Điểm tin Văn bản mới số 29.2021

Điểm tin văn bản

Lao động-Tiền lương
Đã có Nghị định mới về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng

Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021, trong đó quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đó, Nghị định bổ sung quy định người bị thương thuộc một trong các trường hợp được nêu tại Điều 23 Pháp lệnh số 02 năm 2020 mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5 - 20% thì được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần theo quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này, cụ thể;

- Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5 - 10%: Bằng 4,0 lần mức chuẩn;

- Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 - 15%: Bằng 6,0 lần mức chuẩn;

- Tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 16 - 20%: Bằng 8,0 lần mức chuẩn.Theo Điều 3 Nghị định, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định cụ thể mức hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với người có công với cách mạng như sau:

- Đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là: 4,872 triệu đồng;

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là: 1,361 triệu đồng;

- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 là: 1,679 triệu đồng;

- Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày là: 974.000 đồng.

Ngoài quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp, Nghị định cũng quy định cụ thể các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học;...

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2021. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Tài chính-Ngân hàng
Hướng dẫn mới nhất về dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương 2022

Ngày 23/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Theo đó, về dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu (phần ngân sách Nhà nước bảo đảm), điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công được Thủ tướng hướng dẫn như sau:

- Các Bộ, cơ quan Trung ương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương từ tiết kiệm chi thường xuyên và môt phần thu sự nghiệp.

- Cơ quan, đơn vị hành chính ở Trung ương đang áp dụng cơ chế đặc thù theo phê duyệt của cấp thẩm quyền tự cân đối nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ thêm.

- Các đơn vị sự nghiệp công lập phải tự bảo đảm phần tiền lương tăng thêm phù hợp với mức tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.

Các địa phương tổng hợp, báo cáo dự toán chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương trong đó:

- Tiết kiệm 10% chi thường xuyên trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ.

- Nguồn cải cách tiền lương lũy kế đến hết 2021 chuyển sang (nếu có). Trong đó, bao gồm nguồn 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương năm 2021 chưa sử dụng hết.

- Một phần nguồn thu của các cơn quan, đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Y tế-Sức khỏe
Bộ Y tế giải đáp thắc mắc về chế độ đặc thù phòng, chống dịch

Bộ Y tế mới ban hành Công văn số 5971/BYT-KHTC làm rõ một số nội dung tại Nghị quyết 48/NQ-CP và Nghị quyết 58/NQ-CP về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, tại Công văn này, Bộ Y tế giải đáp hai vấn đề thắc mắc cụ thể như sau:

- Một số quyền lợi khác tại cơ sở cách ly bắt buộc áp dụng với công dân Việt Nam từ các nước láng giềng về nước bằng đường bộ khi cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch gồm:

+ Hỗ trợ tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày.

+ Các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly 40.000 đồng/người/ngày gồm nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng…

Thời gian áp dụng từ ngày 06/5/2021.

- Phụ cấp đặc thù 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19: Số tiền 7.500 đồng/liều tiêm này áp dụng để bồi dưỡng cho cả kíp tiêm vắc xin gồm tối thiểu 05 người:

+ Nhân viên hỗ trợ đón tiếp, hướng dẫn;

+ Nhân viên sàng lọc, tư vấn trước tiêm;

+ Nhân viên tiêm chủng;

+ Nhân viên theo dõi sau tiêm;

- Nhân viên ghi chép danh sách, nhập liệu, báo cáo két quả và phản ứng sau tiêm.

Lưu ý: Nếu các đối tượng này đã thuộc đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp, bồi dưỡng chống dịch tại Nghị quyết 16Nghị quyết 58 thì chỉ được hưởng một trong các chế độ (chế độ cao hơn).

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ

Thu hồi Công văn về thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị Covid-19

Ngày 26/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5967/BYT-YDCT về việc thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT.

Theo đó, ngày 24/7/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5944/BYT-YDCT về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi Công văn này.

