Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản số 2499/BNV-CCVC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Tại văn bản này, Bộ Nội vụ cho rằng công tác bồi dưỡng và cấp chứng chỉ với công chức, viên chức còn một số tồn tại. Đó là nội dung một số chương trình bồi dưỡng còn nhiều lý thuyết, chưa thật sự bám sát với yêu cầu của vị trí việc làm; còn trùng lặp nội dung giữa các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp cùng một chuyên ngành hoặc trùng với kiến thức đào tạo trong trường đại học.
Việc quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không còn phù hợp vì hiện nay các cơ sở đào tạo đã có quy định về việc chuẩn đầu ra phải đạt được trình độ ngoại ngữ, tin học theo các cấp độ tương ứng. Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ xác định có sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Trong kiến nghị, đề xuất của Bộ Nội vụ lên Thủ tướng, có hai điểm đáng chú ý.
- Bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học với tất cả 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức.- Giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng, để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Bộ này cũng đề xuất rà soát, sửa đổi các chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý để tránh trùng lặp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo theo hướng thiết thực.
Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 28/5/2021 thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trên địa bàn.
Cụ thể, các đối tượng có thời gian thực hiện nhiệm vụ từ đủ 02 năm (24 tháng) đến 05 năm (60 tháng) gồm:
- Công chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính thuộc Thành phố như cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND), cơ quan ngang Sở; cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp huyện;
- Viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập như đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố; Sở, chi cục và các tổ chức tương đương chi cục thuộc Sở; UBND cấp huyện;
- Công chức xã, phường, thị trấn.
Kế hoạch cũng nêu rõ phương thức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định phân cấp quản lý cán bộ.
Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng quyết định điều động hoặc văn bản bố trí, phân công nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định phân cấp quản lý cán bộ.
Đặc biệt, không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.
Ngày 07/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg về Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
Theo đó, danh mục 16 Luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới bao gồm:
- Luật Đất đai 2013.
- Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019).
- Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014,...).
- Luật Giá 2012.
- Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014.
- Luật Thương mại 2005.
- Luật Điện lực 2004.
- Luật Giao dịch điện tử 2005.
- Luật Công nghiệp công nghệ số.
- Luật Chính phủ số.
- Luật Việc làm 2013.
- Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
- Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012).
- Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
- Luật Nhà ở 2014.
Trong đó, Luật Đất đai dự kiến sửa 06 nội dung sau:
- Quy định rõ về việc khẳng định các loại hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất khác với các hợp đồng được ghi nhận tại Luật Đất đai.
- Sửa đổi khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 theo hướng làm rõ các thời điểm liên quan đến hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất tương ứng với từng loại hợp đồng và phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Quy định thống nhất về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại Luật Đất đai năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
- Sửa đổi thống nhất về các khái niệm “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”, “cổ phần, phần vốn góp chi phối” giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2013.
- Sửa đổi các văn bản quy phạm để giải quyết việc chưa quy định cách thức xác định cụ thể từng thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất.
- Sửa đổi các văn bản quy phạm để giải quyết khó khăn, vướng mắc cụ thể đối với việc không quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 55/NQ-CP về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho các khách hàng sử dụng điện.
Theo Công văn này, xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Báo cáo 283/BC-BCT ngày 27/5/2021 báo cáo đề xuất hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; trên cơ sở ý kiến các Thành viên Chính phủ tại Phiếu ghi ý kiến Thành viên Chính phủ kèm theo Công văn 1173/VPCP-KTTH ngày 28/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, Chính phủ quyết nghị:
Thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 (đợt 3) như đề xuất của Bộ Công Thương tại Báo cáo 283/BC-BCT ngày 27/5/2021.
Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, số liệu báo cáo và đề xuất.
Nghị quyết 55/NQ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/6/2021.
Yêu cầu trên được đề cập trong Công văn khẩn 1803/UBND-VX về thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị Nhà nước trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị ở TP.HCM bố trí tối đa 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà để phòng chống Covid-19.
