Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Quyết định số 811/QĐ-BHXH về việc bổ sung thêm quy định liên quan đến Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN,…
Cụ thể, Điều 1 Quyết định 811 bổ sung thêm điểm 3.3, khoản 3, Điều 3 Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN,…; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH như sau:
“3.3. BHXH huyện, tỉnh: Cấp lại, đổi thẻ BHYT không thay đổi thông tin theo mẫu thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH ngày 03/12/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho người tham gia BHYT ở huyện, tỉnh khác.”
Trong khi đó, hiện nay, theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH chỉ quy định về phân cấp quản lý trong cấp thẻ BHYT như sau:
- BHXH huyện: Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT do BHXH huyện trực tiếp thu;
- BHXH tỉnh: Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT tại các đơn vị do BHXH tỉnh trực tiếp thu và người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tỉnh.
Như vậy, từ ngày 16/8/2021, người dân khi muốn cấp lại, đổi thẻ BHYT theo mẫu mới thì có thể tới cơ quan BHXH huyện, tỉnh bất kỳ nếu thông tin trên thẻ BHYT không thay đổi.
Ngày 03/12/2020, BHXH Việt Nam đã có Quyết định số 1666/QĐ-BHXH về việc ban hành mẫu thẻ BHYT. Theo đó, từ ngày 01/4/2021, cả nước có mẫu thẻ BHYT mới, phôi thẻ gồm các thông tin:
- Mã số: In 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia BHYT;
- Họ và tên, ngày sinh, giới tính;
- Mã mức hưởng BHYT;
- Mã nơi đối tượng sinh sống; tên cơ sở người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu;
- Giá trị sử dụng: Từ ngày …/…/…
- Thời điểm đủ 05 năm liên tục: In từ ngày…/…/… tham gia BHYT đủ 05 năm liên tục theo quy định hiện hành;
- Nơi cấp, đổi thẻ BHYT, chữ ký… Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 16/8/2021. Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, vui lòng gọi đến số: 1900.6192 để được giải đáp.
Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
Theo đó, một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư này là quy định về việc tặng giấy khen cho học sinh nêu tại Điều 15. Theo đó, Hiệu trưởng sẽ tặng giấy khen để khen thưởng cuối năm học cho học sinh:
- Học sinh xuất sắc: Học sinh có kết quả rèn luyện, kết quả học tập cả năm được đánh giá ở mức Tốt và có ít nhất sáu môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 trở lên.
- Học sinh giỏi: Học sinh có kết quả rèn luyện và kết quả học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt.
Trong khi đó, theo khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT, học sinh chỉ được công nhận đạt danh hiệu học sinh giỏi học kỳ hoặc cả năm học nếu hạnh kiểm tốt và học lực giỏi; đạt học sinh tiên tiến học kỳ hoặc năm học nếu hạnh kiểm và học lực từ loại khá trở lên.
Như vậy, theo quy định mới, từ 05/9/2021 - Thông tư 22 có hiệu lực thì không còn học sinh tiên tiến mà thay vào đó sẽ chỉ còn học sinh xuất sắc và học sinh giỏi. Đồng thời, việc khen thưởng danh hiệu cũng không căn cứ vào hạnh kiểm và học lực mà căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập.
Hiệu trưởng cũng sẽ trao giấy khen cho học sinh giỏi và học sinh xuất sắc cũng như khen thưởng học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học (quy định cũ, Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh có thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện).
Đồng thời, khoản 2 Điều 15 Thông tư 22 cũng nêu rõ:
Học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét, đề nghị cấp trên khen thưởng
Nếu còn thắc mắc về đánh giá, xếp loại học sinh nói chung, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Để giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông, ngày 11/8/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Công văn 3397/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn giải quyết vấn đề này.
Tại Công văn, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xây dựng phương án giải quyết phù hợp với từng đối tượng giáo viên theo các phương án:
- Giáo viên do sức khỏe, độ tuổi hoặc do nguyên nhân khác không bảo đảm yêu cầu giảng dạy thì xem xét điều chuyển vị trí việc làm từ giáo viên sang nhân viên trường học hoặc bố trí nghỉ hưu sớm theo quy định;
- Điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu;
- Giáo viên có độ tuổi công tác, năng lực và nguyện vọng phù hợp với nhu cầu thì tổ chức đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo văn bằng hai; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đủ điều kiện dạy các môn học còn thiếu, môn học tích hợp. Đồng thời, ưu tiên bố trí đủ cơ sở vật chất ở cấp Tiểu học để dạy 02 buổi/ngày (đủ 09 buổi/tuần).
Bộ GDĐT cũng lưu ý việc thực hiện các phương án trên phải đảm bảo công bằng, công khai, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên. Các địa phương bố trí kinh phí để hỗ trợ giáo viên trong quá trình điều chuyển, sắp xếp.
Việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên được thực hiện trước ngày 20/10/2021 và báo cáo về Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ trước 15/11/2021 để làm cơ sở đề xuất bổ sung biên chế còn thiếu cho các địa phương.
