Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ra Quyết định 1706/QĐ-BKHĐT ban hành Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2025. Trong đó, nêu cụ thể thời gian điều tra doanh nghiệp.
Theo đó, tại Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2025 quy địnhthời kỳ thu thập thông tin đối với các chỉ tiêu của cuộc điều tra là số liệu năm 2024.
Các chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ như:
- Kết quả sản xuất kinh doanh
- Vốn đầu tư thực hiện
- Sản lượng sản phẩm sản xuất
- Và một số chỉ tiêu khác.
Về thời gian điều tra
- Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: Thời gian tiến hành từ ngày 01/4/2025 - hết ngày 31/7/2025;
- Các tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp từ 5.000 doanh nghiệp trở lên: Thời gian tiến hành từ ngày 01/4/2025 - hết ngày 30/6/2025;
- Các tỉnh, thành phố còn lại: Thời gian tiến hành từ ngày 01/4/2025 - hết ngày 31/5/2025;
- Tập đoàn, tổng công ty: Thời gian tiến hành từ 01/6/2025 - hết ngày 15/7/2025.
Về phương pháp điều tra
Điều tra doanh nghiệp năm 2025 sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp bằng hình thức thu thập thông tin trực tuyến thông qua sử dụng phiếu điều tra điện tử Webform.
Các đơn vị điều tra thực hiện cung cấp thông tin Phiếu Webform trên Trang thông tin điện tử điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê thông qua hệ thống xác thực tên và mã (mật khẩu) của doanh nghiệp khi truy cập hệ thống để điền phiếu điều tra.
Quyết định 1706/QĐ-BKHĐT được ban hành ngày 05/8/2024.
Chính phủ ban hành Nghị định 103/2024/NĐ-CP quy định 03 trường hợp được miễn tiền sử dụng đất từ 01/8/2024 với trường hợp Nhà nước cho thuê đất.
Cụ thể, theo Điều 18 Nghị định 103/2024/NĐ-CP, các trường hợp miễn tiền thuê đất
- Cho cả thời hạn thuê gồm:
- Hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số sử dụng đất sản xuất nông nghiệp.
- Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay...
- Trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất khi sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư/tại địa bàn ưu đãi đầu tư trừ trường hợp xây nhà ở thương mại, sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
- Miễn tiền thuê đất sau thời gian được miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản ở trên trừ trường hợp:
- Miễn 03 năm: Dự án sản xuất, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
- Miễn 07 năm: Dự án sản xuất, kinh doanh đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…
- Miễn toàn bộ thời gian thuê: Dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thực hiện các dự án đầu tư thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Xem chi tiết Nghị định 103/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/8/2024.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 384/TB-VPCP ngày 15/8/2024 nêu kết luận Thường trực Chính phủ Dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước.
Theo đó, sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo Thường trực Chính phủ thống nhất thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 03 tháng thay vì 06 tháng như đã báo cáo, xin ý kiến Chính phủ.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính khần trương hoàn thiện nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ và dự thảo Nghị định, báo cáo Chính phủ chậm nhất trong ngày 15/8/2024. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến lần hai để hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ ký ban hành trước 18/8/2024.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chủ trì và phối hợp với các Bộ, cơ quan và địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp, khả thi nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng xe điện tại Việt Nam, báo cáo trong tháng 9/2024.
Xem chi tiết Thông báo 384/TB-VPCP
Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 5578/VPCP-TCCV về công tác quản lý biên chế và xây dựng vị trí việc làm.
Theo đó, ngày 23/7/2024, Ban Cán sự đảng Chính phủ nhận được Kết luận 01-KL/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế về Kết luận Hội nghị lần thứ 3 kết quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Kết luận nêu trên, Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đối với Bộ Nội vụ như sau:
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương căn cứ số chỉ tiêu biên chế công chức được cấp có thẩm quyền giao rà soát, xét chuyển số viên chức trong tổng số 7.191 biên chế viên chức (gồm 5.066 biên chế ở địa phương, 2.125 biên chế ở bộ, ngành Trung ương) đang làm việc tại các vị trí việc làm công chức của các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước thành công chức theo đúng quy định;
Sau đó xác định cụ thể số chỉ tiêu biên chế viên chức còn lại cần điều chuyển thành công chức (gồm số viên chức đáp ứng và số viên chức chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xét chuyển thành công chức theo quy định) để tổng hợp, tham mưu Ban cán sự đảng Chính phủ.
