Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Nội dung này được Tổng cục Thuế đề cập tại Công văn số 2578/TCT-CS ngày 23/6/2020.
Theo đó, từ ngày 01/11/2018 - 31/10/2020, trong khi cơ quan Thuế chưa thông báo công ty chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử thì việc áp dụng hóa đơn thực hiện theo quy định của Nghị định 51/2010/NĐ-CP và văn bản sửa đổi; Thông tư số 39/2014/TT-BTC; Thông tư 32 năm 2011.
Từ ngày 01/11/2020, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử có mã hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo Nghị định số 119 năm 2018 và Thông tư 68/2019.
Đồng nghĩa, từ 01/11/2020, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Nghị định 119/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, Bộ Tài chính hiện đang dự thảo trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 119 năm 2018 quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử để triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/QH14/2019.
Do đó, khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về hóa đơn, chứng từ điện tử theo Luật Quản lý thuế thì việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định mới đó.
Ngày 18/8/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra Quyết định 1040/QĐ-BHXH ban hành mẫu Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Quyết định này đã ban hành mẫu Báo cáo tình hình sử dụng lao động và danh sách tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Mẫu D02-LT).
Biểu mẫu này thay thế mẫu D02-TS - Danh sách lao động tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017 về Quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.
Mẫu D02-LT quy định chi tiết hơn mẫu D02-TS như bổ sung ngày tháng năm sinh, giới tính, Số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, vị trí việc làm, loại và hiệu lực hợp đồng lao động… của người lao động.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành 18/8/2020.
Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành tại Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/8/2020.
Theo đó, so với 17 công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16/6/2020, Thông tư này đã bổ sung thêm nhiều mục mới, gồm:
- Trực tiếp sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh, nhựa;
- Cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp.
- Trực tiếp làm công việc chặt, cưa, xẻ gỗ, khai thác, chế biến gỗ công nghiệp; bốc xếp thủ công thường xuyên vật nặng từ 30 kg trở lên.
- Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên.
- Khám, chữa bệnh; chăm sóc người khuyết tật, người bệnh; giải phẫu bệnh, giám định pháp y, xét nghiệm vi sinh vật; các công việc trong lĩnh vực dược phẩm.
- Trực tiếp vận hành máy bơm xăng, dầu, khí hóa lỏng; sửa chữa bồn, bể xăng, dầu, giao, nhận, bán buôn, bán lẻ xăng dầu.
- Trực tiếp chế biến mủ cao su, nhựa thông.
- Trực tiếp vận hành sản xuất, chế biến bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá, dầu ăn, bánh kẹo, sữa.
- Diễn viên xiếc, xiếc thú; vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên thể dục, thể thao chuyên nghiệp.
- Trực tiếp làm hỏa táng, địa táng…
Đáng chú ý: Những công việc này không áp dụng với đối tượng là người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/10/2020.
Nhận định những quán nước vỉa hè là những nơi, tụ điểm có nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội đã yêu cầu không để những quán nước này hoạt động.
Đây là tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Văn Quý về phòng, chống dịch Covid-19, theo Thông báo số 15/TB-BCĐ vừa được ban hành ngày 20/8/2020.
Cũng theo Thông báo, Hà Nội tiếp tục dừng hoạt động các quán karaoke, quán bar, vũ trường, đồng thời UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng bên ngoài đóng cửa, bên trong vẫn hoạt động.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trường xây dựng, các cơ quan, đoàn thể, siêu thị, chợ… trên địa bàn đều phải có phương án phòng, chống dịch bệnh. Hạn chế tối đa họp đông người tại các cơ quan, đoàn thể, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, họp trực tuyến. Nếu cần thiết họp trực tiếp thì phải khử khuẩn phòng họp, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp xúc trong phòng họp theo quy định.
Tại các nhà hàng ăn uống, quán cafe, phải tuân thủ quy định giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 01m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay và lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên.
