Điểm tin Văn bản mới số 18.2020

Điểm tin văn bản

Tài chính-Ngân hàng
Do Covid-19: Không bắt buộc hộ kinh doanh gửi thông báo ngừng kinh doanh trước 15 ngày

Bộ Tài Chính đã ban hành Công văn 5310/BTC-TCT ngày 29/4/2020 để tăng cường hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Công văn này nêu rõ: Theo quy định, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh (gọi chung là cá nhân kinh doanh) có đăng ký kinh doanh khi ngừng/nghỉ kinh doanh phải thực hiện gửi thông báo đến cơ quan Đăng ký kinh doanh và cơ quan Thuế chậm nhất 15 ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh.

Cá nhân kinh doanh chỉ đăng ký thuế thì thời hạn gửi thông báo tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan Thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, căn cứ chỉ đạo tại Chỉ thị 11/CT-TTg, Bộ Tài chính yêu cầu:

- Các cơ quan Thuế tiếp nhận và giải quyết cho tất cả các thông báo ngừng nghỉ của cá nhân kinh doanh không phụ thuộc vào thời gian gửi thông báo ngừng nghỉ kinh doanh đến cơ quan Thuế;

- Trường hợp có thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc tạm ngừng/nghỉ do dịch bệnh mà có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân kinh doanh thì cơ quan Thuế kiểm tra và xem xét giải quyết việc ngừng/nghỉ của cá nhân kinh doanh theo quy định.

Y tế-Sức khỏe
Chùa, Nhà thờ… sinh hoạt tôn giáo bình thường

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo 177, Ban Tôn giáo Chính phủ vừa ban hành Công văn 304/TGCP-VP về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19.

Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo hướng dẫn tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo bình thường, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với các hoạt động tôn giáo tập trung đông người phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; thực hiện các biện pháp khử khuẩn các cơ sở tôn giáo bảo đảm thông thoáng, vệ sinh.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh của tổ chức Giáo hội, như phòng thuốc nam, Tuệ Tĩnh đường, phòng khám... được hoạt động bình thường, giám sát sức khỏe cho người dân và tín đồ tại cộng đồng; phục vụ, chăm sóc và khám chữa bệnh cho người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn...

Thông tin, tuyên truyền trên các website của các Giáo hội về các điểm du lịch tâm linh, các cơ sở tôn giáo là danh lam, thắng cảnh để phát huy du lịch tâm linh trong nội địa và chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam tham quan danh thắng của tôn giáo trong thời điểm thích hợp khi Chính phủ Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế.

63 tỉnh, thành phố đều thuộc nhóm nguy cơ thấp với Covid-19

Tại Thông báo 177/TB-VPCP về kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã có nhận định về tình hình dịch Covid-19 trên cả nước.

Cụ thể, Thủ tướng nhận định tất cả các địa phương trên toàn quốc đều ở mức nguy cơ thấp, thậm chí rất thấp lây nhiễm dịch bệnh. Vì thế, Thủ tướng đồng ý cho phép tiếp tục nới lỏng các hạn chế: Bỏ giãn cách và giới hạn số chỗ trên phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe khách, tàu thủy, tàu hỏa…); Đồng ý cho mở lại và bỏ quy định giãn cách đối với các cơ sở, sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ (trừ vũ trường, dịch vụ karaoke)...

Thủ tướng đánh giá cao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương, đặc biệt là ngành y tế đã có nhiều cố gắng thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, do diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp; số người nhiễm, số người tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn ở mức cao, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại.

Song song với thực hiện phòng, chống dịch bệnh, các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp phải đồng thời khôi phục, phát triển nền kinh tế.

Cán bộ-Công chức-Viên chức
Hà Nội tổ chức xét thăng hạng giáo viên mầm non, tiểu học năm 2020

Ngày 06/5/2020, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1833/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổ chức xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III năm 2020 với giáo viên mầm non, tiểu học tại các cơ sở giáo dục công lập.

Đối tượng được dự xét phải đáp ứng các điều kiện:

- Là viên chức chuyên ngành giáo dục, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý;

- Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng IV;

- Đang làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học công lập thuộc thành phố;

- Có khả năng đảm nhận hoặc đang làm việc ở vị trí việc làm phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III.

Việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mầm non, tiểu học từ giáo viên hạng IV lên giáo viên hạng III được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III của mỗi cấp học.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã tổ chức thẩm định hồ sơ và chịu trách nhiệm cử giáo viên có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn dự xét thăng hạng; phối hợp tổ chức thực hiện kỳ xét thăng hạng theo đúng quy định của pháp luật.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề
Điều chỉnh công tác đánh giá giáo viên theo Chuẩn năm học 2019 - 2020

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 1595/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn đánh giá theo Chuẩn và bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác đánh giá theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên, Chuẩn hiệu trưởng (gọi chung là Chuẩn) năm học 2019 - 2020 như sau:

- Lùi thời gian đánh giá và báo cáo kết quả đánh giá theo Chuẩn. Hạn báo cáo kết quả tổng hợp đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo Chuẩn gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm học (theo thời gian thực tế);

- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông bổ sung những minh chứng của quá trình quản lý, tổ chức dạy học qua Internet và dạy học trên truyền hình để làm căn cứ đánh giá kết quả đạt được của các tiêu chí theo Chuẩn.

