Điểm tin Văn bản mới số 22.2024

Điểm tin văn bản

Doanh nghiệp
Sẽ kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế của hoạt động livstream bán hàng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Công điện 01/CĐ-TCT ngày 04/6/2024 của Tổng cục Thuế về quyết liệt triển khai hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:

- Triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm...

Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ...

- Triển khai các giải pháp để áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 01/8/2024 đối với các loại hình kinh doanh sau:

  • Bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân.

  • Kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện,... phục vụ chơi golf.

- Xây dựng kế hoạch, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với loại hình nêu trên để các cơ sở kinh doanh hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định, thúc đẩy việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

- Quyết liệt triển khai nhiệm vụ đến các đồng chí lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo các Phòng, Chi cục Thuế và cụ thể đến công chức quản lý đơn vị để làm việc, tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch tới từng cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh sân golf, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sân golf...

- Chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá công tác quản lý thuế để lập kế hoạch áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các loại hình kinh doanh có doanh thu từ hoạt động bán vé tham quan khu du lịch, hoạt động vui chơi giải trí,... báo cáo về Tổng cục Thuế trước ngày 01/8/2024.

Xem Công điện 01/CĐ-TCT 

Tham gia group Zalo của LuatVietnam để cập nhật các văn bản mới nhất về Thuế: https://zalo.me/g/arporg098
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam từ 01/7/2024

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá được ban hành tại Thông tư 31/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam quy định và hướng dẫn thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.  

Các nguồn thông tin thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm:

- Thông tin do cá nhân, tổ chức yêu cầu thẩm định giá cung cấp thể hiện đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá (nếu có). Tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác và trung thực của các thông tin này;

-Thông tin từ kết quả khảo sát hiện trạng tài sản thẩm định giá;

- Thông tin từ các chuyên gia, các tổ chức giám định, các tổ chức tư vấn thiết kế, xây dựng, kỹ thuật và các tổ chức, cá nhân khác có kiến thức và kinh nghiệm hiểu biết về tài sản thẩm định giá (nếu có);

- Thông tin từ kết quả khảo sát, thu thập thông tin về thị trường và các chủ thể tham gia thị trường của tài sản thẩm định giá;

- Thông tin từ các cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

- Các nguồn thông tin khác (nếu có).

Nguồn thông tin thu thập cần nêu rõ trong hồ sơ thẩm định giá kèm theo lý do và đánh giá về sự phù hợp của nguồn thông tin này với yêu cầu thẩm định giá tài sản.

Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực từ 01/7/2024.

Đất đai-Nhà ở
Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai từ 01/8/2024

Ngày 09/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về Dự án xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai:

“1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 253; Điều 254 (trừ khoản 4 và khoản 5); Điều 255 (trừ khoản 8); Điều 256 (trừ khoản 2 và khoản 4); Điều 257 (trừ khoản 1); Điều 258; Điều 259; Điều 260 (trừ các khoản 12, 14 và 15) của Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 01/012025."

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 197 Luật Nhà ở: “1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.”

- Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản: “1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2024.”

- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng: “2. Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.”

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng theo quy trình xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp của Quốc hội.

Xem nội dung Nghị quyết 84/NQ-CP

Lao động-Tiền lương
Nghiên cứu giảm giờ làm việc dưới 48 giờ/tuần

Đây là nội dung được nêu tại Thông báo 249/TB-VPCP ngày 31/5/2024 của Văn phòng Chính phủ kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nghiên cứu, rà soát, đánh giá, đề xuất chính sách giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, bảo đảm phù hợp với thực tiễn về quá trình nâng cao năng suất lao động của Việt Nam hiện nay và trình độ phát triển của đất nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, thụ hưởng chính sách theo đúng quy định; nghiên cứu đề nghị về chính sách hỗ trợ và đảm bảo điều kiện nhà ở, lưu trú đối với giáo viên tại vùng sâu, vùng xa và các chế độ chính sách để khuyến khích, thu hút giáo viên.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì đề xuất phương án, giải pháp tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho đối tượng người lao động là phụ nữ di cư có thêm điều kiện để ổn định cuộc sống gia đình, đặc biệt chính sách thuê mua nhà giá rẻ, các thiết chế văn hóa, giáo dục.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét phát triển cơ sở khám chữa bệnh nơi tập trung đông công nhân, người lao động; việc khám chữa bệnh đối với công nhân lao động có thu nhập thấp.

Xem chi tiết Thông báo 249/TB-VPCP 
Cán bộ-Công chức-Viên chức
Thẩm quyền người đứng đầu tạm đình chỉ công tác cán bộ cấp dưới

Đây là nội dung đáng chú ý tại Quy định 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Cụ thể, người đứng đầu có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới theo Danh mục kèm theo Quy định này khi có một trong những căn cứ như sau:

- Căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết:

  • Cán bộ vi vi phạm về lối sống, phẩm chất đạo đức gây bức xúc, ảnh hưởng tiêu cực trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.

