Điểm tin Văn bản mới số 31.2021

Y tế-Sức khỏe

03

Công văn 2582/LĐTBXH-VP của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng dịch vụ công quốc gia

path NLĐ được làm thủ tục nhận hỗ trợ Covid-19 trên Cổng dịch vụ công

04

Công văn 6386/BYT-MT của Bộ Y tế về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch COVID-19

path Lưu ý với người dân trở về từ nơi có dịch Covid-19

05

Công văn 6401/BYT-KHTC của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch COVID-19

path Phụ cấp hỗ trợ chống dịch cho cán bộ y tế, tình nguyện viên

06

Công điện 1168/CĐ-BYT của Bộ Y tế về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

path Khẩn: Bộ Y tế yêu cầu hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm

07

Công văn 2259/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giai đoạn dịch bệnh COVID-19

path Khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến vẫn được hưởng như đúng tuyến

08

Công văn 2974/LS-PL của Cục Lãnh sự hướng dẫn việc kiểm tra và công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng và Giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 của nước ngoài

path Sẽ được dùng hộ chiếu vắc xin của nước ngoài ở Việt Nam

09

Quyết định 3802/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc hướng dẫn ban hành Hướng dẫn tạm thời khám sáng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

path Mới: Phụ nữ mang thai trên 13 tuần được tiêm vắc xin Covid-19

Điểm tin văn bản

Lao động-Tiền lương
Hà Nội: Lưu ý với người dân tại "vùng xanh", "vùng đỏ"

Hôm nay (06/8/2021), UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công điện số 18 về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn Thành phố đến 6h ngày 23/8/2021 để phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong Công điện lần này, Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị chính quyền cơ sở chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác phòng chống dịch được để phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của từng địa phương.

Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố hướng dẫn như sau:

- Tại các khu vực không có dịch “vùng xanh”:

+ Người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết + Người dân cần tham gia phát huy vai trò cùng tham gia thành lập các khu vực tự quản, thành lập “Chốt bảo vệ vùng xanh (vùng không có dịch)” do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên

+ Chính quyền cơ sở thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, sẵn sàng trong mọi tình huống phát sinh.

- Tại các khu vực có nguy cơ “vùng da cam” gồm: Các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh,...:

+ Phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định phòng chống dịch;

+Thường xuyên kiểm tra, giám sát qua việc tiếp nhận các ý kiến giám sát của Nhân dân trên địa bàn hoặc qua công tác kiểm tra, giám sát;

+ Mỗi cán bộ, công chức, người lao động, người dân nghiêm túc chấp hành việc khai báo y tế bằng mã QR Code khi đến làm việc, lao động hoặc mua sắm.

- Đối với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “vùng đỏ”:  + Người dân trong khu vực chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của chính quyền cơ sở.

+ Chính quyền cơ sở quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và nguy cơ;

+ Chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trong khu vực. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp. 

Tài chính-Ngân hàng
Bãi bỏ các khoản chi bồi dưỡng, chi ngoài lương của công chức

Nội dung này được Chính phủ ban hành tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 05/8/2021 về nâng cao hiệu quả thực hiện và đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.

Theo đó, tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành được áp dụng cơ chế tài chính gắn với đặc thù tập trung rà soát các văn bản để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi nhằm bãi bỏ nội dung liên quan đến chế độ chi bồi dưỡng, các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước như:

- Tiền bồi dưỡng họp.

- Tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hội thảo…

Trong đó, phải xác định rõ thời gian hoàn thành để đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm với việc thực hiện chế độ tiền lương mới theo tinh thần của Nghị quyết số 27 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp với Bộ Nội vụ để hoàn thiện các chế độ công chức, công vụ, xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức gắn với chức danh, chức vụ, nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ.

Không chỉ thế, còn phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đánh giá cán bộ, công chức gắn với cải cách chính sách tiền lương để phát huy trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Với viên chức, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát, tổng hợp tình hình sử dụng, quản lý công chức, viên chức, để tiến tới bố trí viên chức hoặc người lao động đúng chức trách, nhiệm vụ của mình…

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Y tế-Sức khỏe
NLĐ được làm thủ tục nhận hỗ trợ Covid-19 trên Cổng dịch vụ công

Nội dung đáng chú ý này vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành tại Công văn số 2582/LĐTBXH-VP ngày 06/8/2021.

Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội này đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cụ thể:

- Địa chỉ: https://ncovi.dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-ncovid-danh-sach-dich-vu-cong.html

- Các dịch vụ đã được tích hợp gồm:

  • Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương
  • Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
  • Hỗ trợ người lao động ngừng việc
  • Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
  • Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...

Trước đó, Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ: 1900.6192 để được hỗ trợ.

Lưu ý với người dân trở về từ nơi có dịch Covid-19

Ngày 06/8/2021, Bộ Y tế đã có Công văn 6386/BYT-MT về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo thực hiện như sau:

Với những người đến/về từ khu vực có dịch Covid-19

- Trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (có chứng nhận tiêm chủng trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc có giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm về địa phương hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và có giấy ra viện) thì:

+ Thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 07 ngày;

+ Xét nghiệm 02 lần vào ngày đầu và ngày thứ 07.

- Trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin Covid-19:

+ Thực hiện tự cách ly tại nhà trong 14 ngày và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo;

+ Xét nghiệm 03 lần vào ngày đầu, ngày thứ 07 và ngày thứ 14 trong thời gian cách ly y tế.

- Trường hợp đi qua khu vực có dịch mà không dừng, đỗ thì không phải thực hiện biện pháp cách ly y tế.

Với những người về từ các tỉnh, thành phố, khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16:

- Yêu cầu người dân không di chuyển từ tỉnh, thành phố nơi cư trú đến địa phương khác cho đến khi hết thời gian giãn cách theo Công điện 1063/CĐ-TTg;

- Trường hợp đặc biệt được cho phép di chuyển đến địa phương khác phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đối với những người đến/về từ khu vực có dịch Covid-19 nêu trên.

Bên cạnh đó, với những người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực có dịch thì không phải thực hiện cách ly y tế khi đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch trong vận chuyển hàng hóa. Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Phụ cấp hỗ trợ chống dịch cho cán bộ y tế, tình nguyện viên

Hướng dẫn thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19 vừa được Bộ Y tế ban hành tại Công văn 6401/BYT-KHTC ngày 07/8/2021.

Cụ thể, Công văn hướng dẫn chi tiết về vấn đề này như sau:

STT

Đối tượng

Chế độ phụ cấp

1

Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Bộ, ngành và địa phương

- Mức 300.000 đồng/người/ngày: Đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19…

- Mức 200.000 đồng/người/ngày: Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà…

- Mức 150.000 đồng/người/ngày: Người làm nhiệm vụ tại cơ sở cách ly y tế tập trung; cưỡng chế cách ly y tế…

- Công tác phí, chế độ chi hội nghị trong thời gian đi hỗ trợ phòng, chống dịch trừ trường hợp địa phương bố trí chỗ ở.

2

Học viên, sinh viên và học sinh các cơ sở đào tạo trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe

- Mức 300.000 đồng/người/ngày: Đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19…

- Mức 200.000 đồng/người/ngày: Người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà…

- Mức 120.000 đồng/người/ngày: Gồm tiền ăn 80.000 đồng và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

3

Người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước

Lưu ý: Nếu thuộc đối tượng được hưởng nhiều mức phụ cấp chống dịch thì được hưởng ở mức cao nhất.

Số ngày hưởng tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết nhưng không bao gồm thời gian đi đường.

Sau khi kết thúc, hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về, người tham gia phòng, chống dịch phải cách ly y tế tập trung.

Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Khẩn: Bộ Y tế yêu cầu hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm

Bộ Y tế vừa ban hành Công điện số 1168/CĐ-BYT về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, nhằm mục tiêu ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly triệt để, dập dịch kịp thời, không để dịch tiếp tục bùng phát, lan rộng, để bảo vệ sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất số mắc, số tử vong và giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, về ngăn chặn lây nhiễm, Bộ Y tế yêu cầu:

- Hướng dẫn người dân, người lao động tại doanh nghiệp, khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm.

- Xét nghiệm tầm soát 100% người có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.

Đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các yêu cầu sau:

- Đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất và lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm kịp thời trong thời gian 24 giờ đối với RT-PCR.

- Thần tốc xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng, trước tiên ở các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và người có nguy cơ lây nhiễm cao.

