Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 17/7/2019 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong top 15 nước phát triển nhất thế giới, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành trước hết phải cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Cụ thể hơn, tiến tới sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế, cắt giảm các thủ tục không phù hợp.
Đồng thời, các địa phương tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, đưa địa phương nhanh chóng trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch.
Bên cạnh đó, triển khai xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các thị trường trọng điểm, đưa nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.
Ngoài ra, hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ ở trong và ngoài nước cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù; thúc đẩy xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc (mã số vạch, QR code…), tài sản trí tuệ cho các sản phẩm được bảo hộ…
Ngày 28/6/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Theo đó, giáo viên cơ hữu đang làm việc tại các cơ sở đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng của Nhà nước được áp dụng mức lương và phụ cấp lương của giảng viên, giáo viên hiện đang hưởng.
Đối với những người dạy nghề còn lại, thù lao sẽ do trưởng cơ quan đề xuất nhưng không quá 02 triệu đồng/người/buổi (một buổi dạy được tính bằng 04 tiết học).
Ngoài ra, Thông tư còn sửa đổi một số nội dung về việc bố trí ngân sách chi cho việc đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng như:
Đối với ngân sách trung ương:
- Bố trí trong dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm của các Bộ, cơ quan trung ương và bổ sung có mục tiêu cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi để hỗ trợ đào tạo cho đối tượng là lao động nông thôn, người khuyết tật.
- Bố trí kinh phí trong dự toán chi thường xuyên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để thực hiện đào tạo cho phụ nữ khu vực thành thị.
- Giai đoạn sau năm 2020, nguồn kinh phí và danh sách các địa phương được trung ương hỗ trợ thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Đối với ngân sách địa phương:
Các địa phương tự cân đối được ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi) bảo đảm toàn bộ kinh phí để hỗ trợ đào tạo sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 849/CĐ-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (VETC).
Cụ thể, chậm nhất 31/12/2019, tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc phải hoàn thành việc chuyển đổi sang hình thức thu phí tự động không dừng (VETC).
Đồng thời, các nhà đầu tư phải dừng hoạt động thu phí đối với các dự án có trạm thu phí không chuyển sang thu VETC theo đúng quy định.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, hệ thống thu phí VETC phải được hoạt động tin cậy, không có sự cố, đáp ứng đủ các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn trong suốt quá trình đầu tư và sử dụng hệ thống.
Đặc biệt, tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải được dán thẻ đầu cuối (Etag) và được hướng dẫn phân luồng, đi đúng làn đường đối với từng cửa thu phí của các trạm (cửa thu tự động, cửa thu hỗn hợp).
Mọi lái xe cố tình không đi đúng làn đường, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí đều bị xử lý nghiêm.
Công điện này được ban hành ngày 15/7/2019.
Ngày 17/7/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 17/2019/TT-BYT hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể 9 bệnh truyền nhiễm nhóm B phải cách ly y tế bao gồm: bạch hầu, ho gà, sởi, rubella, than, viêm màng não do não mô cầu, tay chân miệng, thủy đậu và quai bị.
Đối với các bệnh truyền nhiễm này, hay bệnh truyền nhiễm nhóm A và nhóm C, toàn lực lượng trong ngành y tế, các cơ quan, tổ chức có liên quan và người dân địa phương phải cùng chung tay phòng, chống dịch, bệnh dịch truyền nhiễm trên địa bàn.
Ngoài ra, Thông tư nêu rõ đối tượng chịu sự giám sát trong việc phòng, chống bệnh, dịch bệnh này là những người mắc bệnh, mang mầm bệnh và bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; những tác nhân gây bệnh; ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố có nguy cơ.
Việc giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm được thực hiện trên toàn phạm vi địa bàn quản lý hành chính, chú trọng tại một số nơi tập trung đông người như cơ sở y tế; khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm; khu đang có ổ dịch, dịch; nơi cư trú, học tập, làm việc, điểm đến du lịch; khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy; khu vực xảy ra thiên tai, thảm họa…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Nội dung quan trọng này đề cập tại Thông tư 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập được Bộ Y tế ban hành ngày 11/7/2019 vừa qua.
