Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ra Quyết định 1706/QĐ-BKHĐT ban hành Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2025. Trong đó, nêu cụ thể thời gian điều tra doanh nghiệp.
Theo đó, tại Phương án điều tra doanh nghiệp năm 2025 quy địnhthời kỳ thu thập thông tin đối với các chỉ tiêu của cuộc điều tra là số liệu năm 2024.
Các chỉ tiêu thu thập theo thời kỳ như:
- Kết quả sản xuất kinh doanh
- Vốn đầu tư thực hiện
- Sản lượng sản phẩm sản xuất
- Và một số chỉ tiêu khác.
Về thời gian điều tra
- Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: Thời gian tiến hành từ ngày 01/4/2025 - hết ngày 31/7/2025;
- Các tỉnh, thành phố có số lượng doanh nghiệp từ 5.000 doanh nghiệp trở lên: Thời gian tiến hành từ ngày 01/4/2025 - hết ngày 30/6/2025;
- Các tỉnh, thành phố còn lại: Thời gian tiến hành từ ngày 01/4/2025 - hết ngày 31/5/2025;
- Tập đoàn, tổng công ty: Thời gian tiến hành từ 01/6/2025 - hết ngày 15/7/2025.
Về phương pháp điều tra
Điều tra doanh nghiệp năm 2025 sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp bằng hình thức thu thập thông tin trực tuyến thông qua sử dụng phiếu điều tra điện tử Webform.
Các đơn vị điều tra thực hiện cung cấp thông tin Phiếu Webform trên Trang thông tin điện tử điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê thông qua hệ thống xác thực tên và mã (mật khẩu) của doanh nghiệp khi truy cập hệ thống để điền phiếu điều tra.
Quyết định 1706/QĐ-BKHĐT được ban hành ngày 05/8/2024.
Ngân hàng Chính sách xã hội có Công văn 4524/NHCS-TDSV về việc điều chỉnh mức lãi suất chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Nội dung Công văn 4524/NHCS-TDSV có đề cập đến nội dung trong khi chờ ban hành mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội làm căn cứ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 100/2024/NĐ-CP, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách (NHCS) xã hội (NHCS) yêu cầu chi nhánh NHCS xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện nội dung sau:
- Khoản 14 Điều 78 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định:
Đối với các khoản vay đã ký Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2021/NĐ-CP) trước ngày Nghị định 100/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì áp dụng mức lãi suất theo quy định tại khoản 4 Điều 48 của Nghị định 100/2024/NĐ-CP cho dư nợ gốc thực tế, dư nợ gốc bị quá hạn (nếu có)
- Khoản 4 Điều 48 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định:
Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Do đó, đối với các khoản vay đã ký Hợp đồng tín dụng trước ngày 01/8/2024, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay và người vay vốn thỏa thuận thống nhất nội dung sau vào Phụ lục Hợp đồng tín dụng như sau:
- Lãi suất cho vay:
- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Hiện nay, mức lãi suất cho vay là 6,6%/năm.
- Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
- Khi có sự thay đổi về lãi suất cho vay, lãi suất nợ quá hạn, Bên cho vay có trách nhiệm gửi thông báo cho Bên vay muộn nhất vào ngày đầu tiên của kỳ tính lãi liền kề.
Sau đó ghi thời điểm thống nhất nội dung tại Phụ lục Hợp đồng tín dụng và ký, ghi rõ họ tên của Bên vay, Bên cho vay.
Ngân hàng Chính sách xã hội cũng yêu cầu các NHCS các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện và hoàn thành ngay trong ngày 01/8/2024.
Công văn 4524/NHCS-TDSV ban hành ngày 01/8/2024.
Là nội dung được đề cập đến tại Công văn 8288/BTC-QLCS về triển khai các quy định tại Luật Đất đai 2024 liên quan đên công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó tại mục 8 Công văn này có nêu nội dung về xử lý chuyển tiếp áp dụng Bảng giá đất như sau:
Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
Trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Trình tự điều chỉnh Bảng giá đất đối với trường hợp này (nếu có) thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định 71/2024/NĐ-CP.
Như vậy, bảng giá đất hiện hành được phép áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
Luật Đất đai 2024, cụ thể tại khoản 3 Điều 159 có quy định việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026.
Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01/01 của năm tiếp theo. Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Bên cạnh đó, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Trong quá trình thực hiện, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất. Công văn 8288/BTC-QLCS được ban hành ngày 07/8/2024.
Tại Thông tư 10/2024/TT-BTNMT hiệu lực từ ngày 01/8/2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định về mã QR trên Sổ đỏ.
Điều 14 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT đã quy định về mã QR của Sổ đỏ. Theo đó, mã QR được in trên Giấy chứng nhận dùng để lưu trữ, hiển thị các thông tin chỉ tiết của Giấy chứng nhận và các thông tin để quản lý mã QR.
