Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Nội dung này được Tổng cục Thuế ban hành tại Công điện hỏa tốc số 05/CĐ-TCT ngày 20/4/2021 về việc triển khai Nghị định số 52 năm 2021 của Chính phủ.
Theo đó, ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhâp doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
Tại Công điện này, Tổng cục Thuế nêu rõ:
Người nộp thuế thuộc đối tượng gia hạn gửi giấy đề nghị gia hạn một lần cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế. Thời hạn nộp giấy đề nghị gia hạn chậm nhất là ngày 30/7/2021
Trong đó, tại Nghị định số 52, thời gian gia hạn được nêu cụ thể như sau:
- Gia hạn 05 tháng với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3/2021 - 6/2021 và quý 1, quý 2/2021;
- Gia hạn 04 tháng với số thuế giá trị gia tăng tháng 7/2021;
- Gia hạn 03 tháng với số thuế giá trị gia tăng tháng 8/2021;
- Gia hạn 03 tháng với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021.
- Gia hạn 06 tháng tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021.
Đáng lưu ý: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân năm 2021 chậm nhất là ngày 31/12/2021.
Đây là yêu cầu mới nhất của Thủ tướng được nêu tại Công điện hỏa tốc số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm các biện pháp:
- Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng;
- Tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định…
- Bộ Y tế:
- Rà soát, hoàn chỉnh các phương án phòng, chống dịch ở quy mô quốc gia, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh;
- Rà soát, hoàn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp trong tình hình mới, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn trong các sự kiện, hoạt động có tập trung đông người, tại các cơ sở thường xuyên tập trung đông người;
- Khẩn trương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19...;
- Tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.
- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới;
- Tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 3256/BYT-DP về tổ chức cho trẻ uống bổ sung Vitamin A và tẩy giun đợt 1 năm 2021.
Theo đó, chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 năm nay sẽ được triển khai vào ngày 01 – 02/6/2021 tại 41 tỉnh, thành và đối với trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi.
Riêng tại 22 tỉnh có nguy cơ cao, sẽ kết hợp uống Vitamin A cho trẻ từ 06 – 60 tháng tuổi và tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi trong đợt 1 này. Trong các tỉnh có nguy cơ cao, có: Bắc Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Tĩnh…
Cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống thuốc cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi đã hết các dấu hiệu chống chỉ định này.
Sau khi uống, trẻ sẽ được giữ lại theo dõi trong ít nhất 30 phút. Trẻ không được uống trong thời gian diễn ra Chiến dịch, sẽ được bố trí uống bù để bảo đảm không sót đối tượng. Việc tổ chức cho trẻ uống bù cũng cần phải được bảo đảm an toàn theo đúng nguyên tắc. Công văn được ban hành ngày 23/4/2021.
Quyết định 2019/QĐ-BYT vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 27/4/2021, về Danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh giai đoạn 2020 - 2025.
Theo Danh sách được công bố, có 21 tỉnh, thành thuộc vùng mức sinh thấp, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang.
33 tỉnh thuộc vùng mức sinh cao gồm: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đăk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng yên, Đăk Lăk, Bắc Kan, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Nam.
09 tỉnh, thành thuộc vùng mức sinh thay thế gồm: Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước.
Danh sách nêu trên được lấy làm cơ sở để xây dựng các chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch có liên quan đến thực hiện mục tiêu Chính lược Dân số Việt Nam đến 2030.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 27/4/2021.
Hôm qua (26/4/2021), Bộ Y tế đã ra Quyết định số 2008/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2).
Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp được Bộ Y tế chỉ ra bao gồm: Sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
Khoảng hơn 80% người bệnh chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Khoảng gần 20% bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu đến khi diễn biến nặng thường khoảng 7 - 8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: Viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện… Trong đó có khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực.
Thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày, trung bình từ 5 - 7 ngày.
Các trường hợp bênh nghi ngờ gồm:
- Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác;
- Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có tiền đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ/xác định nhiễm Covid-19 trong 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 26/4/2021.
Ngày 15/4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.
Điều 4 của Thông tư chỉ rõ, văn bằng do các trường nước ngoài cấp được công nhận ở trong nước nếu chương trình giáo dục có thời gian học, nghiên cứu phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam và đáp ứng một trong hai điều kiện:
- Chương trình giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng tương ứng với hình thức đào tạo;
- Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cho phép đào tạo, cấp bằng hoặc đã được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước nơi cơ sở giáo dục nước ngoài đặt trụ sở chính kiểm định chất lượng.
Người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp các thông tin về văn bằng tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ hoặc của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trong một số trường hợp sau đây, người học không cần phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng:
- Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định, thỏa thuận về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà Việt Nam ký kết do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố;
- Văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi học bằng ngân sách Nhà nước;
- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ ngày 01/7/2019.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.
Ngày 23/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 540/CĐ-TTg về việc tăng cường quản lý hoạt động tổ chức các chuyến bay đưa người nhập cảnh Việt Nam.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp nhập cảnh đồng thời đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 về việc tổ chức các chuyến bay chuyên chở nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao người nước ngoài và thân nhân nhập cảnh Việt Nam và công dân, lao động, học sinh Việt Nam về nước;
- Tăng cường phối hợp, giám sát, quản lý chặt chẽ công tác tổ chức chuyến bay, đảm bảo tần suất, đối tượng và số lượng người, chuyến bay theo kế hoạch được duyệt;
- Các Bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Quốc phòng, Giao thông Vận tải và các địa phương liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao giải quyết nhanh, thuận lợi, công khai việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc…;
- Đồng thời, xem xét kỹ, giải quyết phù hợp các trường hợp nhập cảnh ngắn ngày, nhất là trong thời gian từ nay đến ngày 31/5/2021, trừ các trường hợp đối ngoại do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan đề xuất…
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.