Đây là một trong những điều kiện lựa chọn thuốc trúng thầu trong trường hợp cần thiết phải đảm bảo đủ thuốc để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của cơ sở y tế.
Cụ thể, bên mời thầu được xem xét, quyết định chọn thuốc trúng thầu theo nguyên tắc xét theo thứ tự xếp hạng nhà thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện:
- Giá thuốc xét duyệt trúng thầu không vượt quá giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đó;
- Tổng giá trị thuốc đề nghị trúng thầu của các phần có nhà thầu dự thầu không vượt quá tổng giá trị các phần đó trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Thông tư còn nêu rõ, bên mời thầu đề xuất trúng thầu theo từng phần trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt. Mỗi phần trong gói thầu chỉ được đề xuất trúng thầu 01 thuốc hoặc dược liệu đạt chuẩn và có giá dự thầu sau sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất đối với phương pháp giá thấp nhất; có điểm tổng hợp cao nhất đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá trong nhóm thuốc đó…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/10/2019.
Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Chỉ thị 08/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương.
Hiện nay, mỗi năm nước ta phải chôn lấp chất thải bao bì và túi ni lông không tái sử dụng được tận 2,5 triệu tấn.
Theo đó, ngày 09/6/2019, trong Lễ ra quân toàn quốc chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu, phấn đấu đến 2025, cả nước không dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.
Ngoài ra, để thực hiện được điều này, cần phải triển khai các nội dung khác như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Công Thương nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần;
- Xây dựng văn bản hướng dẫn hạn chế, kiểm soát chất thải nhựa tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại;
- Khuyến khích phát triển các sản phẩm tự phân hủy trong tự nhiên, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần;
- Xây dựng và triển khai mô hình Văn phòng xanh cho các cơ quan, đơn vị, tập trung vào giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng các chất thải;
- Vận động các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành ký cam kết, tuyên bố hành động chống rác thải nhựa…
Chỉ thị này được ban hành ngày 15/7/2019.
Đây là nội dung mới được bổ sung trong Nghị định 65/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều.
Trước đây, Nghị định 104/2017/NĐ-CP chỉ quy định mức phạt vi phạm quy định về vận hành công trình thủy lợi.
Hiện nay, Nghị định mới đã bổ sung thêm mức phạt với hành vi vi phạm quy định trong việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi. Cụ thể, nếu thực hiện không đúng quy trình đã được phê duyệt mà chưa đến mức truy cứu hình sự thì bị phạt tiền:
- Từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng với hồ chứa thủy lợi nhỏ;
- Từ 50 triệu đồng – 70 triệu đồng với hồ chứa thủy lợi vừa;
- Từ 70 triệu đồng – 90 triệu đồng với hồ chứa thủy lợi lớn;
- Từ 90 triệu đồng – 100 triệu đồng với hồ chứa thủy lợi đặc biệt quan trọng.
Ngoài ra, Nghị định này còn bổ sung thêm quy định về hành vi cản trở, chống đối người có thẩm quyền trong hoạt động thủy lợi. Theo đó:
- Cản trở việc thanh tra, kiểm tra: Bị phạt tiền từ 02 triệu đồng – 03 triệu đồng;
- Cản trở, chống đối hoặc không chấp hành quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc ứng phó khẩn cấp khi công trình thủy lợi xảy ra sự cố: Bị phạt tiền từ 03 triệu đồng – 05 triệu đồng.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 09/9/2019.
Ngày 17/7/2019 vừa qua, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 11/2019/TT-BLĐTBXH.
Cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo (gọi tắt là cơ sở dữ liệu) là kho dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin về hộ, người hưởng chính sách trợ giúp xã hội và thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo, người nghèo, người cận nghèo.