Theo đó, chỉ xem xét, đề xuất bổ sung biên chế với các địa phương đã giải quyết được tình trạng thừa giáo viên và đã sử dụng hết số biên chế được giao. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ.
Sở Nội vụ TP.HCM đã có Công văn 3551/SNV-CCHC ngày 22/8/2021 về hướng dẫn thực hiện thay đổi phương thức làm việc tại cơ quan, đơn vị Nhà nước trong thời gian siết chặt giãn cách để phòng, chống Covid-19.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị nhà nước triển khai và thực hiện nghiêm phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, đồng thời bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại cơ quan với các nội dung công việc:
- Trực cơ quan;
- Xử lý văn thư đi - đến và các văn bản theo chế độ mật;
- Tham mưu xử lý, giải quyết công tác liên quan đến phòng, chống Covid-19;
- Tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 04.
Về số lượng bố trí người làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ lưu ý:
- Tối đa ¼ tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc cơ quan, đơn vị; các cơ quan, đơn vị chủ động quyết định giảm số lượng đến mức thấp nhất có thể;
- Đảm bảo phải có lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tại trụ sở.
Đối với các đơn vị đang tạm ngừng hoạt động do Covid-19 hoặc chưa hoạt động do đặc thù công việc thì bố trí trực bảo vệ, trực phòng cháy chữa cháy, xử lý các công việc đột xuất khác.
Bên cạnh đó, tạm ngưng tiếp nhận, giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị. Chỉ tiếp nhận thủ tục hành chính bằng hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 04 và trả kết quả qua môi trường mạng hoặc dịch vụ bưu chính công ích (trừ các trường hợp đặc biệt, cấp bách phục vụ phòng, chống Covid-19). Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 21/8/2021, UBND TP. HCM đã có Công văn 2800/UBND-VX về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, các đối tượng cấp Giấy phép lưu thông khi được UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung tại Phụ lục 1 của Công văn này gồm:
1.
- Cán bộ, công chức viên chức, người lao động thuộc các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc.
- Người làm việc tại các lĩnh vực thiết yếu về tài chính: Ngân hàng, chứng khoán.
2.
- Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố;
- Người lao động thuộc các đơn vị hoạt động tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (mới bổ sung);
- Người lao động thuộc các đơn vị hoạt động tại Cảng Tân Cảng Cát Lái (mới bổ sung).
3.
- Nhân viên giao hàng của hệ thống phân phối hoạt động trong địa bàn 01 quận/huyện từ 06 - 18 giờ.
- Nhân viên phục vụ hệ thống phân phối, nhân viên điện lực (không giới hạn phạm vi và thời gian hoạt động);
- Nhân viên làm việc liên quan xuất, nhập khẩu (thời gian hoạt động 6 - 18 giờ, Sở Công Thương quyết định số lượng và phạm vi hoạt động).
4.
- Người lao động tại các đơn vị thuộc ngành xây dựng trên địa bàn Thành phố (cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật….).
- Các công ty bảo trì, sửa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.
5. Nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ y tế tham gia chống dịch bệnh Covid-19, người cung ứng thuốc, vật tư y tế, bảo trì trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.
6.
- Nhân viên làm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động ngoại giao;
- Nhân viên các cơ quan lãnh sự, ngoại giao đi thi hành nhiệm vụ đột xuất (có thời gian và đề xuất cụ thể).
7.
- Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ trực thuộc điều phối của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM (bếp ăn, từ thiện, lực lượng thiện nguyện…);
- Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc Thành Đoàn (mới).
- Lực lượng hỗ trợ, cứu trực thuộc hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố (mới).
8.
- Lực lượng cung ứng dịch vụ viễn thông, lực lượng báo chí;
- Lực lượng cung ứng dịch vụ bưu chính Nhà nước.
9. Dịch vụ công chứng.
10. Nhân viên vệ sinh môi trường, hoạt động tang lễ…
11.
- Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ;
- Nhân viên khách sạn, nhà nghỉ phục vụ cách ly y tế và các lực lượng phòng chống dịch do cấp huyện, xã trưng dụng;
- Nhân viên giao hàng của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn, thiết bị y tế;
- Nhân viên các ngành phục vụ xăng dầu, gas;
- Nhân viên các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu…), cơ sở suất ăn công nghiệp;
- Lực lượng cung ứng dịch vụ công ích; xây dụng, bảo trì công trình, trang thiết bị;
- Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ phòng, chống Covid-19 bao gồm tiểu thương chợ truyền thống hỗ trợ cung ứng hàng hoá (mới).
- Các lực lượng khác của ngành y tế.
12.
- Người dân đi tiêm ngừa vắc-xin Covid-19 (cần có phiếu tiêm ngừa vắc xin).
- Tổ Covid-19 cộng đồng.
- Cấp cứu, khám, chữa bệnh định kỳ, người dân về quê theo kế hoạch: Không cấp giấy;
- Các lực lượng thu gom rác dân lập (mới).
