Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Công văn 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022 của Bộ Tài chính về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Hiện nay Bộ Tài chính đang rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá đất ban hành 05 năm một lần và hàng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.
Do đó, để đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố:- Đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường đã có giá theo Bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất: Ban hành Bảng giá đất (trong đó bao gồm cả hệ số điều chỉnh giá đất) nhằm tạo điều kiện cho công tác tính thuế theo quy định nêu trên.
- Đối với các vị trí đất, đoạn đường, đường chưa có giá tại Bảng giá đất: Ban hành kịp thời Quyết định điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất cụ thể đối với từng vị trí, đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thực tế trên thị trường và giá bán ra của chủ đầu tư.
- Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan thường xuyên khảo sát để xây dựng cơ sở dữ liệu giá giao dịch từ chuyển nhượng bất động sản làm căn cứ để tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm sát với giá giao dịch thực tế trên thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.
- Đối với hồ sơ chuyển nhượng bất động sản nộp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm phổ biến pháp luật, tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế rõ vị trí, đường phố, cách xác định và áp dụng cụ thể giá của từng loại bất động sản.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Đây là nội dung được nêu tại Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp:
Theo Điều 7, doanh nghiệp gửi danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Mẫu số 02 đến cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.
Doanh nghiệp gửi hồ sơ theo quy định đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ gộp 02 tháng hoặc 03 tháng.
Theo Điều 11, trước ngày 15 hằng tháng, người sử dụng lao động gửi danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Mẫu số 03 đến cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động.
Người sử dụng lao động gửi hồ sơ theo quy định đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8/2022.
Nếu còn vướng mắc liên quan, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được tư vấn cụ thể.
Ngày 29/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 29/2022/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Điều 11 Nghị định này quy định chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19 như sau:
- Đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, từ nguồn thu sự nghiệp của cơ sở y tế công lập:
+ Được hưởng tiền lương, tiền công, phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật trong thời gian điều trị do bị nhiễm Covid-19. Trong đó quỹ bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau, ngân sách Nhà nước chi trả phần còn lại;
+ Được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian điều trị Covid-19.
- Đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhưng không tham gia đóng bảo hiểm xã hội được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian điều trị Covid-19.
- Đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước ngoài các chế độ trên còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần:
+ Người tham gia phòng, chống dịch từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 30 ngày: 1.855.000 đồng/người;
+ Người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 từ 30 ngày liên tục trở lên mức 3.710.000 đồng/người.
Nếu còn thắc mắc liên quan, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 04/5/2022, Cục Y tế dự phòng đã ban hành Công văn 460/DP-DT về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Theo Công văn, tính đến ngày 03/5/2022 trên thế giới đã ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 04 trường hợp tử vong.
Bệnh này xảy ra ở trẻ từ 01 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% phải ghép gan.Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Đa số trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại vi rút phổ biến gây viêm gan vi rút cấp tính (vi rút viêm gan A, B, C, D và E).
Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra. Tuy nhiên các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao vi rút Adeno. Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong; Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur:- Theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới; phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân..
- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan vi rút, trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 01 tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao.
- Thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chuyên môn và giám sát, phòng chống bệnh viêm gan vi rút, tổ chức tập huấn đào tạo cho cán bộ y tế tại các địa phương trên địa bàn Viện phụ trách.
- Phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện các nghiên cứu, điều tra về bệnh viêm gan vi rút để cung cấp thêm thông tin, bằng chứng và tham mưu cho Bộ Y tế trong việc xây dựng chính sách, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật phòng chống bệnh viêm gan vi rút.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Bộ Y tế tiếp tục ban hành Công văn số 2329/BYT-DP ngày 09/5/2022 về việc tiếp tục tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Theo thông tin cập nhật mới nhất, trên thế giới hiện nay đã có ít nhất 169 trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ từ 01 tháng tuổi - 16 tuổi tại 12 quốc gia. Trong đó, có một bệnh nhi đã tử vong và 17 trường hợp khác phải ghép gan. Đặc biệt, tại châu Á đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4/2022.
Tại Công văn này, Bộ Y tế nêu rõ, các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính có các biểu hiện như: Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Tuy nhiên các bệnh nhi đều không bị sốt, không phát hiện nhiễm vi rút phổ biến gây viêm gan vi rút cấp như viêm gan A, B, C, D và E.
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan ở các bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra nhưng các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao vi rút Adeno.
Để chủ động giám sát và hạn chế tối đa trường hợp tử vong tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường lấy mẫu xét nghiệm trường hợp vi ngờ viêm gan không rõ nguyên nhân. Nếu phát hiện bất thường, không rõ nguyên nhân thì phải báo cáo ngay để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Đồng thời, tăng cường tiêm phủ vắc xin viêm gan B cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng để đảm bảo không tồn tại khu vực có tỷ lệ tiêm thấp, đặc biệt là với trẻ sơ sinh.
