Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Ngày 29/4/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư 04/2021/TT-BYT hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) theo định suất.
Theo đó, khoản 1 Điều 2 Thông tư này nêu rõ:
Quỹ định suất là số tiền được xác định trước, giao cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế trong phạm vi định suất, trong khoảng thời gian nhất định
Trong đó, phạm vi định suất với cơ sở từ tuyến huyện trở xuống là toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú trong phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT nhưng không bao gồm các chi phí khám, chữa bệnh của các đối tượng sau đây:
- Chi phí của người có mã thẻ quân đội (QN), cơ yếu (CY), công an (CA);
- Chi phí vận chuyển người bệnh có thẻ BHYT;
- Toàn bộ chi phí của lần khám, chữa bệnh BHYT có sử dụng dịch vụ kỹ thuật thận nhân tạo chu kỳ hoặc dịch vụ kỹ thuật lọc màng bụng hoặc dịch lọc màng bụng;
- Toàn bộ chi phí của lần khám, chữa bệnh BHYT có sử dụng thuốc chống ung thư hoặc dịch vụ can thiệp, điều trị bệnh ung thư với người bệnh bị chẩn đoán ung thư; có sử dụng thuốc chống thải ghép với người ghép tạng; có sử dụng thuốc điều trị viêm gan C của người bị bệnh viêm gan C…
Phạm vi định suất với cơ sở tuyến tỉnh, tuyến Trung ương: Áp dụng với tất cả cơ sở có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh ngoại trú trong phạm vi định suất của người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phát sinh tại cơ sở và cũng trừ các chi phí nêu trên…
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021.
Việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nêu tại Công văn số 1135/BHXH-TCKT.
Cụ thể, tại Công văn này, BHXH Việt Nam đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5, tháng 6/2021 vào cùng một kỳ chi trả (xong trước ngày 20/5/2021).
Đồng thời, BHXH các tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh xây dựng phương án chi trả tháng 5, tháng 6/2021 vào cùng một kỳ chi trả phù hợp với từng địa bàn tránh tập trung đông người đảm bảo an toàn cho người hưởng theo đúng Công điện, Thông báo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
- Thông báo cho người hưởng biết các nội dung thay đổi về phương thức chi trả, thời gian chi trả và địa điểm chi trả để người hưởng biết, thực hiện.
- Yêu cầu nhân viên chi trả, người hưởng phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, đặc biệt phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn ... theo đúng quy định;
- Chuẩn bị sẵn sàng khẩu trang, sát khuẩn miễn phí tại điểm chi trả để phục vụ nhân viên chi trả và người hưởng trong trường hợp người hưởng không có khẩu trang;
- Kết hợp vận động khuyến khích người hưởng thanh toán các dịch vụ thuế, điện, nước, học phí, viện phí… qua ngân hàng…
Công văn này được ban hành ngày 29/4/2021.
Ngày 02/5/2021, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Công điện hỏa tốc số 05/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trong những ngày vừa qua, từ ca bệnh dương tính SASR-CoV-2 sau khi kết thúc cách ly tập trung đã lây lan ra nhiều tỉnh/thành phố khác, trong đó có Hà Nội.
Dự kiến trong thời gian tới sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5, sẽ có lượng lớn người từ các địa phương về Hà Nội và người Hà Nội đi nghỉ 30/4 và 01/5 trở lại thành phố, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, không để lây lan bệnh trên địa bàn, Hà Nội yêu cầu tăng cường quản lý người trở lại Hà Nội sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5, cụ thể:
- Yêu cầu tất cả người dân khi quay trở lại Thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 01/5 bắt buộc phải khai báo y tế trên tokhaiyte.vn hoặc khai báo y tế bằng mã QR-Code, ứng dụng công nghệ thông tin/khai báo trực tiếp với chính quyền địa phương nơi cư trú theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc các biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh COVID-19 khác cần phải đến ngay các cơ sở Y tế gần nhất hoặc trạm Y tế xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
- Thủ trưởng các đơn vị, cơ quan trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học viên, sinh viên và người lao động khác... trực thuộc.
- Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm về việc khai báo y tế của người dân không thuộc mục 2.2 trên địa bàn...
Ngày 27/4/2021, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành hướng dẫn quản lý các trường hợp đề nghị nhập cảnh Việt Nam để phòng, chống Covid-19 kèm Công văn số 3440/CV-BCĐ.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm việc xem xét phê duyệt các đối tượng xin nhập cảnh trong đó chú ý việc xác nhận, xác thực đối tượng nhập cảnh của các doanh nghiệp phải đảm bảo đúng đối tượng ưu tiên.
Cụ thể, các đối tượng được xem xét đề nghị nhập cảnh vào Việt Nam được quy định cụ thể tại hướng dẫn ban hành kèm Công văn này gồm:
- Người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý kinh doanh, lao động kỹ thuật cao (chuyên gia) và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con).
- Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con).
- Học sinh, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam;
- Công dân Việt Nam gồm doanh nhân; trí thức; học sinh, sinh viên; người già; người đi thăm thân, du lịch hết hạn; lao động hết hạn hợp đồng; hết hạn học tập, bị kẹt ở nước ngoài; người ra nước ngoài khám, chữa bệnh; người hết hạn visa.
- Các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo và các trường hợp đặc biệt khác.