Trước đó, tại Công văn số 5944/BYT-YDCT, Bộ Y tế liệt kê danh mục thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu hỗ trợ điều trị Covid-19 gồm:

- Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an);

- Viên nang Kovir (Công ty Cổ phần Sao Thái Dương);

- Bạch địa căn (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an);

- Siro Viêm họng (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an);

- Siro Dưỡng âm bổ phế (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an);

- Siro Ngân kiều (Viện YHCT Quân đội - Bộ Quốc phòng);

- Hạnh tô (Bệnh viện YHCT Trung ương);

- Vệ khí khang (Viện YHCT Quân đội - Bộ Quốc phòng);

- Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất);

- Imboot;

- Xuyên tâm liên;

- Nasagast – KG.

Ngoài ra, Công văn này cũng ban hành kèm theo đó là một số sản phẩm khác như: Sát khuẩn; Thuốc xịt họng; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe cùng với hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng… của các sản phẩm này.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Người tiêm vắc xin Covid-19 phải gọi cấp cứu khi có 8 dấu hiệu sau

Tại Quyết định 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn người được tiêm chủng tự theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Theo đó, người được tiêm chủng tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 07 ngày đầu. Khi thấy một trong các dấu hiệu sau phải liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:

- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;

- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

- Đường tiêu hóa có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;

- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

- Toàn thân:

  • Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường;
  • Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn;
  • Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý:

- Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu:

  • Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn,…
  • Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế, nếu trong vòng 02 ngày không hạ sốt thì thông báo ngay cho nhân viên y tế.

- Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng;

- Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng;

- Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng;

- Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí viêm: Tiếp tục theo dõi, nếu thấy sưng to thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Hà Nội đã có phương án tiêm vắc xin Covid-19 cụ thể

Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn TP. Hà Nội vừa được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành tại Văn bản 170/PA-UBND ngày 21/7/2021.

Hà Nội đã trải qua 04 đợt dịch, mặc dù tình hình đã được kiểm soát tốt nhưng việc tiêm chủng vắc xin để phòng ngừa chủ động càng ngày càng trở lên cấp bách.

Tại Phương án này, UBND TP. Hà Nội yêu cầu tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất trong đó thực hiện tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho lực lượng tham gia tiêm chủng và người dân.

Trong năm 2021, sẽ triển khai chiến dịch ngay sau khi tiếp nhận vắc xin đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ vắc xin của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vắc xin của TP. Hà Nội.

Đặc biệt, phạm vi triển khai được nêu tại Phương án này gồm:

- Khi nguồn vắc xin chưa đủ: Phân bổ số lượng vắc xin theo thứ tự ưu tiên có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, có khu cách ly tập trung…

- Khi có đủ vắc xin: Triển khai đồng loạt trên toàn Thành phố.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc ưu tiên tiêm trước cho nhóm đối tượng ở các quận, huyện đang có dịch.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Giao thông
Lái xe chở hàng hóa có thể chỉ cần giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính

Để tạo thuận lợi cho xe chở hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được đi/đến hoặc đi qua khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, ngày 27/7/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn 7630.

Theo đó, để ưu tiên cho các loại xe nêu trên, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh đã lập tuyến luồng xanh, xây dựng phần mềm để cấp giấy nhận diện có mã QR. Đến nay, các cơ quan đã cấp được 36.912 xe.

Tuy nhiên, do hệ thống phần mềm liên tục bị tấn công từ sáng ngày 26/7/2021 nên hiện nay, còn khá nhiều phương tiện chưa được cấp mã QR, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện này.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu:

- Xe đã được cấp giấy nhận diện phương tiện, có mã QR còn hiệu lực, người lái xe có giấy xét nghiệm âm tính còn giá trị trong 72 giờ kể từ khi có kết quả thì tại các chốt kiểm soát sẽ không kiểm tra các phương tiện này.

- Các phương tiện chưa được cấp giấy nhận diện phương tiện để có mã QR kịp thời nhưng người lái xe đã có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 còn giá trị thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát cho xe đi qua chốt sau khi kiểm tra giấy xét nghiệm.

Lưu ý: Các phương tiện phải được kiểm tra tại từng điểm ở các chốt kiểm soát (đảm bảo khoảng cách và diện tích phù hợp), tuyệt đối không kiểm tra trên đường để tránh ùn tắc giao thông trên tuyến.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ.

