Điểm tin văn bản mới số 32.2019

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Đã có quy định mới về lệ phí cấp căn cước công dân

Ngày 30/8/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 59/2019/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân (CCCD).

Thông tư này bổ sung thêm 02 mức lệ phí cấp CCCD mới so với trước đây. Theo đó, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ CCCD phải nộp lệ phí với mức cụ thể như sau:

Đơn vị: đồng/thẻ

STT

Các trường hợp

Mức lệ phí

1

Chuyển từ chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang thẻ CCCD

30.000

2

- Đổi thẻ khi bị hư hỏng không dùng được;

- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính; quê quán;

- Có sai sót về thông tin trên thẻ;

- Khi công dân yêu cầu.

50.000

3

Cấp lại khi bị mất; khi được trở lại quốc tịch Việt Nam

70.000

Ngoài ra, Thông tư này vẫn giữ nguyên các trường hợp được miễn, giảm lệ phí khi đổi, cấp lại CCCD:

- Các trường hợp được miễn lệ phí: Khi Nhà nước thay đổi địa giới hành chính; Đổi, cấp lại thẻ cho các đối tượng: Hộ nghèo; Công dân dưới 18 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện khó khăn…

- Các trường hợp không phải nộp lệ phí: Công dân từ đủ 14 tuổi làm thủ tục cấp CCCD lần đầu; Đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ do lỗi của cơ quan quản lý…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 16/10/2019.

Tài chính-Ngân hàng
Chính sách mới có hiệu lực hôm nay (10/10/2019)

Ngày 10/10/2019 là ngày chính thức có hiệu lực của nhiều chính sách mới thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống như: Tài chính ngân hàng, doanh nghiệp...

2 trường hợp xét chuyển từ nghĩa vụ công an sang chuyên nghiệp

Nghị định số 70 được Chính phủ ban hành ngày 23/8/2019 quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân. Trong đó nổi bật nhất là nội dung này.

Theo đó, có 02 trường hợp có thể được chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp:

- Được xét, dự tuyển vào các học viên, trường công an nhân dân nếu: Có thời gian phục vụ tại ngũ từ 15 - 24 tháng (tính đến thời điểm dự thi); có kết quả phân loại hằng năm đạt hoàn thành nhiệm vụ trở lên… Khi tốt nghiệp ra trường sẽ được phong cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp;

- Được xét chuyển sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp: Không thuộc trường hợp trên; tự nguyện; đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu sử dụng của công an nhân dân; công an nhân dân có nhu cầu.

Xem thêm: Tổng hợp 15 quyền lợi khi đi nghĩa vụ công an

Không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài

Đây là một trong các nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng được Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019.

Theo đó, để thực hiện việc trích lập các khoản dự phòng, Bộ Tài chính đưa ra các nguyên tắc sau:

- Các khoản dự phòng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm;

- Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm;

- Doanh nghiệp xem xét, quyết định việc xây dựng quy chế về quản lý vật tư, hàng hóa, quản lý danh mục đầu tư, quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh;

- Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài…

Xem thêm:Mức trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu đến 100%  

Có thể bán đấu giá tài sản nợ có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên

Ngày 21/8/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 55/2019/TT-BTC hướng dẫn bàn giao, tiếp nhận, xử lý các khoản nợ và tài sản loại trừ khi chuyển sở hữu doanh nghiệp Nhà nước.

Theo đó, đối với tài sản gồm cả tài sản đảm bảo khoản nợ, có giá trị còn lại trên sổ sách kế toán từ 100 triệu đồng trở lên, công ty mua bán nợ thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để tổ chức bán đấu giá theo quy định.

Với tài sản có giá trị còn lại trên sổ kế toán dưới 100 triệu đồng, công ty mua bán nợ có thể lựa chọn bán theo phương thức đấu giá hoặc thỏa thuận trên nguyên tắc giá không thấp hơn giá thị trường.

Nếu tài sản không có giao dịch trên thị trường thì công ty mua bán nợ có thể tự định giá hoặc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá để làm cơ sở bán đấu giá và chịu trách nhiệm về việc quyết định giá bán tài sản…

Trên đây là tổng hợp của LuatVietnam về những chính sách mới có hiệu lực 10/10/2019.

