Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Để xin ý kiến dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 5377/BTC-CST.
Theo Công văn này, hiện nay dịch Covid-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam (hiện nay, một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội) làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế.
Dự báo kinh tế thế giới trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của Covid-19. Nhiều ngành, lĩnh vực trong nước gặp khó khăn; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ (nhất là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải…), cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Để tiếp tục và kịp thời hỗ trợ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư quy định giảm mức thu cho một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19 (nội dung dự thảo Thông tư trên cơ sở kế thừa các mức thu khoản phí, lệ phí đã quy định giảm tại Thông tư 112/2020/TT-BTC và bổ sung thêm giảm 01 khoản phí thuộc lĩnh vực thủy sản theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
(Trong đó, Thông tư 112 có nội dung giảm một nửa lệ phí cấp Căn cước công dân).
Thông tư có hiệu lực từ 01/7/2021 đến 31/12/2021.
Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan liên quan có ý kiến gửi về Bộ Tài chính trước ngày 05/6/2021.
Sáng 28/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 4356/BYT-KHTC hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Về thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với xét nghiệm Covid-19
- Thời điểm và đối tượng thanh toán BHYT: Thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
- Mức giá thanh toán: Theo Công văn 4068/BYT-KH-TC là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm.
- Thanh toán đối với trường hợp mẫu đơn:
+ Tiếp tục áp dụng mức giá dịch vụ số 1735 là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm;
+ Trong trường hợp đơn vị lấy mẫu phải gửi mẫu xét nghiệm cho đơn vị khác thực hiện:
Mức giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm: 117.800 đồng/mẫu
Mức giá thực hiện xét nghệm: 616.200 đồng/mẫu.
- Thanh toán đối với mẫu gộp:
+ Mức giá lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu;
+ Mức giá việc thực hiện xét nghiệm: 634.000 đồng : số mẫu gộp;
+ Trường hợp gộp mẫu phát hiện dương tính, phải tiếp tục làm các xét nghiệm mẫu đơn thì chi phí tính tiếp theo trường hợp mẫu đơn.
Đối với đối tượng không thanh toán BHYT
- Trường hợp mẫu đơn: Mức giá tối đa của dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR từ bệnh phẩm dịch hầu họng (áp dụng cho mẫu đơn) là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm; trong đó:
Mức giá dịch vụ lấy và bảo quản bệnh phẩm: tối đa 117.800 đồng/mẫu
Mức giá thực hiện xét nghệm: tối đa 616.200 đồng/mẫu.
- Trường hợp gộp mẫu: Trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định mức giá cụ thể của dịch vụ 1735 nêu trên có định mức kinh tế kỹ thuật thì xác định chi phí lấy mẫu, chi phí xét nghiệm theo định mức; trường hợp không có định mức thì xác định chi phí lấy mẫu và chi phí xét nghiệm tương đương với tỷ lệ cơ cấu chi phí nêu trên.
Trường hợp không có quyết định phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật, Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời chi phí thực hiện xét nghiệm như sau:
+ Mức giá tối đa lấy và bảo quản bệnh phẩm: 100.000 đồng/mẫu;
+ Mức giá tối đa của việc thực hiện xét nghiệm: 634.000 đồng : số mẫu gộp.
Ngày 31/5/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh.
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 01/6/2021, người dân trên toàn quốc sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.
Theo đó, cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng đầu đọc để quét mã QR Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ BHYT trên ứng dụng VssID (trường hợp này chỉ áp dụng với cơ sở khám, chữa bệnh không có đầu đọc).
Đồng thời, cơ sở khám, chữa bệnh có các giải pháp chống lạm dụng trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT; tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết.
Đây thực sự là bước đi phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam. Người sử dụng thẻ không lo mất, quên thẻ BHYT như đã xảy ra với thẻ giấy và giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh cho cả người bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, việc sử dụng ảnh thẻ BHYT thay cho thẻ giấy còn giúp người dân hạn chế đi lại, không phải giao dịch trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội. Qua đó, cũng góp phần phòng, tránh tập trung đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện thí điểm việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID tại 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong thời gian qua và đã mang lại nhiều tiện lợi cho người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh.
Nhận thấy những lợi ích đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất với Bộ Y tế việc sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong khám, chữa bệnh BHYT tại Công văn 1115/BHXH-TST thống nhất việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh từ ngày 01/6/2021.
Đây là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Bộ Tài chính được ban hành trong Thông báo số 119/TB-VPCP ngày 22/5/2021.
Theo đó, một trong những vấn đề, nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng đặt ra là chuẩn bị nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2022 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.