Hệ thống này được lưu trữ ở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các máy chủ quản trị cơ sở dữ liệu phụ đặt tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phần mềm này cũng phải được nâng cấp kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu phải được sao lưu định kỳ, sao lưu đột xuất khi có yêu cầu. Dữ liệu sao lưu phải được lưu trữ an toàn, kiểm tra định kỳ để sẵn sàng khôi phục khi có sự cố.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 03/9/2019.
Ngày 15/7/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương tháng 6/2019.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ trọng tâm:
- Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh dịch vụ phục vụ du lịch, xử lý nghiêm các biến tướng của hình thức du lịch 0 đồng;
- Chú trọng quản lý, kiểm soát chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch quốc tế;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, lập hồ sơ sức khỏe;
- Theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết, hạn hán, nắng nóng và lụt bão, cung cấp đủ nước cho sản xuất, phòng chống cháy rừng, giữ an toàn đê điều, hồ đập;
- Đề xuất giải pháp có lợi nhất cho người dân về phương thức tính giá, biểu giá điện, sớm đưa các dự án năng lượng đi vào hoạt động;
- Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc, những vấn đề bức xúc của người dân ngay tại địa phương, cơ sở;
- Tích cực triển khai thí điểm ứng dụng thanh toán tiền điện tử trên di động, xử lý sim rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác;…
Ngoài ra, Chính phủ thống nhất thông qua và giao Bộ Công an chủ trì hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Nghị quyết này được ban hành ngày 15/7/2019.
Đây là nội dung chính của Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành ngày 05/7/2019.
Theo đó, quy trình này gồm 06 bước:
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định
Trong bước này, người hoặc tổ chức giám định tư pháp tiếp nhận yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, mẫu vật có liên quan. Nếu không đủ điều kiện giám định thì phải từ chối theo quy định.
Bước 2: Chuẩn bị thực hiện giám định
Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện giám định, người hoặc tổ chức giám định phải nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu và các quy định cụ thể về sở hữu trí tuệ để chuẩn bị thực hiện việc giám định.
Đặc biệt, nếu cần làm rõ thêm về nội dung, yêu cầu thì có thể đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu liên quan.
Bước 3: Thực hiện giám định
Việc giám định phải thực hiện các nội dung xác định đối tượng, yếu tố xâm phạm, giá trị và những nội dung khác có liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan. Lúc này, người giám định phải có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình.
Kết quả giám định phải được thể hiện dưới dạng văn bản và lưu trong hồ sơ giám định.
Bước 4: Kết luận giám định
Bước 5: Bàn giao kết luận giám định
Bước 6: Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL về danh mục hoạt động thể thao phải có người hướng dẫn tập luyện, thể thao mạo hiểm.
Theo đó, ban hành kèm Thông tư này là danh mục 07 nhóm hoạt động thể thao mạo hiểm gồm:
- Tập luyện, thi đấu Dù lượn có động cơ, không có động cơ thuộc môn thể thao Dù lượn;
- Tập luyện thi đấu Diều bay có động cơ, không có động cơ thuộc môn thể thao Diều bay;
- Tập luyện, thi đấu Leo núi tự nhiên;
- Tập luyện, thi đấu Lặn biển thể thao giải trí;
- Tập luyện, thi đấu Mô tô nước trên biển;
- Tập luyện, thi đấu Ô tô thể thao địa hình;
- Tập luyện, thi đấu Mô tô thể thao;
- Tập luyện, thi đấu Xe đạp địa hình;
Bên cạnh đó là 09 hoạt động thể thao bắt buộc phải có người hướng dẫn, tập luyện gồm: Leo núi nhân tạo; Trượt băng; Đua ngựa; Kiếm thể thao; Bắn cung; Bắn súng; Thể dục dụng cụ; Thể dục nhào lộn trên mặt lưới có lò xo; Đua thuyền.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.