6 trường hợp được phép ra đường sau 18 giờ tại TP. HCM

Ngày 26/7/2021, Uỷ ban nhân dân TP. HCM có Văn bản khẩn số 2490/UBND-VX về việc tăng cường biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường.

Theo đó, TP. HCM yêu cầu mọi người dân trên địa bàn Thành phố hạn chế tối đa ra đường; các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h hàng ngày.

Bên cạnh đó, TP. HCM vẫn cho phép các trường hợp sau đây được hoạt động sau 18h hàng ngày, cụ thể:

- Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương;

- Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn Thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo;

- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị;

- Xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật;

- Các phương tiện vận chuyển: Phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến"; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu;

- Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của Thành phố.

Thời gian thực hiện từ ngày 26/7/2021 đến hết ngày 01/8/2021.

Đối với việc đi mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, UBND TP. HCM đề nghị các địa phương triển khai việc phát phiếu theo hộ gia đình, theo ngày chẵn - lẻ, chia khung giờ đi mua để giảm thiểu tối đa mật độ tiếp xúc giữa người với người. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ

Hà Nội công bố 16 Luồng xanh để phương tiện ra vào Thủ đô

Ngày 24/7/2021, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Thông báo 1164/TB-SGTVT về việc công bố Luồng xanh của Thành phố Hà Nội kết nối với Luồng xanh quốc gia trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, Luồng xanh được Sở GTVT Thành phố Hà Nội công bố gồm 02 nhóm, cụ thể:

Nhóm Luồng xanh quốc gia kết nối với Luồng xanh Thành phố Hà Nội thông qua 22 chốt kiểm dịch theo 06 làn đường như sau:

- Luồng xanh 01 từ các tỉnh phía Nam, hướng Hà Nam thông qua Hà Nội: Xe chạy theo hướng Quốc lộ 1A, 1B (từ các chốt số 1, số 2, số 3), lưu thông qua nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ - Vành đai 3 trên cao đi cầu Thanh Trì hoặc cầu Thăng Long, sau đó đi các tỉnh thành phố khác.

- Luồng xanh 02 từ các tỉnh phía Đông Bắc, hướng Bắc Ninh thông qua Hà Nội theo tuyến Quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn (chốt số 4 – 11): Xe lưu thông theo hướng qua cầu Thanh Trì - Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh thành phố khác.

- Luồng xanh 03 từ các tỉnh phía Tây Bắc, hướng Hoà Bình thông qua Hà Nội (chốt số 12 -14): Xe lưu thông theo hướng Quốc lộ 6 qua nút giao Khuất Duy Tiến hoặc theo Đại lộ Thăng Long qua nút giao Trung Hoà đi Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh thành phố khác.

- Luồng xanh 04 từ các tỉnh phía Bắc, hướng Phú Thọ thông qua Hà Nội (chốt số 12 - 14): Lưu thông theo đường Quốc lộ 6 qua nút giao Khuất Duy Tiến hoặc theo Đại lộ Thăng Long qua nút giao Trung Hoà đi Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh thành phố khác.

- Luồng xanh 05 từ các tỉnh phía Bắc, hướng Vĩnh Phúc thông qua Hà Nội (chốt số 18 - 21): Xe lưu thông theo Quốc lộ 32 qua nút giao Mai Dịch và theo Quốc lộ 2 - Võ Văn Kiệt – cầu Thăng Long - Vành đai 3 trên cao để đi các tỉnh thành phố khác.

- Luồng xanh 06 từ các tỉnh phía Bắc, hướng Thái Nguyên thông qua Hà Nội (chốt số 22): Xe lưu thông theo Quốc lộ 3 - Đường 35 - Quốc lộ 2 - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Vành đai 3 trên cao hoặc Quốc lộ 3 - Quốc lộ 18 - Võ Nguyên Giáp - Quốc lộ 5 - cầu Thanh Trì để đi các tỉnh thành phố khác.
 

Nhóm 10 Luồng xanh chạy vào nội thành TP. Hà Nội, gồm:

- Tại khu vực ngoại thành (ngoài đường Vành đai 3): Phương tiên lưu thông qua hệ thống đường kết nối từ đường Vành đai 3 với Quốc lộ 1A, 1B , Quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đường Hồ Chí Minh, các đường cao tốc: Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội -Thái Nguyên, Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 18, Quốc lộ 32.