13. Người đi chợ thay.
14. Công tác kiểm dịch động, thực vật (mới).
15. Các công ty bảo hiểm (chỉ thực hiện các hoạt động liên quan công tác giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết các quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng)
16. Nhân viên cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) phục vụ cách ly người nước ngoài, nhân viên y tế… do Sở Du lịch quản lý.
Như vậy, Người dân vùng xanh đi chợ trên địa bàn theo quy định cũ không còn được cấp giấy lưu thông không còn được cấp giấy đi đường theo quy định mới. Đồng thời, Công văn mới cũng bỏ nhóm đối tượng công an và quân sự di chuyển thay ca làm việc tại các chốt, trạm kiểm soát, tổ tuần tra và lực lượng phối hợp.
Ủy ban nhân dân TP. HCM đã ban hành Công văn số 2850/UBND-VX ngày 23/8/2021 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách.
Theo đó, Công văn này điều chỉnh các lực lượng được ưu tiên và không yêu cầu có giấy đi đường khi qua chốt gồm:
- Lực lượng cán bộ, nhân viên ngành y tế: Có thẻ ngành hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo quy định của pháp luật.
- Người dân đi tiêm vắc xin: Có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm và kèm theo đó là Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân để trình cho chốt kiểm soát kiểm tra.
- Nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm): Các đối tượng này có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị. Lưu ý: Trường hợp này chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do công an Thành phố cấp.
Ngoài ra, Công văn này còn bổ sung thêm một số đối tượng được phép ra đường trong thời gian giãn cách gồm:
- Các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy). Số lượng và danh sách cụ thể sẽ được báo về công an Thành phố.
- Nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc doanh nghiệp đang làm việc theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Riêng với các xe chở hàng gồm tài xế và một phụ xế đã được cấp thẻ có mã QR thì không bị kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.
Những đối tượng nêu trên sẽ do công an Thành phố (hoặc ủy quyền cho PC08, công an địa phương các cấp) ký cấp giấy đi đường.
Khi chưa có giấy đi đường theo quy định mới của công an Thành phố, các nhóm đối tượng này vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã nêu tại Công văn số 2800 và số 2796 ngày 21/8/2021 cho đến 0 giờ ngày 25/8/2021.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ được nêu tại Công điện 1102/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Cụ thể, Công điện này nêu rõ, việc tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, đặc biệt ở một số xã, phường thị trấn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hạn chế, yêu kém, thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp:
1. Giãn cách xã hội
Đây là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm, phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây trong công đồng, không để “chặt ngoài lỏng trong”.
Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.
2. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng
Giải pháp này được coi là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời, điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19.
3. Điều trị giảm tử vong
Đây là ưu tiên hàng đầu, các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm Covid-19, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang, thiết bị, vật tư và nhân lực y tế.
Các xã, phường, thị trấn đang tăng cường giãn cách xã hội phải nhanh chóng lập các trạm y tế lưu động đảm bảo hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm Covid.
4. Bảo đảm an sinh xã hội
Được xem là giải pháp trọng yếu tại các địa phương giãn cách, phải đảm bảo lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ, trẻ em… không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc…
Công điện này được ban hành ngày 23/8/2021.
Nếu có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề liên quan đến Covid-19, bạn đọc vui lòng gọi 1900 6192 để được giải đáp nhanh nhất.Nội dung này được Thủ tướng Chính phủ nêu tại Công điện 1099/CĐ-TTg ngày 22/8/2021 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An khẩn trương thống nhất với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để ban hành Chỉ thị thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống Covid-19 như sau:
- TP. HCM tăng cường giãn cách xã hội với toàn bộ xã, phường, thị trấn;
- Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An căn cứ tình hình dịch bệnh để lựa chọn, quyết định xã, phường, thị trấn thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.
- Bốn tỉnh, thành này sẽ quyết định người thực thi công vụ, cung cấp, cung ứng lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu, bảo đảm giảm tối đa số người được phép ra khỏi nhà.
Ngoài ra, tại Công điện này, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp hỗ trợ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và giãn cách xã hội trong việc:
- Khám, chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin;
- Cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng người dân;
- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…
Nếu còn thắc mắc vầ các vấn đề liên quan phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 21/8/2021, Bộ Y tế vừa có Quyết định 4038/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà.
Theo đó, tại Quyết định này, Bộ Y tế ban hành Danh mục các bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19:
1. Đái tháo đường.
2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác
3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).
4. Bệnh thận mạn tính.
5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.
6. Béo phì, thừa cân.
7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)
8. Bệnh lý mạch máu não.
9. Hội chứng Down.
10. HIV/AIDS.
11. Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ).
12. Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác.
13. Hen phế quản.
14. Tăng huyết áp.
15. Thiếu hụt miễn dịch.
16. Bệnh gan.
17. Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện.
18. Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
19. Các bệnh hệ thống.
20. Bệnh lý khác với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.
Trước đó, Bộ Y tế cũng ban hành các bệnh nền có nguy cơ cao nêu tại Phụ lục 1 ban hành kèm Quyết định 3646/QĐ-BYT về tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 gồm có 19 bệnh lý nền (không bao gồm bệnh lý nền với trẻ em).
Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan phòng, chống Covid-19, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.