Điểm tin Văn bản mới số 23.2021

Điểm tin văn bản

Thuế-Phí-Lệ phí
Đã có Thông tư 40/2021 hướng dẫn quản lý thuế hộ kinh doanh

Ngày 01/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, các đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nêu tại Thông tư này gồm cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định gồm:

- Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề;

- Hoạt động đại lý bán đúng giá với đại lý xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp;

- Hợp tác kinh doanh với tổ chức;

- Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng điều kiện được miễn thuế GTGT, TNCN;

- Hoạt động thương mại điện tử.

Có thể thấy, so với Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC, Thông tư 40/2021 đã bổ sung thêm hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trong đó gồm cả cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.

Ngoài ra, Điều 2 Thông tư 40 cũng bổ sung thêm một số đối tượng khác gồm:

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế của khẩu trên lãnh thổ Việt Nam.

- Người cho thuê tài sản.

- Người chuyển nhượng tên miền “.vn”.

- Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân.

- Tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân.

- Doanh nghiệp xổ số, bảo hiểm, bán hàng đa cấp trả thu nhập trực tiếp cho cá nhân ký hợp đồng đại lý bán đúng giá…

Thông tư này có hiệu lực từ 01/8/2021.

Lao động-Tiền lương
Rà soát lương tối thiểu vùng để tính mức lương cho năm 2022

Để có cơ sở đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng thời gian tới, đặc biệt là năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1517/LĐTBXH-QHLÐTL đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện lương tối thiểu vùng thời gian qua.

Trong Công văn này, Bộ này đặc biệt lưu ý các địa phương đánh giá khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động về trả lương tối thiểu vùng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 để lấy cơ sở tính lương tối thiểu vùng năm 2022 tới đây.

Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu rà soát địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu, nhất là các đơn vị hành chính cấp huyện đã thực hiện sắp xếp lại như đổi tên, thành lập, sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính...

Trước đó, tại phiên họp sáng ngày 05/8/2020, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã quyết định chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 mà tiếp tục thực hiện tiền lương tối thiểu vùng theo tháng đến hết năm 2021.

Đồng thời, cũng chưa ban hành tiền lương tối thiểu theo giờ năm 2021 để đồng bộ với tiền lương tối thiểu theo tháng do ảnh hưởng của Covid-19.

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại nước ta đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế. Do đó, việc không tăng lương tối thiểu vùng đến hết năm 2021 là phương án hợp lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian phục hồi kinh tế…

Điều này đồng nghĩa, mức lương tối thiểu vùng vẫn thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

- Mức 4,42 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I;

- Mức 3,92 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng II;

- Mức 3,43 triệu đồng/tháng áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng III;

- Mức 3,07 triệu đồng/tháng, áp dụng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng IV.

Công văn này ban hành ngày 25/5/2021.

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Chỉ đạo mới nhất về bỏ chứng chỉ bồi dưỡng công chức, viên chức

Sau đề nghị của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến mới nhất về các loại chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức tại Công văn số 3845/VPCP-TCCV ngày 10/6/2021.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các Bộ trong quá trình rà soát, cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng, đảm bảo nguyên tắc việc bỏ chứng chỉ phải gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức một cách thực chất, đặc biệt là trình độ ngoại ngữ.

Đồng thời, việc bỏ chứng chỉ này phải phù hợp với vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng phải hoàn chỉnh và trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP trong đó lưu ý nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và quy định rõ lộ trình thực hiện các nội dung liên quan đến chứng chỉ bồi dưỡng.

Ngoài ra, các Bộ đang quản lý công chức, viên chức cũng phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, bảo đảm cắt bỏ những chứng chỉ mang tính hình thức, không phù hợp trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Không chỉ vậy, còn cần phải cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Hành chính
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với công chức hành chính, văn thư

Nội dung này được Bộ Nội vụ quy định cụ thể tại Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Theo đó, so với quy định hiện nay, Thông tư 02/2021 đã chính thức bãi bỏ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ về chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Cụ thể, với ngạch công chức hành chính cao cấp, khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021 chỉ yêu cầu:

- Bằng tốt nghiệp đại học ngành phù hợp trở lên;

- Bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị tương đương cao cấp lý luận chính trị;

- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước theo chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp.

Ngạch chuyên viên cũng chỉ cần bằng tốt nghiệp ngành đào tạo phù hợp từ đại học trở lên; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính…

So với quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BNV hiện đang áp dụng, tất cả các ngạch công chức chuyên ngành hành chính không còn cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tương tự, so với quy định hiện nay tại Thông tư số 14/2014/TT-BNV, công chức chuyên ngành văn thư cũng không cần chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuy nhiên, hai loại công chức này phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản cũng như sử dụng được ngoại ngữ ở trình độ tương đương với yêu cầu của vị trí việc làm.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2021.

Sẽ có chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn do Covid-19

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, tổ chức vào ngày 03/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP.

Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021. Đồng thời, có giải pháp mạnh mẽ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trình hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, địa phương đang bùng phát dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu; bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện, giãn tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện theo tinh thần Nghị quyết số 55/NQ-CP.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú, văn hóa, thể thao, giải trí..., đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2021.

Chính sách
Thủ tướng yêu cầu xem xét giảm giờ làm việc bình thường

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Theo đó, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao mức sống của công nhân lao động, tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Song song với đó, Bộ này cũng phải thực hiện một số nhiệm vụ đáng chú ý sau:

- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động;

- Điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người lao động do tác động của đại dịch Covid-19; khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ cho công nhân lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn để vượt qua đại dịch Covid-19 nhằm bảo đảm tình hình lao động, việc làm.

- Sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Đồng thời, tiếp tục quan tâm đến đời sống của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn bữa ăn ca cho các đối tượng này đảm bảo dinh dưỡng, mức bồi dưỡng cho lao động đặc thù…

Chỉ thị này được ban hành ngày 14/6/2021.

Sắp có Nghị quyết về chính sách hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn vì Covid

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 157/TB-VPCP nêu kết luận của Thủ tướng về dự thảo Nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn vì Covid-19.

Theo đó, tại Thông báo này, Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trong dự thảo Tờ trình cần nêu rõ các nội dung và lý do xin ý kiến về đối tượng được hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ cũng như nguồn kinh phí và tổng mức hỗ trợ.

Tuy nhiên, đáng lưu ý rằng, trong dự thảo Tờ trình không đưa nội dung hỗ trợ đột xuất cho hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021 nêu tại Nghị quyết 58/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại diện Covid-19.

Thông báo này được ban hành ngày 10/6/2021.

Tăng trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu từ 01/7/2021

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 tới đây.

Điều 4 Nghị định này đã điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 360.000 đồng/tháng từ 01/7/2021. Trong khi, mức trợ cấp cũ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 136/2013/NĐ-CP là 270.000 đồng.

Theo đó, các đối tượng người cao tuổi thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được trợ cấp xã hội hàng tháng cụ thể như sau:

STT

Đối tượng người cao tuổi

Hệ số

Mức trợ cấp

(đồng/tháng)

1

- Thuộc hộ nghèo;

- Không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Từ 60 - 80 tuổi.

1,5

540.000

2

- Thuộc hộ nghèo;

- Không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Đủ 80 tuổi trở lên;

2,0

720.000

3

- Từ đủ 75 - 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo;

- Không thuộc các trường hợp (1) và (2);

- Sống ở xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

1,0

360.000

 

- Từ đủ 80 tuổi trở lên;

- Không thuộc trường hợp (1) và (2);

- Không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.

4

- Thuộc hộ nghèo;

- Không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng;

- Không có điều kiện sống ở cộng đồng;

- Đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

3,0

1.080.000

Như vậy, từ ngày 01/7/2021 tới đây, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng được trợ cấp 360.000 đồng/tháng (tăng 90.000 đồng/tháng so với quy định cũ tại điểm l khoản 1 Điều 6 Nghị định 136/2013/NĐ-CP).

Nghị định 20/2021/NĐ-CP được ban hành ngày 15/3/2021.

Cư trú-Hộ khẩu
Đã có hướng dẫn về trường hợp bị thu hồi Sổ hộ khẩu từ 01/7/2021

Luật Cư trú năm 2020 đã quy định nhiều trường hợp bị thu hồi Sổ hộ khẩu và mới đây, Bộ Công an đã hướng dẫn chi tiết về các trường hợp này tại Thông tư số 55/2021/TT-BCA.

Cụ thể, khoản 2 Điều 26 Thông tư số 55 này nêu rõ:

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Đồng thời, cơ quan đăng ký cư trú sẽ chuyển Sổ hộ khẩu đã thu hồi cùng với hồ sơ đăng ký cư trú vào tàng thư hồ sơ cư trú.

Quy định này đã hướng dẫn cụ thể hơn về việc thu hồi Sổ hộ khẩu trước đó nêu tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020:

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Như vậy, theo hướng dẫn, khi công dân thực hiện các thủ tục sau đây sẽ bị thu hồi Sổ hộ khẩu từ ngày 01/7/2021:

- Thủ tục đăng ký thường trú;

- Điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

- Tách hộ;

- Xóa đăng ký thường trú.

Thông tư này được ban hành ngày 15/5/2021 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. 

Từ 01/7/2021, sử dụng mẫu Tờ khai đăng ký thường trú mới

Để quy định về biểu mẫu, quản lý và sử dụng biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú mới từ ngày 01/7/2021, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 56/2021/TT-BCA.

Thông tư này đã ban hành đến 16 biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú ký hiệu là CT. Trong đó, mẫu CT01 là Tờ khai thay đổi thông tin cư trú được sử dụng khi công dân thực hiện các thủ tục:

- Đăng ký thường trú;

- Xóa đăng ký thường trú;

- Tách hộ;

- Điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;

- Đăng ký tạm trú;

- Xóa đăng ký tạm trú;

- Gia hạn tạm trú;

- Khai báo thông tin về cư trú;

- Xác nhận thông tin về cư trú.

Mẫu CT01 được tích hợp trong phần mềm quản lý cư trú, được Công an các đơn vị, địa phương in trực tiếp từ máy tính khi thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú.

Mẫu này in trên khổ giấy 210 mm x 297 mm (A4), in bằng mực đen trên nền giấy trắng.

Nghiêm cấm việc tự ý tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung làm sai lệch nội dung thông tin trong biểu mẫu. Trường hợp cố ý làm sai lệch thông tin thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tháng 9 hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương lập dự trù kinh phí in mẫu CT01, CT02, CT03, CT04, CT05, CT06, CT07, CT08, CT09, CT10, CT11, CT12 sử dụng cho Công an các đơn vị, địa phương thuộc quyền quản lý.

Việc quản lý, cấp phát, sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí bảo đảm cho quản lý, sử dụng biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú từ ngân sách nhà nước phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021 và thay thế Thông tư số 36/2014/TT-BCA quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.