Đồng thời, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, nhất là chính sách cho người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, một số nhiệm vụ nữa cũng được đề cập đến tại cuộc họp này gồm:
- Hoàn thiện thể chế liên quan đến thị trường chứng khoán, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác, bảo đảm hoạt động hiệu quả, an ninh, an toàn, minh bạch, bền vững;
- Nghiên cứu việc xây dựng Luật Đăng ký và quản lý tài sản, góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này;
- Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong thu chi ngân sách;
- Bảo đảm cân đối thu, chi; tập trung cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm ngay từ khi giao dự toán ngân sách…
Bên cạnh các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 như lực lượng tham gia phòng, chống dịch… thì mới đây, Thủ tướng có đề cập đến việc ưu tiên tiêm cho công nhân tại khu công nghiệp tại Thông báo số 121/TB-VPCP.
Cụ thể, tại cuộc họp chiều 24/5/2021, Thủ tướng Chính phủ nhận định, trong tuần qua, biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 làm dịch bệnh bùng phát mạnh, nhanh trên diện rộng, khó kiểm soát đặc biệt đã xâm nhập sâu vào một số khu công nghiệp.
Tại Thông báo này, Thủ tướng nhấn mạnh cần phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vắc xin sớm nhất, có thể tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng. Đặc biệt, cần phải có kế hoạch, lộ trình tiêm vắc xin bài bản, khoa học, hiệu quả.
Trong đó, ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp; tuyệt đối không để lãng phí nguồn vắc xin có được.
Đồng thời, cần phải rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin cho phù hợp với yêu cầu thực tế, chú ý các cơ sở sản xuất lớn, khu dịch vụ có đông công nhân, người lao động.
Trước đây, tại Quyết định 1210/QĐ-BYT, Bộ Y tế phê duyệt các nhóm đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 theo mức độ ưu tiên dựa vào tình huống dịch và bối cảnh nguồn vắc xin cung cấp tại Việt Nam gồm:
- Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban Chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...);
- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài;
- Lực lượng quân đội; công an;
- Người trên 65 tuổi; Người mắc các bệnh mãn tính; Giáo viên;
- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...
- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ…
Thông báo này được ban hành ngày 25/5/2021.
Ngày 06/5/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư 06/2021/TT-BYT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.
Theo đó, so với việc đang quy định tại hai văn bản là Thông tư liên tịch số 56/2015/TTLT-BYT-BNV và Thông tư 29/2017/TT-BYT, Điều 2 Thông tư này đã ban hành thống nhất điều kiện để viên chức chuyên ngành y tế được đăng ký tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng.
Cụ thể:
- Đang giữ chức danh nghề nghiệp có cùng 4 chữ số đầu trong mã số chức danh nghề nghiệp với chức danh nghề nghiệp đăng ký dự thi hoặc dự xét thăng hạng trừ trường hợp không có hạng dưới liền kề;
- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp;
- Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức;
- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn liền kề hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;
- Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng. Nếu được miễn thi ngoại ngữ, tin học thì được coi là đáp ứng tiêu chuẩn này;
- Được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hoặc sử dụng viên chức cử tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
- Đáp ứng yêu cầu về thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.
Ngày 28/5/2021, Bộ Y tế đã ban hành Công văn khẩn 4352/BYT-MT gửi các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.
Theo Công văn, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hằng tuần cho các đối tượng liên quan và báo cáo kết quả cho Sở Y tế. Các đối tượng phải xét nghiệm hằng tuần bao gồm:
- Toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp như: ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu trú cho chuyên gia, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc ...
- Xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp và khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ.
Quản lý chặt chẽ người lao động đi, đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao. Yêu cầu phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong khu công nghiệp và những người liên quan (người cung cấp dịch vụ, suất ăn, vận chuyển vật tư, hàng hóa...).
Yêu cầu các phương tiện vận chuyển người lao động đảm bảo các quy định phòng, chống dịch gồm giãn cách sử dụng dưới 50% công suất vận chuyển), mở cửa sổ (nếu có) và hạn chế sử dụng điều hòa, vệ sinh khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần đưa đón người lao động và thực hiện 5K.
Khi có ca mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly y tế thì phải thực hiện phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc; Những nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu cách ly.
Ngày 29/5/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2666/QĐ-BYT hướng dẫn sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại Quyết định này, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử phạt các trường hợp có điện thoại thông minh nhưng không thực hiện cài đặt, sử dụng ứng dụng theo quy định trên cơ sở tình hình dịch Covid-19 và điều kiện thực tế tại địa phương.
Hiện nay, có 03 ứng dụng dùng để khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần gồm ứng dụng VHD (VietNam Health Decleration) và tokhaiyte.vn; ứng dụng Bluezone và ứng dụng NCOVI.
Trong đó, người dân có điện thoại thông minh cần cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế để thực hiện khai báo y tế điện tử và sinh mã QR. Khi đến nơi công cộng, tập trung đông người phải cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) và bật chế độ Bluetooth.
Người thuộc diện cách ly y tế hoặc giám sát y tế sau cách ly có điện thoại thông minh phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế (VHD) và ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần.
