Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 26/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 57/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cụ thể 05 trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét xử lý rủi ro như sau:
- Khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký;
- Khách hàng bị phá sản;
- Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký;
- Khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký;
- Khách hàng có khoản nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) theo kết quả phân loại nợ.
Khi gặp các rủi ro này, Quỹ bão lãnh tín dụng sẽ thực hiện một hoặc một số biện pháp: Cơ cấu lại nợ (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ); khoanh nợ; xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ, xóa nợ lãi; xóa nợ gốc.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Thông báo 306/TB-VPCP về dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 16 của Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.
Theo đó, ngày 19/8/2019, sau khi nghe Bộ Tài chính báo cáo, các đại biểu dự họp cho ý kiến, Phó Thủ tướng đã có kết luận về dự thảo Nghị định sửa đổi Điều 16 của Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về thu tiền sử dụng đất như sau:
- Về đối tượng được ghi nợ: Nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến về các trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, các gia đình chính sách… của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Về xác định mức tiền sử dụng đất được ghi nợ: Làm rõ hình thức hỗ trợ được khấu trừ và không được khấu trừ;
- Về trình tự, thủ tục ghi nợ và thanh toán nợ tiền sử dụng đất: Tiếp tục làm rõ và nghiên cứu tiếp thu theo hướng thuận tiện, đơn giản thủ tục cho người dân;
- Về xử lý chuyển tiếp: Nghiên cứu tiếp thu, giải trình xử lý chuyển tiếp để bảo đảm tính công bằng của pháp luật…
Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng và Văn phòng Chính phủ.
Thông báo này được ban hành ngày 29/8/2019.
Ngày 02/8/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 11/2019/TT-NHNN quy định về kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng.
Theo đó, các tổ chức tín dụng (không phải là quỹ tín dụng nhân dân) thuộc một trong các trường hợp dưới đây sẽ được đặt vào kiểm soát đặc biệt:
- Có nguy cơ mất khả năng chi trả: Thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong 03 tháng liên tục.
- Mất khả năng chi trả: Không có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ trong 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán chưa xử lý được so với tổng nợ và nợ xấu đã bán chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 01 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.
- Có nguy cơ mất khả năng thanh toán: Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 thấp hơn 4% trong 06 tháng liên tục và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán chưa xử lý được so với tổng nợ và nợ xấu đã bán chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 06 tháng liên tục mà tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của tổ chức tín dụng thấp hơn 4%.
- Mất khả năng thanh toán: Không có khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ trong 03 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.
- Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.
- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục.
- Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
Ngày 26/8/2019, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3780/QĐ-BYT về việc phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn lâm sàng xử trí u xơ cơ tử cung”.
U xơ cơ tử cung trước đây thường được gọi theo u xơ tử cung, là khối u phổ biến nhất ở phụ nữ, có khuynh hướng di truyền. Bệnh thường tiến triển chậm, qua nhiều năm và không có triệu chứng…
Tuy nhiên, u vẫn có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, hiếm muộn, sẩy thai và sẩy thai liên tiếp. Biến chứng thường gặp của u xơ cơ tử cung là xuất huyết tử cung bất thường, thoái hóa, đau và chèn ép, thoái hóa ác rất hiếm...
Theo đó, thường áp dụng 03 biện pháp điều trị u xơ cơ tử cung:
- Nếu u không có triệu chứng thì không điều trị mà chỉ cần theo dõi các triệu chứng xuất huyết tử cung bất thường và triệu chứng chèn ép. Bệnh nhân nên khám phụ khoa định kỳ từ 6 – 12 tháng một lần;
- Nếu u có triệu chứng xuất huyết tử cung bất thường nặng hoặc chèn ép nặng thì nên cân nhắc phẫu thuật, nhất là ở những người đã lớn tuổi, có đủ con;
- Nếu các triệu chứng không nặng thì có thể điều trị nội khoa ngay. Trong đó, có thể sử dụng các loại thuốc như: Thuốc viên nội tiết kết hợp tránh thai (hiệu quả thường chậm); Ulipristal acetate (UPA), GnRH đồng vận…
Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể có tác dụng phụ và chỉ phù hợp với từng loại bệnh nhân cụ thể…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 26/8/2019.
Ngày 21/8/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BYT về việc hướng dẫn thí điểm về hoạt động y học gia đình.