>> Danh sách văn bản tiêu biểu có hiệu lực tháng 10/2019

>> Nhiều chính sách mới có hiệu lực tháng 10/2019

Nguyễn Hương

Y tế-Sức khỏe
5 yêu cầu đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Nội dung này đề cập tại Thông tư 25/2019/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 30/8/2019 quy định về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

Theo đó, liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải:

- Lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh.

- Lưu trữ và duy trì hệ thống dữ liệu thông tin này tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.

- Truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về cơ quan có thẩm quyền tối đa 05 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm phải truy xuất. Trường hợp sản phẩm không đảm bảo an toàn phải thu hồi và xử lý.

- Áp dụng hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo mã nhận diện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/10/2019.

Đến năm 2021 sẽ thí điểm sàng lọc ung thư cổ tử cung ở 6 tỉnh

Ngày 29/8/2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3877/QĐ-BYT phê duyệt tài liệu "Đề án thí điểm Sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung và xử trí tại một số tỉnh giai đoạn 2019-2025".

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh lý ác tính, thường gặp ở nữ từ độ tuổi 30 trở đi. Xét về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong, UTCTC xếp vị trí số 2 trong các loại ung thư sinh dục ở nữ giới.

Mặc dù là bệnh nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể giảm tỷ lệ tử vong do bệnh và gánh nặng cho gia đình, xã hội. Do đó, Bộ Y tế xây dựng Đề án thí điểm sàng lọc phát hiện sớm và điều trị UTCTC ở một số tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 với lộ trình:

Giai đoạn 1 từ năm 2019 đến năm 2021: Triển khai thí điểm Đề án tại 06 tỉnh/thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đồng Nai, Bình Dương, Long An với 40% số huyện/tỉnh;

Giai đoạn 2 từ năm 2022 đến năm 2025: Triển khai mở rộng ra toàn bộ các huyện của 06 tỉnh trên và mở rộng ra các tỉnh khác.

Trong đó, đối tượng tham gia Đề án là phụ nữ trong độ tuổi 21 - 65 tuổi, đã có chồng hoặc đã quan hệ tình dục. Đặc biệt, ưu tiên phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 54 tuổi…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/8/2019.

Trẻ suy dinh dưỡng cấp có nguy cơ tử vong cao hơn đến 20 lần

Ngày 26/8/2019, Bộ Y tế ra Quyết định 3779/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn thực hiện quản lý suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0 - 72 tháng tuổi.

Theo Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định này, suy dinh dưỡng cấp tính là tình trạng bệnh lý mà cơ thể không nhận đủ năng lượng và đạm theo nhu cầu do cung cấp thiếu hoặc do bệnh lý, gây cho trẻ bị giảm cân nhanh hoặc bị phù.

Nguy cơ tử vong của trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng cao gấp 5 - 20 lần so với trẻ bình thường và có thể là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong hoặc gián tiếp kéo dài ngày điều trị, làm tăng nhanh nguy cơ tử vong ở những trẻ bị mắc tiêu chảy, viêm phổi.

Chính vì vậy, phải có sự quản lý chặt chẽ đối với trẻ suy dinh dưỡng cấp tính, từ gia đình cho tới y tế tuyến xã, phường, thị trấn trở lên.

Để xác định được trẻ suy dinh dưỡng cấp tính, cán bộ y tế, nhân viên y tế thôn bản, cán bộ cộng đồng khác thực hiện cân đo trẻ và đo vòng cánh tay trẻ:

- Định kỳ 03 tháng/lần đối với trẻ dưới 02 tuổi và hàng tháng đối với trẻ suy dinh dưỡng;

- Định kỳ 02 lần/năm (vào tháng 6 và tháng 12) nếu là cán bộ trạm y tế xã phối hợp với nhân viên y tế thôn bản hoặc bất cứ tình huống nào được tiếp xúc với trẻ nếu là cán bộ y tế và các cán bộ cộng đồng khác đối với trẻ dưới 05 tuổi;

