Cảm ơn quý khách đã gửi báo lỗi.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện tiếp tục phòng chống dịch Covid-19, ngày 23/4/2020, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 965/ATTP-NĐTT triển khai các nội dung này.
Theo đó, Công văn yêu cầu người đi ăn tại các hàng quán phải rửa tay sạch trước và sau khi ăn; giữ vệ sinh, hạn chế di chuyển, không nói to, cười đùa trong khi ăn uống. Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tiếp xúc giữa nhân viên chế biến, phục vụ và người sử dụng thực phẩm; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở.
Cùng với đó, đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín. Đối với bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, chế xuất, căng tin… có đông người ăn uống cần bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống.
Đồng thời, khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng, có thể trang bị thêm dung dịch khử khuẩn; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng; có đủ thùng đựng rác thải, có nắp đậy và có lót túi...
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông báo 164/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, việc phân loại các tỉnh theo các nhóm nguy cơ đã có sự điều chỉnh theo chiều hướng tích cực:
Hà Nội từ nhóm nguy cơ cao, được đưa xuống nhóm có nguy cơ. Tuy nhiên, một số địa bàn của thủ đô vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao, trong đó có Mê Linh, Thường Tín và một số nơi có ca nhiễm chưa qua 14 ngày.
Hà Giang, Bắc Ninh cũng được xếp là nhóm có nguy cơ, nhưng cũng tương tự như Hà Nội, huyện có bệnh nhân dương tính thì đó là nơi “nguy cơ cao”.
Như vậy, từ 23/4, trên cả nước chỉ còn một số huyện của Hà Nội, Bắc Ninh và Hà Giang được xếp vào nhóm nguy cơ cao, tiếp tục thực hiện cách ly xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16.
Cũng theo Thủ tướng, những sự kiện lễ hội, thể thao tập trung đông người… đều chưa được tổ chức hoạt động trở lại trên cả nước. Các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đều phải có biện pháp giãn cách.
Kết luận buổi họp, Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành có thẩm quyền quyết định việc mở cửa cửa hàng, các hoạt động sản xuất hàng hóa, kinh doanh, dịch vụ. Cụ thể, lãnh đạo địa phương phải xác định nguy cơ cụ thể của từng nơi trên địa bàn để có giải pháp cho phù hợp.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành giáo dục tổ chức cho học sinh trở lại trường an toàn, chu đáo.
Chỉ thị 19/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/4/2020 với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến các biện pháp thực hiện phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh.
Đáng chú ý, theo Chỉ thị này, địa phương có nguy cơ (Hà Nội) phải:
- Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;
- Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi tiếp xúc;
Các tỉnh, thành có mức nguy cơ thấp cần:
- Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;
- Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 01m khi tiếp xúc.
Các địa phương có nguy cơ cao (một số huyện của Hà Nội, Bắc Ninh và Hà Giang) vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
So với các yêu cầu trước đây của Thủ tướng, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa người với người đã được rút ngắn từ 2m xuống còn 1m. Mức độ giãn cách xã hội đã được nới lỏng, tuy nhiên, tại Chỉ thị này, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm “chống dịch như chống giặc”. Chỉ thị 19 cũng nêu rõ chủ trương của Thủ tướng về những cơ sở kinh doanh được và chưa được mở cửa trên cả nước.
Để hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc, nghỉ hè đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2019 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 1366/BGDĐT-NGCBQLGD.
Theo Công văn này, do khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 đã điều chỉnh, thời gian nghỉ hè của giáo viên năm học này sẽ được tính bắt đầu từ sau ngày kết thúc năm học (theo thời gian thực tế) đến ngày tựu trường năm học 2020 - 2021.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng trường cũng như các công việc của từng giáo viên, hiệu trưởng bố trí cho giáo viên nghỉ hè hoặc nghỉ hằng năm một cách hợp lý đảm bảo theo đúng quy định.