- Luồng xanh tại khu vực Vành đai 1 vào trung tâm, xe đi theo hướng: An Dương Vương - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhât Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Đê Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - La Thành và kết nối với hệ thống đường hướng tâm.

- Luồng xanh tại khu vực Vành đai 2 vào trung tâm, xe đi theo hướng: Cầu Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Trường Chinh - đường Láng - đường Bưởi - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân và kết nối với hệ thống đường hướng tâm

- Luồng xanh tại khu vực Vành đai 3 vào trung tâm, xe đi theo hướng: Vành đai 3 dưới đất: Đường gom Vành đai 3 (Pháp Vân - Giải Phóng) - Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng - Pham Văn Đồng - cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt - Võ Chí Công - Hoàng Sa - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh và kết nối với hệ thống đường hướng tâm.

Hệ thống đường hướng tâm, gồm 06 Luồng xanh:

  • Nút giao Pháp Vân - Giải Phóng - Lê Duẩn; Nút giao Thanh Xuân, Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng;
  • Nút giao Thanh Xuân - Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương - Láng Hạ, Giảng Võ;
  • Nút giao Trung Hòa - Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai - Nam Cao;
  • Nút giao Mai Dịch - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Nguyễn Thái Học;
  • Nút giao Trung tâm Quận Long Biên - Nguyễn Văn Cừ - cầu Chương Dương;
  • Nút giao cầu vượt Đường 5 - Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy.

Tại Công văn 5147/TCĐBVN-VT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành ngày 22/7/2021 giải thích “Luồng xanh vận tải”: Là tuyến đường lưu thông, kết nối giữa các khu vực đang thực hiện Chỉ thị 16 với các khu vực khác, trên đó ưu tiên cho các phương tiện đã được phép hoạt động, đảm bảo an toàn, lưu thông thông suốt và đảm bảo phòng, chống Covid-19.

Trong đó, bao gồm “Luồng xanh vận tải quốc gia” và “Luồng xanh vận tải nội tỉnh”:

- Luồng xanh vận tải quốc gia: Được tổ chức trên các tuyến đường kết nối từ 02 địa phương trở lên;

- Luồng xanh vận tải nội tỉnh: Được tổ chức trên các tuyến đường trong phạm vi nội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có kết nối với Luồng xanh vận tải quốc gia. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Hành chính
Lộ trình sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư tại TP. HCM

Ủy ban nhân dân TP. HCM ban hành Quyết định 2551/QĐ-UBND ngày 16/7/2021 phê duyệt Đề án giải quyết chế độ với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP. Thủ Đức…

Theo đó, lộ trình để sắp xếp, bố trí giảm dần số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng và hoạt động không chuyên trách ở xã đảm bảo tiến độ thời gian đề ra và theo chỉ tiêu biên chế được giao cũng như đạt số người làm việc đúng quy định như sau:

- Đến 01/7/2021: Hoàn tất sắp xếp, bố trí tất cả các chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) quận, Phó Trưởng ban chuyên trách HĐND và Phó Chủ tịch HĐND phường.

- Đến 31/12/2022:

  • Biên chế công chức và người làm việc trong cơ quan chính quyền TP. Thủ Đức: 459 người.
  • Biên chế viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP. Thủ Đức: 165 người.
  • Đảm bảo số cán bộ, công chức xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tại 19 phường theo đúng quy định.

Cũng tại Đề án, cách thực hiện bố trí, sắp xếp phải theo đúng trình tự, thủ tục và xác định cụ thể các nội dung sau:

- Vị trí công tác hiện tại của các trường hợp cần sắp xếp, bố trí và các vị trí dự kiến sẽ phân công, bố trí;

- Kể từ 01/7/2021, các trường hợp là cán bộ cấp xã và công chức cấp xã (Chủ tịch, Chủ tịch Ủy nhân nhân dân phường, công chức phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01/7/2021) được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác.

- Chuyển sang vị trí việc làm mới thì phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với vị trí đó…

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.