  • Cán bộ cố tình đùn đẩy,  trì hoãn, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

  • Cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.

  • Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trốn tránh, trì hoãn không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.

  • Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

- Căn cứ tạm đình chỉ công tác trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng

  • Cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra.

  • Trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.

Trường hợp chưa có trong Danh mục thì do người đứng đầu cấp có thẩm quyền bổ nhiệm và quản lý xem xét, quyết định tạm đình chỉ công tác.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; các cơ quan, đơn vị thực hiện các thủ tục liên quan theo quy định.

Đề nghị cơ quan chức năng, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc ra quyết định tạm đình chỉ công tác hoặc yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định.

Yêu cầu cán bộ bị tạm đình chỉ công tác chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc người có thẩm quyền để phục vụ công tác xác minh, làm rõ, xử lý vi phạm.

Xem chi tiết Quy định 148-QĐ/TW

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Phải công khai thực đơn hằng ngày của trẻ em từ 19/7/2024

Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT ngày 03/6/2024.

Cụ thể, thực đơn hàng ngày của trẻ em là một trong các thông tin về kế hoạch hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục trong năm học phải công khai theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT.

Đồng thời, thông tin này còn gồm các nội dung:

- Kế hoạch về việc tuyển sinh trong đó có nêu rõ nội dung về đối tượng, chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh, các mốc thời gian thực hiện và các thông tin liên quan đến tuyển sinh mầm non.

- Kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non.

- Quy chế phối hợp giữa gia đình, xã hội với các cơ sở giáo dục mầm non.

- Các dịch vụ khác nếu có.

Với cơ sở giáo dục phổ thông, nếu có tổ chức bữa ăn cho học sinh thì thực đơn hằng ngày của học sinh phổ thông cũng phải công khai.

Ngoài ra, với học sinh phổ thông, các trường học phải thông tin về:

- Kết quả tuyển sinh, số học sinh của từng khối, bình quân/lớp của tưng khối, học sinh nào học 02 buổi/ngày, học sinh nam/học sinh nữ, học sinh là người dân tộc thiểu số hoặc khuyết tật…

- Kết quả đánh giá học sinh, thống kê số học sinh được lên lớp hoặc không được lên lớp.

- Thống kê số lượng học sinh được công nhận hoàn thành chương trình, được cấp bằng tốt nghiệp, trúng tuyển trường nghề với học sinh cấp 2 và cấp 3…

Thông tư 09/2024/TT-BGDĐTv có hiệu lực từ 19/7/2024.

Hành chính
Đã dành được 680 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương từ 01/7/2024

Đây là nội dung được nhắc đến tại Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024.

Liên quan đến chính sách cải cách tiền lương, Chính phủ cho biết cả nước đã tiết kiệm được 680 nghìn tỷ đồng để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024. 

Trong đó, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Chính trị về cải cách chính sách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công với cách mạng và trợ cấp xã hội.

Đồng thời, đề xuất thực hiện cải cách tiền lương có lộ trình phù hợp, khả thi, hiệu quả; bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa giữa các đối tượng, ổn định, không xáo trộn lớn. 

Ủy ban Dân tộc được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) trên địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xem thêm Nghị quyết 82/NQ-CP

Trật tự thôn được trang bị dùi cui và áo giáp chống đâm từ 01/7/2024

Thông tư 14/2024/TT-BCA về lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định chi tiết các trang bị công cụ hỗ trợ. Trong đó, đáng chú ý là nội dung trật tự thôn được trang bị dùi cui và áo giáp chống đâm từ 01/7/2024.

Cụ thể, theo Điều 8 Thông tư 14/2024/TT-BCA, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được trang bị các công cụ hỗ trợ sau đây:

- Dùi cui cao su, dùi cui kim loại. Trong đó, 80% quân số sẽ được trang bị dùi cui cao su, 50% quân số sẽ được trang bị dùi cui kim loại.

- Áo giáp chống đâm. Với trang bị này, 30% tổ bảo vệ an ninh, trật tự sẽ được trang bị áo giáp chống đâm.

Và con số 30% cũng là số lượng trang bị găng tay bắt dao được giao cho một tổ bảo vệ an ninh, trật tự.

Hằng năm, căn cứ vào nhu cầu của lực lượng này, Công an xã sẽ tổng hợp số lượng, loại công cụ hỗ trợ trang bị gửi công an cấp huyện tổng hợp và công an cấp tỉnh sẽ dự trù kinh phí, gửi Cục Kế hoạch và tài chính thẩm định, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xem xét, quyết định.

Việc trang bị dùi cui cũng được xem xét áp dụng với tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo Điều 9 Thông tư 14/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 9 Thông tư 17/2018/TT-BCA.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

Xem chi tiết văn bản Thông tư 14/2024/TT-BCA.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.