Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Đây là một trong những nội dung được nhắc đến tại Thông tư 47/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 24/6/2021 về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, kể từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021, lệ phí cấp Căn cước công dân được áp dụng bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC, cụ thể:
STT | Loại lệ phí | Mức thu hết 2021 | Mức thu từ 01/01/2022 |
1 | Chuyển từ Chứng minh nhân dân 09 số, 12 số sang cấp thẻ CCCD | 15.000 | 30.000 |
2 | Đổi thẻ CCCD khi: Bị hư hỏng không dùng được; Thay đổi họ, tên, chữ đệm; Đặc điểm nhận dạng; Xác định lại giới tính, quê quán; Có sai sót về thông tin trên thẻ; Khi công dân yêu cầu. | 25.000 | 50.000 |
3 | Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất; khi trở lại quốc tịch Việt Nam | 35.000 | 70.000 |
Bên cạnh đó, tại Thông tư này cũng quy định giảm nhiều khoản phí, lệ phí khác từ ngày 01/7/2021 như:
- Phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay giảm 10%;
- Phí hải quan giảm 10%;
- Phí đăng ký giao dịch bảo đảm giảm 20%;
- Lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép xuất cảnh, tem AB giảm 20%;
- Phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe ô tô chở người, các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) giảm 30%; Xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo giảm 10%... Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Nội dung này được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nêu tại Công văn số 1806/BHXH-TCKT về việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tháng 7 và tháng 8/2021 vào cùng một kỳ chi trả.
Theo đó, để công tác chi trả đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp trong phòng, chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã đề nghị Tổng công ty bưu điện Việt Nam và BHXH các tỉnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 7/2021 và tháng 8/2021 vào cùng một kỳ chi trả.
Đồng nghĩa, kỳ chi trả lương hưu tháng 7/2021 này sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của của tháng 7 và tháng 8/2021.
Công văn cũng yêu cầu, căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể của từng địa phương, địa bàn, cơ quan bưu điện và BHXH các tỉnh lên phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người hưởng nhận bằng tiền mặt đảm bảo an toàn.
Trong đó, khi tổ chức chi trả, các đơn vị phải tránh tập trung đông người, đảm bảo các nguyên tắc an toàn trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH.
Đây là lần thứ 3, BHXH Việt Nam gộp chi trả hai tháng lương hưu, trợ cấp BHXH cho các đối tượng được hưởng. Trước đó, BHXH Việt Nam gộp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH của tháng 3, tháng 4/2021 và tháng 5, tháng 6/2021.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 5152/BYT-MT về việc thí điểm cách ly y tế tại nhà cho đối tượng F1 gửi đến Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh.
Do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, lây lan nhanh khiến người tiếp xúc gần (F1) lớn gây quá tải tại các cơ sở cách ly y tế tập trung. Do đó, Bộ Y tế đã ban hành Công văn này để UBND TP.HCM xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn. Cụ thể:
- UBND cấp xã, phường chỉ cho phép tự cách ly tại nhà sau khi đã kiểm tra, xác nhận bảo đảm đủ điều kiện cách ly tại nhà;
- Chính quyền phải theo dõi, giám sát chặt chẽ người cách ly trong và sau thời gian cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly; thu gom, vận chuyển chất thải y tế lây nhiễm để xử lý.
Theo đó, một số điều kiện được cách ly tại nhà ở của các trường hợp F1 gồm:
Yêu cầu với phòng cách ly
- Trước nhà phải có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng “địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”.
- Phải có phòng cách ly riêng, khép kín, không dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Cạnh phòng cách ly phải có một phòng riêng để nhân viên y tế khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe…
- Có phương tiện phòng hộ cá nhân phòng, chống lây nhiễm để người nhà sử dụng khi bắt buộc tiếp xúc gần với người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.
Yêu cầu với người cách ly
- Có cam kết với chính quyền thực hiện nghiêm quy định và thời gian cách ly y tế tại nhà, không ra khỏi phòng trong suốt thời gian cách ly, không tiếp xúc với người trong gia đình, người khác cũng như động vật nuôi.
- Được bố trí suất ăn riêng.
- Tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe, cài đặt, bật và khai báo y tế hằng ngày trên VHD hoặc Bluezone trong suốt thời gian cách ly. Nếu không tự đo được thì nhân viên y tế sẽ hỗ trợ.
- Phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 05 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly; Sau khi hết cách ly phải tự theo dõi sức khỏe ở nhà…
Yêu cầu với người nhà của người bị cách ly
- Có cam kết với chính quyền và cùng ký cam kết với người chăm sóc, hỗ trợ người cách ly;
- Không tiếp xúc với người cách ly;
- Báo ngay cho cán bộ y tế khi người cách ly tự ý rời khỏi nhà hoặc có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như ho, sốt, đau rát họng, khó thở.
- Không cho người khác vào nhà trong suốt thời gian thực hiện cách ly y tế trừ người cùng nhà, nhân viên y tế và người giám sát cách ly y tế.
