Điểm tin Văn bản mới số 26.2019

Điểm tin văn bản

Doanh nghiệp
Từ 01/8/2019, kết quả đóng BHXH được gửi qua tin nhắn

Đây là nội dung nổi bật tại Công văn 774/CNTT-PM về triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH.

 

Theo đó, kết quả đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của tháng trước liền kề và số tiền dự tính phải đóng của tháng hiện tại sẽ được gửi qua tin nhắn điện thoại vào ngày 01 hàng tháng với nội dung tương tự:

“Kính gửi Công ty TNHH Hoya Glass Disk VN: Số tiền đã đóng tháng 05/2019 là 9.249.473.860 đồng; Số tiền còn phải đóng chuyển sang tháng 06/2019 là -214.541.737 đồng; Số tiền dự tính phải đóng tháng 6/2019 là 8.931.964.403 đồng. Chi tiết liên hệ BHXH TP Hà Nội.”

Ngoài ra, kết quả tiếp nhận dữ liệu điện tử được gửi đến lãnh đạo cơ sở khám chữa bệnh BHYT cũng được gửi qua tin nhắn vào ngày 06 hàng tháng với nội dung ví dụ như:

 “Tháng 4/2019, mã CSKCB 01909: Tổng số lượt đề nghị là 10.132 lượt, tổng số tiền đề nghị BHXH thanh toán là 11.967.526.000 đồng, tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày là 72%. Trân trọng!”

Trong đó, BHXH các tỉnh không thực hiện việc gửi tin nhắn trùng với các nội dung tin nhắn mà BHXH Việt Nam đã triển khai.

Lưu ý: Thời gian bắt đầu gửi tin nhắn từ ngày 01/8/2019. Khi bắt đầu triển khai, các tin nhắn sẽ được chuyển sang tin nhắn tiếng Việt không dấu…

Công văn này được ban hành ngày 18/7/2019.

 
2 khoản được trừ khi tính thuế TNDN tại khu công nghiệp

Đây là nội dung chính của Thông tư 43/2019/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 12/7/2019 vừa qua.

Cụ thể, đây là các khoản chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các khoản chi phí này được trừ như sau:

- Đối với giá trị tài sản cố định: Được tính vào giá trị công trình và trích khấu hao tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng điều kiện là tài sản cố định.

- Đối với chi phí khác: Được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ được hưởng ưu đãi theo pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26/8/2019.

Đất đai-Nhà ở
Vùng đất ngập nước quan trọng có diện tích từ 05 ha trở lên

Đây là một trong những tiêu chí dùng để đánh giá vùng đất ngập nước quan trọng nêu tại Nghị định 66/2019/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 29/7/2019.

Theo đó, vùng đất ngập nước quan trọng là vùng đất ngập nước có diện tích từ 50 ha trở lên với đất ngập nước ven biển, ven đảo hoặc từ 05 ha trở lên với đất ngập nước nội địa, có chứa hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đáp ứng ít nhất một trong số 04 tiêu chí:

- Có chứa ít nhất một kiểu đất ngập nước tự nhiên có tính đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái;

- Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất 01 loại đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm hoặc của 1000 con chim nước, chim di cư trở lên hoặc nơi nuôi dưỡng và bãi đẻ của ít nhất 01 loài thủy sản có giá trị;

- Giữ vai trò quan trọng điều hòa nguồn nước, cân bằng sinh thái cho vùng sinh thái của địa phương, liên tỉnh, quốc gia, quốc tế;

- Có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa … đối với địa phương, quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, Nghị định còn nêu tiêu chí xác định vùng đất ngập nước quan trọng đối với quốc gia phải có diện tích từ 5000 ha trở lên khi ở ven biển, ven đảo, hoặc có từ 300 ha trở lên lên nếu ở nội địa: Là nơi sinh sống của 10 nghìn cá thể chim nước, chim di cư trở lên, là nơi sinh sống tự nhiên của ít nhất 05 loài quý, hiếm …

Nghị định này có hiệu lực từ 15/9/2019.

 
Lao động-Tiền lương
Xác định nguồn kinh phí thực hiện tăng lương cơ sở 2019

Ngày 23/7/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Theo đó, nguồn kinh phí dùng để điều chỉnh mức lương cơ sở và điều chỉnh trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xác định như sau:

- Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với năm 2018 theo quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính;

- Nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương, không kể tiền sử dụng đất và tiền thu được từ xổ số kiến thiết thực hiện so với dự toán năm 2018 được giao;

- 50%  phần ngân sách Nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa dùng hết chuyển sang (nếu có);

- Sử dụng nguồn còn dư (nếu có) sau khi bảo đảm nhu cầu điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng từ các nguồn: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán 2017, 2018,  50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương dự toán 2018 , 2019…

Ngoài ra còn từ ngân sách Trung ương bổ sung cho các địa phương còn thiếu sau khi đã sử dụng các nguồn trên…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 06/9/2019.

