Điểm tin Văn bản mới số 32.2020

Điểm tin văn bản

Đất đai-Nhà ở
Giảm tiền thuê đất năm 2020 cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Quyết định 22/2020/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/8/2020 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Căn cứ Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, người thuê đất gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020.

Quy định này áp dụng với cả người thuê đất có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau nhưng chỉ ngừng một hoạt động sản xuất tại khu đất, thửa đất đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp và không tính trên số tiền thuê đất còn nợ trước 2020 và tiền chậm nộp (nếu có).

Hồ sơ giảm tiền thuê đất gồm Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất năm 2020 ban hành kèm Quyết định này và Quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (bản sao).

Thủ tục giảm tiền thuê đất được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Người thuê đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất cho cơ quan thuế từ ngày 12/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Nếu nộp sau thời gian này thì không được giảm tiền thuê đất.

Bước 2: Không quá 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xác định số tiền thuê đất được giảm và ban hành Quyết định giảm tiền thuê đất.

Nếu sau đó thanh tra, kiểm tra người thuê đất không thuộc trường hợp được giảm tiền thuê đất thì phải hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền đã được giảm và tiền chậm nộp tính trên số tiền được giảm.

Nếu đã nộp tiền thuê đất của năm 2020 trước khi nhận được quyết định giảm tiền thuê đất thì được trừ số tiền đã nộp thừa vào tiền thuê đất của kỳ sau hoặc năm tiếp theo.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/8/2020.

Lao động-Tiền lương
Chỉ bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo khi có chế độ tiền lương mới

Đây là trả lời của Bộ Tài chính về việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 8982/BTC-HCSN ngày 27/7/2020.

Trả lời Công văn số 2528/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 10/7/2020 về việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Điều 76 Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định về tiền lương của giáo viên phù hợp với quy định tại điểm 3.1.d Mục II Nghị quyết số 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó nêu rõ:

Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề trừ quân đội, công an, cơ yếu để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức

Đồng nghĩa với đó là bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo tức là phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Như vậy, từ thời điểm 01/7/2020 chế độ phụ cấp thâm niên nghề nhà giáo sẽ bị bãi bỏ. Tuy nhiên, hiện nay, thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27 vẫn đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị lùi thời gian thực hiện phụ cấp thâm niên nghề cho đến khi chế độ tiền lương mới được ban hành và có hiệu lực. Theo đó, tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề giáo viên theo quy định tại Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011.

Tài chính-Ngân hàng
Lãi suất cho vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội năm 2020

Ngày 13/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1232/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ trong năm 2020 để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành 13/8/2020. Trước đó, năm 2019, tại Quyết định 355/QĐ-TTg, mức lãi suất này cũng được Chính phủ ấn định là 4,8%/năm và không thay đổi từ năm 2018 tại Quyết định 370/QĐ-TTg và năm 2017 tại Quyết định 630/QĐ-TTg...

Y tế-Sức khỏe
Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về phong tỏa thành phố có người nhiễm Covid-19

Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng về phong tỏa thành phố có người nhiễm Covid-19 được đề cập đến tại Thông báo 300/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, tại các địa phương có ca nhiễm bệnh trên địa bàn, cần cân nhắc kỹ lưỡng quy mô, phạm vi, thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Chỉ áp dụng biện pháp giãn cách xã hội có sự giám sát liên tục 24/7 của các lực lượng chức năng đối với các khu vực dân cư có nguy cơ lây lan dịch cao, áp đặt một số hạn chế và các biện pháp an toàn ở các khu vực khác (như đeo khẩu trang, rửa tay…).

Không nhất thiết phong tỏa toàn bộ thành phố, quận, huyện hoặc áp dụng trong một thời gian quá dài, gây ảnh hưởng xấu, thậm chí làm tê liệt hoạt động kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập, đời sống, tâm lý, tình cảm của nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các đô thị, thành phố lớn, khu vực tập trung đông người, khu công nghiệp, chợ đầu mối.

Từng địa phương đều cần tính toán căn cơ việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và không để tác động xấu đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hà Nội: Từ 19/8, đi uống bia, cà phê phải ngồi cách nhau 1m

Đây là nội dung đáng chú ý tại Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND do Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành ngày 18/8/2020 về một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Cụ thể, từ 0h ngày 19/8/2020 các nhà hàng ăn uống, quán cà phê cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch: giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 01 m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi; nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tiến hành đo thân nhiệt cho khách, sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc.