- Xây dựng kế hoạch lấy mẫu cho các nhà ở/hộ gia đình, khu dân cư trên địa bàn để tránh trùng lặp, bỏ sót, phát hiện sớm các F0 trong cộng đồng:

  • Khu vực phong tỏa: Lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 03 - 05 ngày/lần tại nhà ở/hộ gia đình; mỗi hộ/nhà ở hoặc người sống trong nhà/hộ thì lấy mẫu gộp để xét nghiệm.
  • Khu vực nguy cơ cao: Lấy mẫu toàn bộ người dân 07 ngày/lần, có thể tăng tần suất nếu cần, lấy mẫu gộp tất cả các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình.
  • Các khu vực khác: Giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở/hộ gia đình, trong phòng là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong nhà ở/hộ gia đình, trong phòng hoặc người được phép đi ra ngoài…

Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Khám, chữa bệnh BHYT trái tuyến vẫn được hưởng như đúng tuyến

Đây là quyền lợi đối với những người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tại nơi đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, được Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định tại Công văn số 2259/BHXH-CSYT ngày 29/7/2021.

Theo đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hướng dẫn các BHXH tỉnh, Bộ Quốc phòng, Công an thực hiện một số nội dung sau đây:

- Các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng: Thông báo và hướng dẫn người bệnh BHYT được khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế thuận lợi nhất trên địa bàn, không phân biệt nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Theo đó, dù đi khám, chữa bệnh trái tuyến thì người tham gia BHYT vẫn được hưởng quyền lợi như đúng tuyến. 

Người bệnh BHYT được làm các xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 theo hướng dẫn và được quỹ BHYT hoặc ngân sách Nhà nước chi trả theo quy định.

- Các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, basedow, ung thư đang điều trị tại các bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh: Căn cứ danh sách người bệnh trên hệ thống thông tin BHYT, BHXH tỉnh phối hợp cơ sở y tế khám, cấp thuốc tại các viện tuyến dưới đủ năng lực.

Ngoài ra, tại Công văn này, BHXH Việt Nam cũng lưu ý một số hoạt động thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế đặc thù như:

- Cơ sở y tế chuyển sang chuyên điều trị người mắc Covid-19: BHXH tỉnh thanh toán chi phí khám, điều trị bệnh nền, bệnh phát sinh theo quy định.

- Bệnh viện dã chiến mới thành lập: Ký hợp đồng hoặc phụ lục khám, chữa bệnh BHYT với cơ sở khám, chữa bệnh được giao quản lý bệnh viện dã chiến để khám, chữa bệnh tại đây.

Đồng thời, BHXH Việt Nam đề nghị Sở Y tế khẩn trương thực hiện thủ tục xếp hạng; cấp mã đối với BV dã chiến…

Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Sẽ được dùng hộ chiếu vắc xin của nước ngoài ở Việt Nam

Ngày 06/8/2021, Cục Lãnh sự đã ban hành Công văn 2974/LS-PL hướng dẫn việc kiểm tra và công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng và Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 của nước ngoài.

Theo đó, hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí và cơ chế công nhận, cho phép sử dụng trực tiếp Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vắc xin của nước ngoài tại Việt Nam để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, trong thời gian này, khi chưa có quyết định chính thức, Cục Lãnh sự đề nghị cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện như sau:

- Mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng, Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 chưa được giới thiệu chính thức cho cơ quan đại diện: Cơ quan đại diện làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự hoặc xác nhận để người nhập cảnh sử dụng giấy này ở Việt Nam.

- Mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng, Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 đã được giới thiệu chính thức qua đường ngoại giao: Cơ quan đại diện thông báo cho người đã tiêm chủng mang trực tiếp giấy này về nước, các cơ quan trong nước sẽ xem xét, đối chiếu với bản mẫu đã được giới thiệu.

Kèm theo Công văn này là danh sách các nước đã giới thiệu qua đường ngoại giao gồm: Cộng hòa Ba Lan, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Hàn Quốc, Cộng hòa Ca-dắc-xtan, Mông Cổ, Vương quốc Ô-man, Vương quốc Thái Lan, Ru-ma-ni, Nhật Bản, Niu Di lân.

Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Mới: Phụ nữ mang thai trên 13 tuần được tiêm vắc xin Covid-19

Ngày hôm nay (10/8/2021), Bộ Y tế ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT kèm Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thay thế những văn bản trước đó với nhiều lưu ý quan trọng.