Ngoài ra, cần chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan rà soát, kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ công tác giao, quản lý biên chế, việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập ở các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đang hoạt động theo cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù (trước và sau khi thực hiện cơ chế).
Sau đó đề xuất giao số biên chế công chức và cơ chế tài chính phù hợp cho các cơ quan, tổ chức này; bảo đảm đúng nguyên tắc, chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá tình hình biên chế sự nghiệp giáo dục giai đoạn 2022-2026 và đề xuất phương án giải quyết tình trạng thừa giáo viên giai đoạn 2024-2026 tại các địa phương để báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, chưa giải quyết đề nghị bổ sung biên chế giai đoạn 2022-2026 cho Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng và đề nghị không thực hiện giảm 10% số lượng người làm việc tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam giai đoạn 2022-2026.
Đối với các bộ, ngành, địa phương:
- Thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý khẩn trương phê duyệt, ban hành danh mục vị trí việc làm công chức, viên chức (đối với các chức danh chưa có trong danh mục vị trí việc làm thì xác định theo Kết luận số 35-KL/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở).
- Tiếp tục triển khai, hoàn thiện xây dựng bản mô tả, khung năng lực vị trí việc làm công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý, bảo đảm đúng yêu cầu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Công văn 5578/VPCP-TCCV được ban hành ngày 06/8/2024.
Tại Công văn 4849/BYT-DP về tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã hướng dẫn triệu chứng nghi ngờ đậu mùa khỉ và biện pháp phòng bệnh.
Theo đó, các triệu chứng nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ như sau:
- Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...).
- Và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu, Sốt (>38,5℃), Nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), Đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, Mệt mỏi.
- Và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:
- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.
Tại khuyến cáo phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại Công văn 4849/BYT-DP, Bộ Y tế cũng chỉ ra các biện pháp phòng bệnh:
(1) Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
(2) Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
(3) Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
(4) Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
(5) Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ/mắc bệnh, động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
(6) Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Tại Công văn 4849/BYT-DP, Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Kết luận 91-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
Theo đó, tại Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 Bộ Chính trị có đề cập đến việc tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước; khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
Mặt khác, cần thu hút các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới mở phân hiệu tại Việt Nam. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, nhất là đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ và chuyên gia các ngành kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn. Tăng cường đưa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Ngoài ra, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết 29-NQ/TW đã đề ra.
Để tăng cường triển khai thực hiện một số nội dung chuẩn bị cho năm học 2024-2025, Bộ GDĐT chỉ đạo tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ tại Công văn 4327/BGDĐT-GDTH ngày 14/8/2024.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm thời gian học sinh tựu trường thống nhất trên cả nước vào sáng 05/9/2025. Đồng thời, tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp thực tiễn và điều kiện của từng nhà trường, địa phương, gồm 02 phần:
- Phần lễ: Tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm, gồm các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca nhưng lưu ý không dùng bản nhạc có lời bài hát được ghi sẵn, đọc thư của Chủ tịch nước,...;
- Phần hội: Tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể nhưng đảm bảo tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.
Về phần đón học sinh đầu cấp, các cơ sở giáo dục phải đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh lớp 1; tổ chức tìm hiểu truyền thống, hoạt động của nhà trường cùng với phổ biến nội quy, quy định của nhà trường.
Ngoài ra, các trường còn tiến hành giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp.
Ngay sau buổi tổ chức Lễ Khai giảng, nhà trường phải ổn định và duy trì nền nếp học tập, hướng dẫn các hoạt động đầu năm phù hợp lứa tuổi, điều kiện nhà trường, gắn với thực tế của địa phương.
Trước đó, các trường học cũng phải làm vệ sinh trường, lớp, khuôn viên sạch, đẹp, an toàn, có khẩu hiệu chào mừng năm học mới và chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng về mọi mặt cho Lễ Khai giảng năm học mới thực sự là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, ngày hội đối với thầy giáo, cô giáo và các em học sinh.
Xem chi tiết nội dung Công văn 4327/BGDĐT-GDTH.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 122/NQ-CP ngày 08/8/2024 của Chính phủ Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024.
Một trong những nhiệm vụ được yêu cầu tại Nghị quyết 122/NQ-CP là tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.
Theo đó, các bộ, ngành rà soát quy trình giải quyết thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, cho phép việc sử dụng các thông tin, dữ liệu tích hợp trên căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 tương đương với việc sử dụng, xuất trình giấy tờ, tài liệu có chứa thông tin đó.
Đồng thời khẩn trương thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, quy định kinh doanh, phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ theo đúng kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản thuộc thẩm quyền…
Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.