Đối với các đơn vị đặc thù trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, sở, ban, ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, quận, huyện: giao Thủ trưởng các đơn vị có báo cáo nhu cầu bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại đơn vị cho Sở Nội vụ (trong ngày 03/6/2021) tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại công sở.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công, giao việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông tại Công văn 1174/STTTT-CNTT ngày 01/6/2021 về sử dụng công nghệ thông tin trong cao điểm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua kết quả công việc; lưu ý không để công việc bị đình trệ, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật và các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Kết quả hoàn thành tiến độ và chất lượng công việc được phân công tại nhà là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân loại theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại quý II năm 2021 và thời gian tiếp theo đến khi có thông báo mới.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà có trách nhiệm thường xuyên cập nhật tình hình công việc của cơ quan, đơn vị và báo cáo tiến độ, kết quả công việc cho người đứng đầu trực tiếp thông qua sử dụng công nghệ thông tin; mở điện thoại di động 24/24 giờ, chấp hành nghiêm túc sự phân công công tác của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, hoàn thành đúng tiến độ được giao; không di chuyển ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết và chịu trách nhiệm về việc không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Tạm dùng các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa cần thiết; trường hợp cần thiết thanh tra, kiểm tra phải hạn chế số lượng người tham gia; tạm dừng công tác tiếp công dân trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị...
Ngày 31/5/2021, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. HCM có Công văn 1940/BHXH-VP về việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Công văn này quy định, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đối với tất cả các thủ tục của các đơn vị và cá nhân (trừ trường hợp nhận tiền mặt thanh toán trực tiếp và đổi thẻ Bảo hiểm y tế) từ ngày 31/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Nếu khách hàng đến trụ sở cơ quan BHXH để nộp hồ sơ thì hướng dẫn sang Bưu điện nộp. Đồng thời, cung cấp biểu mẫu, hồ sơ cho khách hàng nếu khách hàng chưa có.
Hồ sơ hưởng BHXH một lần gồm:
- Sổ BHXH và các tờ rời kèm theo (bản chính);
- Đơn đề nghị (01 bản chính);
- Phiếu giao nhận hồ sơ 208 (01 bản chính);
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu (01 bản photo - không nộp bản chính).
- Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền được Phòng Công chứng chứng thực (01 bản chính) nếu có ủy quyền.
- Chuẩn bị sẵn 02 bì thư:
- Một bì thư bỏ toàn bộ hồ sơ đề nghị giải quyết BHXH một lần. Trên bì thư ghi rõ thông tin người nộp hồ sơ gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ liên hệ; nơi nhận: BHXH Thành phố Thủ Đức hoặc BHXH quận, huyện… địa chỉ….
- Bì thư còn lại: Ghi rõ thông tin họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người nhận.
Sau khi giải quyết xong, cơ quan BHXH sẽ bỏ hồ sơ và chuyển về cho người lao động. Do đó, địa chỉ của người nhận ghi trên bì thư phải rõ ràng, cụ thể.
Lưu ý: Cơ quan bưu chính phải kiểm tra Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân người nộp hồ sơ trước khi tiếp nhận hồ sơ.
Các loại hồ sơ khác như tuất một lần, hưu trí bảo lưu, hưu chờ… nếu thật sự cần thiết, khách hàng truy cập vào trang thông tin điện tử của BHXH Thành phố tại địa chỉ https://tphcm.baohiemxahoi.gov.vn để nhận biểu hồ sơ, kê khai đầy đủ thông tin sau đó gửi về cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính.
Công điện 809/CĐ-BYT của Bộ Y tế đã tăng cường sàng lọc, rà soát, xét nghiệm nhanh ca bệnh Covid-19 nghi ngờ tại cơ sở y tế, phòng khám và nhà thuốc trên địa bàn.
Công điện nêu rõ nguy cơ dịch Covid-19 hiện đang diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Để chủ động kiểm soát và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 điện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các nội dung sau:- Tăng cường rà soát, sàng lọc kỹ tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có dấu hiệu ho, sốt, cảm cúm... đến khám bệnh tại các cơ sở y tế, phòng khám và mua thuốc tại các nhà thuốc trên toàn quốc; yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt, khai thác thông tin dịch tễ của người đến khám và người cần dùng thuốc;
Yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh (hoặc xét nghiệm RT-PCR nếu có khả năng) với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đối với các phòng khám (công và tư), nhà thuốc cần thực hiện khai báo y tế đầy đủ và cung cấp thông tin ngay cho cơ quan quản lý để kịp thời theo dõi các trường hợp nghi ngờ, khuyến khích chủ động thực hiện xét nghiệm nhanh với các trường hợp này.
