Điểm tin Văn bản mới số 28.2021

Điểm tin văn bản

Đất đai-Nhà ở
Bồi thường đến 2 lần diện tích căn hộ cũ khi cải tạo chung cư

Đây là một trong các nội dung đáng chú ý được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Theo đó, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng trong trường hợp chủ sở hữu căn hộ chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ nêu tại Điều 21 Nghị định này như sau:

Căn cứ điều kiện cụ thể của dự án tại từng khu vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hệ số k bồi thường từ 1-2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong giấy chứng nhận (Sổ đỏ) được cấp qua các thời kỳ hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp Sổ đỏ, làm cơ sở để chủ đầu tư lập phương án bồi thường.

Nếu có diện tích ngoài diện tích được công nhận trong Sổ đỏ hoặc ngoài diện tích đủ điều kiện được cấp Sổ đỏ thì giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai.

Diện tích căn hộ tái định cư sau khi tính theo hệ số k được quy đổi thành tiền và được nêu rõ trong phương án bồi thường, làm cơ sở xác định giá trị hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở tái định cư và thanh toán chênh lệch giữa các bên.

Đồng thời, trong phương án bồi thường cũng phải xác định rõ việc bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư:

- Chủ sở hữu tự lo chỗ ở: Chủ đầu tư chi trả chi phí thuê nhà ở, các chi phí khác nếu có theo phương án bồi thường đã được phê duyệt.

- Chủ sở hữu không thể tự lo chõ ở: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án có trách nhiệm phối hợp nhà đầu tư bố trí chỗ ở tạm thời theo hình thức mua nhà ở thương mại hoặc sử dụng quỹ nhà tái định cư…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Bảo hiểm
Thông tư 06/2021: Tiền lương đóng BHXH bắt buộc từ 01/01/2021

Hàng loạt những quy định về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được sửa đổi tại Thông tư 06 năm 2021 ngày 07/7/2021.

Theo đó, khoản 26 Điều 1 Thông tư 06 sửa đổi khoản 2 và khoản 3 Điều 30 Thông tư 59 về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau: Từ 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác gồm:

- Mức lương theo công việc hoặc chức danh.

- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Trong khi đó, Thông tư 59 hiện đang quy định, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương gồm:

- Mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng mà hai bên đã thỏa thuận hoặc mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.

- Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.

Đồng thời, tiền thưởng theo Điều 103 Bộ luật Lao động 2012 không tính vào tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cũng được sửa đổi thành thưởng theo Điều 104 Bộ luật Lao động.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Quy định mới về quy trình thu BHXH bắt buộc khi giãn cách xã hội

Ngày 12/7/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra Quyết định 688/QĐ-BHXH về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo đó, Điều 1 Quyết định này đã bổ sung hai nội dung về quy trình thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp… trong trường hợp phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc để phòng, chống dịch.

Cụ thể bao gồm:

- Khi không thể làm việc trực tiếp với đơn vị thì gửi văn bản yêu cầu đơn vị báo cáo tình hình đóng BHXH, BHYT bắt buộc qua dịch vụ bưu chính công ích.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan liên quan làm việc với đơn vị để kiểm tra (hậu kiểm) khi cấp có thẩm quyền cho phép dừng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

- Khi không thể trực tiếp đôn đốc, lập biên bản làm việc hoặc thanh tra chuyên ngành đóng thì gửi văn bản yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp… cho người lao động qua dịch vụ bưu chính công.

Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì sau khi cấp có thẩm quyền cho phép dừng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, tổ chức thực hiện các biện pháp kể cả thanh tra chuyên ngành đóng khi cần thiết theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Y tế-Sức khỏe
Các trường hợp người dân Hà Nội được ra ngoài từ 19/7/2021

TP. Hà Nội áp dụng biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước theo Công điện 15/CĐ-UBND.

Theo đó, từ 0 giờ ngày 19/7/2021, TP. Hà Nội yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết gồm:

- Đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.

- Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men…

- Các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…

Trong đó, các cơ quan, dịch vụ được phép hoạt động gồm:

  • Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, điện, nước, nhiên liệu, xăng, dầu...
  • Các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về.
  • Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm..., chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển.
  • Xuất, nhập khẩu hàng hóa.
  • Khám bệnh, chữa bệnh.
  • Tang lễ tổ chức không quá 30 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.
  • Các cơ quan, công sở của Thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn (bao gồm cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca.

Lưu ý: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối chỉ bán các mặt hàng thiết yếu.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

3 trường hợp dễ tử vong khi nhiễm Covid-19 theo Hướng dẫn mới

Nội dung này nằm trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) ban hành kèm Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế.

Tại Hướng dẫn ban hành kèm Quyết định này, Bộ Y tế quy định 03 đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn gồm:

- Người cao tuổi. Đặc biệt, người cao tuổi với các bệnh lý nền kèm theo càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.

- Người suy giảm miễn dịch.

- Người mắc bệnh mạn tính kèm theo.

Đặc biệt, hầu hết người bệnh, chiếm khoảng 80% chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có triệu chứng lâm sàng nào.

Còn gần 20% còn lại sẽ có diễn biến nặng. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi diễn biến nặng thường vào khoảng 5-8 ngày trong khi theo hướng dẫn cũ là 7-8 ngày. Các biễn biến nặng thường bao gồm: Viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện…

Trong số đó có khoảng 5% người bệnh cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện như thở nhanh, khó thở, tím tái, rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan… dẫn đến tử vong…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 14/7/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Giảm thời gian cách ly F1, người nhập cảnh từ 21 xuống 14 ngày

Đây là nội dung được nhắc đến trong Công văn 5599/BYT-MT của Bộ Y tế ngày 14/7/2021 về việc giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà.

Cụ thể, Công văn nêu rõ, giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày cho các đối tượng F1 và người nhập cảnh (trừ trường hợp nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19), tiếp tục theo dõi tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày tiếp theo.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quản lý giám sát cách ly, bàn giao và theo dõi, giám sát y tế sau cách ly đảm bảo không để lây nhiễm chéo và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Về thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, Bộ Y tế đề nghị nghiên cứu triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, bên cạnh đó căn cứ vào tình hình thực tế địa phương có thể điều chỉnh Hướng dẫn cho phù hợp; tổ chức tập huấn, hướng dẫn việc triển khai (thông qua video clip, tài liệu truyền thông,... ). Đồng thời, thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Tại Công văn này, Bộ Y tế cũng ban hành kèm theo Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 thay thế cho Hướng dẫn đã được ban hành trước đó ngày 27/6/2021 tại Công văn 5152/BYT-MT. Nếu còn thắc mắc, độc giả liên hệ 1900.6192 để được giải đáp.

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Dừng xác định trình độ lý luận chính trị của cán bộ, Đảng viên

Đây là một trong những nội dung quan trọng được nêu tại Kết luận 09-KL/TW về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, Đảng viên.

Kết luận nêu rõ, sau hơn 10 năm thực hiện Quy định 256 năm 2009 của Ban Bí thư, việc xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, Đảng viên đã cơ bản hoàn thành mục đích, yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xác định trình độ lý luận chính trị cũng bộc lộ nhiều hạn chế; một số địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện chưa sát thực tế, chưa đúng đối tượng; quy trình, thủ tục xác định chưa chặt chẽ;...

Theo Ban Bí thư, đến nay, những nội dung đó không còn phù hợp với yêu cầu mới về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Một số cấp uỷ, tổ chức đảng nhận thức chưa đúng về mục đích xác định trình độ lý luận chính trị; chưa quan tâm quán triệt, triển khai Quy định 256.

Do đó, để thực hiện nghiêm yêu cầu học tập lý luận chính trị đối với cán bộ, Đảng viên và tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý theo Nghị quyết 32-NQ/TW, Ban Bí thư quyết định dừng việc xác định trình độ lý luận chính trị theo Quy định số 256.