Lưu ý: Các trường hợp được xem xét nhập cảnh phải phù hợp với các đối tượng trên. Đồng thời, các trường hợp xin nhập cảnh mang tính nhân đạo, các trường hợp đặc biệt khác phải có ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Hôm qua (27/4/2021), Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã phát đi Công điện số 03/CĐ-CT về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội.
Tại Công điện, Hà Nội thể hiện quyết tâm không để lây lan dịch bệnh trên địa bàn Thành phố bằng những hành động cụ thể như sau:
- Công an quận/huyện, xã/phường/thị trấn tăng cường rà soát và yêu cầu các trường hợp tạm trú, tạm vắng… trên địa bàn sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trở lại Hà Nội bắt buộc phải khai báo y tế, xử lý nghiêm những người không khai báo hoặc khai báo không trung thực;
- Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn… đúng quy định.
- Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội bảo đảm an toàn nhưng không vượt quá quy mô cần thiết, không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ; hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
- Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch.
Hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 vừa được Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021.
Thời gian qua, việc chẩn đoán mắc Covid-19 chủ yếu dựa vào xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR. Ngoài ra, nước ta còn phát triển kỹ thuật xét nghiệm nhanh kháng nguyên phát hiện vi rút SARS-CoV-2.
Trong đó, việc xét nghiệm nhanh có ưu điểm thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút, có thể sử dụng ngoài phòng xét nghiệm, chi phí thấp hơn so với xét nghiệm Realtime RT-PCR, cho kết quả tốt nhất trong vòng 5-7 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng.
Một số nghiên cứu cho rằng, xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính trong khi các xét nghiệm có độ nhạy cao như Realtime RT-PCR cho kết quả dương tính. Điều này có nghĩa, xét nghiệm nhanh có độ nhạy thấp hơn nên có thể cho kết quả âm tính giả.
Ở cộng đồng có tỷ lệ mắc thấp, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính cũng chưa thể xác định tình trạng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mà cần được khẳng định lại bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR.
Do đó, xét nghiệm nhanh không thể thay thế cho xét nghiệm Realtime RT-PCR mà chỉ dùng để hỗ trợ giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc Covid-19. Loại xét nghiệm này cũng áp dụng tại các cơ sở đủ năng lực và có thể thực hiện xét nghiệm nhanh theo hướng dẫn của nhà sản xuất…
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Công văn số 1650/BGDĐT-QLCL công bố hệ thống hỗ trợ công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm nay.
Theo đó, thí sinh cần lưu ý liên hệ theo email và số điện thoại sau nếu có thắc mắc về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học.
- Hỗ trợ về Kỳ thi tốt nghiệp THPT
+ Gửi Email đến: [email protected];
Thời gian tiếp nhận: từ ngày 27/4 - 20/8/2021.
+ Gọi điện thoại đến số 024.32181386,
Chỉ hỗ trợ trong giờ hành chính theo lịch sau:
- Đợt 1: Từ ngày 27/4/2021 đến ngày 11/5/2021;
- Đợt 2: Từ ngày 06/7/2021 đến ngày 09/7/2021.
- Hỗ trợ xét tuyển trình độ đại học
+ Gửi Email đến: [email protected];
Thời gian tiếp nhận từ ngày 27/4 - 31/12/2021.
+ Gọi điện thoại đến số 024.32181386
Chỉ hỗ trợ trong giờ hành chính theo lịch sau:
- Đợt 1: Từ ngày 27/4/2021 đến ngày 11/5/2021;
- Đợt 2: Từ ngày 06/8/2021 đến ngày 01/9/2021.
Công văn 1650 được ban hành ngày 26/4/2021.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Công văn 1614/BGDĐT-GDMN về khảo sát lấy ý kiến về Bộ chuẩn phát triển trẻ em 05 tuổi.
Tham gia khảo sát bao gồm:
- Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non đã dạy lớp mẫu giáo 05 tuổi trong 05 năm gần đây;
- Toàn bộ giáo viên mầm non đang dạy các lớp mẫu giáo 05 tuổi
Người tham gia khảo sát ước tính tỷ lệ % trẻ em 05 tuổi tại địa bàn xã/phương nơi trường đóng đạt từng chỉ số phát triển trong 120 chỉ số của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 05 tuổi ban hành kèm theo Thông tưu 23/2010/TT-BGDĐT.
Người tham gia khảo sát bằng cách trả lời online theo 01 trong 02 cách dưới đây:
Thời gian hoàn thành việc khảo sát trước ngày 30/4/2021.
Đây là nội dung nổi bật được đề cập tại Thông báo 90/TB-VPCP ngày 03/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình, kết quả công việc của Bộ Nội vụ, những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 để có giải pháp phù hợp tiếp tục thực hiện và nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Bộ Nội vụ cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chống sách nhiễu, gây phiền hà về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện nghiêm 03 không "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" khi giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo Thủ tướng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì liên quan đến con người và lợi ích, vì thế phải nghiên cứu kỹ, cân nhắc nhiều mặt, lắng nghe ý kiến nhiều, phản biện, thảo luận kỹ lưỡng, xem xét toàn diện để có quyết định đúng đắn, phù hợp, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các bộ, ngành cho phù hợp trong tình hình mới theo hướng một cơ quan có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện; xây dựng Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, lấy nhân dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm đầu mối, tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế, rà soát không thực hiện cấp “hàm”, phòng trong vụ, thực hiện đúng các quy định về tiêu chí thành lập tổ chức; cương quyết giảm chi thường xuyên cho bộ máy và con người để tăng chi cho đầu tư phát triển...
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.