Theo đó, phiếu sàng lọc tiêm chủng bổ sung đối tượng phụ nữ mang thai đủ điều kiện tiêm chủng ngay nếu không có bất thường về sức khỏe.

Đặc biệt, chỉ nên cân nhắc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho phụ nữ mang thai từ 13 tuần tuổi trở lên nếu có lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào đối với mẹ và thai nhi.

Sau khi giải thích nguy cơ và lợi ích, phụ nữ mang thai từ 13 tuần tuổi trở lên vẫn đồng ý tiêm chủng thì phải chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai và cho con bú chống chỉ định với vắc xin Sputnik V.

Như vậy, với Quyết định mới này, phụ nữ đang cho con bú, mang thai từ 13 tuần trở lên vẫn có thể tiêm vắc xin Covid-19 (ngoài vắc xin Sputnik V). Trong khi đó, theo các Hướng dẫn trước đây thì phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ thuộc nhóm trì hoãn tiêm vắc xin.

Ngoài ra, người có phản vê độ 03 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào phải được chỉ định tiêm tại các cơ sở có điều kiện cấp cứu phản vệ. Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Giao thông
Hỏa tốc: Hà Nội lại yêu cầu người dân chỉ cần mang Giấy đi đường

Hôm nay (ngày 10/8/2021), Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành Thông báo hỏa tốc số 577/TB-UBND trong đó quy định cụ thể về Giấy đi đường cũng như các giấy tờ cần xuất trình của người dân Hà Nội.

Theo đó, sau khi triển khai tại các địa bàn và tiếp thu ý kiến của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tại Thông báo này, Chủ tịch UBND Thành phố nêu rõ:

- Người đi đường: Xuất trình giấy tờ tùy thân kèm theo Giấy đi đường.

- Cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn: Người đứng đầu chịu trách nhiệm cấp Giấy đi đường.

- Doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty… được phép hoạt động: Người đứng đầu cấp Giấy đi đường cho người lao động và chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch.

Đặc biệt, tại Thông báo này, UBND Thành phố nêu rõ, để phục vụ việc kiểm soát chấp hành giãn cách, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có trách nhiệm tổng hợp danh sách người lao động cần lưu thông trên đường kèm phương án sản xuất và gửi cho UBND phường để xác nhận. Tuy nhiên, người đi đường không cần xuất trình giấy tờ này.

Các doanh nghiệp có thể thực hiện việc xác nhận này bằng hình thức trực tuyến, thư điện tử hoặc qua đường bưu điện, đảm bảo không tập trung đông người tại trụ sở cũng như để đảm bảo thủ tục được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Nếu doanh nghiệp cần bố trí nhiều lao động đến làm thì UBND phường phối hợp, cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp tại đơn vị để thống nhất phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cũng như xác nhận danh sách người lao động được phép ra đường để người đứng đầu cấp Giấy đi đường cho người lao động.

Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Mẫu Giấy đi đường dành cho người dân tại Hà Nội:

ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ/PHƯỜNG ....

 

(Hoặc Công ty, đơn vị sử dụng lao động)

 

Số: …..

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày … tháng ... năm 2021

 

 

 

GIẤY ĐI ĐƯỜNG

Về việc tham gia giao thông trong thời gian giãn cách

 

1. Họ và tên:.............................. ;     Giới tính:..........

2. Sinh ngày.... tháng. năm............. ;

3. Số CCCD/CMND:................. ;  Ngày cấp:............ ; Nơi cấp:..........

4. Số điện thoại:..................... ;

5. Địa chỉ thường trú:....................................................

6. Nơi làm việc:........................................................... ;

7. Địa chỉ cơ quan:........................................................

8. Chức vụ/Vị trí công tác:............................................

Mục đích tham gia giao thông: ………….. hiện đang trên đường di chuyển từ nhà đến nơi làm việc (hoặc ngược lại) để thực hiện công việc chuyên môn được giao.

Giấy đi đường có hiệu lực kể từ ngày ký, chỉ có giá trị trong thời gian giãn cách xã hội.

Công ty/Người lao động cam đoan những nội dung nêu trên đúng sự thật, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của UBND Thành phố.

(Xuất trình kèm theo Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân; Văn bản của Công ty, đơn vị sử dụng lao động)

T.M ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ CHỦ TỊCH

(Hoặc xác nhận của cơ quan, đơn vị)

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.