Đối với chế độ làm việc của giáo viên cùng với các chế độ chính sách khác liên quan (kiêm nhiệm, thừa giờ…), Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, trong học kỳ II, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho học sinh học tại nhà. Giáo viên thực hiện các công việc như: dạy học, giáo dục trẻ em, học sinh, kiểm tra đánh giá học sinh… thông qua các công cụ trực tuyến như Internet, trên truyền hình.
Do đó, khi xác định chế độ làm việc của giáo viên, cần xác định số tiết thực dạy và quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi).
Ngoài ra, giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì Hiệu trưởng quy đổi thành số tiết dạy phù hợp.
Ngày 22/4/2020, Bộ Giao thông Vận tải ra Công văn số 3864/BGTVT-VT về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, từ 00 giờ ngày 23/4/2020 cho đến khi có thông báo mới, việc vận chuyển hành khách được thực hiện như sau:
* Đối với đường bộ:
- Liên tỉnh:
+ Xe khách: Chỉ hoạt động tối đa đến 30% đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% đối với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu 01 chuyến/tuyến);
+ Xe hợp đồng, du lịch: Chỉ hoạt động tối đa đến 30% tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ và tối đa đến 50% tổng số xe của đơn vị kinh doanh vận tải với các tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ thấp (tối thiểu 01 xe/đơn vị kinh doanh vận tải).
- Nội tỉnh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc vận chuyển hành khách.
* Đối với hàng không:
- Đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại: 20 chuyến bay (khứ hồi)/ngày;
- Đường bay Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng và ngược lại: 06 chuyến bay (khứ hồi)/ngày/đường bay;
- Đường bay Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh đi các địa phương khác: Mỗi hãng 01 chuyến (khứ hồi)/ngày/đường bay;
- Đường bay giữa các địa phương khác có điểm đi/đến không phải Hà Nội/TP. Hồ Chí Minh: Mỗi hãng 01 chuyến (khứ hồi)/ngày.
* Đối với đường sắt:
- Tuyến Hà Nội đi TP. Hồ Chí Minh: Tối đa 03 đôi tàu khách/ngày;
- Các tuyến còn lại: Mỗi tuyến 01 đôi tàu khách/ngày.
Bộ Y tế đã ban hành Công văn 2251/BYT-DP hướng dẫn tổ chức tiêm chủng trong tình hình dịch Covid-19.
Theo Công văn này, các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và có nguy cơ tiếp tục thực hiện các nội dung tại Công văn 1853/BYT-DP (tạm dừng tổ chức tiêm chủng) cho đến khi có chỉ đạo mới.
Đối với các tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp, được triển khai tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng tự nguyện nhưng phải đảm bảo an toàn tiêm chủng và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Lập kế hoạch buổi tiêm chủng phù hợp, tiêm chủng theo các khung giờ khác nhau để tránh tập trung đông người, đảm bảo không quá 20 người trong cùng một thời điểm tại một khu vực tiêm chủng và giữ khoảng cách tối thiểu 02m giữa người với người.
Các khu vực chờ trước tiêm chủng, khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm chủng phải được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, khử khuẩn. Bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn để người đến tiêm chủng có thể sử dụng.
Cán bộ y tế và người đến tiêm chủng phải đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên. Những người có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 thì không đến buổi tiêm chủng.
Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Công văn số 1360/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn kiểm tra, đánh giá học kỳ II năm học 2019 - 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22/4/2020.
Theo đó, đối với số lần kiểm tra cho điểm (đầu điểm) thường xuyên và kiểm tra định kỳ, giảm 1/3 số đầu điểm nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu:
* Đối với kiểm tra thường xuyên:
- Môn học có từ 01 tiết trở xuống/tuần: Ít nhất 01 đầu điểm;
- Môn học có từ 01 - 03 tiết/tuần: Ít nhất 02 đầu điểm;
- Môn học có từ 03 tiết trở lên/tuần: Ít nhất 03 đầu điểm.
* Đối với kiểm tra định kỳ:
- Môn học có từ 02 tiết trở xuống/tuần: Ít nhất 01 đầu điểm;
- Môn học có từ 02 tiết/tuần: Ít nhất 02 đầu điểm.
