Điểm tin Văn bản mới số 30.2021

Điểm tin văn bản

Đất đai-Nhà ở
Không phải nộp bản sao sổ hộ khẩu, CMND, CCCD khi làm Sổ đỏ

Thông tư 09/2021/TT-BTNMT sửa đổi, bổ sung 09 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Trong đó, có quy định mới về hồ sơ thực hiện thủ tục cấp Sổ đỏ.

Cụ thể, khoản 5 Điều 11 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT quy định, khi làm thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận (Sổ đỏ) mà có yêu cầu thành phần là bản sao Chứng minh nhân dân (CMND)/Chứng minh quân đội/Căn cước công dân (CCCD) hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ:

- Sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này để chứng minh nhân thân trong trường hợp dữ liệu quốc gia về dân cư đã chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực đất đai.

Ngoài ra, bên cạnh mẫu đơn 04a/ĐK - đơn đăng ký, cấp Sổ đỏ lần đầu ban hành kèm Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, Thông tư 09/2021 đã ban hành thêm mẫu đơn 04đ/ĐK áp dụng cho đăng ký, cấp Sổ đỏ cho trường hợp dồn điền, đổi thửa.

Không chỉ vậy, mặc dù thành phần hồ sơ khi đăng ký sang tên vẫn giữ nguyên nhưng nếu chuyển nhượng hoặc tặng cho đất nông nghiệp thì tại đơn đề nghị phải ghi cụ thể tổng diện tích đất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ. 

Lao động-Tiền lương
BHXH giải quyết thủ tục nhận hỗ trợ Covid-19 không quá 1 ngày

Ngày 26/7/2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) ban hành Công văn 2218/BHXH-TST thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, tại Công văn này, BHXH khẳng định:

Khi nhận được hồ sơ đề nghị giải quyết các chính sách của đơn vị thì thực hiện giải quyết trong thời gian không quá 01 ngày làm việc.

Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, các thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động có thời gian giải quyết cao nhất là 04 ngày, chậm nhất là 02 ngày làm việc.

Trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót thì chuyển lại ngay để đơn vị bổ sung hoàn thiện.

Đồng thời, BHXH cũng đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố phân công lãnh đạo, viên chức chủ động liên hệ với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để đôn đốc, hướng dẫn đơn vị lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH giải quyết các chính sách:

- Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;

- Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;

- Xác nhận phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm cho người lao động; danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; danh sách người lao động ngừng việc…

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đã có Nghị định 77/2021 về phụ cấp thâm niên nhà giáo

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Theo đó, Nghị định này quy định rõ thời gian tính hưởng và thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên. Cụ thể, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau:

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).

- Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng; trong quân đội, công an, cơ yếu và ở ngành, nghề khác (nếu có).

- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 54/2011/NĐ-CP, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên chỉ là thời gian giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục và các ngành, nghề khác được cộng dồn với thời gian giảng dạy ở các cơ sở giáo dục…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/8/2021. Chế độ này được áp dụng từ ngày 01/7/2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192.

Thương mại-Quảng cáo
Hỏa tốc: Bộ Công Thương công bố Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu

Ngày 27/7/2021, Bộ Công Thương ra Công văn hỏa tốc số 4481/BCT-TTTN công bố Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay một số nội dụng của Chỉ thị 16, nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.

Tiếp theo Công văn số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu như sau:

- Nhóm thực phẩm (bao gồm các mặt hàng theo Danh mục phụ lục II, phụ lục III và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 phụ lục IV ban hành kèm Nghị định số 15/2018/NĐ-CP).

Cụ thể, nhóm thực phẩm bao gồm các sản phẩm, thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ như thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế: Nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…

Các sản phẩm, nhóm sản phẩm, thực phẩm hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Ngũ cốc, ngũ cốc đã sơ chế; thịt và các sản phẩm từ thịt như: thịt tươi, ướp đá, đông lạnh, phụ phẩm ăn được của gia súc, gia cầm, đồ hộp, hun khói hoặc sản phẩm phối chế có chứa thịt như giò, chả, pate…; thủy sản và sản phẩm thủy sản gồm: thủy sản tươi sống, sơ chế, sản phẩm chế biến từ thủy sản và phụ phẩm thủy sản làm thực phẩm…

Cùng với đó là các loại rau, củ quả và sản phẩm rau, củ quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và sản phẩm từ mật ong, muối, gia vị... và các nông sản thực phẩm khác như hạt hướng dương, hạt bí, mộc nhĩ, tổ yến…

- Nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...)

- Nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...).

- Và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Y tế-Sức khỏe
Hướng dẫn mới: Không phải cứ tiếp xúc F0 là thành F1

Ngày 30/7/2021, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3638/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19.

