Điểm tin Văn bản mới số 32.2021

Y tế-Sức khỏe

01

Công văn 5627/SYT-NVY của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc cập nhật "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" (phiên bản 1.2)

path TP. HCM hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà

02

Công điện 1081/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19

path Thủ tướng ra Công điện khẩn: Không để người dân tự ý về quê

03

Công văn 2718/UBND-VX của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19

path TP.HCM cho phép thêm một số cơ sở được mở cửa từ 6 - 18h

04

Kế hoạch 2715/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ (Từ ngày 15/8-15/9/2021)

path TP. HCM đưa ra 4 phương án sản xuất cho doanh nghiệp

05

Công văn 19/SCHTP của Sở Chỉ huy Thành phố Hà Nội về thực hiện triệt để việc quét mã QR đáp ứng nhanh công tác truy vết phòng chống dịch, bệnh COVID-19

path Hà Nội: Đi qua chốt kiểm dịch phải khai báo y tế bằng mã QR

06

Công văn 18/SCHTP của Sở Chỉ huy Thành phố Hà Nội về việc rà soát, củng cố các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố và các quận, huyện, thị xã

path Hà Nội không bố trí chốt kiểm soát tại quốc lộ, đường vành đai

Điểm tin văn bản

Y tế-Sức khỏe
TP. HCM hướng dẫn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà

Ngày 17/8/2021, Sở Y tế TP. HCM có Công văn 5718/SYT-NVY cập nhật hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 (phiên bản 1.3).

Theo đó, một trong sáu hoạt động chăm sóc sức khỏe F0 cách ly tại nhà được nêu tại Công văn này là hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà.

Cụ thể, các thuốc điều trị tại nhà gồm thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng như các loại vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, thuốc y học cổ truyền, thuốc kháng vi rút, thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.

Trong đó:

- Molnupiravir 400mg: Uống ngày 02 lần: Sáng 01 viên, chiều 01 viên, uống 05 ngày liên tục. Đây là thuốc có kiểm soát, được cung cấp theo chương trình của Bộ Y tế.

- Paracetamol 500mg: Uống 01 viên khi sốt trên 38°C, có thể lặp lại mỗi 04 giờ đến 06 giờ nếu vẫn còn sốt.

- Các loại vitamin như đa sinh tố, vitamin C: Uống ngày 02 lần: sáng 01 viên, chiều 01 viên.

- Thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống chỉ áp dụng với người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp như khó thở hoặc/và nhịp thở trên 20 lần/phút… và chưa liên hệ được nhân viên y tế. Trong đó:

  • Thuốc kháng viêm gồm: Dexamethasone 0,5mg: Uống ngày 01 lần, sáng 12 viên sau khi ăn  (tương đương 06 mg/ngày). Nếu không có sẵn Dexamethasone, có thể uống Methylprednisolone 16mg ngày hai lần, sáng 01 viên, chiều 01 viên sau khi ăn hoặc Prednisolone 5mg ngày 01 lần vào buổi sáng 08 viên sau khi ăn (tương đương 40 mg/ngày).
  • Thuốc kháng đông: Rivaroxaban ngày 01 lần 01 viên vào buổi sáng hoặc Apixaban 2,5mg, uống ngày 02 lần sáng 01 viên, chiều 01 viên hoặc Dabigatran 110 mg, uống ngày 02 lần, sáng 01 viên, chiều 01 viên.

Lưu ý:

- Toa thuốc nêu trên dùng cho người từ 18 tuổi trở lên.

- Riêng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống chỉ sử dụng tối đa 07 ngày và không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú, người bị viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu, các bệnh lý dễ gây chảy máu.

Đặc biệt: Người bệnh đang điều trị bệnh lý nền cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng toa thuốc này.

Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192.

Thủ tướng ra Công điện khẩn: Không để người dân tự ý về quê

Đây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 được nêu tại Công điện hỏa tốc số 1081/CĐ-TTg ngày 16/8/2021.

Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 và Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 trên địa bàn.

+ Tập trung cao độ, khẩn trương xét nghiệm, bóc tách hết F0 (riêng một số khu vực ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An thực hiện theo chỉ đạo của Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ).

+ Nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm… để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ quy định phòng dịch.

+ Không để người dân tự ý rời tỉnh, thành phố nơi đang thực hiện giãn cách về quê. Trường hợp cá biệt có người tự ý về quê, đã qua địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh phải thống nhất việc tiếp nhận, quản lý đảm bảo an toàn.

Nếu chưa đưa đón về quê được thì giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý.

Thống nhất với các địa phương liên quan tổ chức đưa đón người dân cần thiết phải về quê thật an toàn, chu đáo. Đặc biệt, lưu ý ưu tiên đưa đón phụ nữ mang thai gần kỳ sinh nở, phụ nữ nuôi con nhỏ.

+ Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn.

- Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan triển khai các biện pháp đồng bộ để kiểm soát chặt chẽ khu vực các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang không để dịch thâm nhập từ ngoài và từ các tỉnh ngoài khu vực này.

Tổ chức kiểm soát chặt chẽ khu vực các tỉnh: Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận không để dịch lan ra khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Nếu còn vướng mắc liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, bạn đọc liên hệ tổng đài: 1900 6192 để được hỗ trợ, giải đáp. 

TP.HCM cho phép thêm một số cơ sở được mở cửa từ 6 - 18h

Đây là nội dung Công văn khẩn số 2718 do Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ban hành ngày hôm nay - 15/8/2021 về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn Thành phố để quyết liệt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, Thành phố cho phép thêm các nhóm đối tượng sau được hoạt động trong khung giờ từ 6 - 18h hàng ngày, gồm:

- Các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu…)

- Các tổ chức hành nghề công chứng

- Các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, bảo trì, sữa chữa, ứng cứu hệ thống hạ tầng trang thiết bị của các cơ quan, toàn nhà, chung cư

- Bảo hiểm (chỉ thực hiện việc giám định, lập hồ sơ bồi thường và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng)

- Phòng bán vé máy bay

- Phòng khám tư nhân 

Nhóm đối tượng được lưu thông để vận chuyển hàng thiết yếu cũng được hoạt động trong khoảng thời gian này:

- Shipper có quản lý ứng dụng công  nghệ để lưu thông, vận chuyển hàng thiết yếu liên quận, huyện, thành phố Thủ Đức (giao nhận thanh toán không tiếp xúc)

- Người đi giao nhận hàng hóa của các cơ sở chế biến thực phẩm, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm.

Lưu ý: Tất cả các đối tượng phải có dấu hiệu nhận diện khi lưu thông trên đường theo quy định.

Những thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

TP. HCM đưa ra 4 phương án sản xuất cho doanh nghiệp

Ngày 15/8/2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã có Kế hoạch 2715/KH-BCĐ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, về sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa, Kế hoạch đặt ra mục tiêu duy trì ổn định sản xuất an toàn theo các phương án phù hợp, không để chuỗi cung ứng, sản xuất lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế bị đứt gãy. Đồng thời, nâng tỉ lệ khoảng 5% - 10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thành phố tạo điều kiện và hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch theo 01 trong 04 phương án sau:

- Phương án 01: Tiếp tục thực hiện phương thức "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án "3 tại chỗ theo kíp" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất);

- Phương án 02: Tiếp tục thực hiện phương thức "1 cung đường - 2 địa điểm" hoặc phương thức  "1 cung đường - 2 địa điểm" mở rộng (doanh nghiệp tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc);

- Phương án 03: Tổ chức hoạt động theo phương châm "4 xanh" gồm: Người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.

Trong đó, "người lao động xanh" được đi lại bằng xe cá nhân giữa "nơi làm việc xanh", "nơi ở xanh" theo một "cung đường xanh" (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp;

- Phương án 04: Kết hợp các phương thức nêu tại các phương án trên.

Các doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định mới sẽ đăng ký với cơ quan chức năng, UBND quận, huyện và TP. Thủ Đức theo quy định để được cho phép hoạt động theo các phương án trên kể từ sau ngày 15/8/2021.

Bên cạnh đó, bổ sung phương thức phân phối “đưa nông sản, thực phẩm trực tiếp từ nhà máy, trang trại đến người tiêu dùng" thông qua tổ chức kết nối các đơn vị cung ứng để đưa nông sản, thực phẩm trực tiếp đến người dân và tại các khu phong tỏa theo chương trình “bán hàng đồng giá".

Những thắc mắc khác liên quan đến phòng, chống Covid-19, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Hà Nội: Đi qua chốt kiểm dịch phải khai báo y tế bằng mã QR

Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 19/SCHTP về việc thực hiện triệt để việc quét mã QR, đáp ứng nhanh công tác truy vết phòng, chống dịch trên toàn Thành phố.

Trong đó, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố yêu cầu toàn bộ người vào, ra tại cơ quan, tổ chức, cơ sở, địa điểm; người vào, ra, người đến giao hàng tại các chốt kiểm soát của các xã, phường, thị trấn, khu chung cư, khu đô thị, thôn, tổ.... phải thực hiện nghiêm việc quét mã QR.  Như vậy, từ hôm nay (12/8/2021), người dân Hà Nội khi đi qua chốt kiểm dịch phải có 03 thứ: Giấy đi đường, giấy tờ tùy thân (Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân) và mã QR. 

