Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 19/5/2021, Bộ Xây dựng ra Thông tư 03/2021/TT-BXD về việc ban hành QCVN 04:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư, thay thế QCVN 04:2019/BXD.
Theo đó, diện tích tối thiểu của căn hộ được quy định như sau:
- Căn hộ chung cư:
+ Phải có tối thiểu một phòng ở và một khu vệ sinh. Diện tích sử dụng tối thiểu của căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25 m2.
+ Đối với dự án nhà ở thương mại, phải đảm bảo tỷ lệ căn hộ chung cư có diện tích nhỏ hơn 45 m2 không vượt quá 25 % tổng số căn hộ chung cư của dự án.
+ Căn hộ chung cư phải được chiếu sáng tự nhiên. Căn hộ có từ 02 phòng ở trở lên, cho phép một phòng ở không có chiếu sáng tự nhiên.
+ Phòng ngủ phải được thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên. Diện tích sử dụng của phòng ngủ trong căn hộ chung cư không được nhỏ hơn 9 m2.
- Căn hộ lưu trú:
+ Diện tích sử dụng của căn hộ lưu trú không nhỏ hơn 25 m2.
+ Các yêu cầu khác quy định theo tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng về căn hộ lưu trú.
- Văn phòng kết hợp lưu trú:
+ Diện tích sử dụng của văn phòng kết hợp lưu trú không nhỏ hơn 25 m2, trong đó diện tích của khu vực làm việc tối thiểu 9 m2 Không bố trí bếp trong văn phòng kết hợp lưu trú.
+ Các yêu cầu khác quy định theo các tiêu chuẩn được lựa chọn áp dụng về thiết kế văn phòng kết hợp lưu trú.
Ngày 19/5/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định 2606/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 04 kể từ ngày 27/4/2021.
Người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch được hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/người. Mức hỗ trợ đối với đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí Công đoàn); đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung, được hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người.
Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí Công đoàn) có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.
Đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách cấp trên cơ sở tham gia công tác chống dịch tại địa phương có dịch, mức chi hỗ trợ từ 100.000 - 150.000 đồng/người/ngày nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/người. Cán bộ Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị được chi hỗ trợ từ 80.000 - 120.000 đồng/người/ngày nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người.
Cán bộ công đoàn tham gia công tác phòng, chống dịch bị nhiễm Covid-19 (F0) hoặc phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung được áp dụng chế độ theo quy định như đối với đoàn viên, người lao động.
Riêng đối với lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch gồm các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, mức hỗ trợ từ 10 - 50 triệu đồng/đơn vị.
Đoàn viên, người lao động thuộc nhiều đối tượng nêu trên được hưởng mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đã được hỗ trợ ở mức thấp, sau đó lại chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 02 mức hỗ trợ. Riêng với lao động nữ mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi thì được hưởng mức hỗ trợ tối đa.
Nội dung này được Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành tại Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, Công điện quy định, yêu cầu tất cả người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở về Hà Nội từ ngày 10/5/2021 - 24/5/2021 đều phải khai báo y tế trên website http://tokhaiyte.vn và các ứng dụng NCOVI, Bluezone, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25/5/2021.
Riêng từ ngày 25/5/2021, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có mặt tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Công điện cũng yêu cầu tạm dừng các hoạt động của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, chỉ cho phép bán mang về; cửa hàng gội đầu, cắt tóc; không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 từ 12 giờ ngày hôm nay - ngày 25/5/2021.
Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, làm việc trực tuyến. Đặc biệt, phải thực hiện dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.
Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý, đóng trên địa bàn cũng được đề nghị đăng ký xét nghiệm cho nhân viên, người lao động. Trong đó, kinh phí xét nghiệm sẽ do các tổ chức, doanh nghiệp quản lý người lao động chi trả…
Công điện này ban hành ngày 24/5/2021.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM Nguyễn Thành Phong kết luận như vậy trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 21/5/2021 tại Công văn số 1641/UBND-VX.
Ngày 21/5/2021, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Với các ca bệnh xuất phát từ các quán ăn gia đình (vừa và nhỏ) được phát hiện, ông Phong đặt vấn đề có nên đóng cửa tất cả các quán kinh doanh vừa và nhỏ hay không?