Tài chính-Ngân hàng
Hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Ngày 19/7/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45/2019/TT-BTC quy định việc quản lý tài chính thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Theo đó, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm mà các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được hỗ trợ tối đa 01 tỷ đồng/dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể đây là các dự án sửa chữa lần đầu (gồm sửa chữa, cải tạo, mua sắm lắp đặt trang thiết bị của dự án), lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin khi đơn vị đã có sẵn mặt bằng, cơ sở hạ tầng cho Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ nội dung và mức chi trong việc thực hiện Đề án này như:

- Tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ thuê mặt bằng (điện nước, vệ sinh, an ninh, bảo vệ), chi phí vận chuyển trang thiết bị, thiết kế, dàn dựng gian hàng và truyền thông cho sự kiện tối đa không quá 10 triệu đồng/đơn vị tham gia…

- Phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ mua bản quyền chương trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp… đã nghiên cứu, thử nghiệm thành công trong nước, quốc tế cho một số cơ sở giáo dục, ươm tạo 100% kinh phí đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; không quá 70% tổng dự toán kinh phí đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/9/2019.

13 loại giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng

Ngày 22/7/2019, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 6477/VPCP-KTTH công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.

Theo đó, danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan bao gồm:

Trong lĩnh vực chứng khoán:

- Thanh toán giao dịch chứng khoán

- Thanh toán giao dịch trái phiếu chính phủ

- Giao dịch chứng khoán cho khách hàng của công ty chứng khoán

Trong lĩnh vực thu, chi ngân sách Nhà nước:

- Thu ngân sách Nhà nước

- Chi ngân sách Nhà nước và các khoản chi khác

Trong lĩnh vực thuế:

- Thuế giá trị gia tăng

- Thuế thu nhập doanh nghiệp

- Thuế tiêu thụ đặc biệt

Trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp:

- Giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp

- Các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau

Trong hoạt động của tổ chức sử dụng vốn Nhà nước:

- Các giao dịch thanh toán

Trong giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng:

- Giải ngân vốn vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng

- Giải ngân vốn vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay.

Danh mục này được đề cập chi tiết tại Tờ trình 49/TTr-NHNN ngày 28/6/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Y tế-Sức khỏe
Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có kinh nghiệm thực tế

Ngày 17/7/2019, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-BYT hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước phải đáp ứng các điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm:

- Phải có đủ nhân viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và phù hợp với vị trí được giao;

- Nhân viên tại các cơ sở này phải được đào tạo và định kỳ đào tạo lại về các nguyên tắc cơ bản của GMP và các công việc chuyên môn đang đảm nhiệm;

- Sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải bảo đảm chất lượng, an toàn, không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng;

- Phải có hệ thống bảo đảm chất lượng gồm nhà xưởng, thiết bị, nhân lực đầy đủ, phù hợp để bảo đảm hệ thống hoạt động có hiệu quả;

- Nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất phải được quy hoạch, thiết kế, xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng phù hợp với hoạt động sản xuất;

- Bố trí mặt bằng, thiết kế nhà xưởng phải có thể tránh nhiễm chéo, tích tụ bụi, rác hoặc bất cứ yếu tố nào ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng sản phẩm;

- Phải thực hiện công việc vệ sinh ở mức độ cao nhất trong tất cả các hoạt động: Vệ sinh cá nhân, nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/7/2019.

 
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Tiêu chuẩn, điều kiện giáo viên đăng ký dự xét thăng hạng

Đây là nội dung quan trọng nêu tại Công văn 3124/BGDĐT-NGCBQLGD về tổ chức thăng hạng chức danh giáo viên năm 2019.

Theo đó, giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các điều kiện:

- Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử đi dự xét;

- Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét;

- Có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp;

- Không đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật;

- Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét…

Trong đó, quy trình tổ chức xét thăng hạng gồm 03 bước:

Bước 1: Thông báo kế hoạch thăng hạng đến tất cả giáo viên.

Bước 2: Tổ chức thu hồ sơ, sơ tuyển và lập danh sách cùng hồ sơ giáo viên dự xét thăng hạng năm 2019, gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bước 3: Thành lập Hội đồng xét thăng hạng và tổ chức xét thăng hạng;

Lúc này, các đơn vị sự nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện của giáo viên được cử tham dự kỳ xét thăng hạng. Đồng thời, các giáo viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như trên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký dự xét.

Công văn này được ban hành ngày 23/7/2019.

