Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Đây là thông tin được người dân hết sức mong chờ và chính thức thông qua tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Nghị quyết đã điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 02 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định cũ.
Nghị quyết có hiệu lực từ 01/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh được xác định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi năm 2012) được xác định lại số thuế TNCN phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Nghị quyết này khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.
Tại Công văn 2025/LĐTBXH-QLLĐNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động theo Chương trình EPS năm 2020.
Nội dung Công văn này nêu rõ: Tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2020 đối với 10 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước đúng hạn từ 28% trở lên và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên.
Các quận, huyện này gồm: Nghi Lộc, Cửa Lò, Nam Đàn (Nghệ An); Đông Sơn, Hoằng Hóa, thành phố Thanh Hoá (Thanh Hóa); Nghi Xuân, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và Bố Trạch (Quảng Bình), Tiền Hải (Thái Bình)...
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn công bố 21 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng lao động không về nước đúng hạn từ 28% trở lên, đồng thời một số địa phương còn nhiều lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đề nghị các tỉnh thực hiện tuyên truyền để họ về nước đúng thời hạn hợp đồng.
Các quận/huyện này cũng tập trung vào các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và thêm 02 huyện thuộc tỉnh Thái Bình và Hải Dương.
Từ ngày 15/5/2020, Chính phủ yêu cầu đi lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng để hạn chế lao động ở lại Hàn Quốc trái phép.
Đồng thời, lao động ở lại nước ngoài trái phép bị phạt đến 100 triệu đồng.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 01/6/2020 của Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội về việc triển khai một số nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chỉ thị nêu rõ, Cục Thuế, Cục Hải quan phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra chuyên ngành, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có doanh thu lớn.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm nhưng không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Song song với quy định về chi ngân sách Nhà nước, UBND thành phố cũng triển khai thực hiện các giải pháp điều hành, cân đối ngân sách do tác động của dịch bệnh Covid-19; triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19…
Tuy nhiên, vẫn có biện pháp phù hợp không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra sau thông quan; khai thác các nguồn thu khác để bù đắp hụt thu ngân sách Nhà nước.
Tuyệt đối tránh cơ chế “xin - cho”, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để xử lý các vướng mắc phát sinh…
Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn 1945/LĐTBXH-QLLĐNN về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt của người lao động theo hợp đồng đã ký và quy định sở tại trong trường hợp phải khám, chữa bệnh, giãn, giảm giờ làm, nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài để đảm bảo người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động trong trường hợp phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh.
Thông tin đầy đủ, rõ ràng tới người lao động các chính sách người lao động được hưởng, trách nhiệm người lao động phải thực hiện liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời quán triệt người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 sẽ không tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia như mọi năm mà chỉ tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ban hành Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Đối với kỳ thi này, Quy chế quy định mỗi tỉnh sẽ tổ chức một Hội đồng thi, do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đó chủ trì. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng thi bao gồm Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, các phòng ban trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng, giáo viên các trường phổ thông tại địa phương.
Như vậy, so với kỳ thi THPT quốc gia, các trường Đại học, Cao đẳng chính thức “đứng ngoài” kỳ thi này.
Có 04 đối tượng được phép tham dự kỳ thi này gồm:
- Người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi;
- Người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT những năm trước;
- Người đã có Bằng tốt nghiệp THPT, người đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh;
- Một số trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Kỳ thi này, thí sinh bị đình chỉ thi sẽ bị hủy kết quả của toàn bộ các bài thi trong kỳ thi của năm đó. Cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật và báo cáo Trưởng Điểm thi hoặc Trưởng Ban coi thi (nếu Trưởng Điểm thi không tán thành đình chỉ).
Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp lại bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng ngay khi quyết định nhưng vẫn phải ở trong khu vực thi cho đến khi hết 2/3 thời gian thi.
Thông tư có hiệu lực từ ngày ký 26/5/2020.
Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ Giao thông Vận tải về tổ chức, hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đã có những quy định chi tiết trong việc kinh doanh xe khách tuyến cố định.
Khoản 2 Điều 18 Thông tư nêu rõ, tại điểm dừng đón, trả khách chỉ cho phép mỗi xe khách được dừng tối đa không quá 03 phút. Điểm dừng đón, trả khách chỉ phục vụ các xe đón, trả khách; không sử dụng cho hoạt động khác.
Liên quan đến điều kiện của xe để thực hiện hoạt động vận tải hành khách, Điều 20 Thông tư có nêu:
- Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi, giường nằm trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe và được đánh số thứ tự lớn dần từ phía trước đến phía sau xe;
- Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn;
- Có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe;
- Phía sau ghế ngồi hoặc bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn gồm các nội dung chính: Quy định dây an toàn phải được cài chặt trước khi xe chạy và hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); hướng dẫn sắp xếp hành lý; bảng cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có); hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm...
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/7/2020.
Ngày 19/5/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 944/2020/UBTVQH14 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được thực hiện như sau:
- Đưa ra khỏi Chương trình:
+ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai;
+ Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
- Thay đổi phạm vi sửa đổi, bổ sung:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10).
- Bổ sung vào Chương trình các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết:
+ Luật Cư trú (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10);
+ Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9);
+ Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9).
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 19/5/2020.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông báo 201/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về giải pháp thúc đẩy du lịch hậu Covid-19 và cơ cấu lại thị trường du lịch.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất kế hoạch nghỉ lễ và kế hoạch nghỉ hè của học sinh phù hợp với mục tiêu kích cầu du lịch, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20/6.
Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị các địa phương chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, nhất là doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với giải pháp thiết thực, kịp thời như cắt giảm các khoản phí, lệ phí, giá vé tham quan, du lịch trên địa bàn.
Chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện, đặc biệt, tổ chức Hội nghị du lịch toàn quốc vào khoảng đầu tháng 08/2020.
Ngày 03/6/2020, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 03/6/2020 nhằm triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy.
Theo Kế hoạch, từ ngày 01/6 đến 30/6/2020, các ngành chức năng, đơn vị sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát (lực lượng 141, 142, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, tổ tuần tra an ninh xã, phường...) trên các tuyến giao thông nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý đối tượng phạm tội về ma túy.
Song song với đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường quản lý trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu; rà soát, thống kê, lên danh sách quản lý người nước ngoài, thuê, mua địa điểm lưu trú... liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất, nhập khẩu tại Việt Nam.
Chủ động phát hiện, khắc phục sơ hở, không để tội phạm lợi dụng vận chuyển, mua bán trái phép ma túy xuyên quốc gia hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, quản lý các loại hình kinh doanh lưu trú (khách sạn, quán bar, karaoke, nhà trọ), cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm có điều kiện về an ninh trật tự, ngăn chặn không để tội phạm ma túy lợi dụng tổ chức, chứa chấp, cưỡng ép, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy. Kịp thời đề xuất, xử lý cơ sở và chủ cơ sở để xảy ra sai phạm...
Tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 04/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Để khắc phục những tồn tại và đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, Thủ tướng giao:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đất đai nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp; mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
- Bộ Công Thương tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, tăng cường xuất khẩu nông sản chính ngạch, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối thị trường trong nước đối với hàng hóa chế biến nông sản, phát triển thương mại điện tử để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
- Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã nâng cấp công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; trong đó ưu tiên đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia…
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.