- Định kỳ 01 năm/lần thông qua hoạt động chăm sóc sức khỏe đối với trẻ từ 05 - 06 tuổi.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 26/8/2019.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Mới: Danh sách 49 đơn vị dừng cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông báo 973/QLCL-QLVBCC về Danh sách các đơn vị dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo đó, có 07 đơn vị dừng cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin từ tháng 8/2019 gồm:

STT

Tên đơn vị

Thời gian dừng

1

Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà

15/8/2019

2

Trường Đại học Kinh Bắc

16/8/2019

3

Trung tâm ngoại ngữ và tin học thuộc Trường Trung cấp Future Việt Nam, Bắc Ninh

16/8/2019

4

Trung tâm ngoại ngữ - tin học Oxford University thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Giáo dục Châu Á Thái Bình Dương, Bắc Ninh

16/8/2019

5

Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên

20/8/2019

6

Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh Hóa

28/8/2019

7

Trung tâm ngoại ngữ tin học Đông Đô, Hưng Yên

29/8/2019

Bên cạnh đó là 42 đơn vị phải dừng cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên - chứng chỉ A, B, C gồm:

- Thời gian dừng từ 14/8/2019: Trung tâm GDNN - GDTX Sơn Động, Bắc Giang; Trường Cao đẳng nghề Ngô Gia Tự, Bắc Giang; Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế, Bắc Giang; Trung tâm ngoại ngữ, tin học Nhật Anh, Bắc Giang; Trung tâm GDTX Hướng nghiệp tỉnh, Bắc Giang…

- Thời gian dừng từ 29/8/2019: Trung tâm GDNN - GDTX Quảng Xương, Thanh Hóa; Trung tâm ngoại ngữ, tin học Việt Hàn, Hưng Yên; Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn, Thanh Hóa; Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn, Thanh Hóa…

Thông báo này được ban hành ngày 30/8/2019.

Không thanh tra quá 2 lần/năm đối với mỗi trường học

Ngày 30/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3930/BGDĐT-TTr hướng dẫn thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2019 - 2020.

Thanh tra, kiểm tra là việc làm cần thiết góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, Bộ nêu rõ, không được thanh tra quá 02 lần trong một năm học đối với mỗi đơn vị (trừ các cuộc thanh tra thi, thanh tra đột xuất).

Về nội dung thanh tra, mỗi cấp học lại có những nội dung thanh, kiểm tra khác nhau phù hợp với tình hình thực tế và công tác quản lý Nhà nước về giáo dục của địa phương. Cụ thể:

Đối với giáo dục mầm non: Việc tổ chức mạng lưới trường lớp, công tác quản lý nhóm trẻ tư thục.

Đối với giáo dục phổ thông: Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; công tác tuyển sinh đầu cấp; việc sử dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường và đánh giá xếp loại học sinh các lớp cuối cấp.

Bên cạnh đó, nội dung thanh tra còn có thể là việc dạy thêm, học thêm; thu chi đầu năm; an toàn trường học; thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; cấp, phát văn bằng, chứng chỉ; liên kết đào tạo; chế độ chính sách với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục…

Để hoạt động thanh tra đạt hiệu quả, mỗi cán bộ thanh tra cần tăng cường thu thập thông tin, tài liệu, khảo sát tình hình để thanh tra sát thực tế, đúng trọng tâm.

Đặc biệt, không nương nhẹ mà phải tăng cường xử phạt vi phạm hành chính với những hành vi vi phạm được phát hiện khi thanh tra…

Bộ Y tế hướng dẫn đào tạo cấp chứng chỉ cho cán bộ y tế

Ngày 23/8/2019 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 4921/BYT-K2ĐT nhằm trả lời đề nghị của một số cơ sở đào tạo về các khóa đào tạo theo nhu cầu của cán bộ y tế.

Theo đó, sau khi đề nghị các cơ sở đào tạo không thực hiện các khóa đào tạo định hướng chuyên khoa, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm túc trong việc đào tạo cấp chứng chỉ, đặc biệt chú trọng một số điểm sau:

- Chỉ triển khai đào tạo khi có đủ chương trình, tài liệu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Phải có đủ giảng viên, cán bộ quản lý, thiết bị dạy - học đáp ứng yêu cầu của chương trình và báo cáo kế hoạch cho cơ quan có thẩm quyền;

- Chương trình đào tạo phải được xây dựng gồm các nội dung: Tên, mục tiêu, đối tượng khóa học; yêu cầu đầu vào; chương trình chi tiết đến tên bài, tiết học, chỉ tiêu tay nghề; tên tài liệu dạy - học chính thức; phương pháp dạy học …

- Giảng viên đào tạo cần đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và được đào tạo về phương pháp dạy - học y học theo quy định;

- Việc cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học không được ghi là định hướng chuyên khoa mà phải ghi tên khóa học đúng theo tên chương trình đã được phê duyệt, thời gian đào tạo.