- Tự theo dõi sức khỏe, hạn chế ra khỏi nhà, thực hiện thông điệp 5K, khi có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt, đau rát họng, khó thở thì phải báo ngay cho cán bộ y tế…
Công văn này ban hành ngày 27/6/2021.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Đây là một trong những quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ được ban hành tại Quyết định số 758/QĐ-BNV
Theo đó, Điều 3 Quy tắc ban hành kèm Quyết định này yêu cầu khi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ phải mặc trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu.
Đặc biệt, quần, áo phải kín đáo, váy dài quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, không được mặc quần bò, áo phông không có ve cổ. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nữ mặc trang phục dân tộc vào ngày lễ, Tết và các dịp đặc biệt của Bộ.
Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ cũng phải có thái độ niềm nở, hòa nhã, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp, phải đeo hoặc cài thẻ tên, phù hiệu, chức danh.
Đồng thời, cũng cần phải nhớ:
- Không làm việc riêng, gây mất trật tự trong giờ làm việc;
- Không hút thuốc tại cơ quan, phòng làm việc;
- Không sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc trừ trường hợp được phân công đi tiếp khách theo nghi thức lễ tân ngoại giao.
- Không đeo tai nghe, mở nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc.
- Không thắp hương, lưu trữ các hình ảnh, nội dung văn hóa phẩm đồi trụy, tài liệu chống Đảng, Nhà nước…
Quyết định này ban hành và có hiệu lực từ ngày 23/6/2021.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được áp dụng từ ngày 07/8/2021.
Theo đó, Thông tư 17 đã có những quy định cụ thể về chuẩn chương trình đào tạo như: Chuẩn đầu ra, đầu vào của chương trình đào tạo; cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả; đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ;…
Đã có chuẩn chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, Thông tư mới này bổ sung thêm quy định về khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: - 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; hoặc
- 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù bậc 07 yêu cầu khối lượng thực tập 8 tín chỉ; giáo dục đại cương bắt buộc bao gồm các môn lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành được xây dựng theo từng trình độ và theo từng lĩnh vực hoặc theo một số nhóm ngành nhưng phải đáp ứng yêu cầu sau đây:
- Phải căn cứ yêu cầu chung về công việc, vị trí việc làm tương lai của người tốt nghiệp các ngành đào tạo thuộc khối ngành;
- Có tham khảo, đối sánh với mô hình, chuẩn hoặc tiêu chuẩn đối với các chương trình đào tạo của các nước hoặc các tổ chức quốc tế liên quan;…
Tại Thông tư 17 cũng đã có quy định cụ thể về tiêu chuẩn đầu vào bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học cho năm học 2021-2022.
Theo đó, năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục trung học thực hiện đồng thời chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 6 và chương trình giáo dục phổ thông 2006 với các lớp 7 đến lớp 12.
Tại Công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể về việc giáo viên các cấp soạn giáo án theo mẫu mới như sau:
- Với lớp 6: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của Nhà trường theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020, các phụ lục ban hành kèm Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch giáo dục và soạn giáo án.
- Với lớp 7 - 12: Thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn; giáo án của giáo viên được soạn theo chương trình cũ của các năm học trước đó.
Như vậy, theo Công văn này, chỉ giáo viên dạy lớp 6 mới áp dụng hướng dẫn của Công văn 5512 từ năm học 2021-2022. Đồng thời, mẫu giáo án mới ban hành kèm Công văn 5512 cũng chỉ mang tính tham khảo với giáo viên thay vì “bắt buộc” tất cả các giáo viên phải thực hiện như Công văn 5512 đã từng yêu cầu.
Ngày 18/6/2021, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, tại Quyết định này, Ủy ban dân tộc phê duyệt danh sách 2.027 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong đó, cao nhất là Gia Lai với 203 thôn, Thanh Hóa 186 thôn, Lào Cai 130 thôn, Tuyên Quang 120 thôn, Sơn La 104 thôn, Lai Châu 101 thôn…
Nếu các thôn này có sự chia tách, sáp nhập, giải thể hoặc đổi tên thì Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, xác định theo tiêu chí và lập hồ sơ, gửi Ủy ban Dân tộc tổng hợp, thẩm định và quyết định điều chỉnh, bổ sung.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 18/6/2021.
Nếu còn thắc mắc về các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 24/6/2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Thông tư 02/2021/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư này là các trường hợp tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2021.
Theo đó, khoản 3 Điều 2 Thông tư nêu rõ, tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng trong các trường hợp sau:
- Không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên;
- Không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý;
- Người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên.
Trong khi đó hiện nay, tại điểm c khoản 4 Thông tư liên tịch 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC chỉ quy định tạm dừng chi trả trợ cấp với trường hợp đối tượng không nhận tiền trợ cấp do chết, mất tích hoặc chuyển khỏi địa bàn.
Ngoài ra, tại Thông tư 02 cũng tăng mức hỗ trợ tiền ăn đối với các đối tượng: Trẻ em có cả cha và mẹ bị chết, mất tích mà không có người thân thích; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể;… khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng lên 60.000 đồng (hiện nay, mức hỗ trợ này là 40.000 đồng/người/ngày). Những chính sách, chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/7/2021.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.