Đồng thời, sử dụng mã QR được in ra hoặc đã lưu trong điện thoại để thực hiện khai báo y tế và chịu trách nhiệm về các thông tin khai báo y tế của mình. Khi đến các địa điểm cần khai báo y tế, đưa mã QR cho nhân viên kiểm soát thực hiện quét hoặc dùng điện thoại để tự quét mã QR tại điểm đó.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/5/2021.
Đây là nội dung đáng chú ý được Ủy ban nhân dân TP. HCM ban hành tại Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30/5/2021 về triển khai tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, để nhanh chóng kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch, Ủy ban nhân dân chỉ đạo thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị 15 trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 31/5/2021; riêng quận Gò Vấp, phường Thanh Lộc, quận 12 sẽ giãn cách theo Chỉ thị 16.
Đây cũng là mốc thời gian tạm dừng thủ tục cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip trên địa bàn Thành phố; trung tâm thương mại; siêu thị điện máy; trò chơi điện tử có thưởng và casino (trong khách sạn); các hoạt động thẩm mỹ thực hiện tại các cơ sở: bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa…
Đồng thời, với hoạt động vận tải trên địa bàn, Công văn nêu rõ:
- Xe hợp đồng, du lịch, trung chuyển, xe buýt: Đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến;
- Xe khách cố định liên tỉnh: Đảm bảo vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 10 người/chuyến;
- Xe đưa đón công nhân, nhân viên: Tất cả các chuyến xe đều phải đảm bảo việc vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến;
- Taxi, xe ô tô dưới 09 chỗ ứng dụng công nghệ: Vẫn duy trì hoạt động nhưng không được sử dụng điều hòa; phải mở cửa kính xe trong quá trình phục vụ hành khách…
Đặc biệt, các hành khách buộc phải mang khẩu trang, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế…
Tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức tư pháp - hộ tịch được Bộ Nội vụ nêu ý kiến tại Công văn số 2363/BNV-CQĐP ngày 24/5/2021.
Ngày 16/11/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV hướng dẫn về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố trong đó có quy định về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức cấp xã.
Cụ thể, công chức cấp xã phải tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã.
Riêng tại các xã miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên.
Như vậy, theo quy định này, công chức làm công tác tư pháp, hộ tịch phải đạt trình độ từ đại học trở lên trừ ở các địa phương nêu trên thì mới được từ trung cấp trở lên.
Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 72 Luật Hộ tịch, công chức tư pháp, hộ tịch phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch.
Bởi vậy, trong quá trình thực hiện Thông tư 13/2019, Bộ Tư pháp đã có ý kiến đề nghị xem xét, xử lý nội dung yêu cầu về trình độ chuyên môn của công chức tư pháp, hộ tịch phù hợp với Luật Hộ tịch.
Tại Công văn này, tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã và đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh áp dụng tiêu chuẩn trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ với công chức tư pháp, hộ tịch ở cấp xã là có trình độ từ trung cấp luật trở lên…
Nội dung này được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 55/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo đó, điểm a khoản 18 Điều 1 Nghị định số 55 sửa đổi khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP về hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường:
- Từ 100.000 - 150.000 đồng: Vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (hiện nay hành vi này đang bị phạt từ 500.000 - 01 triệu đồng).
- Từ 150.000 - 250.000 đồng: Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (hiện nay nếu vi phạm, người dân có thể bị phạt từ 01 triệu đến 03 triệu đồng).
- Từ 500.000 - 01 triệu đồng: Vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (hiện nay là từ 03 - 05 triệu đồng).
- Từ 01 - 02 triệu đồng: Vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt, đổ nước thải không đúng nơi quy định trên vỉa hè, lòng đường phố (hiện nay đang phạt từ 05 - 07 triệu đồng).
Nghị định này ban hành ngày 24/5/2021 và có hiệu lực từ ngày 10/7/2021.
Mới đây, Bộ Thông tin và truyền thông đã có Văn bản số 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội.
Qua công tác quản lý nhà nước về thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và truyền thông nhận thấy thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng một số đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như: Phát sóng trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm (group chung)... để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.
Trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, Bộ cũng đã yêu cầu xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội Youtube, Facebook vi phạm, trong đó đáng chú ý như: Xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh Timmy tại TP HCM, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương…Gần đây nhất, sáng ngày 29-5, Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM đã có buổi làm việc và yêu cầu một nữ doanh nhân dừng việc livestream trên mạng xã hội do nữ doanh nhân này liên tục có hành vi livestream xúc phạm nhiều cá nhân, nghệ sĩ.
Để kịp thời nắm bắt, có biện pháp chấn chỉnh hiện tượng này, tránh gây tác động xấu tới dư luận xã hội, đặc biệt là với giới trẻ, Bộ Thông tin và truyền thông đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Thông tin và truyền thông, Công an tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao.
Theo đó, Sở Thông tin và truyền thông và công an tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trên địa bàn.
Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.