Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 07/2024/NQ-HĐND quy đinh mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn TPHCM.
Theo đó, Nghị quyết 07/2024/NQ-HĐND quy định mức thu lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trong thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn TPHCM.
Đối tượng áp dụng gồm:
- Các tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến (trừ những đối tượng được miễn thu lệ phí theo quy định của pháp luật);
- Các cơ quan, tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến;
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thu, nộp lệ phí.
Mức thu lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến được quy định tại Nghị quyết là bằng 0 đồng đối với 05 loại lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân Thành phố như sau:
(1) Lệ phí hộ tịch
(2) Lệ phí cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
(3) Lệ phí đăng ký kinh doanh
(4) Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất
(5) Lệ phí cấp giấy phép xây dựng
Như vậy, người dân TPHCM sẽ được miễn lệ phí cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng khi làm online đến hết năm 2025.
Nghị quyết 07/2024/NQ-HĐND được thông qua ngày 19/5/2024, hiệu lực từ ngày 29/5/2024 đến hết ngày 31/12/2025.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 46/2024/TT-BTC sửa đổi Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Thông tư 46/2024/TT-BTC bổ sung thêm quy định điểm b.3 vào khoản 1 Điều 10 Thông tư 19/2021/TT-BTC về đăng ký cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Theo đó, thủ tục đăng ký, cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Đối với người nộp thuế là cá nhân đã đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại khoản 2 Điều 14, khoản 2 Điều 15 và Điều 18 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP.
Đồng thời khi hệ thống định danh, xác thực điện tử và Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đã được kết nối, vận hành thì người nộp thuế là cá nhân được sử dụng tài khoản định danh điện tử thay thế cho việc xuất trình Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu/thẻ Căn cước công dân/thẻ Căn cước để tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký, cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử.
Về yêu cầu kích hoạt tài khoản giao dịch điện tử cho người nộp thuế là cá nhân được gửi qua số điện thoại đã đăng ký hoặc email đã đăng ký.
Như vậy, từ thời điểm Thông tư 46/2024/TT-BTC có hiệu lực, 28/8/2024, người nộp thuế là cá nhân sẽ được sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 thay cho việc xuất trình CMND/CCCD/Căn cước/Hộ chiếu để tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký, cấp tài khoản thuế điện tử cá nhân online.
Đây là yêu cầu của BHXH Hà Nội tại Công văn 3035/BHXH-TST về mức đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cơ sở và lương tối thiểu từ 01/7/2024.
Theo đó, BHXH thành phố Hà Nội đã hướng dẫn thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN theo mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng như sau:
- Từ ngày 01/7/2024 mức lương cơ sở làm căn cứ tính mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN là 2.340.000 đồng.
- Mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho người sử dụng lao động theo vùng từ ngày 01/7/2024, cụ thể:
- Vùng I: 4.960.000 đồng
- Vùng II: 4.410.000 đồng
- Vùng III: 3.860.000 đồng
- Vùng IV: 3.450.000 đồng
Lưu ý: Khi thực hiện mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các chế độ trả lương trong HĐLĐ đã thỏa thuận với người lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động dưới đây thì tiếp tục được thực hiện (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác):
- Chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu;
- Chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%;
- Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường).
BHXH thành phố Hà Nội cũng lưu ý đơn vị sử dụng lao động cần có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, rà soát HĐLĐ và mức tiền lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương của đơn vị theo nguyên tắc không được thấp hơn mức lương tối thiểu trên để kịp thời điều chỉnh mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN cho người lao động.
Chậm nhất trước ngày 25/7/2024, đơn vị lập Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (mẫu D02-LT) gửi cơ quan BHXH để điều chỉnh mức đóng.
Quá thời hạn nêu trên, đối với các trường hợp đơn vị chưa có đề nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu, cơ quan BHXH sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN bằng với mức lương tối thiểu mới.
Công văn 3035/BHXH-TST được ban hành ngày 04/7/2024.
Được quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BNV quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư… của Bộ Nội vụ ban hành ngày 27/6/2024.
Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II
Viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
(1) - Các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
(2) - Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật có vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng;
(3) - Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng;
(4) - Có thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc).
Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên thì thời gian giữ chức danh chuyên viên tối thiểu 01 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu có thời gian giữ chức danh chuyên viên không liên tục thì được cộng dồn);
(5) - Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học như:
- Tham gia xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận;
- Tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu;...
