Điểm tin Văn bản mới số 25.2022

Điểm tin văn bản

Đất đai-Nhà ở
Phải nộp tiền để có thông tin về nhà ở và thị trường BĐS

Đây là nội dung được nêu tại Nghị định 44/2022/NĐ-CP ngày 29/6/2022 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được xây dựng và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương và kết nối với Cơ sở dữ liệu về đất đai.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản phải gửi phiếu yêu cầu cho cơ quan, đơn vị quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu trực tiếp theo hình thức văn bản.

Phiếu yêu cầu có thể gửi qua đường công văn, bưu điện, fax hoặc đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của bên cung cấp.

Trong 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, bên cung cấp sẽ xem xét cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu hợp lệ.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin phải nộp kinh phí khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.
Thuế-Phí-Lệ phí
Thu phí tự động không dừng trên tất cả các tuyến cao tốc từ 01/8/2022

Ngày 27/6/2022, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 186/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng.

Theo Thông báo, thu phí điện tử không dừng thay thế thu phí thủ công là văn minh, hiện đại, giảm chi phí xã hội, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí. Việc triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng là yêu cầu bắt buộc đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo.

Phó Thủ tướng biểu dương Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, nhất là việc thí điểm triển khai chỉ thu phí điện tử không dừng đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thì các cơ quan trên cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực, nỗ lực hơn nữa để triển khai hệ thống theo đúng kế hoạch.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương chỉ đạo các nhà đầu tư hoàn thành lắp đặt các làn thu phí còn lại trước 31/7/2022 để triển khai thu phí điện tử đồng bộ trên toàn quốc từ 01/8/2022; trong đó triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc.

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các làn thu phí còn lại. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công ty trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC hoàn thành việc lắp đặt, vận hành thiết bị thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí trước 31/7/2022 như đã cam kết.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Bộ Giáo dục hướng dẫn thanh toán học phí không dùng tiền mặt

Ngày 29/6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2741/BGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiến mặt.

Nhằm triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Bộ Giáo dục đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, các khoản thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác cần khẩn trương phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian và các đơn vị liên quan:

(1) Trang bị sẵn phương tiện phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tích hợp module thanh toán trong phần mềm quản lý trường học, cơ sở giáo dục;

(2) Thống nhất mẫu thông tin thanh toán phải có tối thiểu các trường thông tin: Họ và tên người trả tiền; Họ và tên người thụ hưởng; Lý do thanh toán; Mã/số hóa đơn thanh toán;

(3) Bố trí đầu mối hướng dẫn và hỗ trợ phụ huynh, học sinh, sinh viên, các đối tác liên quan thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tăng tối đa số lượng và giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng số lượng và giá trị thanh toán của cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nên triển khai ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin để kết nối, tích hợp dữ liệu với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán, cung cấp cho người học các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trên điện thoại di động.

Đồng thời, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đặc biệt lưu ý đến việc làm chủ dữ liệu và bảo mật thông tin riêng tư.

Nếu có thắc mắc liên quan đến bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Bảo hiểm
Khách hàng có 21 ngày để từ chối tham gia bảo hiểm đã mua

Đây là nội dung đáng chú ý tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Cụ thể, Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe như sau:

Đối với hợp đồng bảo hiểm thời hạn trên 01 năm, trong 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.

Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường và trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tuổi thọ, tính mạng con người.

Còn bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là sức khoẻ con người.

Xem đầy đủ nội dung Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Nếu còn vấn đề thắc mắc bạn đọc liên hệ: 1900.6192  để được giải đáp, hỗ trợ.Vui lòng xem bản dịch tiếng Anh tại đây.

Lao động-Tiền lương
Từ 15/8/2022, lương viên chức thư viện cao nhất 11,25 triệu đồng

Ngày 01/7/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện.

Theo Thông tư mới năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sắp tới viên chức chuyên ngành thư viện sẽ được bổ sung chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng I mã số V.10.02.30.

Đây là hạng chức danh mới và cao nhất trong các chức danh nghề nghiệp thư viện viên. Do đó, mức lương tối đa của viên chức thư viện cũng được tăng đáng kể.

Theo Điều 9 Thông tư 02, chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng I được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A3, hệ số lương từ 5,75 - 7,55.

So với quy định trước đây, các chức danh thư viện viên còn lại không thay đổi hệ số lương.

Bảng lương viên chức thư viện viên cụ thể như sau:

Chức danh nghề nghiệp

Hệ số lương

Mức lương

(nghìn đồng/tháng)

Thư viên viên hạng I

Viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2)

Hệ số lương 5,75 - 7,55

8.567.500 - 11.249.500

 

Thư viên viên hạng II

Viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2)

Hệ số lương 4,00 - 6,38

5.960.000 - 9.506.200

Thư viên viên hạng III

 Viên chức loại A1

 Hệ số lương 2,34 - 4,98

3.486.600 - 7.420.200

Thư viên viên hạng IV

Viên chức loại B

Hệ số lương 1,86 - 4,06

2.771.400 - 6.049.400

Thông tư này có hiệu lực từ 15/8/2022.

Nếu còn vấn đề thắc mắc bạn đọc liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ.

Hành chính
Sửa đổi tiêu chuẩn đào tạo, chuyên môn công chức hành chính, văn thư

Ngày 28/6/2022, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNV sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2021/TT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Cụ thể, Thông tư 06/2022 sửa đổi, bổ sung một nội dung về tiêu chuẩn chuyên môn, trình độ đào tạo đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư như sau:

- Đối với chuyên viên hành chính: Tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ không còn yêu cầu cụ thể về trình độ ngoại ngữ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam đối với chuyên viên cao cấp, bậc 3 đối với ngạch chuyên viên chính và chuyên viên.

Thay vào đó, Thông tư mới chỉ quy định chung là:

Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

- Đối với văn thư viên, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng được sửa đổi như sau:

  • Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với ngành hoặc chuyên ngành văn thư - lưu trữ, lưu trữ học, lưu trữ học và quản trị văn phòng (trước đây chỉ có ngành hoặc chuyên ngành văn thư - lưu trữ, lưu trữ học).
  • Trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành/chuyên ngành văn thư hành chính, văn thư - lưu trữ, lưu trữ.

    (trước đây quy định nếu có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp)

Thông tư 06/2022/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.

Nếu có thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Chính sách
Hỗ trợ người thu nhập thấp khi giá xăng dầu, sách giáo khoa tăng cao

Ngày 16/6/2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống kinh tế - xã hội. Riêng đối với lĩnh vực tài chính, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện nhiều giải pháp đáng chú ý như:

- Tăng cường kiểm soát lạm phát; nâng cao chất lượng phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.

- Khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. 

- Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Tập trung sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

- Tổ chức cơ cấu lại toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật, tăng cường minh bạch thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn, hoạt động đầu tư trên thị trường vốn, bảo đảm thị trường hoạt động thông suốt, nhất quán và phát triển thị trường lành mạnh, hiệu quả.

- Khẩn trương hoàn thiện pháp luật về chính sách thuế, mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế liên quan đến kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử...

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp. để được hỗ trợ, giải đáp.
Quốc hội yêu cầu hạ giá sách giáo khoa, đổi mới dạy học môn Lịch sử

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 16/6/2022.

Tại Nghị quyết 63, Chính phủ được giao nhiệm vụ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, cần đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt với môn học Lịch sử. Môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục Trung học phổ thông (bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn) phải được thiết kế một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Ngoài ra, Quốc hội còn yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa. Bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.

Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192  để được hỗ trợ, giải đáp.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.