Các hoạt động hiếu, hỷ trên địa bàn cần hạn chế tối đa đông người và có biện pháp phòng, chống dịch như sát khuẩn, đeo khẩu trang, giãn cách phù hợp. Tiếp tục hạn chế, không tổ chức đối với lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, các sự kiện đông người ở nơi công cộng…
Ngày 19/8/2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 3635/QĐ-UBND về Khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định này, ngày tựu trường của tất cả các cấp học, ngành học sớm nhất vào ngày 01/9/2020 (thứ Ba). Toàn Thành phố sẽ tổ chức khai giảng vào ngày 05/9/2020 (thứ Bảy).
Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) phải hoàn thành trước ngày 15/6/2021 và hoàn thành tuyển sinh lớp 10 trước ngày 31/7/2021.
Thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngày bắt đầu, ngày kết thúc học kỳ I (HKI); học kỳ II (HKII) và kết thúc năm học 2020 - 2021 cụ thể như sau:
CẤP HỌC | HỌC KỲ I | HỌC KỲ II | NGÀY KẾT THÚC NĂM HỌC | |||
Ngày bắt đầu HKI | Ngày kết thúc HKI | Nghỉ HKI | Ngày bắt đầu HKII | Ngày kết thúc HKII | ||
Mầm non | 07/9/2020 (thứ Hai) | 14/01/2021 (thứ Năm) | 15/01/2021 (thứ Sáu) | 18/01/2021 (thứ Hai) | 24/5/2021 (thứ Hai) | 28/5/2021 (thứ Sáu) |
Tiểu học | 07/9/2020 (thứ Hai) | 14/01/2021 (thứ Năm) | 15/01/2021 (thứ Sáu) | 18/01/2021 (thứ Hai) | 24/5/2021 (thứ Hai) | 28/5/2021 (thứ Sáu) |
THCS, THPT | 07/9/2020 (thứ Hai) | 15/01/2021 (thứ Sáu) | 16/01/2021 (thứ Bảy) | 18/01/2021 (thứ Hai) | 24/5/2021 (thứ Hai) | 28/5/2021 (thứ Sáu) |
GDTX (THCS và THPT) | 07/9/2020 (thứ Hai) | 30/12/2020 (thứ Tư) | 31/12/2020 (thứ Năm) | 04/01/2021 (thứ Hai) | 10/5/2021 (thứ Hai) | 14/5/2021 (thứ Sáu) |
Nội dung đáng chú ý này được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Công văn số 3216/BGDĐT-VP ngày 24/8/2020 về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2020 - 2021.
Cụ thể, sẽ tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2020 - 2021 thống nhất trên cả nước vào sáng ngày 05/9/2020. Với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường tổ chức Lễ Khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Dù tổ chức theo hình thức nào cũng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh và tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Ngay sau Lễ Khai giảng, các trường học phải ổn định và duy trì nền nếp học tập, việc tổ chức các hoạt động đầu năm phải phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Không chỉ vậy, các trường học cũng phải thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học; không để xảy ra tình trạng “lạm thu”, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm.
Đồng thời, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo phải rà soát, sắp xếp giáo viên đủ số lượng và đạt chuẩn trình độ đào tạo; không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học…
Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (túi ni lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn…).
Không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, cần gương mẫu phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở; bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cơ chế hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đồng thời, nghiên cứu việc chỉ cho phép nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm hạt nhựa tái chế thương phẩm)... Không cấp phép cho các cơ sở nhập khẩu phế liệu chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại phế liệu.
Đáng chú ý, Chính phủ dự kiến hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi ni lông khó phân hủy kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt…
Chính phủ ban hành Nghị quyết 118/NQ-CP về việc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2020 ngày 10/8/2020.
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương phải đồng thời thực hiện “mục tiêu kép” là vừa không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.
Cụ thể, các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội cần chú trọng chủ yếu gồm:
- Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích cho công chức, viên chức nghỉ hưu sớm;
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 và là tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, né tránh nhiệm vụ, trách nhiệm, vi phạm quy định;
- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách Nhà nước;
- Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý;
- Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm nhất là triển khai kịp thời, hiệu quả gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và đề xuất, kiến nghị phù hợp, kịp thời các biện pháp trong thời gian tới…
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.