Bác sĩ đa khoa, chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề:
- Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình;
- Có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng;
- Có giấy chứng nhận theo học từng đợt với tổng thời gian tối thiểu 03 tháng các nội dung ghi trong giấy xác nhận hoặc tín chỉ hoặc chương trình đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình;
Bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề và hiện đang khám, chữa bệnh y học gia đình: Sẽ tiếp tục được hoạt động khám, chữa bệnh và phải có trách nhiệm tham gia đào tạo lại, đào tạo liên tục tối thiểu 03 tháng để cập nhật kiến thức về y học gia đình;
Bác sĩ y học dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề: Có giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 03 tháng sẽ được tham gia khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2019.
Nội dung đáng chú ý này nêu tại Công văn 3892/BGDĐT-GDTrH được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28/8/2019 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2019 - 2020.
Theo đó, để đảm bảo mặt bằng chung về chất lượng dạy và học khối lớp cấp 2, từ năm học 2019 - 2020, các trường học trên cả nước đều phải chấm dứt việc tổ chức lớp chuyên, lớp chọn.
Đồng thời, rà soát lại mạng lưới trường lớp để đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể:
Đối với khu vực thành phố, sẽ quy hoạch trường, lớp theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại ô để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông; tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao.
Đối với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có lộ trình sắp xếp điểm trường, lớp hợp lý; củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú có quy mô phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát nội dung sách giáo khoa, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt; điều chỉnh để tránh trùng lặp giữa các môn học; bổ sung, cập nhật những thông tin mới.
Đẩy mạnh việc học ngoại ngữ, thí điểm dạy ngoại ngữ tích hợp với các môn học khác (Toán và các môn khoa học) tại các trường có điều kiện.
Và hơn hết, chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới…
Ngày 26/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3873/BGDĐT-GDMN và Công văn 3869/BGDĐT-GDTH hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ trong năm học 2019 - 2020 đối với giáo dục mầm non và tiểu học.
Đáng chú ý, theo Công văn 3873/BGDĐT-GDMN, một trong những nhiệm vụ cần thực hiện ngay trong năm học này là không để kéo dài tình trạng hợp đồng nhiều năm với giáo viên mầm non trong khi chỉ tiêu tuyển dụng viên chức ở các địa phương vẫn còn rất nhiều. Do đó, theo tinh thần của Công văn này, nhiều giáo viên mầm non sẽ được đưa vào diện viên chức.
Bên cạnh đó, tập trung bồi dưỡng, nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm bảo vệ trẻ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là giáo viên tại các nhóm lớp tư thục.
Đối với công tác giáo dục tiểu học, theo Công văn 3869/BGDĐT-GDTH, năm học 2020 - 2021 sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1. Do đó, trong năm học 2019 - 2020, các trường học trên cả nước phải dự kiến phân công giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 và ưu tiên bồi dưỡng cho những giáo viên này, bởi đây là khối lớp đầu tiên trong cấp học phổ thông thực hiện Chương trình mới.
Đặc biệt, các giáo viên phải đổi mới trong việc tổ chức các hoạt động dạy học bằng việc thiết kế các bài học phát huy tính chủ động, tự học, tự nghiên cứu của học sinh; dành nhiều thời gian trên lớp và ngoài lớp học cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày kết quả của mình.
Ngoài ra, phải chấm dứt tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”; thực hiện khen thưởng thực chất, tránh tùy tiện, tràn lan, gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và xã hội…
Ngày 19/8/2019, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành Công văn 3549/UBND-ĐT đề ra các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Nhằm chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, từ năm 2020, Sở Tài chính sẽ không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp để mua sắm các sản phẩm nhựa dùng 1 lần sử dụng trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Với những tháng cuối năm 2019 này, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần bằng cách:
- Chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (> 20 lít) hoặc vật chứa có thể sử dụng nhiều lần hay các vật liệu khác thân thiện với môi trường thay vì nước uống đóng chai nhựa (có thể tích từ 330 - 500ml) như hiện nay;
- Không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa, giảm tối đa việc sử dụng túi nilon trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại nơi làm việc;
- Phát động và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, hạn chế sử dụng túi nilong khó phân hủy trong cơ quan, đơn vị.
Ngày 16/8/2019 vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Theo đó, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch và việc lập quy hoạch phải dựa trên quy hoạch cao hơn được hiểu như sau:
Quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Đồng thời, các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01/01/2019, trong quá trình thực hiện sẽ được điều chỉnh nội dung để phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đến khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt theo Luật Quy hoạch 2017.
Ngoại trừ các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thì được tiếp tục thực hiện; nếu nội dung của quy hoạch đó không phù hợp với quy hoạch cao hơn đã được quyết định hoặc phê duyệt thì phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cao hơn.
Chính phủ sẽ có chỉ đạo về việc lập, thẩm định quy hoạch ở các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 16/8/2019.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.