Các đơn vị phải tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông quá 30 người ở nơi công cộng; khi ho, sốt, khó thở đến ngay bệnh viện để có hướng dẫn xử lý y tế.

Thành phố giao Sở Y tế Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố đảm bảo an toàn tối đa, phòng chống lây nhiễm cho toàn bộ những người bệnh có nguy cơ cao; thực hiện giãn cách tập trung đông người trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế tối đa người nhà chăm sóc người bệnh... Đặc biệt, kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Lái xe, phụ xe bắt buộc cài đặt Bluezone

Công văn 7770/BGTVT-CYT do Bộ Giao thông Vận tải ban hành đã quy định về việc thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động vận tải.

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các hoạt động giao thông vận tải… Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải siết chặt và củng cố các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Các đơn vị kinh doanh vận tải phải:  - Yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị cài đặt ứng dụng Bluezone để phát hiện, truy vết nhanh những người có khả năng bị lây nhiễm; - Truyền thông, tuyên truyền vận động hành khách có sử dụng điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng Bluezone;

- Bắt buộc đeo khẩu trang đối với tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ và hành khách trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe... và trên các phương tiện vận tải hành khách; - Bổ sung thêm bồn rửa tay, xà phòng, hoặc dung dịch sát khuẩn tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn) tại các khu vực phòng chờ trong nhà ga, bến tàu, bến xe... để thuận lợi cho hành khách sử dụng…

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không cần có sáng kiến kinh nghiệm

Từ 20/8/2020, khi Nghị định 90/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì tiêu chí công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng có sự thay đổi so với các quy định cũ.

Theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP, giáo viên (viên chức) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận

Còn công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận.

Tuy nhiên, từ 20/8/2020, tiêu chí này đã bị bãi bỏ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ cần đáp ứng các tiêu chí sau:

Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý :

- Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này;

- Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:

- Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này;

- Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

Thông tin-Truyền thông
Từ 01/10, chỉ được nhắn tin, gọi điện quảng cáo khi người nhận đồng ý

Tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định chi tiết về việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng có trách nhiệm hướng dẫn, cung cấp cho Người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép Người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Đồng thời, Người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến Người sử dụng khi được Người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo.

Về thời gian gửi tin nhắn và gọi điện thoại quảng cáo, Nghị định này quy định chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện quảng cáo từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.

Chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh và không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.

Nghị định cũng quy định xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với Người sử dụng.

Đặc biệt, phạt đến 100 triệu đồng nếu gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo.

Nghị định 91 có hiệu lực từ ngày 01/10/2020.

Công nghiệp
2 mô hình khách hàng được lựa chọn để mua điện

Ngày 07/8/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2093/QĐ-BCT về việc phê duyệt Đề án Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Điều 4 Quyết định này quy định tùy thuộc quy mô và cấp điện áp đấu nối, khách hàng sử dụng điện lựa chọn mua điện theo 02 mô hình sau:

- Mua điện trên thị trường giao ngay: áp dụng với các khách hàng sử dụng điện đáp ứng các tiêu chí về quy mô tiêu thụ điện, cấp điện áp đấu nối theo Quy định vận hành thị trường điện cạnh tranh.

Khách hàng có thể trực tiếp đăng ký tham gia thị trường điện giao ngay hoặc thông qua một đơn vị đại diện được ủy quyền;

- Mua điện từ đơn vị bán lẻ điện: Các đơn vị bán lẻ điện mặc định là các đơn vị hiện đang sở hữu lưới phân phối điện, gồm 05 Tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị phân phối bán lẻ khác.

Giá bán lẻ điện của mô hình này gồm: giá phát điện của các nhà máy điện; giá truyền tải điện; giá điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện; giá phân phối điện; các khoản chi phí lợi nhuận của đơn vị bán lẻ điện;… Đề án được chia thành 03 giai đoạn: Giai đoạn 01 là giai đoạn chuẩn bị được thực hiện đến hết năm 2021; Giai đoạn 02: triển khai đối với khách hàng sử dụng điện tham gia mua điện trên thị trường điện giao ngay (từ 2022 đến năm 2024); Giai đoạn 03 thực hiện từ sau năm 2024 đối với khách hàng lựa chọn mua điện từ đơn vị bán lẻ điện.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành 07/8/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.