Không mở chi nhánh trung tâm ngoại ngữ, tin học

Ngày 30/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3920/BGDĐT-GDTX hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 đối với giáo dục thường xuyên.

Để chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học trong mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên hiện nay, theo nội dung Công văn này, sẽ không tổ chức các cơ sở trực thuộc trung tâm dưới dạng chi nhánh, phân hiệu.

Đồng thời, xử lý những sai phạm trong việc tổ chức hoạt động, liên kết đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Công khai danh sách các trung tâm được phép hoạt động hoặc bị xử lý vi phạm trên trang thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo; cập nhật các trung tâm mới và xóa tên trung tâm đã chấm dứt hoạt động.

Ngoài ra, mỗi địa phương còn cần tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với các tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục đại học để tổ chức hội thảo, hội nghị, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn học liệu, đặc biệt là các nguồn học liệu điện tử miễn phí; từng bước phổ cập ngoại ngữ, tin học cho mọi người dân trên địa bàn.

Và hơn hết, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư tham gia hoạt động thành lập các trung tâm ngoại ngữ, tin học…

Giao thông
Quy định mới về khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông

Đây là nội dung tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông.

Thông tư này quy định cụ thể về tốc độ lưu hành tương ứng với khoảng cách an toàn tối thiểu khi tham gia giao thông của các phương tiện xe cơ giới trong điều kiện mặt đường khô ráo như sau: 

STT

Khoảng cách an toàn tối thiểu (m)

Tốc độ lưu hành trước đây (km/h)

Tốc độ lưu hành từ 15/10/2019 (km/h)

1

35

> 60

V = 60

2

55

80

60 < V ≤ 80

3

70

100

80 < V ≤ 100

4

100

120

100 < V ≤ 120

Về tốc độ tối đa cho phép của xe cơ giới lưu thông trên đường bộ vẫn được giữ nguyên như quy định trước đây

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng bổ sung quy định về thẩm quyền đặt biển báo hiệu hạn chế tốc độ với các đường huyện, xã. Bắt đầu từ 15/10/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quyền quyết định:

- Đặt biển báo riêng cho từng chiều đường của đường đôi;

- Đặt cho một khoảng thời gian trong ngày bằng biển phụ, biển điện tử;

- Đặt biển riêng với các phương tiện có nguy cơ mất an toàn giao thông cao;

- Đặt biển hạn chế tốc độ có trị số lớn hơn 60 km/h với đoạn đường trong khu vực đông dân cư; biển hạn chế tốc độ có trị số lớn hơn 90 km/h với đoạn ngoài khu dân cư của các tuyến đường có vận tốc thiết kế lớn hơn vận tốc tối đa;

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

Vi phạm hành chính
Bày bán thuốc diệt côn trùng cùng đồ ăn bị phạt đến 3 triệu đồng

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Nghị định 71/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng nếu cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm trong hoạt động mua bán chế phẩm côn trùng, diệt khuẩn như sau:

- Bày bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn không tách biệt với nơi bày bán các loại thực phẩm;

- Không có người phụ trách về an toàn hóa chất có trình độ trung cấp trở lên về hóa học;

- Điều kiện bảo quản chế phẩm không đáp ứng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn;

- Trang thiết bị sơ cấp cứu không đáp ứng yêu cầu sơ cấp cứu ghi trên nhãn chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn. Đặc biệt, nếu không có thì có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng;

- Không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc cung cấp sai về các đặc tính nguy hiểm của hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dẫn đến sử dụng không đảm bảo an toàn, gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.

Không chỉ vậy, người nào vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động mua bán chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế từ 01 - 03 tháng...

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.