- Khẩn trương xây dựng kế hoạch; huy động, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực bảo đảm cung ứng đầy đủ sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao để tổ chức thực hiện xét nghiệm sàng lọc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
- Tổng hợp thông tin khai báo y tế, báo cáo số lượng người đến khám có các dấu hiệu nghi ngờ và người mua các loại thuốc ho, hạ sốt, cảm cúm... trên phần mềm kê đơn thuốc quốc gia donthuocquocgia.vn (hoặc hệ thống báo cáo của Sở Y tế) để kịp thời phát hiện, sàng lọc, truy vết.
Ngày 05/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 789/CĐ-TTg về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép.
Theo Công điện, để phòng chống dịch Covid-19, thời gian gần đây một số địa phương đã áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội; các biện pháp kiểm soát người về từ vùng dịch. Tuy nhiên, ở một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, có mức cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.
Trước tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo về phòng, chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép”.
Cụ thể:
- Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ Y tế, Công an, Công Thương rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đi, đến nơi có dịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và sản xuất kinh doanh, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp quá mức cần thiết gây ách tắc hoạt động vận tải và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, tiêu thụ, cung ứng hàng hoá giữa địa phương có dịch và các địa phương khác.
- Bộ Y tế chủ trì, rà soát, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc một số địa phương áp dụng biện pháp cách ly y tế không đúng quy định đối với người đến từ vùng đang có dịch.
Đồng thời, tại các địa phương bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện việc cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch.
Nội dung đáng chú ý này được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành tại Công văn số 1537/BHXH-CSYT ngày 02/6/2021 gửi đến Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng và Công an.
Theo đó, Công văn hướng dẫn cụ thể các nội dung sau:
- Đối tượng thanh toán: Các trường hợp đến khám và người bệnh điều trị nội trú có biểu hiện nghi ngờ được cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ định xét nghiệm Covid-19 gồm:
- Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác;
- Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào VÀ có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh Covid-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng HOẶC tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định Covid -19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
- Mức giá thanh toán
- Thanh toán mẫu đơn: Xét nghiệm vi khuẩn/vi rút/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm;
- Mẫu gộp: Mức giá lấy và bảo quản bệnh phẩm là 100.000 đồng/mẫu; giá xét nghiệm bằng 634.000 : số mẫu gộp…
- Thời điểm thanh toán: Tính từ ngày 28/5/2021.
- Không thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với trường hợp đã được các nguồn khác chi trả.
Ngày 19/5/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 34/2021/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 năm 2021 tại Việt Nam.
Theo Thông tư này, chi tiền ăn, ở của các đoàn thể thao các nước tham dự, bao gồm cả đoàn thể thao Việt Nam trong thời gian tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 là 1.880.000 đồng/người/ngày. Đồng thời, hỗ trợ cước điện thoại di động đối với mức khoán chi trong thời gian phục vụ Đại hội SEA Games 31 và Đại hội ASEAN Para Games 11 là 400.000 đồng/người/Đại hội cho thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, Ban Tổ chức, Trung tâm điều hành, Tiểu ban;…
Ngoài ra, chi thực hiện phương án chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, cấp cứu, sơ cứu và chữa trị chấn thương cho các đối tượng tham dự, kiểm tra doping, kiểm tra, kiểm dịch bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, bao gồm: Chi mua thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nước sát khuẩn, khẩu trang, trang bị phòng hộ cá nhân phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chi phí xét nghiệm, sàng lọc SARS-Co-V-2; Chi lấy mẫu, thuê kiểm tra doping; Các khoản chi khác có liên quan.
Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát, tổng hợp dự toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức SEA Games 11 và ASEAN Para Games 11 do ngân sách trung ương bảo đảm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 05/7/2021.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn 1854/BVHTTDL-NTBD về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Theo Công văn này, gần đây một số nghệ sĩ, diễn viên, người biểu diễn tham gia hoạt động quảng cáo có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân; một số tổ chức, cá nhân phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đến nhân phẩm, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ và gây bức xúc trong nhân dân.
Để kịp phát huy những mặt tích cực, đồng thời chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.
- Yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quản lý các nghệ sĩ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối các trường hợp có sai phạm.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.