Thông tin phản hồi từ mã QR có giá trị như thông tin trên Giấy chứng nhận, thống nhất với thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai hoặc thông tin ghi nhận trong hồ sơ địa chính đối với những nơi chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
Việc áp dụng cung cấp mã QR của Giấy chứng nhận phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đối với mã hình QR code 2005 theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7322:2009 (ISO/IEC 18004:2006).
Mã QR của Giấy chứng nhận phải được khởi tạo và in trên cùng một hệ thống phần mềm ứng dụng quản lý cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương và được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Kích thước mà hình của QR được in trên Giấy chứng nhận là 2,0 cm x 2,0 cm.
Mã QR được thể hiện ở góc trên bên phải trang 1 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được in lần đầu.
Trường hợp có thay đổi thông tin sau khi cấp Giấy chứng nhận thì mã QR được thể hiện ở góc bên phải của cột “Nội dung thay đổi và cơ sở pháp lý" tại mục 6 trang 2 của Giấy chứng nhận.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện 77/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc.
Theo nội dung Công điện của Thủ tướng, thời gian qua, nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích đã được sử dụng công khai, minh bạch. Nguồn thu này góp phần cho việc tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội, tạo sức hấp dẫn đối với du khách, đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ vẫn còn một số hạn chế:
- Số liệu báo cáo thu, chi tiền công đức, tài trợ của các di tích mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ.
- Còn một số cơ sở di tích lịch sử - văn hóa chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ; chưa thực hiện lắp đặt camera để giám sát tại các điểm tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức, tài trợ.
- Vẫn tồn tại tình trạng du khách đặt nhiều loại tiền trên các ban thờ tại các di tích làm mất đi sự tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự.
- Việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro để thất thoát, trộm cắp…
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố:
- Nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023 tại văn bản số 174/BC-BTC;
- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định.
- Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trong Quý IV/2024 để bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp trong việc quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa và chế tài xử lý nghiêm khi để phát sinh sai phạm.
Công điện 77/CĐ-TTg được ký ban hành ngày 08/8/2024.
Đây là nội dung tại Công văn 1964/ATTP-NĐTT Cục An toàn thực phẩm gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ngày 09/8/2024.
Theo đó, sắp tới Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến.
Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Công văn 1964/ATTP-NĐTT đề nghị các cơ quan, tổ chức dưới đây triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm:
- Văn phòng Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương,
- Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
- Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh
- Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh/ thành phố Đà Nẵng
Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của:
- Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ;
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
- Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
- Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tại Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT về Khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025.
Theo nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của các địa phương cụ thể tại khoản 4 Điều 2 Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT có quy định rõ:
4. Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.
Bên cạnh đó, nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học còn bao gồm các nội dung:
- Kế hoạch thời gian năm học của các địa phương phải bảo đảm đủ 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
- Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
- Kế hoạch thời gian năm học cần bảo đảm sự đồng bộ cho các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt trong trường phổ thông có nhiều cấp học.
Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.
Hướng dẫn 88/HD-HĐTVĐX triển khai thực hiện Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN về đặc xá năm 2024 vừa được ký ban hành ngày 02/8/2024.
Theo Hướng dẫn 88/HD-HĐTVĐX, đối tượng xét đặc xá năm 2024 gồm:
(1) Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện (sau đây gọi là phạm nhân).
(2) Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Một số quy định tại Điều 3 Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN về điều kiện đặc xá năm 2024 được Hội đồng tư vấn đặc xá hướng dẫn cụ thể như sau:
Theo điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự thì xếp loại chấp hành án phạt tù quý II vào ngày 25/5, xếp loại chấp hành án phạt tù quý III vào ngày 25/8.
Do đó, tính đến thời điểm các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện họp xét, đề nghị đặc xá, phạm nhân phải có các quý đã đủ thời gian xếp loại được xếp loại khá hoặc tốt.
Thời gian tiếp theo từ ngày 26/5/2024 đến ngày họp xét, đề nghị đặc xá phải được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt.
Sau khi có kết quả xếp loại quý III/2024, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải rà soát, đối chiếu với danh sách phạm nhân đã được đề nghị đặc xá và kịp thời đề nghị cơ quan cấp trên trực tiếp báo cáo Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá để xem xét.
Đồng thời đề nghị Hội đồng tư vấn đặc xá loại ra khỏi danh sách đề nghị đặc xá những phạm nhân không được xếp loại khá hoặc tốt quý III/2024.
Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, không kể thời gian được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Thời gian bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.
Thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được tính để trừ vào phần thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại...
Cũng theo nội dung Hướng dẫn, vào ngày 30/9/2024 sẽ tổ chức họp báo công bố quyết định của Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn và tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước.
Tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước vào ngày 1/10/2024.
>>> Xem chi tiết Hướng dẫn 88/HD-HĐTVĐX
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.