Điểm tin Văn bản mới số 29.2020

Y tế-Sức khỏe

02

Công văn 7286/BGTVT-VT của Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 27/7/2020

path Khẩn: Dừng toàn bộ chuyến bay chở khách đi và đến Đà Nẵng từ 0h ngày 28/7

03

Công văn 7234/BGTVT-CYT của Bộ Giao thông Vận tải về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện vận tải hành khách

path Người dân cả nước bắt buộc đeo khẩu trang khi đi tàu, xe, máy bay

04

Công văn 3966/BYT-VPB1 của Bộ Y tế về việc tăng cường phát hiện sớm ca bệnh COVID-19

path Bộ Y tế yêu cầu giám sát các trường hợp ho, sốt...

05

Công điện 05/CĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/7/2020

path ​Nóng: Hà Nội ra công điện khẩn chỉ đạo phòng, chống Covid-19

06

Công văn 2820/UBND-VX của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

path Người từ Đà Nẵng về TP. HCM từ 01/7 bị giám sát y tế

07

Thông báo 257/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19

path Thông báo mới nhất của Thủ tướng về phòng, chống Covid-19

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Hướng dẫn mới về xóa tiền chậm nộp thuế còn nợ trước 01/7/2020

Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định về hồ sơ và thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14.

Chẳng hạn, đối với người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì hồ sơ xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp bao gồm:

- Văn bản đề nghị xóa nợ của người nộp thuế gửi đến cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 02/VBĐN-1;

- Văn bản đề nghị xóa nợ của cơ quan quản lý thuế nơi người nộp thuế nợ tiền thuế theo mẫu số 02/VBĐN-2;

- Văn bản xác nhận người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian, địa điểm xảy ra;

- Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

- Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của cơ quan có thẩm quyền như: tổ chức kiểm toán độc lập hoặc cơ quan thẩm định giá hoặc cơ quan bảo hiểm (bản chính hoặc bản sao có chứng thực);

- Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp hoặc văn bản xác nhận số tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp người nộp thuế đang nợ của cơ quan quản lý thuế tại thời điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và tại thời điểm đề nghị xóa nợ;

- Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) (nếu có); hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) (nếu có);

- Các quyết định miễn tiền chậm nộp, quyết định gia hạn nộp thuế kể từ thời điểm Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 có hiệu lực thi hành đến thời điểm đề nghị xóa nợ (bản chính hoặc bản sao có ký, đóng dấu) (nếu có).

Hồ sơ này được gửi đến Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan nơi người nộp thuế nợ tiền thuế.

Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan tiếp nhận, phân công bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao xử lý nợ rà soát hồ sơ của người nộp thuế.

Trường hợp người nộp thuế không thuộc đối tượng được xóa nợ thì trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan thông báo cho người nộp thuế.

Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ nhưng hồ sơ lập chưa đúng hoặc chưa đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan thông báo cho người nộp thuế bổ sung hồ sơ.

Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được xóa nợ và hồ sơ đầy đủ theo quy định thì trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chi cục Thuế hoặc Chi cục Hải quan lập văn bản đề nghị xóa nợ, kèm theo hồ sơ, gửi Cục Thuế hoặc Cục Hải quan…

Y tế-Sức khỏe
Khẩn: Dừng toàn bộ chuyến bay chở khách đi và đến Đà Nẵng từ 0h ngày 28/7

Để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 27/7/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn 7286/BGTVT-VT.

Công văn nêu rõ trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 28/7, dừng toàn bộ các chuyến bay chở khách trên các đường bay nội địa đi/đến Đà Nẵng. Ưu tiên tăng chuyến để giải tỏa hành khách du lịch từ Đà Nẵng đi về các địa phương khác trước 0h ngày 28/7.

Dừng toàn bộ các hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt đi/đến và trong thành phố Đà Nẵng, trừ các trường hợp đặc biệt vì lí do công vụ, xe chở bệnh nhân, người hết thời gian cách ly; xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp; xe phục vụ phòng chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết; xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt có hành trình đi qua thành phố Đà Nẵng thì không được dừng, đỗ lại Đà Nẵng để đón, trả khách. Các hoạt động vận chuyển không qua Đà Nẵng thực hiện bình thường.

Với lĩnh vực đường sắt, tạm dừng toàn bộ hoạt động của tàu khách xuất phát và kết thúc tại ga Đà Nẵng…

Người dân cả nước bắt buộc đeo khẩu trang khi đi tàu, xe, máy bay

Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải hành khách, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn hỏa tốc số 7234/BGTVT-CYT.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt việc thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tất cả người điều khiển phương tiện, tiếp viên, người phục vụ và hành khách phải luôn đeo khẩu trang đúng cách trong khu vực nhà ga, bến tàu, bến xe và trên các phương tiện vận tải hành khách.

Các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng khi thực hiện các hoạt động vận tải hành khách; trang bị dung dịch rửa tay (có ít nhất 60% nồng độ cồn), dung dịch khử khuẩn, thùng rác có nắp đậy trên mọi phương tiện vận tải hành khách…

Bộ Y tế yêu cầu giám sát các trường hợp ho, sốt...

Do tình hình Covid-19 những ngày gần đây diễn biến phức tạp, vì thế để tăng cường phát hiện sớm ca bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 3966/BYT-VPB1.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện phải tổ chức thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh.

Các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật/Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông tin đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn số điện thoại đường dây nóng hoạt động 24/24h để tiếp nhận thông tin về các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ; vận hành hướng dẫn các ứng dụng khai báo y tế để tiếp nhận các thông tin liên quan tới các ca nghi nhiễm để có các biện pháp cách ly phù hợp.

Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên tăng cường các biện pháp sàng lọc, chỉ định xét nghiệm Covid-19 đối với những người bệnh có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt để phát hiện sớm ca bệnh Covid-19, tổ chức cách ly, khoanh vùng kịp thời hạn chế thấp nhất lây nhiễm.

Các phòng khám tư nhân tăng cường sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt bố trí khám ở khu vực riêng, phân luồng riêng và có sổ theo dõi họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người bệnh để theo dõi, quản lý ca bệnh.

​Nóng: Hà Nội ra công điện khẩn chỉ đạo phòng, chống Covid-19

Sáng 26/7/2020, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện 05/CĐ-UBND tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 25/7/2020.

Hà Nội yêu cầu tổ dân phố, thôn xóm phát hiện những trường hợp nhập cảnh trái phép, báo cáo chính quyền địa phương để kiểm tra cách ly; xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép và các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng chống Covid-19.

Tất cả các trụ sở, cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn Thành phố phải có nước sát khuẩn để sát khuẩn tay, thực hiện kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang nơi công cộng, khi tham gia giao thông.

Xét nghiệm ngay các trường hợp nghi ngờ để phát hiện chẩn đoán xác định những trường hợp mắc bệnh; thực hiện rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi đông người. Giám sát, quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận các trường hợp nhập cảnh trên địa bàn Hà Nội.

Sở Y tế Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị, dự phòng hóa chất vật tư tiêu hao để đáp ứng công tác phòng chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần đối với các trường hợp từ nước ngoài nhập cảnh vào Hà Nội. Tiếp tục theo dõi y tế tại cộng đồng ít nhất 14 ngày sau thời gian cách ly bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm SARSCoV-2 một lần nữa trước khi hết thời gian theo dõi y tế, nếu cần thiết xét nghiệm lại sau 01 tháng; giám sát chặt chẽ diễn biến dịch để kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Người từ Đà Nẵng về TP. HCM từ 01/7 bị giám sát y tế

Đây là chỉ đạo mới của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tại Công văn 2820/UBND-VX về tăng cường công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện và Công an Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra trong cộng đồng dân cư, đồng thời truyền thông, vận động người dân tự giác thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương về những người từng đến Đà Nẵng từ 01/7 để giám sát y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân 416 và 418 hoặc bệnh nhân khác (nếu có) thi tổ chức cách ly tập trung tại khu cách ly quận, huyện và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Các trường hợp có triệu chứng liên quan đến Covid-19 trong vòng 14 ngày sau khi rời Đà Nẵng phải được nhập viện, cách ly, xét nghiệm SARS-CoV-2. Riêng các trường hợp khác, trước mắt thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Thông báo mới nhất của Thủ tướng về phòng, chống Covid-19

Sáng ngày 27/7/2020, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 257 nêu kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn TP. Đà Nẵng theo Chỉ thị 19 ngày 24/4/2020 về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với mức độ cao, thời gian thực hiện từ 0h ngày 28/7. Riêng các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao (như tại 3 bệnh viện, một số nơi các bệnh nhân đã đến) thì thực hiện theo Chỉ thị số 16.

Cụ thể:

- Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện;

- Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…

- Cơ bản dừng các hoạt động vận chuyển hành khách công cộng trừ trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên liệu sản xuất, hàng hóa; hạn chế tối đa hoạt động của phương tiện cá nhân…

Đồng thời, những người đã đến TP. Đà Nẵng và trở về địa phương khác trong khoảng thời gian từ ngày 08 tháng 7 đến nay thực hiện khai báo y tế điện tử, tự theo dõi sức khỏe.

Đặc biệt, người đã đến các khu vực có nguy cơ cao bị cách ly, phong tỏa, hoặc có biểu hiện ho, sốt thì yêu cầu thực hiện ngay việc xét nghiệm.

Không chỉ vậy, Chính phủ còn yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép. Tập trung chủ yếu ở các tuyến biên giới, nhất là qua các tuyến đường mòn, lối mở; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm trong quản lý biên giới...

Hành chính
Cán bộ, công chức tố cáo không bị kỷ luật khi đang được bảo vệ

Ngày 21/7/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 03 năm 2020 quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tố cáo được bảo vệ công việc gắn với chức danh, chức vụ, vị trí việc làm của cán bộ, công chức; công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý của viên chức trong quá trình giải quyết tố cáo.

Đặc biệt, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp:

- Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của Nghị định 59 năm 2019 về thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng;

- Được sự đồng ý của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức;

- Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/9/2020.

Xuất nhập cảnh
Hỏa tốc: Cách ly ngay người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Đây là chỉ đạo hỏa tốc của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 tại Công văn số 3952/CV-BCĐ về việc tăng cường kiểm soát nhập cảnh và quản lý người nước ngoài nhập cảnh.

Trong thời gian gần đây, nước ta đã ghi nhận một số trường hợp người nước ngoài xâm nhập trái phép vào nước ta, đi sâu vào nội địa qua nhiều tỉnh, thành phố không được kiểm soát, cách ly.

Để kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan lập danh sách tất cả người nhập cảnh trái phép lưu trú tại địa phương, cách ly ngay, điều tra dịch tễ, lấy máu xét nghiệm.

- Nếu dương tính với SARS-CoV-2 thì phải chuyển ngay đến các cơ sở y tế để cách ly và điều trị, lập danh sách và quản lý người tiếp xúc gần.

- Nếu có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 thì tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định.

Đồng thời, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm soát nghiêm, chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở không để các trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Song song với đó, Bộ Công an cũng phải chỉ đạo công an địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý người nước ngoài đến bất hợp pháp trên địa bàn; quản lý chặt chẽ người nước ngoài được phép đến làm việc, lưu trú tại địa phương nhất là tại công trường, xí nghiệp, khách sạn…

Công văn này được ban hành ngày 24/7/2020.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.