Theo đó, tính đến tháng 7/2021, Việt Nam đã có 07 biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 trong đó biến chủng Delta lần này được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh. Phần lớn (khoảng 60%) người nhiễm vi rút này không có biểu hiện lâm sàng (trong khi đó, theo Quyết định cũ, tỷ lệ này chỉ khoảng 40%).

Tại Quyết định này, một số định nghĩa liên quan đến Covid-19 đã được Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung so với quy định tại Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 07/8/2020. Cụ thể:

- Ca bệnh nghi ngờ: Là người có ít nhất hai trong số các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Trong khi đó, theo quy định cũ tại Quyết định số 3468/QĐ-BYT, chỉ bị xem là ca bệnh nghi ngờ nếu có ít nhất một trong các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi, đau người, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác hoặc viêm phổi và phải có một trong các yếu tố dịch tễ sau:

- Có tiền sử đến/qua/ở/về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có ghi nhận ca mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

- Có tiền sử đến/ở/về từ nơi có ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.

- Trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ.

Như vậy, theo quy định mới, có thể không cần tiếp xúc với F0 hoặc ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 cũng có thể được xác định là nghi mắc Covid-19.

- Ca bệnh xác định (F0): Là người có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (quy định cũ gồm cả ca bệnh nghi ngờ có xét nghiệm dương tính).

- Quyết định mới phân rõ trường hợp tiếp xúc gần F1 và F2 trong khi quy định cũ chỉ giải thích chung với đối tượng tiếp xúc gần. Trong đó, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí… hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Nếu ngoài thời kỳ lây truyền của F0 thì sẽ không bị coi là F1.

Xem thêm: Bộ Y tế hướng dẫn cách xác định F1, F2 từ 30/7/2021

- Ổ dịch: Là nơi lưu trú (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị…) của ca bệnh xác định trước khi khởi phát hoặc trước khi lấy mẫu xét nghiệm khẳng định (quy định cũ là một nơi như thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị... ghi nhận từ 01 ca bệnh xác định trở lên)…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/7/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Bộ Y tế công bố 19 bệnh nền có nguy cơ cao mắc Covid-19

Nội dung này được đề cập tại Quyết định 3646/QĐ-BYT ngày 31/7/2021 ban hành tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.

Theo đó, ban hành kèm Quyết định này là phụ lục các bệnh lý nền có nguy cơ cao làm căn cứ để xác định người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 gồm:

- Đái tháo đường.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác.

- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).

- Bệnh thận mạn tính.

- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu.

- Béo phì, thừa cân.

- Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim).

- Bệnh lý mạch máu não.

- Hội chứng Down.

- HIV/AIDS.

- Bệnh lý thần kinh, bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ.

- Bệnh hồng cầu hình liềm.

- Bệnh hen suyễn.

- Tăng huyết áp.

- Thiếu hụt miễn dịch.

- Bệnh gan.

- Rối loạn sử dụng chất gây nghiện.

- Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

- Các loại bệnh hệ thống.

Đồng thời, ban hành kèm Quyết định này là các dấu hiệu, biểu hiện nhiễm Covid-19 thường gặp như: Ho; Sốt (trên 37,5 độ C); Đau đầu; Đau họng, rát họng; Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; Khó thở; Đau ngực, tức ngực; Đau mỏi người, đau cơ; Mất vị giác; Mất khứu giác; Đau bụng, buồn nôn; Tiêu chảy.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 31/7/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Khẩn: Hà Nội yêu cầu người dân tuyệt đối không tự ý về quê

Đây là nội dung đáng chú ý được Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội ban hành tại Công điện 17/CĐ-UBND thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Công điện nêu rõ, tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo đúng quy định tại Công điện số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trừ những người được chính quyền cho phép.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.

Đồng thời, Công điện cũng yêu cầu tập trung ưu tiên một số biện pháp cấp bách như:

- Truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất;

- Sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác,…;

- Tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch; khu trú tập trung đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm nguồn lực theo quyết định của cơ quan y tế;

- Cách ly, giám sát, xét nghiệm các nguy cơ đối với các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.

Đặc biệt, khẩn trương hoàn thiện phương án triển khai thí điểm 1.000 giường điều trị bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại Khu Chung cư Đền lừ 3 để đưa vào hoạt động từ 02/8/2021 và lên phương án điều trị tổng thể 20.000 bệnh nhân mắc Covid-19, báo cáo trước 05/8/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192.

Tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho tất cả người từ 18 tuổi trở lên

Ngày 02/8/2021, Bộ Y tế đã có Công văn số 6202/BYT-DP về việc tăng tốc độ và diện bao phủ tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Công văn nêu rõ, nhằm khống chế dịch nhanh chóng, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung sau:

1. Tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền.

2. Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị ….

3. Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.

4. Hướng dẫn người dân điền Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, Phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp.

Những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng thì tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện.

Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.

5. Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.

6. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Nếu còn vấn đề thắc mắc, bạn đọc liên hệ: 1900 6192 để được hỗ trợ.

Mũi 1 tiêm Sinopharm, Pfizer, Moderna, mũi 2 chỉ tiêm cùng loại

Đây là nội dung được Bộ Y tế ban hành tại Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 hướng dẫn tiêm hai liều vắc xin phòng Covid-19.

Theo đó, từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tiêm hơn 4,6 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vắc xin có công nghệ sản xuất khác nhau (vắc xin do AstraZeneca, Pfizer, Moderna... sản xuất).

Qua nghiên cứu, tiêm kết hợp mũi một là vắc xin của AstraZeneca và mũi hai là vắc xin của Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt, tuy nhiên có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Do đó, tại Công văn này, Bộ Y tế hướng dẫn việc tiêm vắc xin an toàn như sau:

- Những người đã tiêm mũi một vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi hai bằng vắc xin đó.

- Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi hai vắc xin của Pfizer cho người đã tiêm mũi một bằng vắc xin của AstraZeneca nếu người được tiêm chủng đồng ý. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 8-12 tuần.

Đặc biệt: Không sử dụng vắc xin của Moderna hoặc các vắc xin khác để tiêm mũi hai cho người đã tiêm mũi một vắc xin AstraZeneca.

- Những người đã tiêm mũi một vắc xin của Sinopharm, Pfizer, Moderna thì mũi thứ hai chỉ tiêm vắc xin cùng loại. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất...

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chính sách
Chỉ 1 trường hợp người dân nơi giãn cách được về quê từ 01/8/2021

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 31/7/2021, Thủ tướng vừa có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài yêu cầu tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày với 19 tỉnh, thành phố phía Nam theo Công văn số 969 thì tại Công điện này, Thủ tướng cũng đưa ra yêu cầu với các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội.

Cụ thể, yêu cầu các tỉnh đang giãn cách theo Chỉ thị 16 tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách trừ trường hợp được chính quyền cho phép.

Do đó, từ ngày 01/8/2021, người dân tại TP. HCM và 18 tỉnh, thành phố ở phía Nam cũng như tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 không được tự ý về quê nếu không được chính quyền cho phép.

Đặc biệt, nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình, lãnh đạo tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Riêng với người dân đã rời khỏi địa phương đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan tổ chức đưa, đón về địa phương muốn đến bảo đảm an toàn. Đồng thời, tổ chức xét nghiệm, chở bằng xe ca thậm chí có thể bố trí xe tải chở xe máy của người dân (nếu người dân đi xe máy).

Bên cạnh đó, các tỉnh liên quan cũng thực hiện bàn giao đầy đủ, tổ chức cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định, không để dịch bệnh lây lan.

Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở các tỉnh có diễn biến dịch phức tạp, có số lượng ca mắc lớn…

Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192.

2 đối tượng được hỗ trợ giảm giá tiền điện đợt 4 vì Covid-19

Ngày 30/7/2021, Bộ Công Thương ban hành Văn bản số 453/BC-BCT đề xuất và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đợt 4 cho người bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và nhiều địa phương trên cả nước đang phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 củ Thủ tướng. Để chung tay với cả nước hỗ trợ một phần khó khăn cho nhân dân các địa phương đang giãn cách, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép hỗ trợ giảm tiền điện đợt 4.

Đặc biệt, ngày 31/7/2021, Thủ tướng cũng đã đồng ý giảm giá tiền điện đợt 4 cho một số khác hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 83/NQ-CP.

Cụ thể:

1/ Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở các tỉnh, thành, quận, huyện tại thời điểm ngày 30/7/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với mức hỗ trợ:

- 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng;

- 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng.

Thời gian hỗ trợ giảm giá tiền điện là hai tháng tại kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8 và tháng 9/2021.

2/ Các cơ sở cách ly người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 có thu một phần chi phí của người cách ly khi đáp ứng các điều kiện:

- Doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly y tế tập trung không thu phí hoặc chỉ thu một số khoản của người người nhập cảnh, người Việt Nam ở trong nước… phải trả tiền ăn;

- Mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị bán lẻ điện khác.

Mức hỗ trợ trong trường hợp này là giảm 100% tiền điện trong bảy tháng kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến tháng 12/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.