Không chỉ vậy, Bộ Y tế còn yêu cầu thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm trường hợp nhiêm vi rút viêm gan để điều trị và kịp thời hạn chế biến chủng.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được gặp chuyên gia pháp lý của LuatVietnam.
Ngày 06/5/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM đã có Công văn số 1396/SGDĐT-TCCB về việc thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức năm học 2021-2022.
Theo đó, việc gửi hồ sơ, báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức về Sở Giáo dục và Đào tạo được hướng dẫn như sau:
- Về thành phần hồ sơ, bao gồm:
+ Biên bản tổ chức họp đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức của đơn vị (Mẫu số 01);
+ Biên bản họp (cấp ủy)/văn bản về ý kiến nhận xét, đánh giá của cấp ủy đảng đơn vị nơi viên chức công tác (Mẫu số 02);
+ Bảng tồng hợp Danh sách kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức của đơn vị (do đơn vị tự thiết kế biểu mẫu);
+ Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức quàn lý của đon vị;
+ Bảng báo cáo tổng họp kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức của đơn vị năm học 2021-2022.
- Về thời hạn và hình thức nộp hồ sơ:
+ Từ ngày 25/5/2022 - ngày 31/5/2022.
+ Gửi hồ sơ giấy theo đúng thành phần quy định đến Phòng Tổ chức cán bộ.
+ Gửi tập tin Biểu mẫu báo cáo tổng họp kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức năm học 2021-2022 (gồm 02 mẫu được thiết kê bằng file excel) về địa chỉ e-mail: [email protected]; [email protected].
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 28/4/2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ.
Cụ thể, Điều 7 Quyết định này quy định 05 bước luân chuyển cán bộ như sau:
Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp uỷ, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát và đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.
Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.
Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển. Đồng thời, lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.
Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển.
Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.
Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).
Hồ sơ cán bộ luân chuyển tương tự như hồ sơ bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định hiện hành. Thời gian luân chuyển ít nhất là 03 năm (36 tháng).
Nếu còn vướng mắc liên quan, bạn đọc gọi ngay tổng đài 1900.6192 để được tư vấn cụ thể.
Đây là một trong những nội dung trọng tâm được nêu tại Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022.
Theo đó, tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong tháng 5/2022.
Đồng thời, việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng được Chính phủ yêu cầu Bộ này triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân cũng như người lao động.
Không chỉ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại Nghị quyết 63 này, Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ Luật Đất đai sửa đổi để báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 thông qua Nghị quyết về đất đai.
Bên cạnh đó, các văn bản khác liên quan đến lĩnh vực đất đai như Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, Bộ này cũng phải khẩn trương hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung nhằm quản lý đất đai một cách chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý việc sử dụng đất sai mục đích, chuyển mục đích trái luật, trình Chính phủ trong tháng 5/2022.
Về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Chính phủ yêu cầu chuẩn bị điều kiện tốt nhất để tổ chức một cách an toàn, nghiêm túc, chất lượng, công bằng và khách quan...
Nghị quyết này được ban hành ngày 03/5/2022. Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 05/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị, Nghị quyết đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như:
- Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai).
- Xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.
- Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh.
- Đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại;
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị; đầu tư xây dựng thêm các cầu qua Sông Hồng, Sông Đuống. Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.- Mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài; nghiên cứu, xây dựng thêm 01 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc.
- Phấn đấu đến năm 2025 có 03 - 05 huyện và đến năm 2030 có thêm 01 - 02 huyện phát triển thành quận.
- Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội...Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.
Ngày 29/4/2022, Bộ Công thương đã ra Quyết định 820/QĐ-BCT ban hành Khung giá phát điện năm 2022.
Cụ thể, khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện than được quy định như sau:
Mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và cơ sơ hạ tầng dùng chung) áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện than:
Nhà máy điện chuẩn | Công suất tinh (MW) | Mức trần (đồng/kWh) |
Than | 2x600 MW | 1.773,76 |
- Suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85%: 2409,51 kcal/kWh (công suất tinh 2x600MW).
- Nhiệt trị than (HHV): 5.205 kcal/kg.
- Giá than (chưa bao gồm thuế VAT và chi phí vận chuyển): 1.845.000 đồng/tấn (than nội địa).
- Tỷ giá đồng/USD: 23.090.
Về khung giá phát điện cho nhà máy thủy điện:
Mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy thuỷ điện là 1.110 đồng/kWh.
Khung giá phát điện này áp dụng cho các đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện đấu nối với hệ thống điện quốc gia có tổng công suất lắp đặt trên 30MW, các nhà máy điện có công suất lắp đặt từ 30 MW trở xuống tự nguyện tham gia thị trường điện.
Căn cứ khung giá phát điện và chi tiết thông số nhiên liệu sử dụng tính toán khung giá phát điện cho nhà máy nhiệt điện than, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện đàm phán giá mua bán điện thực tế tuân thủ quy định pháp luật về phương pháp xác định giá phát điện và quản lý chi phí đầu tư xây dựng do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Nếu gặp vướng mắc liên quan, bạn đọc vui lòng gọi tới tổng đài 1900.6192 để được hỗ trợ.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.