Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Công văn 3382/BTNMT-ĐĐ ngày 15/5/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện quy định của pháp luật về đất đai, trong đó đề nghị các địa phương đẩy mạnh cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất.
Theo Công văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Uỷ ban nhân dân các địa phương rà soát, ban hành theo thẩm quyền các văn bản để tổ chức thực hiện Nghị định 10/2023/NĐ-CP.
Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trong đó, tập trung rà soát, chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở và trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải dự án phát triển nhà ở theo quy định của Nghị định 10/2023.Trường hợp tài sản là công trình xây dựng trên đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (như khách sạn, condotel, biệt thự du lịch, officetel...), các địa phương cấp sổ đỏ theo quy định tại Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP và khoản 4 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP).
Mục đích, thời hạn sử dụng đất được xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật đất đai tại thời điểm ban hành quyết định.
Trường hợp nhà chung cư có mục đích hỗn hợp được xây dựng trên đất ở, trong đó có một phần diện tích sàn nhà chung cư được sử dụng làm khách sạn, căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, thương mại dịch vụ... mà chủ đầu tư đã thực hiện chuyển nhượng phần diện tích này đúng quy định thì việc cấp sổ đỏ được thực hiện theo Điều 32 Nghị định 43/2014.
Việc thể hiện thông tin về hình thức sử dụng, mục đích sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất trên trang 2 của Giấy chứng nhận được thực hiện như sau: Về hình thức sử dụng ghi “sử dụng chung” theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT.
Về mục đích sử dụng đất ghi “đất ở tại nông thôn” hoặc “đất ở tại đô thị” theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT.
Về thời hạn sử dụng đất ghi “lâu dài” theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 6 của Thông tư 23/2014/TT-BTNMT đối với người mua phần diện tích được sử dụng làm khách sạn, căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, thương mại dịch vụ,….
Đối với chủ đầu tư ghi thời hạn sử dụng đất theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm ban hành quyết định.
Xem thêm nội dung Công văn 3382/BTNMT-ĐĐ.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.Ngày 12/5/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 27/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng.
Theo đó, mức thu phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được quy định như sau:
Công trình dân dụng, mức thu từ 0,019% - 0,165%;
Công trình công nghiệp, mức thu từ 0,022% - 0,19%;
Công trình giao thông, mức thu từ 0,014% - 0,109%;
Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, mức thu từ 0,014% - 0,121%;
Công trình hạ tầng kỹ thuật, mức thu từ 0,017% - 0,126%.
- Đối với mức thu phí thẩm định dự toán xây dựng:
Công trình dân dụng, mức thu từ 0,018% - 0,16%;
Công trình công nghiệp, mức thu từ 0,02% - 0,185%;
Công trình giao thông, mức thu từ 0,012% - 0,106%;
Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, mức thu từ 0,014% - 0,117%;
Công trình hạ tầng kỹ thuật, mức thu từ 0,014% - 0,122%.
Phí thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, phí thẩm định dự toán xây dựng tối đa không quá 150 triệu đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định và tối thiểu không dưới 500.000 đồng/chi phí thẩm định/cơ quan thẩm định.
Thông tư 27/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
Nếu có bất cứ vướng mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được LuatVietnam tư vấn chi tiết.Đây là nội dung được Chính phủ quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Từ ngày 01/7/2023, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được tăng lương cơ lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Nguồn kinh phí thực hiện tăng lương cơ sở được quy định như sau:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương:
Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 tăng thêm so với 2022 đã được cấp có thẩm quyền giao;
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu phí thực hiện trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định sau khi trừ các chi phí liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí;
Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa dùng hết chuyển sang (nếu có).
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được giao;
Sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao;
Sử dụng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có);
Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ của năm 2023 sau khi trừ các chi phí liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng số thu từ việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.
- Ngân sách Trung ương bổ sung kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan ở Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Kinh phí cải cách tiền lương của viên chức, người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 do đơn vị tự đảm bảo theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Nghị định 24/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.
Nếu có vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi đến tổng đài 19006192 để được tư vấn.Ngày 12/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 23/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế.
Nghị định 23/2023/NĐ-CP bổ sung Điều 6a vào sau Điều 6 Nghị định 89/2016/NĐ-CP về điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới như sau:
Tổ chức kinh tế chỉ được hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới sau khi được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới xem xét cấp Giấy chứng nhận bao gồm:
- Điều kiện về trụ sở chính, chi nhánh:
Có trụ sở chính tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh biên giới;
Hoặc có trụ sở chính và chi nhánh tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn một tỉnh biên giới; hoặc
- Hoặc có trụ sở chính tại tỉnh biên giới và chi nhánh tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn một tỉnh biên giới.
- Điều kiện về địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới: Có địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh;
- Có quy trình nghiệp vụ đổi tiền của nước có chung biên giới; Có bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại nơi giao dịch;
- Được tổ chức tín dụng ủy quyền ủy quyền làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới;- Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cho một tổ chức tín dụng ủy quyền.
Nghị định 23/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2023.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.
Quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước được ban hành kèm Thông tư 06/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Quy chế sử dụng cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức quy định về cách thức khai thác, sử dụng dữ liệu như sau:
- Các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia bằng tài khoản do Bộ Nội vụ cung cấp.
- Truy cập thông qua cổng thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước tại địa chỉ https://ccvc-portal.moha.gov.vn (sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước) hoặc sử dụng các dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên cơ sở bảo đảm an toàn thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.Về lưu trữ cơ sở dữ liệu:
- Dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương, Cơ sở dữ liệu quốc gia theo phân cấp quản lý và được sao lưu định kỳ hàng tháng, tối thiểu 03 tháng trên phương tiện lưu trữ chuyên dụng để dự phòng rủi ro.
- Việc lưu trữ, sao lưu phải tuân thủ các quy định của Đảng,bảo vệ bí mật nhà nước, cơ yếu, bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, an toàn, an ninh thông tin, pháp luật về lưu trữ.
Về chuyển giao, tiếp nhận dữ liệu:
- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác đến cơ quan, đơn vị khác của Nhà nước thì đồng thời với việc chuyển giao hồ sơ theo quy định, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện như sau:
Cơ quan đang quản lý có trách nhiệm thực hiện hủy quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của cơ quan mình đối với cán bộ, công chức, viên chức đó;
Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày chuyển giao hồ sơ, cơ quan tiếp nhận tạo lập tài khoản cá nhân cho cán bộ, công chức, viên chức được tiếp nhận; đồng bộ dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức đó từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Cơ sở dữ liệu của mình để phục vụ hoạt động quản lý theo thẩm quyền;
Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm truy cập vào tài khoản cá nhân của mình trên Cơ sở dữ liệu của cơ quan, đơn vị tiếp nhận để kiểm tra thông tin, dữ liệu, thực hiện cập nhật thông tin, dữ liệu nếu cần thiết.
- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thay đổi công tác; chuyển công tác ra khỏi cơ quan, đơn vị Nhà nước; thôi việc; nghỉ hưu; qua đời thì dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức đó vẫn được lưu trữ tại thư mục riêng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương.
Thông tư 06/2023/TT-BNV có hiệu lực ngày 05/5/2023.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.Ngày 15/5/2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-BVHTTDL hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.
Thông tư 06 hướng dẫn danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch từ Trung ương đến địa phương trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch từ Trung ương đến địa phương, gồm:
- Cơ quan, tổ chức hành chính thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
- Cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.
- Cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.
Thông tư nay ban hành các Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch:
- Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch được quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
- Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch quy định tại Phụ lục IIA, Phụ lục IIB và Phụ lục IIC kèm theo Thông tư này.
- Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong các cơ quan, tổ chức hành chính quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.
Thông tư 06/2023/TT-BVHTTDL có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2023.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.Ngày 17/5/2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn 1451/UBND-KSTTHC về việc cấp Căn cước công dân gắn chíp và đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
Để phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cấp tài khoản định danh điện tư, tăng tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
Toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị hoàn thành 100% thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp và đăng ký, kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNelD trong tháng 5/2023.
Đồng thời vận động, tuyên truyền đến gia đình, người thân và bạn bè về các tiện ích của thẻ Căn cước công dân gắn chíp, định danh điện tử trên nền tảng ứng dụng VNelD để chủ động sắp xếp thời gian hợp lý sớm thực hiện việc đăng ký làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp và tài khoản định danh điện tử.
Lưu ý, đối với tài khoản định danh mức 1, thực hiện trực tiếp đăng ký thông qua ứng dụng VNelD di động. Đối với tài khoản định danh mức 2, đến cơ quan công an cấp huyện, cấp xã (không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú) và làm thủ tục đăng ký.
Khi kích hoạt thành công và đăng nhập sử dụng ứng dụng VNelD mới được tính là cấp tài khoản định danh điện tử thành công.Xem đầy đủ nội dung Công văn 1451/UBND-KSTTHC.
Nếu có vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi đến tổng đài 19006192 để được tư vấn.
Ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Từ tháng 11/2021, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, là bước ngoặt quan trọng thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trở lại về cả du lịch nội địa và quốc tế.
Du lịch ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Để ngành Du lịch phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, nhằm tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về công tác ngoại giao kinh tế, phát huy vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong cung cấp thông tin, quảng bá, giới thiệu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về mở rộng diện áp dụng miễn thị thực đơn phương. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành thúc đẩy đàm phán Hiệp định miễn thị thực với các nước, đặc biệt là các đối tác có trình độ phát triển tương đồng hoặc cao hơn Việt Nam.
Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu, đánh giá và báo cáo Chính phủ về mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử (E-visa).
Đánh giá, tổng kết chính sách cấp thị thực điện tử, nghiên cứu mở rộng diện được cấp thị thực điện tử để báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Cải tiến mạnh mẽ quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh tại các cửa khẩu đường hàng không, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời, có biện pháp quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Xem thêm các nội dung khác của Nghị quyết 82/NQ-CP
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.