(6) - Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương có một trong các thành tích công tác sau:
- Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên;
- Có ít nhất 02 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đối với tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng I
Đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại (1), (2), (3) nêu trên;
- Có thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương từ đủ 06 năm trở lên.
Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên chính thì thời gian giữ chức danh chuyên viên chính tối thiểu 01 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh chuyên viên chính không liên tục thì được cộng dồn);
- Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học như:
- Chủ trì xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận;
- Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu;…
- Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương có một trong các thành tích sau:
- Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên;
- Có ít nhất 03 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thông tư 05/2024/TT-BNV có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2024.
Thông tư 18/2024/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 28/6/2024, trong đó có hướng dẫn xử lý về trường hợp khách hàng bị mất hoặc lộ thông tin thẻ ngân hàng.
Theo đó, tại Điều 18 Thông tư 18/2024/TT-NHNN có quy định về trường hợp khách hàng bị mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ thì khách hàng tiến hành thực hiện theo các bước như sau:
Khi mất thẻ hoặc lộ thông tin thẻ, chủ thẻ phải thông báo ngay cho Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT).
Khi nhận được thông báo, TCPHT sẽ thực hiện ngay việc khóa thẻ và phối hợp với các bên liên quan để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác nhằm ngăn chặn các thiệt hại có thể xảy ra, đồng thời thông báo lại cho chủ thẻ.
Sau khi thực hiện khóa thẻ, TCPHT hoàn thành việc xử lý thông báo nhận được từ chủ thẻ không quá 05 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do NHNN cấp hoặc 10 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do Tổ chức thẻ quốc tế cấp kể từ ngày nhận được thông báo của chủ thẻ.
Trường hợp thẻ bị lợi dụng, gây ra thiệt hại, TCPHT và chủ thẻ sẽ phân định trách nhiệm và thương lượng cách xử lý hậu quả. Trong trường hợp hai bên không thể thống nhất được thì việc xử lý sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cũng tại Thông tư 18/2024/TT-NHNN cũng quy định hạn mức thẻ ngân hàng từ 01/7/2024. Đặc biệt, từ 01/01/2025 theo khoản 6 Điều 16 Thông tư này cũng nêu rõ, thẻ chỉ được sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử khi đã hoàn thành việc đối chiếu thông tin khớp đúng với giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ.
Sau khi ghi nhận 01 ca tử vong và 01 ca mắc do tiếp xúc gần, chiều 08/7/2024, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có Công văn khẩn số 614/DP-DT gửi sở y tế các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế dự phòng đề nghị: Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh.
Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo quy định. Đồng thời đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân.
Ngoài ra, cần thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu 2 Sở Y tế 02 địa phương trên chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường trên địa bàn.
Thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vaccine, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.
Đồng thời cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 120/2020/NĐ-CP về số lượng cấp phó đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên như sau:
- Số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người/đơn vị.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ (trừ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng) (trừ các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ), đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ngoài) và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
- Có từ 20 người làm việc là viên chức trở xuống được bố trí không quá 02 cấp phó;
- Có trên 20 người làm việc là viên chức được bố trí không quá 03 cấp phó.
Bên cạnh đó, với mỗi đơn vị sau đây bố trí không quá 02 cấp phó:
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ (tổng cục thuộc bộ);
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ;
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng thuộc bộ;
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục thuộc tổng cục thuộc bộ.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sở);
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chi cục và tương đương thuộc sở;
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện).
Nghị định 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2024.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất 03 chính sách của Đề nghị xây dựng Luật, đồng thời yêu cầu Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Chính phủ cũng như ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu:
(1) - Đánh giá tác động kỹ lưỡng, thuyết minh rõ về sự cần thiết bổ sung chức vụ của sĩ quan là cấp phó vào hệ thống chức vụ cơ bản của sĩ quan quân đội; quy định chức vụ, chức danh tương đương đối với cấp phó và sĩ quan không giữ chức vụ chỉ huy.
(2) - Về chính sách nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam:
Cần tính đến các trường hợp nhân tài đặc biệt được kéo dài hạn tuổi phục vụ, tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo và có nhiều kinh nghiệm.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu các chính sách thu hút, “giữ chân” nhân tài phù hợp với đặc thù của Quân đội nhân dân Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển quốc phòng, an ninh, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
(3) - Một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách đối với sĩ quan (như phong quân hàm của học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, chính sách về nhà ở, tiền lương, thôi phục vụ tại ngũ):
Cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đồng bộ với pháp luật có liên quan (như nhà ở, đất đai,...).
Nghị quyết 106/NQ-CP được ban hành ngày 06/7/2024.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.