Tài nguyên-Môi trường
Chuyển đổi diện tích trồng lúa vùng hạn sang cây trồng cạn

Đây là nội dung chính nêu tại Công điện 897/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ.

Chuyển đổi diện tích trồng lúa vùng hạn sang cây trồng cạn (Ảnh minh họa)

Theo đó, một số biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn được yêu cầu triển khai ngay gồm:

- Rà soát, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm cấp nước sang cây trồng cạn;

- Lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn;

- Kiểm kê, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn trong đó ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc,…

- Cung cấp kịp thời, đầy đủ các loại giống cây rau, màu, giống lúa đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện địa phương để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân và vụ Đông năm 2019 – 2020;

- Ưu tiên đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước, kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ khu vực nông thôn;

- Đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, tăng cường sử dụng các nguồn điện, đảm bảo cung cấp điện cho các trạm bơm phục vụ phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn…

Công điện này được ban hành ngày 24/7/2019.

 
Thông tin-Truyền thông
4 trường hợp được đổi tên chủ đăng ký sử dụng tên miền

Ngày 19/7/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý và sử dụng tài nguyên internet.

Theo nội dung Thông tư này, việc đổi tên chủ đăng ký sử dụng tên miền được áp dụng trong các trường hợp:

- Tổ chức đổi tên theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

- Sáp nhập, hợp nhất hoặc thay đổi chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mà dẫn tới sự thay đổi về quyền sử dụng tên miền;

- Tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp mà dẫn tới sự thay đổi về quyền sử dụng tên miền;

- Cá nhân thay đổi họ, tên theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Các trường hợp nêu trên, ngoài Đơn đề nghị thay đổi thông tin đăng ký tên miền, chủ sử dụng tên miền còn phải bổ sung một trong các giấy tờ:

- Bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc hoặc bản sao có chứng thực quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Văn bản tổ chức lại doanh nghiệp;

- Giấy tờ chứng minh sự thay đổi hợp lệ về quyền sử dụng tên miền.

Sau khi có đủ các giấy tờ, chủ sử dụng có thể lựa chọn một trong các phương thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp tại trụ sở Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC); gửi qua đường bưu chính đến trụ sở của VNNIC hoặc thực hiện trực tuyến tại địa chỉ www.diachiip.vn.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/9/2019.  

Hành chính
Hà Nội: Mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách

Ngày 10/7/2019, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội ban hành Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Theo đó, người hoạt động không chuyên trách ở mỗi xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố gồm 10 chức danh và mức phụ cấp của các đối tượng này cụ thể như sau:

Stt

Chức danh

Hệ số phụ cấp hàng tháng

(Hệ số so với mức lương cơ sở)

Xã, phường, thị trấn loại 1

Xã, phường, thị trấn loại 2

Xã, phường, thị trấn loại 3

1

Văn phòng Đảng ủy

1,44

1,34

1,30

2

Phụ trách công tác truyền thanh

1,44

1,34

1,30

3

Phó Chỉ huy trưởng Quân sự

1,86

1,73

1,69

4

Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc

0,97

0,87

0,83

5

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh

0,87

0,77

0,73

6

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ

0,87

0,77

0,73

7

Phó Chủ tịch Hội Nông dân

0,87

0,77

0,73

8

Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

0,87

0,77

0,73

9

Chủ tịch Hội người cao tuổi

0,97

0,87

0,83

10

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ

0,97

0,87

0,83

Đồng thời, tùy thuộc vào loại xã, phường, thị trấn mà có số lượng người hoạt động không chuyên trách khác nhau:

- Xã, phường, thị trấn loại 1: 14 người;

- Xã, phường, thị trấn loại 2: 12 người;

- Xã, phường, thị trấn loại 3: 10 người.

Ngoài ra, Nghị quyết nêu rõ, khuyến khích các xã, phường, thị trấn bố trí kiêm nhiệm chức danh. Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách cấp xã.

Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố nếu kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp của chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm.

Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng 01 mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức phụ cấp chức danh cao nhất.

Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Đầu tư
Thứ tự ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn

Ngày 29/7/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, căn cứ vào các nguyên tắc, mục tiêu, định hướng đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025, các Bộ, ngành và địa phương lựa chọn danh mục và bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn của từng nguồn vốn trong từng ngành, lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên:

- Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn;

- Vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đai của các nhà tài trợ nước ngoài;

- Vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư;

- Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt;

- Dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch;

- Các dự án khởi công mới nếu có các điều kiện: Chương trình, dự án cần thiết, có đủ điều kiện được bố trí vốn kế hoạch; Sau khi đã bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; Bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành chương trình, dự án theo tiến độ đầu tư đã được phê duyệt.

Ngoài ra, còn cần phải tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ…

Đặc biệt, không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.

 

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.