Bên cạnh đó, Ban Bí thư yêu cầu cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, kiên quyết khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, học đối phó để lấy bằng cấp, không vì mục đích nâng cao tri thức, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý. Kết luận này được ban hành ngày 09/7/2021. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Bộ GDĐT hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2

Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có Công văn số 3026/BGDĐT-QLCL hướng dẫn tổ chức đợt 02 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo đó, đối tượng dự thi đợt 02 vào các ngày 06, 07/8/2021 gồm:

- Thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chưa thể dự thi đợt 01 trong các ngày 07, 08/7/2021;

- Thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 01 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đồng thời, các đối tượng này được dự thi đợt 02 khi đáp ứng điều kiện:

- Đã đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2021;

- Không bị kỷ luật đình chỉ thi tại đợt 01;

- Không sử dụng quyền được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo Điều 37 Quy chế thi;

- Chỉ dự thi những bài thi/ môn thi đã đăng ký nhưng chưa thi hoặc chưa hoàn thành ở đợt 01 để sử dụng tại đợt 02.

Lưu ý: Trường hợp thí sinh chưa dự thi hoặc đã dự thi nhưng không thể hoàn thành thi đợt 01 vì các lý do khác với lý do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 phải có Đơn xin dự thi đợt 02 và nêu rõ lý do liên quan.

Trong đợt thi lần này, tùy theo điều kiện thực tế, để tạo thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh và công tác tổ chức thi, các Sở GDĐT thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi tại địa phương hoặc có thể trao đổi, thống nhất để chuyển thí sinh đến dự thi ở Hội đồng thi tại địa phương khác.

* Lịch thi các môn:
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.  
Hành chính
Thủ tướng: Chuẩn bị cho tình huống xấu đến 300 nghìn ca Covid-19

Ngày 17/7/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 191/TB-VPCP về kết luận tại cuộc họp thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chịu trách nhiệm xây dựng kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng khi có tình huống xấu hơn; chuẩn bị kỹ các phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh có thể xảy ra như 100 ngàn ca mắc, 200 ngàn ca mắc, 300 ngàn ca mắc.

Đồng thời, Bộ này cũng phải có phương án kịp thời tăng cường năng lực điều trị tại từng địa phương giãn cách xã hội, chủ động lên kế hoạch và kịp thời mua sắm tập trung trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vật tư y tế, trang thiết bị, máy thở, o xy…

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương chỉ đạo hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố giãn cách xã hội; thành lập các tổ công tác chuyên trách, phân công người có trách nhiệm trực 24/24 giờ, kịp thời xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh liên quan.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, huy động các lực lượng trong đó có dân quân tự vệ tham gia bảo đảm lưu thông, vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; kịp thời xây dựng bệnh viện dã chiến, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin…

- Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc hỗ trợ người lao động mất việc, người có điều kiện khó khăn, công khai số lượng người được ủng hộ, rà soát và bổ sung cũng như cập nhật các đối tượng cần được hỗ trợ theo tình hình thực tế…

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chính thức bãi bỏ thủ tục cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 06/7/2021

Bộ Công an ban hành Quyết định 5548/QĐ-BCA-C06 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký cư trú và lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Trong đó, chính thức bãi bỏ một số thủ tục hành chính thực hiện tại cấp xã, huyện liên quan đến đăng ký cư trú như:

- Thủ tục cấp đổi Sổ hộ khẩu; cấp lại Sổ hộ khẩu thực hiện tại cấp xã, cấp huyện;

- Thủ tục cấp đổi sổ tạm trú; cấp lại Sổ tạm trú tại Công an cấp xã;…

Đồng thời, ban hành mới một số thủ tục hành chính thực hiện tại Công an cấp xã: Tách hộ; Điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; Khai báo thông tin về cư trú đối với người chưa đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú; Xác nhận thông tin về cư trú.

Ngoài ra, Quyết định cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú, trong đó có gia hạn tạm trú. Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú theo các bước sau:

Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú

Đối với người gia hạn tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

- Số lượng: 01 bộ

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Công an cấp xã

- Nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Trực tuyến tại Cổng dịch vụ công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

- Thời gian tiếp nhận: Giờ hành chính các ngày làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ, tết theo quy định).

Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ gia hạn tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

- Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người đăng ký;

- Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

- Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người đăng ký.

Bước 4: Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định.

Việc xác định mức thu; miễn, giảm; việc thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký cư trú được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 85/2019/TT-BTC.

Bước 5: Căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).

Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 06/7/2021.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.