5

Riboflavin từ Bacillus subtilis

Riboflavin from Bacillus subtilis

6

Tartrazin

Tartrazine

7

Quinolin yellow

Quinoline yellow

8

Sunset yellow FCF

Sunset yellow FCF

9

Carmin

Carmines

10

Azorubin (Carmoisin)

Azorubine (Carmoisine)

 

 

Đáng chú ý, danh mục này có thể được thay đổi định kỳ 02 năm một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu quản lý và đề nghị của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia và thực phẩm.

Khi sử dụng phụ gia, các tổ chức, cá nhân phải đảm bảo một số nguyên tắc nhất định:

- Phụ gia thực phẩm được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm;

- Không vượt quá mức sử dụng tối đa;

- Hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia cần thiết để đạt được hiệu quả như mong muốn;

- Chỉ sử dụng phụ gia nếu việc này không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, không lừa dối người tiêu dùng;

- Sản phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không được có phụ gia từ thành phần và nguyên liệu, trừ một số phụ gia đặc biệt…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/10/2019.

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Hà Nội: Lịch thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019

Ngày 20/9/2019, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành Thông báo số 2239/TB-SNV về lịch tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức các cơ sở giáo dục công lập năm 2019.

Cụ thể lịch thi tuyển viên chức giáo dục tại các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố như sau:

STT

Thời gian

Nội dung

1

Từ 24/9/2019 đến 30/9/2019

- Rà soát, sửa chữa thông tin cá nhân;

- Công bố danh sách đủ điều kiện dự thi.

2

Từ 01/10/2019 đến 02/10/2019

- Công bố nội dung tài liệu ôn tập các môn thi trắc nghiệm vòng 1 (Ngoại ngữ và Kiến thức chung);

- Hướng dẫn phương pháp thi trắc nghiệm trên website: sonoivu.hanoi.gov.vn

3

Từ 03/10/2019 đến 14/10/2019

Thông báo thời gian tổ chức thi các môn trắc nghiệm, danh sách, số báo danh, sơ đồ điểm thi của từng Hội đồng thi trên website: sonoivu.hanoi.gov.vn

4

Trước ngày 12/10/2019

Công bố nội dung ôn tập các mã nhóm môn thi nghiệp vụ chuyên ngành tại vòng 2.

5

Từ 15/10/2019 đến 10/11/2019

- Tổ chức thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ và Kiến thức chung trên máy tính (có lịch cụ thể đối với từng quận, huyện, thị xã).

- Địa điểm thi: Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin và Truyền thông, số 1 Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội.

6

Từ 11/11/2019 đến 15/11/2019

- Thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện thi vòng 2 trên trang web và niêm yết tại trụ sở các đơn vị;

- Thông báo thời gian, địa điểm, phòng thi vòng 2.

7

Ngày 16/11/2019

Tập trung thí sinh, xem số báo danh, phòng thi, quy chế thi viết, phổ biến chi tiết lịch thi.

8

7 giờ 30 ngày 17/11/2019

Tổ chức thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành tại các quận, huyện, thị xã.

9

Từ 25/11/2019 đến 09/12/2019

Nhận đơn phúc khảo.

10

Từ 14/12/2019 đến 20/12/2019

Thông báo kết quả thi tuyển.

Tư pháp-Hộ tịch
Hướng dẫn mới về Tội cho vay nặng lãi

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn số 212/TANDTC-PC được Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 13/9/2019 thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong hoạt động xét xử.

Theo đó, lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay sẽ bị coi là cho vay nặng lãi.

Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay khi hành vi này được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi cho vay nặng lãi, mà tổng số tiền thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên và các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa hết thời hiệu, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với giá trị tài sản chiếm đoạt, còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”.

Khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm sẽ được trả lại cho người vay, trừ trường hợp người vay sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy… thì bị tịch thu sung công quỹ.

Đối với các khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự nhưng cũng là khoản tiền phát sinh từ phạm tội nên cũng bị tịch thu sung công quỹ.

Chính sách
100% trẻ em mầm non được hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng

Ngày 13/9/2019, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 204 thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể là:

- Đảm bảo hỗ trợ cho 100% trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học được cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng thông qua tư vấn, khám chữa bệnh và hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng;

- 100% trẻ em được vui chơi, giải trí và tập huấn kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em; Được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có yêu cầu.

Để đạt được những mục tiêu này trong giai đoạn 2019-2025, cần phải:

- Hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ mầm non, tiểu học;

- Đầu tư trang thiết bị giảng dạy, vui chơi, giải trí tại công cộng, trường học;

- Hỗ trợ trẻ trong các gia đình nghèo thuộc vùng dân tộc thiểu số một số điều kiện cần thiết như sách vở, đồ dùng học tập, học bổng; Hỗ trợ kinh phí học nghề, tạo việc làm cho trẻ;

- Hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khi có nhu cầu;

- Trực tiếp tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý ngay trong trường học, xây dựng mô hình trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em…

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.