Ngoài ra, Công văn còn nêu, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh hoạt động đánh giá thường xuyên bằng các hình thức như vấn đáp, phỏng vấn, kiểm tra ngắn/nhanh dạng viết hoặc trên máy tính, báo cáo thuyết trình, kết quả/sản phẩm học tập (bài viết, bài tập về nhà, tiểu luận…).
Đối với hoạt động Giáo dục nghề phổ thông ở lớp 11 và các hoạt động giáo dục khác, các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh nội dung dạy học, thời gian dạy học và kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình thực tế.
Những yêu cầu nêu trên được áp dụng với các cơ sở giáo dục có thực hiện chương trình giáo dục cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Ngày 23/4/2020, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 141A/TANDTC-VP về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Công văn này, kể từ ngày 23/4/2020, các Tòa án, đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao phải đưa các vụ án, vụ việc đã bị tạm dừng ra xét xử, giải quyết theo quy định của pháp luật nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Tập trung lên lịch xét xử, giải quyết các vụ việc kể cả vào ngày thứ bảy, chủ nhật để bảo đảm tiến độ, thời hạn giải quyết.
Trường hợp không có đủ phòng họp, phòng xét xử thì tổ chức thuê phòng họp, bố trí phòng xét xử đáp ứng đủ điều kiện.
Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cũng yêu cầu ưu tiên đưa ra xét xử, giải quyết các vụ việc chuẩn bị hết thời hạn xét xử, giải quyết; các vụ án liên quan đến phòng chống dịch Covid-19; các vụ việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; các vụ việc nghiêm trọng dư luận xã hội quan tâm...
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương
Điều kiện hỗ trợ:
- Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng, từ 01 tháng liên tục trở lên, tính từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020 và thời điểm tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 01/6/2020;
- Đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương;
- Làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trình tự thực hiện:
- Doanh nghiệp tiến hành lập danh sách người lao động đủ điều kiện; đề nghị công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ quan BHXH xác nhận danh sách;
- Trong 03 ngày làm việc, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của người lao động và gửi doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị kèm theo bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; bản sao báo cáo tài chính năm 2019, quý I năm 2020; các giấy tờ chứng minh tài chính khác của doanh nghiệp đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở;
- Trong 03 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
- Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả.
Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và bị mất việc làm
Điều kiện hỗ trợ:
- Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn 01 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị trong thời gian từ 01/4/2020 đến ngày 30/6/2020;
- Cư trú hợp pháp tại địa phương;
- Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 02 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, UBND cấp tỉnh quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác ngoài các đối tượng nêu trên.
Nguồn kinh phí hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động được bảo đảm từ các nguồn tài chính hợp pháp của các Công ty xổ số kiến thiết.
Trình tự thực hiện:
- Lập hồ sơ đề nghị gửi UBND cấp xã sau ngày 15 hàng tháng. Trường hợp người lao động có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách và ngược lại;
- Trong 05 ngày làm việc, UBND cấp xã rà soát và lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ; niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong 02 ngày làm việc; tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi UBND cấp huyện;
- Trong 02 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
- Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Cảm ơn Quý khách đã dành thời gian đọc bản tin của chúng tôi!
Trung tâm luật việt nam - Công ty CP truyền thông quốc tế INCOM
Tại Hà Nội: Tầng 3, Tòa nhà IC, 82 phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội - Hotline: 0938 36 1919
Tại TP.HCM: Tầng 3, Tòa nhà PLS, 607-609 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028. 39950724
Email: [email protected]
Lưu ý:
* Bản tin tóm tắt nội dung văn bản chỉ mang tính chất tổng hợp, không có giá trị áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Để hiểu đầy đủ và chính xác quy định pháp luật, khách hàng cần tìm đọc nội dung chi tiết toàn văn bản.
* Nếu không muốn tiếp tục nhận bản tin, phiền Quý khách hàng vui lòng click vào đường link dưới đây https://luatvietnam.vn/huy-dang-ky-nhan-ban-tin.html Quý vị sẽ nhận được yêu cầu xác nhận lần cuối cùng trước khi hủy bỏ địa chỉ email của mình khỏi danh sách.