Sau góp ý của đại diện các quận huyện và TP Thủ Đức, Ông Nguyễn Thành Phong kết luận, đối với quán ăn nhỏ ven đường, UBND TP.HCM cho bán mang về, hoặc bán online, không cho bán tập trung. Người mang hàng về nhà phải mang khẩu trang. Và nếu vi phạm thì áp dụng phạt nguội thông qua hệ thống camera, các biện pháp, thiết bị khác trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Còn với các nhà hàng ăn uống có trên 10 lao động, ông đề nghị không tập trung quá 20 người, khi hoạt động phải thực hiện giãn cách. Nhà hàng, khách sạn cũng tương tự, không được tập trung quá 20 người.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), thời điểm áp dụng từ 18h ngày 21/5/2021.
Trước đó, UBND TP.HCM quy định tùy sự kiện, tùy điều kiện mà quyết định số người tham gia các sự kiện, hội họp. Tuy nhiên trong bối cảnh này, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các sự kiện hội họp, các sự kiện lễ hội tôn giáo không tập trung quá 30 người; ở nơi công cộng, phạm vi trường học, bệnh viện, công sở không tập trung quá 20 người, phải thực hiện giãn cách.
Ông Nguyễn Thành Phong tái khẳng định TP.HCM đang xuất hiện 03 chuỗi lây bệnh ở Công ty Q.3; quán ăn Q.3 và tiệm cơm ở Q.Gò Vấp. Trong đó đáng lo ngại bệnh nhân ở Thủ Đức nhiệm virus biến chủng ở Ấn Độ, rất nguy hiểm được WHO cảnh báo.
Theo ông Phong, tính đến nay, 30 tỉnh thành có dịch. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp nhận trên 100 ca mỗi ngày (tăng 3 con số). Trong đó tiêu điểm vẫn là các khu công nghiệp với gần 1.000 ca mắc. "Trong các ca lây nhiễm trong cộng đồng, có đến 52,5% các ca xuất phát từ khu công nghiệp", ông Phong cảnh báo.
Vói các ca lây nhiễm, ông Phong đề nghị các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức phải xác định công tác chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm số 1, cấp bách, khẩn cấp nhất hiện nay. Muốn đạt việc này cần phải kiểm soát các nhóm nguy cơ; cán bộ công chức, viên chức gương mẫu đi đầu vận động người thân trong gia đình phòng chống dịch...
Kết luận tại cuộc làm việc về công tác phòng, chống Covid-19, những vấn đề trọng tâm, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất được Văn phòng Chính phủ ban hành tại Thông báo số 113/TB-VPCP.
Theo đó, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện để sớm ban hành và tổ chức thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi một cách có hiệu quả là một trong những yêu cầu Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Ngoài ra, tại Thông báo này, Thủ tướng cũng đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm khác như:
- Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cấp bách lúc này là phòng, chống đại dịch Covid-19: Bằng mọi biện pháp có thể và nhanh nhất, hiệu quả để tiếp cận nguồn và mua bằng được vaccine, tổ chức tiêm chủng trên diện rộng sớm nhất cho toàn dân;
- Kiên quyết thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục bằng được tình trạng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân; thực hiện thi đua, khen thưởng kịp thời; kỷ luật phải nghiêm minh, đúng người, đúng việc…
- Công tác tuyển dụng phải căn cứ vào nhu cầu và phù hợp với vị trí việc làm, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ…
Thông báo này được ban hành ngày 18/5/2021.
Nội dung này được Bộ Y tế yêu cầu tại Công văn 4191/BYT-TT-KT phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế cho biết trước đó ngày 20/5/2021, Bộ Y tế đã nhận được văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo văn bản, trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 và ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng ở mỗi người dân, tạo nên tâm thế bình tĩnh đối phó, chiến thắng dịch bệnh trong cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, một số phương thức và nội dung cung cấp thông tin về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc công bố công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 gần đây đã bộc lộ nhiều bất cập.
Những thông tin này được báo chí đăng tải, mạng xã hội phát triển, suy diễn khiến cho dư luận cộng đồng bám theo bình luận, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ.
Vì thế, Bộ Y tế đề nghị:
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là đơn vị) bảo đảm cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chuẩn xác về diễn biến của dịch bệnh Covid-19.- Các đơn vị không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân.
Các đơn vị chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với Covid-19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo hướng dẫn của ngành y tế.
Các đơn vị chỉ đạo, quán triệt các nhân viên y tế của đơn vị mình thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám chữa bệnh: không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào thông tin cá nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ...) của bệnh nhân mắc Covid-19.Tại Thông báo 116/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã nêu kết luận về nguyên nhân xảy ra đợt dịch lần này.