Công văn này ban hành ngày 08/5/2020.

Danh sách các trường cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trên cả nước

Danh sách này được Cục Quản lý chất lượng/Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tại Thông báo số 691/TB-QLCL ngày 08/5/2020.

Cụ thể:

* 14 trường tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Tiếng Anh):

- Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh;

- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế;

- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội;

- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng;

- Đại học Thái Nguyên;

- Đại học Cần Thơ;

- Đại học Hà Nội;

- Đại học Sư phạm Hà Nội;

- Đại học Vinh;

- Học viện An ninh nhân dân;

- Đại học Sài Gòn;

- Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh;

- Đại học Trà Vinh;

- Đại học Văn Lang.

* 134 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin:

- Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng;

- Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng;

- Trung tâm phát triển phần mềm - Đại học Đà Nẵng;

- Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế;

- Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế;

- Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế;

- Viện Quốc tế Pháp ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội;

- Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội;

- Trường Đại học An Giang - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh;

- Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…

Hà Nội: Giáo viên vi phạm giao thông bị hạ thi đua

Đây là điểm đáng chú ý tại Công văn 1362/SGDĐT-CTTT do Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội ban hành về việc tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trường học, an toàn giao thông trong những tháng cuối năm học 2019 - 2020.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội yêu cầu tăng cường kiểm tra công vụ, phê bình, kiểm điểm, hạ thi đua đối với cán bộ, công chức, viên chức khi vi phạm giao thông.

Đồng thời, nhà trường phối hợp cùng chính quyền các cấp thực hiện nghiêm cấm phương tiện xe cơ giới lưu hành hoặc dừng đỗ trái phép trong giờ học tại các khu vực sân trường, trên vỉa hè, lòng đường xung quanh cổng trường học.

Các nhà trường phải bố trí chỗ để xe cho cán bộ, giáo viên, học sinh phù hợp để hạn chế tối đa đi lại trong sân trường.

Tiếp nhận thông tin xử lý các trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và gửi kết quả xử lý của đơn vị về cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.

Giao thông
Bỏ quy định giãn cách trên máy bay, xe khách... từ 07/5

Ngày 06/5/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn 4306/BGTVT-CYT hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải hành khách trong tình hình mới.

Tại Công văn này, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...) từ 0h ngày 07/5/2020.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch như đeo khẩu trang đúng cách tại các khu vực công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe...) và trên phương tiện vận tải hành khách trong suốt hành trình; Thực hiện khai báo y tế; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 60% nồng độ cồn); Kiểm tra thân nhiệt...

Hạn chế giao tiếp, ăn uống trên phương tiện vận tải hành khách; Khử khuẩn các bề mặt trên phương tiện vận tải hành khách trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi.

Từ ngày 08/5, ô tô, máy bay không còn hạn chế số chuyến

Ngày 07/5/2020, Bộ Giao thông Vận tải ra Công văn hỏa tốc số 4393/BGTVT-VT yêu cầu khôi phục hoạt động khai thác của các phương tiện vận tải hành khách trong nước.

Nhằm đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân phù hợp với thực tế, đồng thời tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tại Công văn này, Bộ yêu cầu:

- Các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện khôi phục hoạt động vận tải trong nước của các phương tiện vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy...) trở lại bình thường. Thời gian áp dụng từ 00 giờ 00 ngày 08/5/2020.

- Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục: Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam trong phạm vi quản lý phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm bắt tình hình vận tải hành khách tại địa phương và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải hành khách trong tình hình mới theo đúng quy định.

Chính sách
Đẩy mạnh hỗ trợ do Covid-19 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công điện 04/CĐ-LĐTBXH về việc thực hiện Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác chi trả cho các đối tượng, đẩy mạnh việc chi trả trực tiếp qua tài khoản ngân hàng của người dân và người lao động. Đối với các địa phương đang thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện thì tiếp tục triển khai theo quy định.

Đồng thời, phải chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường nhân lực phục vụ, bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng giải quyết, không để tình trạng bức xúc kéo dài.

Công nghiệp
Tiết kiệm điện là tiêu chí đánh giá công chức hoàn thành nhiệm vụ

Để thúc đẩy cả nước phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg.

Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể - xã hội phổ biến, quán triệt việc thực hiện tiết kiệm điện tới toàn thể người lao động. Đồng thời, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hằng năm.

Mỗi cơ quan, công sở phối hợp với cơ quan điện lực sở tại xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện cho đơn vị mình, đảm bảo hằng năm tối thiểu tiết kiệm 5,0% tổng điện năng tiêu thụ trong năm; Tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống điện quốc gia.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị 34/CT-TTg.

Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!

Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM

Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919

Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724

Email: [email protected]

Lưu ý:

* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.

* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.