Trường hợp bị nghẽn mạng, người dân không có hoặc không thạo sử dụng thiết bị điện tử thì đơn vị có trách nhiệm cử người hướng dẫn hoặc khai báo trên tờ khai sau đó cập nhật ngay lên hệ thống.

Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Công Thương chỉ đạo, phối hợp với các công ty quản lý các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối có giải pháp đối với người đến mua hàng, vận chuyển hàng hóa thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, khai báo y tế điện tử bằng hình thức quét mã QR code. UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn Thành phố thực hiện việc khai báo y tế bằng cách quét mã QR đối với tất cả người vào/ra tại đơn vị. 

Đồng thời, yêu cầu các cửa hàng lương thực, thực phẩm (không theo chuỗi), chợ dân sinh, các cơ sở bán hàng... (được phép hoạt động) thuộc thẩm quyền quản lý... phải đảm bảo việc khai báo y tế bằng mã QR đối với toàn bộ người vào, ra. Nếu còn thắc mắc về khai báo y tế bằng mã QR để qua chốt, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Hà Nội không bố trí chốt kiểm soát tại quốc lộ, đường vành đai

Nội dung này được Sở Chỉ huy TP. Hà Nội nêu tại Công văn số 18/SCHTP ngày 10/8/2021 về việc rà soát, củng cố các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Hà Nội và các quận, huyện, thị xã.

Theo đó, việc thiết lập kịp thời các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh tại các tuyến đường trong thời gian qua đã đạt hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều chốt vẫn chưa bám sát hết tinh thần chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Do đó, tại Công văn này, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chỉ đạo với các chốt trong nội bộ các quận, huyện, thị xã không bố trí chốt kiểm soát trên các trục đường quốc lộ, đường vành đai, đường trục chính, đường hướng tâm, đảm bảo các tuyến đường này thông suốt, không ùn ứ.

Trường hợp cần thiết, cấp bách phải lập chốt thì Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố. Khi xảy ra ùn ứ thì các chốt phải chủ động giãn cách người và phương tiện từ xa cũng như phải giải tỏa ngay.

Riêng các nhánh đường ngang, ngõ phố, tuyến đường chính vào các khu độ thị, khu dân cư... thì rà soát, tăng cường bố trí các chốt kiểm soát. Các lực lượng trực chốt phải làm việc nghiêm túc, hiệu quả thực chất.

Với 23 chốt tại các cửa ngõ ra, vào Thành phố, cần phải tăng cường vật tư, thiết bị y tế để test nhanh các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Khi có tình huống ùn ứ giao thông thì phải phân luồng phương tiện từ xa và cũng phải có phương án giải tỏa ngay...

Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192.

Hành chính
Đã có Quy định mới hướng dẫn Điều lệ Đảng

Ban Chấp hành Trung ương đã có Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 quy định về thi hành Điều lệ Đảng.

Theo đó, về trình độ học vấn của người vào Đảng, Quy định 24 nêu rõ người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên (bỏ quy định “hoặc tương đương trở lên” so với trước đây tại Quy định số 29 năm 2016).

Ngoài ra, về kết nạp lại người vào Đảng, Quy định 24 đưa ra điều kiện của người được xét kết nạp lại vào Đảng như sau:

- Có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng (về tuổi đời và trình độ học vấn);

- Ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xoá án tích; Đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp uỷ có thẩm quyền (huyện uỷ và tương đương) xem xét, quyết định.

- Thực hiện đúng các thủ tục nêu ở các Khoản 1, 2, 3 Điều 4 Điều lệ Đảng.

Như vậy, so với Quy định 29 năm 2016, Quy định mới này đã bổ sung thêm trường hợp đối với Đảng viên đã bị đưa ra khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình thì thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.

Bên cạnh đó, tại Quy định 24 vẫn tiếp tục quy định 05 trường hợp bị xóa tên khỏi danh sách Đảng viên gồm:

 - Đảng viên bỏ sinh hoạt đảng hoặc không đóng Đảng phí 03 (ba) tháng trong năm mà không có lý do chính đáng;

- Đảng viên tự ý trả thẻ đảng viên hoặc tự hủy thẻ Đảng viên;

- Đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục nhưng sau thời gian 12 tháng phấn đấu không tiến bộ;

- Đảng viên 02 (hai) năm liền vi phạm tư cách Đảng viên;

- Đảng viên không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Bộ Chính trị. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chính sách
Hà Nội hỗ trợ thêm 10 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19

Ngày 13/8/2021, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND về quy định một số chính sách đặc thù của Thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, các đối tượng được hỗ trợ gồm:

1. Hỗ trợ 01 triệu đồng/hộ: Hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của Thành phố;

2. Hỗ trợ 01 triệu đồng/người: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19;

3. Hỗ trợ 01 triệu đồng/người: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng;

4. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người: Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động và đảm bảo điều kiện theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;

5. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người: Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo điều kiện theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg;

6. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người: Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, trong đó:

+ Thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 - hết ngày 31/12/2021;

+ Thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 - 31/12/2021

+ Không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg.

7. Hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người: Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp:

+ Phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 01/5/2021 - hết ngày 31/12/2021 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động); và

+ Không thuộc đối tượng quy định tại Chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg.

8. Hỗ trợ 03 triệu đồng/chủ cơ sở: Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động (có trụ sở chính trên địa bàn Thành phố) phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01/5/2021 - 31-12-2021;

Hỗ trợ bổ sung cho người lao động quy định tại các mục 4, 5, 6, 7 nêu trên trong các trường hợp sau:

- Hỗ trợ bổ sung 01 triệu đồng/người: Người lao động đang mang thai;

- Hỗ trợ bổ sung 01 triệu đồng/trẻ em (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em): Người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi.

Lưu ý: Các trường hợp người lao động, hộ kinh doanh,… tạm dừng hoạt động được hưởng hỗ trợ phải theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết cũng nêu rõ:

- Mỗi đối tượng chỉ hưởng 01 lần trong một chính sách hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia;

- Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một trong số các chế độ hỗ trợ nêu trên, trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng 01 chế độ hỗ trợ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất;

- Người thuộc diện hỗ trợ là thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn được hưởng hỗ trợ theo chính sách khác quy định tại Nghị quyết này;

- Người đã hưởng chính sách hỗ trợ tại Quyết định số 3642/QĐ-UBND thì không hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này. Nếu như muốn tìm hiểu về chính sách hỗ trợ của từng địa phương cụ thể, vui lòng gọi đến số: 1900.6192 để được giải đáp.  

Hà Nội: Người dân có nhu cầu về quê đăng ký với Công an phường

Ngày 13/8/2021, Công an Thành phố Hà Nội đã có Công văn 6017/CAHN-PV01-PC06 về việc rà soát nhu cầu trở về các địa phương khác của người dân đang cư trú trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, UBND Thành phố, để tránh tình trạng người dân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân về địa phương nơi cư trú, không đảm bảo yêu cầu về kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, báo cáo phương án hỗ trợ đón người dân từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội, đưa người dân từ Hà Nội trở về các địa phương khác, Công an Thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện rà soát:

- Các trường hợp người dân sinh sống và làm việc tại Thành phố Hà Nội có nhu cầu, nguyện vọng trở về quê.

- Các trường hợp người dân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội hiện đang tạm trú tại các địa phương khác có nhu cầu cấp thiết và có nguyện vọng trở về Hà Nội (thông qua gia đình, người thân...).

Người dân có thể liên hệ, đăng ký với Công an xã, phường, thị trấn để Công an Thành phố tập hợp đề xuất phương án hỗ trợ đón người dân từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội; đưa người dân trở về các địa phương khác và bàn giao cho chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Công an Thành phố cũng giao Trưởng Công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Công văn này nhằm thiết thực giúp đỡ người dân đạt được nguyện vọng chính đáng của mình. Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan Covid-19, độc giả liên hệ 1900.6192.

Chính thức: Nhiều người dân Hà Nội được miễn phí nước sạch

Sau khi nhận được đề xuất tại Tờ trình số 170/TTr-UBND, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 16/NQ-HĐND hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.

Cụ thể, mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ như sau:

- Hỗ trợ 100% tiền nước sạch với:

+ Các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố;

+ Các hộ dân sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt 1 (tối đa là 10m3 nước/hộ dân theo giá nước sạch mức sinh hoạt 1 tại Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND).

- Hỗ trợ 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải trả của các hộ dân (ngoài các đối tượng nêu trên).

Thời gian thực hiện gồm: Các tháng 9, 10, 11, 12 năm 2021.

Phương thức hỗ trợ: Thực hiện hỗ trợ thông qua các đơn vị cấp nước để giảm trực tiếp tiền nước xác định theo hóa đơn của người sử dụng nước thuộc phạm vi cấp nước của từng đơn vị.

Cùng với giảm giá tiền nước sạch sinh hoạt, Hà Nội cũng ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ khác như:

- Chính sách đặc thù hỗ trợ cho nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do Covid-19 chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP;

- Hỗ trợ hỏa táng đối với người tử vong dương tính với Covid-19. Để tìm hiểu thêm về các chính sách hỗ trợ do Covid-19, quý độc giả vui lòng gọi đến số: 1900.6192.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.