Theo đó, từ ngày 27/4/2021, từ khi có đợt dịch thứ 04 đến ngày 19/5/2021, cả nước đã có nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tại 28 tỉnh, thành phố. Đây là đợt dịch có diễn biến phức tạp, khó lường, do chủng mới của vi rút có độ nguy hiểm cao, lây lan nhanh và khó chữa trị.
Đợt dịch này có nhiều nguyên nhân gồm:
- Nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh;
- Quản lý nhập cảnh, đấu tranh ngăn chặn nhập cảnh trái phép, quản lý cư trú, kiểm soát và xử lý cư trú trái phép chưa chặt chẽ, còn có sơ hở;
- Tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh của một số cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, kể cả cơ quan, đơn vị Nhà nước và một bộ phận nhân dân;
- Quản lý cách ly người nhập cảnh, theo dõi y tế sau cách ly thiếu chặt chẽ, sơ hở, chủ quan;
- Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm đầy đủ yêu cầu 04 tại chỗ;
- Tại các địa phương, đơn vị chưa có dịch bệnh nên chưa có kinh nghiệm, còn chậm trễ, lúng túng, bị động ứng phó khi có dịch;
- Một số quy định, quy chế quản lý Nhà nước về phòng, chống dịch còn bất cập, hạn chế, chưa đồng bộ, chưa sát thực tế.
Mặc dù đến giờ, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước và từng bước tại các tỉnh đang có dịch nhưng cần phải hết sức tránh đồng thời cả hai khuynh hướng: Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác (nhất là khi không có dịch) và hốt hoảng, hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh, thiếu bản lĩnh khi ứng phó dịch bệnh.
Đặc biệt, phải xác định chống dịch như chống giặc, kế thừa kinh nghiệm, cách làm tốt có hiệu quả từ 03 đợt dịch trước…
Công văn 1986/BGDĐT-CNTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố danh sách một số máy tính bỏ túi được mang vào trong phòng thi trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021.
Theo Công văn này, về nguyên tắc chung: Máy tính bỏ túi được phép mang vào phòng thi là các máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ để lưu trữ dữ liệu và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp.
Danh sách một số máy tính bỏ túi thông dụng được phép mang vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 là:
- Casio FX-500 MS, FX-570 MS, FX-570ES Plus, FX-570VN Plus, FX580VN X;
- VinaCal 500MS, 570MS, 570ES Plus, 570ES Plus II, 570EX Plus, 680EX Plus;
- Catel NT CAVIET NT-570ES Plus II, NT-570ES Plus, NT-500MS, NT570VN Plus, NT-580EX, NT-570NS, NT-690VE X;
- Thiên Long FX590VN Flexio, FX680VN Flexio; - Deli W1710, WD991ES; - Eras E370, E371, E372, E380;
- Vinaplus FX-580VNX PLUS II, FX-580 X;
và các máy tính bỏ túi tương đương đáp ứng theo quy định.
Để tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1983/BGDĐT-GDTrH ngày 14/5/2021.
Đến nay, học sinh lớp 12 đã hoàn thành chương trình và đang tập trung ôn thi tốt nghiệp; hầu hết các địa phương trong cả nước bảo đảm hoàn thành năm học trước ngày 31/5/2021.
Tại Công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ ở cấp giáo dục mầm non mà thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà;
- Tập trung chỉ đạo hoàn thành chương trình năm học với học sinh lớp 1 để kịp thời tổ chức đánh giá một năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng dẫn.
- Tổ chức tốt cho học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp theo hướng kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục. Đặc biệt quan tâm đến các đối tượng F1, F2 đang phải thực hiện cách ly được tham gia ôn thi bằng hình thức trực tuyến;
- Rà soát, xác định rõ từng đối tượng học sinh và xây dựng kịch bản cụ thể để bảo đảm an toàn cho mọi học sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 trong điều kiện có dịch bệnh Covid-19.
Đáng lưu ý: Công văn này còn quy định, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo trường học an toàn mới cho học sinh đến học tập…
Đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết này là cải cách cơ bản chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, giao Bộ Nội vụ xây dựng và triển khai chế độ tiền lương mới. Thời gian thực hiện từ 2021 - 2025.
Ngoài ra, cũng theo Nghị quyết này, Chính phủ còn đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm khác để tập trung phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội như:
- Cải cách tổng thể, hệ thống, đồng bộ chính sách tiền lương theo hướng tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương.
- Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tính chuyên nghiệp cao và quy định rõ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu;
- Tập trung giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở cho người dân, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân khu công nghiệp và các đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở.
- Hoàn thành dứt điểm việc xóa nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố trên địa bàn cả nước…
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.